Tài chính xanh đóng góp quan trọng vào phát triển bền vững

Tài chính xanh đóng góp quan trọng vào phát triển bền vững 15/09/2023 09:40:00 3294

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tài chính xanh đóng góp quan trọng vào phát triển bền vững

15/09/2023 09:40:00

(Thoibaotaichinhvietnam.vn) Tài chính xanh là xu hướng trên toàn thế giới, với sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ các nước cũng như hệ thống tài chính của từng quốc gia, khu vực. Với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm phát thải khí methane vào năm 2030, nhu cầu đầu tư của Việt Nam vào các dự án giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ ngày càng lớn. Do vậy, tài chính xanh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Huy động nhiều nguồn lực phát triển thị trường tài chính xanh

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, với cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế về nền kinh tế "zero" khí thải nhà kính vào năm 2050 tại COP26, cho nên Nhà nước đã xác định phát triển tài chính xanh ở Việt Nam là hướng đi đúng đắn để huy động vốn cho nền kinh tế xanh.

Hệ thống pháp luật về tài chính xanh tại Việt Nam đã được quan tâm và xây dựng sau khi Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh được ban hành năm 2014. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng một số nghị định, thông tư khuyến khích phát triển tài chính xanh, để tài chính xanh thật sự là kênh dẫn vốn và điều tiết nguồn lực cho phát triển xanh, phát triển bền vững. Chính sách huy động cả từ khu vực tài chính công, các định chế tài chính lớn cũng như từ khu vực tư, các tổ chức tài chính vi mô.

Tuy nhiên, việc phát triển tài chính xanh là cả một quá trình dài, bởi nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về tài chính xanh còn khá hạn chế. Chính sách, luật pháp nhằm thực sự khuyến khích, ưu đãi phát triển tài chính xanh, các sản phẩm tài chính xanh cũng đang dần hoàn thiện. Tại một cuộc hội thảo gần đây,

TS. Trần Văn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội khóa XIII, đã nhận định việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về tài chính xanh, xác định những cơ hội và thách thức về tài chính xanh là rất cần thiết để dẫn chuyển từ nhận thức thành tự giác ưu tiên sử dụng các sản phẩm, công nghệ xanh.

Trên thực tế, việc chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức đối với Việt Nam. Từng phát biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã khẳng định, bên cạnh nguồn lực công, những năm gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế, thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh.

Theo thống kê, từ năm 2019-2023, Việt Nam đã phát hành trái phiếu xanh được 1,157 tỷ USD. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh. Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu xanh. Trên thị trường có các sản phẩm trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các dự án/công trình “xanh” như: thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió, năng lượng mặt trời.

Để khuyến khích thị trường trái phiếu xanh phát triển, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ của trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán…

Phát triển thị trường carbon là ưu tiên

Với khung pháp lý về tài chính xanh được ban hành cách đây gần 10 năm, các bộ, ngành đã từng bước xây dựng và hoàn thiện quy định về nhiều loại công cụ như trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, tín dụng xanh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh đạt gần 500.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế). Các tổ chức tín dụng cho vay các dự án xanh như nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và vệ sinh môi trường.

Về trái phiếu xanh, cuối năm 2015, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh. Năm 2016, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương. Phần lớn các trái phiếu xanh được phát hành bởi Chính phủ và chính quyền địa phương.

Cụ thể, đến năm 2018, TP. Hồ Chí Minh đã phát hành khoảng 3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh cho 34 dự án xanh thuộc các lĩnh vực quản lý nguồn nước bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và các công trình cơ sở hạ tầng bền vững…

Mặc dù vậy, việc phát triển tài chính xanh vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cần bứt phá trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, động lực tăng trưởng của thị trường tài chính xanh tại Việt Nam giai đoạn 2015 đến nay chủ yếu đến từ định hướng chính sách của các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà chưa xuất phát từ thị trường.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế cho phát triển thị trường tài chính xanh. Trong đó, phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường carbon là ưu tiên. Theo đó, chính sách chú trọng phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh; thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đầu tư vào các công cụ tài chính xanh.

Minh Anh

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%