Nguồn lực đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và phát triển toàn diện trẻ em

Nguồn lực đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và phát triển toàn diện trẻ em 18/08/2023 11:11:00 837

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Nguồn lực đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và phát triển toàn diện trẻ em

18/08/2023 11:11:00

Sáng ngày 18/8/2023 tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã phối hợp cùng Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội thảo “về phát triển toàn diện trẻ em dưới 6 tuổi”. Tham dự Hội thảo có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Hội đồng nhân dân một số địa phương cùng đại diện một số cơ quan hữu quan. TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đại diện Bộ Tài chính đã tham dự và phát biểu tham luận tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính phát biểu tham luận tại Hội thảo

Hệ thống chính sách, pháp luật không ngừng được hoàn thiện

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết, trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, phát triển con người, đặc biệt là đối tượng trẻ em - tương lai của quốc gia, dân tộc, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Theo đó, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật, trong đó có pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) để đảm bảo tiếp cận toàn diện và thực hiện quyền trẻ em; đồng thời, đã bố trí kinh phí từ NSNN và huy động nguồn lực ngoài NSNN cho việc thực hiện các quyền của trẻ em.

Nhìn chung, chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm đảm bảo thực hiện quyền trẻ em thời gian qua đã chuyển từ việc ban hành từng chính sách cho từng nhóm đối tượng trẻ em, đặc biệt là trẻ em yếu thế trong xã hội sang xây dựng hệ thống khung luật pháp, chính sách, chương trình tổng thế đối với trẻ em và cho từng nhóm trẻ em yếu thế trong xã hội mang tính toàn diện và đầy đủ hơn. Chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em trước kia chỉ tập trung giải quyết hậu quả, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã chú trọng đến việc chủ động phòng ngừa, can thiệp sớm, loại bỏ những nguy cơ cho mọi trẻ em trước khi bị tổn hại.

Việt Nam đã xây dựng được hệ thống các chính sách và chương trình toàn diện theo hướng tiếp cận từ đáp ứng nhu cầu trẻ em sang đảm bảo quyền cho mọi trẻ em trong xã hội. Điều này có nghĩa, các chính sách tài chính đối với trẻ em không chỉ tập trung vào đối tượng nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt mà mở rộng ra các nhóm có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; tiết kiệm được chi phí xã hội trong việc chi tiêu xử lý các vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em và thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Nhóm các chính sách thuế và thu ngân sách đối với các dịch vụ, sản phẩm đối với trẻ em có tính chất ưu đãi cao nhằm tạo thuận lợi cho trẻ em tiếp cận được các dịch vụ, sản phẩm. Nhóm các chính sách chi NSNN hỗ trợ cho phát triển trẻ em và thực hiện các quyền trẻ em khá đa dạng, phong phú, tạo điều kiện cho các em có thể tiếp cận các nguồn lực, các dịch vụ, sản phẩm có chất lượng cũng như góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo môi trường sống thuận lợi, nâng cao trình độ, sự hiểu biết…

Nguồn lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em

Nhận định về nguồn lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em của Việt Nam trong thời gian qua, TS. Nguyễn Như Quỳnh cho biết, Nhà nước đã bảo đảm nguồn lực thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương; ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo vệ trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Thời gian qua, nguồn tài chính thực hiện quyền trẻ em bao gồm NSNN; ủng hộ của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong nước, nước ngoài; nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ; viện trợ quốc tế và các nguồn thu hợp pháp khác.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Theo đó, đối với nguồn NSNN, ưu tiên phân bổ cả chi đầu tư và thường xuyên để thực hiện các chính sách có liên quan đến trẻ em (bao gồm cả vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ) trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, đảm bảo xã hội... Kinh phí bố trí cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được lồng ghép trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo đảm xã hội, văn hóa, thể thao, dân số và kế hoạch hóa gia đình… Giai đoạn 2019 - 2022, kinh phí đã bố trí trong cân đối ngân sách địa phương (NSĐP), ngân sách trung ương (NSTW) bổ sung có mục tiêu cho NSĐP thực hiện một số chính sách ưu đãi giáo dục, trong đó có đối tượng là trẻ em gồm: Hỗ trợ chi phí học tập và miễn, giảm học phí 10.750 tỷ đồng; Hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn 13.487 tỷ đồng; Hỗ trợ học bổng, học sinh dân tộc nội trú 5.555 tỷ đồng; Chính sách ưu tiên đối với học sinh mẫu giáo, học sinh dân tộc rất ít người giai đoạn 2019 - 2021 là 670 tỷ đồng; thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 1.617 tỷ đồng....

Đối với lĩnh vực bảo vệ trẻ em, NSTW bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm và phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, bảo vệ chăm sóc trẻ em: Bộ Công an (giai đoạn 2019 - 2021 mỗi năm 5 tỷ, năm 2022 là 8 tỷ đồng); Bộ Quốc Phòng (năm 2019 là 20 tỷ, năm 2020 - 2021 mỗi năm 25 tỷ, năm 2022 là 21,82 tỷ đồng). Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020, NSTW bố trí kinh phí thực hiện là 1.445,16 tỷ đồng (vốn sự nghiệp 1.182 tỷ đồng, vốn đầu tư 263,16 tỷ đồng), trong đó có dự án phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em.

