Sức khỏe của doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch Covid-19

Sức khỏe của doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch Covid-19 01/04/2022 09:58:00 474

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Sức khỏe của doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch Covid-19

01/04/2022 09:58:00

- Đơn vị chủ trì: Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: PGS.TS. Phạm Tiến Đạt và ThS. Ngô Xuân Thanh

- Năm giao nhiệm vụ: 2020/Mã số: 2020-45

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Khởi nguồn từ Vũ Hán - Trung Quốc từ đầu tháng 12/2019, đến ngày 11/8/2020, đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới đã khiến hơn 20,2 triệu người mắc bệnh, trong đó đã có gần 740 nghìn người tử vong tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đáng chú ý, mặc dù dịch bệnh đã kéo dài hơn 7 tháng, các thông tin liên quan đến các biện pháp phòng, tránh đã được chia sẻ phổ biến trên toàn thế giới, số lượng ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn đang tiếp tục tăng. Trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại tại Bắc Kinh, một trong những thành phố được xem là có nhiều kinh nghiệm đối phó với đại dịch Covid-19, là một sự cảnh báo cho các thành phố khác trên thế giới về tính chất nghiêm trọng, khó lường của đại dịch này. 

Đại dịch ảnh hưởng sâu rộng đến các nền kinh tế trong khu vực, nhưng mức độ nghiêm trọng và thời gian diễn ra cú sốc lại bất định khác thường. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng ở Trung Quốc theo kịch bản cơ sở dự báo sẽ giảm còn 2,3% và theo kịch bản tình huống thấp hơn còn 0,1% năm 2020, so với mức 6,1% năm 2019. Tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển khác ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương theo kịch bản cơ sở dự báo còn 1,3% và theo kịch bản tình huống thấp hơn còn âm 2,8% vào năm 2020, so với mức ước tính 4,7% trong năm 2019. Kiềm chế đại dịch sẽ là điều kiện để hồi phục, nhưng rủi ro căng thẳng tài chính kéo dài vẫn lớn, thậm chí đến sau 2020. Dễ tổn thương nhất là các quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại, du lịch và thương phẩm; lại đang có nợ lớn, và phải lệ thuộc vào các dòng tài chính đầy biến động.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ; đã tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô...; ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân.

Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 4/2020, có khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó, gần 58% số doanh nghiệp bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong số các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, tỷ lệ doanh nghiệp không xuất khẩu được hàng hóa lên tới 56,9%, trong đó doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa không xuất khẩu được hàng hóa chiếm 46,2%; doanh nghiệp quy mô nhỏ là 40,7% và doanh nghiệp siêu nhỏ là 28%. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đánh giá là chịu tác động lớn. Có đến 9 ngành kinh tế chịu tác động mạnh với mức độ thiệt hại "lớn" và 6 ngành chịu tác động ở mức độ “vừa phải” mà nhóm nghiên cứu của BIDV đã chỉ ra.

Đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, chính vì vậy, để thực hiện Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước thì việc đi đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp đang hoạt động, sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam trong thời kỳ đại dịch là cần thiết để đưa ra các giải pháp thích hợp hỗ trợ cho doanh nghiệp duy trì hoạt động, vượt qua đại dịch và tiếp tục phát triển ở thời kỳ hậu đại dịch.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đánh giá khả năng chống chịu của doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và khả năng để hồi phục, phát triển bền vững sau đại dịch Covid-19.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Sức khỏe của doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Phạm vi nghiên cứu: Tập trung đánh giá sức khỏe doanh nghiệp qua các tiêu chí định lượng, các chỉ tiêu tài chính; đánh giá hệ thống các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong đại dịch Covid-19 trong giai đoạn 2018 - 2020.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã nghiên cứu lý luận về sức khỏe và đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch. Trong đó, phân tích đại dịch và những tác động của đại dịch; sức khỏe của doanh nghiệp và tiêu chí đánh giá sức khỏe doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch; nhân tố ảnh hưởng đến sức khỏe của doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch. Theo đó, đại dịch tác động đến đời sống xã hội và sức khỏe cộng đồng; đến nền kinh tế; ngành nghề, lĩnh vực, chuỗi cung ứng; doanh nghiệp và người lao động. Các nhân tố ảnh hưởng đến sức khỏe của doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch gồm: Môi trường kinh tế quốc dân (bối cảnh kinh tế, bối cảnh xã hội, yếu tố chính trị và pháp lý, bối cảnh đạo đức, bối cảnh công nghệ, bối cảnh quốc tế, những đối tác bên ngoài liên quan); môi trường ngành hay còn gọi là môi trường vĩ mô, theo M.Porter, bao gồm 5 thế lực cạnh tranh: Lực lượng cạnh tranh hiện tại, cạnh tranh tiềm năng, nhà cung cấp, khách hàng và sản phẩm thay thế; môi trường nội bộ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đề tài cũng phân tích ninh nghiệm hỗ trợ sức khỏe doanh nghiệp của các nước vượt qua đại dịch Covid-19 ở các khía cạnh sức khỏe doanh nghiệp các nước trong thời kỳ đại dịch Covid-19 (tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa bởi đại dịch, tác động làm giảm doanh thu của doanh nghiệp, tác động đến người lao động); chính sách hỗ trợ sức khỏe doanh nghiệp của Chính phủ các nước trong đại dịch Covid-19 (gói hỗ trợ tài chính của các định chế tài chính, tổ chức quốc tế; nhóm chính sách miễn giảm thuế, phí; nhóm chính sách tiền tệ nới lỏng; nhóm chính sách theo ngành, lĩnh vực kinh tế chịu ảnh hưởng; nhóm chính sách khác như hỗ trợ chi phí tiền lương, mua sắm công và thanh toán, các khoản trợ cấp; đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; đổi mới phương thức hoạt động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Qua việc tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm cả những nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các cường quốc thuộc liên minh châu Âu đến các quốc gia có sự tương đồng về phát triển kinh tế với Việt Nam trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, một số kinh nghiệm về chính sách hỗ trợ sức khỏe doanh nghiệp của các nước để giúp các doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu vượt qua đại dịch đã được rút ra như sau: Chính phủ các nước đánh giá tình hình sức khỏe của các doanh nghiệp qua tình hình hoạt động, tác động của đại dịch đến doanh nghiệp, người lao động, các ngành nghề, từ đó thiết kế các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong ngắn hạn và trong dài hạn; các gói chính sách hỗ trợ tập trung vào chính sách tài khóa, tiền tệ (là chủ đạo); đồng thời kết hợp các gói chính sách hỗ trợ gián tiếp thông qua người lao động để duy trì hoạt động của doanh nghiệp và duy trì công việc cho người lao động; ưu đãi về miễn giảm thuế, phí được các quốc gia áp dụng chủ đạo để hỗ trợ doanh nghiệp; chính sách tiền tệ nới lỏng là biện pháp được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia thông qua sử dụng kết hợp 6 giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đại dịch; chính sách ưu đãi vượt trội cho ngành, lĩnh vực, kinh tế chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh như: Du lịch, hàng không, giao thông vận tải, bán lẻ và dịch vụ ăn uống, nông nghiệp, doanh nghiệp hoạt động xuất - nhập khẩu; các chính sách hỗ trợ khác tập trung chủ yếu vào an sinh xã hội, hỗ trợ chi phí trả lương cho doanh nghiệp để duy trì lực lượng lao động sau đại dịch, hạn chế gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, các chính sách hỗ trợ phi tài chính được áp dụng nhằm mục đích giúp duy trì hoạt động, thích nghi với bối cảnh mới, tăng cường khả năng chống chịu nếu đại dịch còn kéo dài hay trở lại trong tương lai.

