Lạm phát thấp nhưng vẫn còn nhiều mối lo

Lạm phát thấp nhưng vẫn còn nhiều mối lo 11/09/2023 09:23:00 580

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Lạm phát thấp nhưng vẫn còn nhiều mối lo

11/09/2023 09:23:00

(Thoibaotaichinhvietnam.vn) Qua thống kê cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm. Tuy nhiên, CPI tháng 8 tăng 0,88%, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính thì có đến 10 nhóm hàng tăng giá. Theo các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý không thể chủ quan trong điều hành, bởi những tháng cuối năm theo quy luật CPI sẽ tăng cao.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: TL

Không chủ quan khi CPI tháng 8 tăng 0,88%

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng 8 tăng là do tác động từ các đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp kể từ giữa tháng 7 và biến động của thị trường gạo thế giới. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có đến 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước.

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm. Trong đó, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng 6 mức tăng chỉ còn 2%, tháng 7 tăng ở mức 2,06%, sang tháng 8 mức tăng lên 2,96% nhưng vẫn thấp hơn các tháng đầu năm nay.

Riêng trong tháng 8, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,78% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,26 điểm phần trăm. Trong đó, lương thực tăng 3,28%; thực phẩm tăng 0,48%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,47%. Chỉ số giá nhóm gạo tăng 4,41% (gạo tẻ thường tăng 4,94%; gạo tẻ ngon tăng 3,09% và gạo nếp tăng 1,24%).

Thời gian gần đây, giá gạo trong nước tăng cao theo giá gạo xuất khẩu do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã khiến thị trường gạo toàn cầu diễn biến phức tạp hơn.

Do đó, giá gạo tăng đã tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến và ngũ cốc khác như: Giá khoai tăng 4,37%; ngô tăng 1,81%; bún, bánh phở, bánh đa tăng 1,17%; bột mỳ tăng 0,66%; miến tăng 0,65%; mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 0,31%; bột ngô tăng 0,16%... Giá gạo, giá xăng tăng đã góp phần làm tăng CPI trong tháng 8 vừa qua. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Vẫn còn nhiều yếu tố rình rập đẩy lạm phát tăng

Với bối cảnh hiện nay, nhiều tổ chức độc lập như HSBC, BIDV, VNDS dự báo, CPI cả năm của Việt Nam sẽ dưới mức 4,5% như kế hoạch.

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong, thời gian qua chúng ta kiểm soát lạm phát ở mức thấp có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. Giá xăng dầu, giá gas trong nước giảm theo giá thế giới. Những hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá như dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện sinh hoạt chiếm tỷ trọng 12,87% trong tổng chi tiêu dùng của dân cư đã được Chính phủ điều hành thận trọng 6 tháng đầu năm 2023. Bên cạnh đó, việc cung ứng đầy đủ hàng hóa, kiểm soát giá cả một số nhóm hàng thiết yếu đã được điều hành linh hoạt, chặt chẽ.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, những lo ngại vẫn còn khi từ nay đến cuối năm, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, có thể ảnh hưởng tới lạm phát. Việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và giáo dục sẽ tác động mạnh tới CPI. Cùng với đó, giá điện có thể tiếp tục tăng khi giá nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đã ở mức cao. Đây là những yếu tố chính có thể ảnh hưởng tới lạm phát những tháng cuối năm.

Trên cơ sở diễn biến giá cả thị trường nửa đầu năm, cùng với dự kiến điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý trong năm 2023, Tổng cục Thống kê dự báo CPI cả năm 2023 chịu tác động của một số yếu tố. Tổng cục Thống kê cho rằng, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Để kiểm soát lạm phát năm 2023 đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, một số chuyên gia kinh tế kiến nghị cần phải bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa, kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, cân nhắc mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Trên thực tế, một số tổ chức nghiên cứu độc lập dự báo lạm phát những tháng cuối năm sẽ tăng, song vẫn có thể được kiểm soát trong mức mục tiêu đã đặt ra. Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo CPI bình quân năm 2023 sẽ tăng 3,3%. Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV lại dự báo, chỉ số CPI 6 tháng cuối năm sẽ thấp hơn nửa đầu năm.

Tuy nhiên, các yếu tố tạo áp lực lên lạm phát vẫn còn như giá dầu và giá hàng hóa thế giới cao; lộ trình tăng giá của các mặt hàng do Nhà nước quản lý… Dự báo lạm phát cả năm nhiều khả năng sẽ tăng 3,8 - 4,2%, thấp hơn so với mục tiêu 4,5%. Điều này cũng góp phần củng cố dư địa cho các chính sách tài khóa và tiền tệ đang triển khai.

Một số ý kiến lo ngại điều hành lạm phát cuối năm vẫn có nhiều rủi ro khi một số hàng hóa, dịch vụ tăng giá vào cuối năm, phản ánh qua giá thịt heo tăng cao. Bên cạnh đó, áp lực về giá đến từ nhu cầu cao hơn do hoạt động du lịch phục hồi và tác động của thiên tai, dịch bệnh có thể ảnh hưởng tới giá cả các loại lương thực thiết yếu như mặt hàng gạo.

Minh Anh

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%