Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế ban đêm tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”

Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế ban đêm tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long” 07/07/2023 13:14:00 618

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế ban đêm tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”

07/07/2023 13:14:00

Sáng ngày 07/7/2023, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - CLTC phối hợp với Trường Đại học Tài chính - Marketing) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển kinh tế ban đêm tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”. TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện CLTC và PGS.TS. Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing đồng chủ trì Hội thảo.

TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện CLTC và PGS.TS. Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing đồng chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện một số bộ, ngành Trung ương; cơ quan thuộc Quốc hội; sở, ban, ngành địa phương; đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế - tài chính trong và ngoài nước; doanh nghiệp; cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài ngành Tài chính.

Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận 04 nhóm nội dung chính như: (i) Phân tích, làm rõ những lợi ích và rủi ro trong phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ); (ii) Làm rõ xu thế và kinh nghiệm về phát triển KTBĐ tại một số quốc gia trên thế giới; từ đó, chỉ ra những bài học hữu ích cho Việt Nam trong việc phát triển KTBĐ; (iii) Đánh giá những tiềm năng của đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển KTBĐ về tài nguyên thiên nhiên, ẩm thực, văn hóa - lễ hội... Đồng thời, nhận diện các thách thức, rủi ro trong phát triển KTBĐ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; (iv) Kiến nghị, giải pháp nhằm phát triển KTBĐ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện CLTC đã nêu rõ, đồng bằng sông Cửu Long thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước. Đồng thời, đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển: Là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, hào hùng và rất vẻ vang; là địa bàn sinh sống, gắn bó, đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt, Khơ Me, Hoa, Chăm... với những nét văn hóa đặc thù và nền văn minh sông nước độc đáo, đem lại nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện CLTC phát biểu khai mạc Hội thảo

Ngày 02/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; trong đó một trong những giải pháp phát triển nhanh, bền vững kinh tế vùng là phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng về các hoạt động kinh tế đêm. Với những lợi ích mà loại hình kinh tế này có thể mang lại, phát triển KTBĐ đã được chú trọng trong những năm gần đây. Đề án phát triển KTBĐ cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển KTBĐ nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hiện nay, tại một số đô thị du lịch lớn của Việt Nam, kinh tế đêm đã được quan tâm triển khai với những hình thức như các khu chợ đêm, phố ăn đêm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, các tuyến phố đi bộ, các tuyến phố dịch vụ ẩm thực,... đã góp phần tạo việc làm, nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) và phát triển kinh tế địa phương.

PGS TS. Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing phát biểu tại Hội thảo

Mặc dù vậy, KTBĐ của Việt Nam mới ở bước đầu phát triển, có quy mô nhỏ, các loại hình dịch vụ, sản phẩm chưa đa dạng phong phú, số lượng các địa điểm kinh doanh ban đêm còn thấp. Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay cả nước mới chỉ có khoảng 20 chợ đêm, khoảng 1000 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ. Bên cạnh đó, nhận thức về KTBĐ chưa đầy đủ; còn thiếu các chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển KTBĐ thông qua cung cấp các dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm. Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, các sản phẩm, dịch vụ ban đêm tại hầu hết địa phương chưa có sự đa dạng, chủ yếu là ăn uống, các hoạt động văn hoá nghệ thuật còn chưa nhiều; các chợ đêm hay các khu phố đêm của một số địa phương chưa thực sự ấn tượng; nhiều dịch vụ văn hóa nghệ thuật, giải trí chưa tạo được nhiều cơ hội để khách trải nghiệm vào các hoạt động; các dịch vụ ban đêm hầu hết có quy mô trung bình và nhỏ; chưa có sự kết nối các dịch vụ để tạo ra các chương trình hấp dẫn du khách; thời gian mở cửa dịch vụ về đêm còn ngắn; các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều chưa có cơ quan hay bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động KTBĐ trong khi đây là một mô hình phát triển mới, có nhiều tác động đến kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường…

TS. Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhìn tổng thể, KTBĐ tạo ra guồng quay không ngừng nghỉ để nền kinh tế được vận hành ở tốc độ tối đa. Ngoài đóng góp lớn về mặt kinh tế, KTBĐ tạo ra những bước chuyển lớn cho các ngành dịch vụ, du lịch trong nước, tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế, đặc biệt sau những thoái trào do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hiện nay. Lợi thế của KTBĐ là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền. Do đó, KTBĐ càng được đầu tư đa dạng và phong phú, thì càng có khả năng giữ chân được du khách. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi cho việc vận hành các hoạt động, dịch vụ kèm theo, thu hút đầu tư vào các loại hình du lịch “thành phố 24h”.