(2) Đề tài đã phân tích, đánh giá thực trạng sức khỏe doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ đại dịch Covid-19; thực trạng các giải pháp, chính sách hỗ trợ sức khỏe doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Từ đó chỉ ra kết quả đạt được về (i) Nhóm chính sách tài khóa hỗ trợ sức khỏe doanh nghiệp: Các chính sách hỗ trợ thuế, phí của Việt Nam cho khu vực doanh nghiệp được ban hành rất đúng lúc, kịp thời có sự bao quát rộng với hầu hết các đối tượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Hình thức hỗ trợ được chia làm 2 nhóm chính đó là hoãn các nghĩa vụ thuế, tiền thuê đất, giảm các nghĩa vụ thuế, phí. Đối tượng áp dụng các chính sách hỗ trợ thuế phí này được quy định rõ ràng và một số chính sách hướng tới riêng đối tượng thuộc lĩnh vực ngành nghề được đánh giá là chịu mức độ ảnh hưởng, tổn thất đặc biệt nặng nề. Nhìn chung các chính sách ưu đãi về thuế, phí đã cho thấy được sự quan tâm, thấu hiểu, sẵn sàng chung tay và chia sẻ gánh nặng của Chính phủ với doanh nghiệp trước những khó khăn, tổn thất do đại dịch Covid-19 gây ra. (ii) Chính sách tiền tệ: Giúp kiểm soát nợ xấu; giúp khách hàng vượt qua khó khăn thông qua việc cho phép khách hàng vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Đề tài cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế: (1) Đối với chính sách tiền tệ hỗ trợ sức khỏe doanh nghiệp: Giải pháp hạ lãi suất trong bối cảnh hiện tại chưa thực sự mang lại hiệu quả kích thích vay vốn cho sản xuất - kinh doanh do hầu hết doanh nghiệp bị ảnh hưởng cả đầu vào và đầu ra; chính sách hỗ trợ tín dụng từ các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19 hiện cho thấy nhiều bất cập ở khâu thực thi khi doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn hỗ trợ này phải đáp ứng các thủ tục phức tạp với chi phí lớn; (2) Đối với chính sách tài khóa hỗ trợ sức khỏe doanh nghiệp: Số tiền thuế, thuê đất được đề nghị ra hạn theo chính sách quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất còn thấp; việc ưu đãi thuế thu nhập chưa thực sự hướng đến các doanh nghiệp gặp khó khăn do đai dịch, vì vậy là một phương thức hỗ trợ chưa phù hợp, làm lãng phí nguồn lực đang rất hạn hẹp hiện nay, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp và có thể khiến môi trường kinh doanh xấu đi…

(3) Trên cơ sở bối cảnh kinh tế - xã hội trong thời kỳ dịch Covid-19 trong 6 tháng cuối năm 2021 và những năm tiếp theo; quan điểm hỗ trợ sức khỏe doanh nghiệp trong thời kỳ Covid-19, đề tài đề xuất giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe của doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19. Trong đó, về các giải pháp hỗ trợ sức khỏe doanh nghiệp trong giai đoạn hiện tại: (i) Nhóm giải pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh (tiếp tục hoàn thiện các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện các chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp; chú trọng hơn nữa đến các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động thông qua doanh nghiệp; hỗ trợ trực tiếp cho người lao động bằng nhiều hình thức phù hợp, đúng đối tượng, thủ tục đơn giản và linh hoạt; nghiên cứu các chính sách hỗ trợ bổ sung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công; xây dựng các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 để tránh bị phá sản, đặc biệt như hàng không, du lịch…); giải pháp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, duy trì sự ổn định sức khỏe kinh doanh của doanh nghiệp (quy định các địa phương thực hiện thống nhất chỉ đạo của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa duy trì ổn định sản xuất - kinh doanh, vừa phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho người lao động…); Nhóm giải pháp đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, khắc phục chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn (tiếp tục tháo gỡ, đưa ra các giải pháp để giải quyết tình trạng ùn ứ, ách tắc lưu thông hàng hóa tại một số cảng biển và đường bộ, đường bộ, nhằm thông suốt trong vận chuyển hàng hóa, tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp; cần đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, áp dụng chế độ hải quan ưu tiên; các địa phương và doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, thống nhất, quyết định và chịu trách nhiệm về phương án, điều kiện sản xuất - kinh doanh an toàn, phù hợp với diễn biến đại dịch Covid-19 ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp); Nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài (có cơ chế thuận lợi cho các chuyên gia nước ngoài, các nhà đầu tư khi vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư; nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các quy định theo hướng áp dụng linh hoạt các quy định, điều kiện phù hợp với bối cảnh mới trong việc cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp…). (ii) Những khuyến nghị các giải pháp dài hạn hỗ trợ sức khỏe doanh nghiệp sau đại dịch: Lựa chọn mô hình, cải cách thể chế để tạo ra sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19; thúc đẩy sự lan tỏa công nghệ để chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện; xây dựng chính sách toàn diện đối với người lao động theo phương châm “lấy con người làm trung tâm” nhằm ngăn chặn những thiệt hại lâu dài đối với kinh tế - xã hội.

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%