Đối với lĩnh vực chăm sóc y tế cho trẻ em, trong giai đoạn 2016 - 2020, một số hoạt động chăm sóc y tế cho trẻ em được bố trí trong Dự án, hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số như: Dự án Tiêm chủng mở rộng khoảng giai đoạn 2019 - 2021 (1.111 tỷ đồng); Dự án chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em giai đoạn 2019 - 2021 (125 tỷ đồng); Dự án tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2019 và năm 2020 (447 tỷ đồng); NSNN đã bố trí trong cân đối NSĐP và NSTW hỗ trợ có mục tiêu cho NSĐP để thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, cụ thể như sau: Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi khoảng 31.574 tỷ đồng, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên khoảng 11.452 tỷ đồng.

Có thể thấy, Nhà nước cũng đã có giải pháp về nhân lực và bảo đảm điều kiện cho việc thực hiện quyền trẻ em; phát triển mạng lưới người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, ưu tiên bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và vận động nguồn lực để phát triển mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khóm. Nhờ đó, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe, giáo dục,… cho trẻ em, bảo vệ và xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em; từng bước thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong các hoạt động kinh tế - xã hội.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách đảm bảo thực hiện các quyền của trẻ em

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đảm bảo thực hiện các quyền của trẻ em thời gian qua cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Việc xây dựng các báo cáo về phân bổ NSNN để thực hiện các quyền của trẻ em đã gặp hạn chế do dự toán chi bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; việc xây dựng các báo cáo để phản ánh bức tranh tổng thể NSNN dành cho trẻ em là chưa được đầy đủ do chưa thể thống kê đầy đủ và bóc, tách số liệu về tình hình chi NSNN cho trẻ em; mỗi cơ quan, đơn vị lại xây dựng một hình thức báo cáo khác nhau, không theo đề cương; đồng thời, có đơn vị chi tiết cụ thể kinh phí phân bổ nhưng có đơn vị chỉ báo cáo số tổng kinh phí NSNN phân bổ cho lĩnh vực đảm bảo xã hội, lĩnh vực y tế... bao gồm cả đối tượng là trẻ em nên việc tổng hợp gặp rất nhiều khó khăn; NSNN còn phân bổ kinh phí dành cho trẻ em thông qua các dự án đầu tư, chi thường xuyên của các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, khu vui chơi, giải trí và được lồng ghép trong các lĩnh vực y tế, giáo dục... mà hiện nay chưa có đầy đủ hệ thống dữ liệu để thống kê đầy đủ và bóc tách được số liệu về tình hình chi NSNN để thực hiện các quyền của trẻ em; việc thống kê số liệu ngoài NSNN thực hiện các quyền của trẻ em còn khó khăn do chưa có cơ chế huy động cụ thể từng nguồn cũng như cơ chế báo cáo, tổng hợp và quy định cơ quan chịu trách nhiệm thống kê, tổng hợp số liệu về nguồn lực ngoài NSNN thực hiện các quyền của trẻ em.

Trước thực tế phát triển toàn diện trẻ em hiện nay, nhằm phát huy những kết quả đạt được và kịp thời giải quyết các vấn đề còn hạn chế, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em, TS. Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh một số giải pháp trọng tâm mà Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới,cụ thể:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, rà soát hệ thống chính sách đảm bảo thực hiện các quyền của trẻ em để đảm bảo các quyền của trẻ em.

Hai là, nghiên cứu, xây dựng hệ thống các chỉ tiêu phù hợp để phục vụ công tác xây dựng dự toán, theo dõi thực hiện, quyết toán cũng như để phục vụ công tác xây dựng báo cáo chi tiêu NSNN cho trẻ em. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu cập nhật và bóc tách được kinh phí phân bổ NSNN đã bố trí để thực hiện các quyền của trẻ em. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng báo cáo về phân bổ NSNN cho trẻ em như thiết kế một phần mềm chi tiết từng nội dung cần báo cáo để các đơn vị cập nhật trên hệ thống và gửi điện tử cho cơ quan cần báo cáo.

Ba là, nâng cao trình độ chuyên môn của mỗi một cán bộ được phân công trong việc xây dựng báo cáo tình hình phân bổ NSNN thực hiện các quyền của trẻ em khi được các cơ quan, đơn vị có liên quan đề nghị báo cáo.

Bốn là, cần có quy định cụ thể về cơ chế huy động các nguồn lực ngoài NSNN cho việc thực hiện quyền trẻ em cũng như cơ chế báo cáo, tổng hợp và quy định cơ quan chịu trách nhiệm thống kê, tổng hợp số liệu về nguồn lực ngoài NSNN thực hiện các quyền của trẻ em.

Nguyễn Chinh

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%