TS. Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại Hội thảo

Qua đó, có thể thấy KTBĐ đã mang lại những lợi ích như: Tạo ra cú hích rất lớn cho sự phát triển của thị trường âm nhạc, tổ chức sự kiện, lễ hội đường phố và các loại hình giải trí, truyền thông khác; thúc đẩy thương hiệu địa phương, tăng cường thị hiếu và sự đa dạng các dịch vụ văn hóa mang đậm nét đặc trưng của địa phương, góp phần tạo ra giá trị văn hóa tổng thể cho địa phương…Bên cạnh triển vọng, KTBĐ luôn tồn tại những góc tối, gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành. Vì thế, cần có những phương hướng, giải pháp kịp thời nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những tác động không mong muốn, phát huy những lợi ích vốn có để phát triển kinh tế KTBĐ.

Ông Nguyễn Khánh Tùng - Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng - Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ, KTBĐ đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, quen thuộc của một bộ phận người dân địa phương và là địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch. Theo Hiệp hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long, năm 2022, toàn vùng đã thu hút hơn 37 triệu lượt du khách, tăng 238% so với cùng kỳ năm 2021. KTBĐ cũng đã góp phần vào phát triển của ngành du lịch. Bên cạnh những hiệu quả mang lại, một số tỉnh thành phố khác phát triển KTBĐ cũng gặp một số khó khăn. Qua đó, cần có hướng dẫn thống nhất và giao cho một cơ quan đầu mối về phát triển KTBĐ từ Chính phủ và các bộ, ngành trung ương để các địa phương dễ dàng trong việc triển khai. Điều này hướng đến việc tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về kinh tế đêm, đáp ứng yêu cầu đặt ra theo tầm nhìn dài hạn của quốc gia. Đồng thời, nâng cao nhận thức và chuẩn bị nhân lực của chính quyền địa phương hướng đến tư duy mở, nhìn nhận đa chiều về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, cơ hội, thách thức của KTBĐ.

Bà Lâm Thái Bảo Ngọc - Trường Đại học Tiền Giang phát biểu tại Hội thảo

Đồng quan điểm với ý kiến của nhiều chuyên gia, bà Lâm Thái Bảo Ngọc cho biết thêm, KTBĐ là một nguồn tạo việc làm và thu nhập lớn cho chính quyền địa phương. Kinh tế đêm cho phép các cơ quan quản lý nhà nước địa phương đa dạng hóa các hoạt động giải trí và thương mại. Đây là cơ hội để vực dậy những khu đô thị hoang vắng về đêm. Các hoạt động KTBĐ rất đa dạng, tuy nhiên, tại đồng bằng sông Cửu Long, các hình thức đầu tư KTBĐ chưa thoát được công thức: Mua sắm (chợ đêm), ăn uống (nhà hàng, quán ăn), nghỉ ngơi lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ), giải trí (karaoke, bar, cafe, internet...). Ngoài thành phố Phú Quốc, chưa thấy sản phẩm kinh tế đêm mang tính khác biệt tại các tỉnh thành khác. Tại các địa phương khác, chưa ghi nhận hoạt động kinh tế đêm thực sự. Một số địa phương như thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), thành phố Bạc Liêu (Bạc Liêu), thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), thành phố Trà Vinh (Trà Vinh), thành phố Cà Mau (Cà Mau) các dịch vụ ăn uống, giải trí chỉ kéo dài đến 22h. Do đó, đầu tư cho các hoạt động ban đêm có thể tạo ra nền kinh tế 24 giờ phát triển.

TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch phát biểu tại Hội thảo

Bàn về cơ chế, chính sách phát triển KTBĐ, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới muốn phát triển KTBĐ đều phải triển khai các chính sách khuyến khích, còn Việt Nam gần như chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích nào dành riêng cho KTBĐ, chưa tạo được ưu thế khác biệt của KTBĐ trong giai đoạn đầu cần đẩy mạnh phát triển. Bên cạnh đó, quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển KTBĐ ở Việt Nam” của Thủ tướng Chính phủ có thể coi là văn bản rõ nhất đối với định hướng về phát triển KTBĐ hay dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, quyết định được phê duyệt trong bối cảnh đại dịch, nên một phần triển khai trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo

Đồng quan điểm, ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Đề án “Phát triển KTBĐ ở Việt Nam” cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch. Trên cơ sở đó, đánh giá hiệu quả hoạt động và công tác quản lý hoạt động KTBĐ ở những nơi đã lựa chọn để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động KTBĐ và sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác… Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các tỉnh, thành có ngành du lịch được xem là kinh tế mũi nhọn, thì dịch vụ giải trí về đêm lại vẫn chưa được xem trọng, đầu tư…

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Nguyễn Như Quỳnh cho biết, các nội dung trao đổi, thảo luận của các đại biểu, các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo là những vấn đề có ý nghĩa vô cùng thiết thực, đây sẽ là tư liệu tham mưu, tư vấn chính sách với Lãnh đạo Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền.

Nguyễn Trang

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%