Đây là chủ đề của Hội thảo khoa học Bộ Tài chính (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - CLTC phối hợp cùng Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính và Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức ngày 06/7/2023 tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện CLTC, ông Đỗ Văn Trường - Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính và ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của hơn 100 đại biểu trực tiếp và hơn 50 đại biểu tham dự trực tuyến gồm đại diện một số bộ, ngành; cơ quan thuế địa phương; hiệp hội doanh nghiệp; đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; trường đại học khối kinh tế - tài chính; nhà khoa học, chuyên gia kinh tế - tài chính trong và ngoài nước; cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài ngành Tài chính.
Ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện CLTC phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Văn Trường - Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính đã nêu rõ, triển khai hóa đơn điện tử mang lại lợi ích đa chiều cho cả doanh nghiệp, tổ chức, người nộp thuế, cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội. Trên thế giới, việc sử dụng hóa đơn điện tử đã được áp dụng bắt buộc tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... và có xu hướng ngày càng mở rộng trên toàn cầu. Quy mô thị trường hóa đơn điện tử toàn cầu đạt 11,2 tỷ USD vào năm 2022 và kỳ vọng sẽ đạt 35,9 tỷ USD vào năm 2028.
Ở Việt Nam, nhận thấy hóa đơn điện tử ngày càng phổ biến trong giao dịch thương mại và trở thành một xu hướng tất yếu trong điều kiện công nghệ thông tin ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình gồm 02 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 với 6 tỉnh, thành phố (thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ); Giai đoạn 2 từ tháng 4/2022 với 57 địa phương còn lại. Theo đó, kể từ ngày 01/7/2022, toàn bộ doanh nghiệp và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên cả nước đã thực hiện đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Để làm rõ hơn các vấn đề về quản lý thuế và tính tuân thủ của người nộp thuế trong triển khai hóa đơn điện tử, Hội thảo tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề như: Thảo luận, làm rõ thực trạng quản lý thuế và tính tuân thủ của người nộp thuế trong triển khai hóa đơn điện tử ở Việt Nam hiện nay; (ii) Nhận diện và phân tích những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong quản lý thuế và tính tuân thủ của người nộp thuế trong triển khai hóa đơn điện tử hiện nay; (iii) Thảo luận và làm rõ xu thế và kinh nghiệm các nước về quản lý thuế và tính tuân thủ của người nộp thuế trong triển khai hóa đơn điện tử; (iv) Gợi ý và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế và tính tuân thủ của người nộp thuế trong triển khai hóa đơn điện tử.
Ông Đỗ Văn Trường - Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo đã lắng nghe các ý kiến thảo luận của các chuyên gia, nhà quản lý xoay quanh các vấn đề về quản lý thuế và tính tuân thủ của người nộp thuế từ triển khai hóa đơn điện tử. Theo đó, đến tháng 5/2023, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý hơn 3,91 tỷ hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng hóa đơn điện tử thời gian qua, người nộp thuế cũng gặp một số vướng mắc, khó khăn như: Tình trạng hóa đơn bị sai sót và các thủ tục điều chỉnh; một số lĩnh vực kinh doanh với các loại hình phát hành hóa đơn khác nhau trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vấn đề cần được giải quyết; quy định về giao dịch điện tử vẫn còn phức tạp và chưa có hệ sinh thái hoàn chỉnh; quy trình, hướng dẫn triển khai hóa đơn điện tử của cơ quan thuế còn chưa hoàn chỉnh do mới triển khai khiến doanh nghiệp còn lúng túng, vướng mắc khi áp dụng hóa đơn điện tử... Ngoài ra, hiện nay còn có hiện tượng phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử trái pháp luật để gian lận thuế, chiếm đoạt ngân sách nhà nước.
Mặt khác, tính tuân thủ của người nộp thuế còn chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các yếu tố như: Doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa), hộ kinh doanh chưa sẵn sàng tiếp cận hóa đơn điện tử do bị hạn chế về điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực; thói quen sử dụng hóa đơn truyền thống, tâm lý ngại thay đổi hay quan ngại về nhà cung cấp phần mềm, vấn đề an toàn, bảo mật khi sử dụng trên môi trường internet...
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện CLTC cho biết, các nội dung trao đổi, thảo luận của các đại biểu, các chuyên gia kinh tế về: “Quản lý thuế và tính tuân thủ của người nộp thuế từ triển khai hóa đơn điện tử”. Các nội dung trao đổi, thảo luận đã tập trung vào 04 nhóm nội dung chính như: (i) Tập trung thảo luận, phân tích về thực trạng quản lý thuế và tính tuân thủ của người nộp thuế trong triển khai hóa đơn điện tử ở Việt Nam hiện nay, cũng như công tác triển khai hóa đơn điện tử tại một số cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tập đoàn…; (ii) Kinh nghiệm về quản lý thuế và tính tuân thủ của người nộp thuế trong triển khai hóa đơn điện tử của một số quốc gia (như các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore một số nước Đông Nam Á…). Từ đó cho thấy, việc triển khai hóa đơn điện tử được xem là xu hướng vận động phù hợp trong thời đại kỹ thuật số, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo dữ liệu được cập nhật, hạn chế tình trạng trốn thuế; (iii) Nhận diện và phân tích, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong quản lý thuế và tính tuân thủ của người nộp thuế trong triển khai hóa đơn điện tử hiện nay như: Một số tình huống phát sinh trong thực tế chưa có hướng dẫn cụ thể (như điều chỉnh, xử lý hóa đơn sai sót; hướng dẫn về hóa đơn điện tử từ máy tính tiền…); hạn chế về tốc độ truy xuất, khai thác và phân quyền khai thác dữ liệu hóa đơn điện tử; khả năng đồng bộ dữ liệu với giai đoạn trước; hạn chế về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp và khả năng thích ứng với công nghệ mới…; (iv) Đưa ra các kiến nghị, giải pháp phù hợp cho Việt Nam, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế và tính tuân thủ của người nộp thuế trong triển khai hóa đơn điện tử. Theo đó, Việt Nam cần hoàn thiện các quy định, hướng dẫn liên quan đến hóa đơn điện tử, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc; nâng cấp ứng dụng hóa đơn điện tử đáp ứng việc phân quyền và khai thác dữ liệu hóa đơn điện tử của các cơ quan thuế; tăng cường công tác phân tích rủi ro; đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, tập huấn về hóa đơn điện tử và sử dụng hóa đơn điện tử đúng quy định cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh…
Qua các nội dung trao đổi, thảo luận của đại biểu về quản lý thuế và tính tuân thủ của người nộp thuế từ triển khai hóa đơn điện tử ở Việt Nam hiện nay, những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, Hội thảo đã đưa ra những kiến nghị, giải pháp có ý nghĩa thiết thực và hữu ích cho Bộ Tài chính trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thuế và tính tuân thủ của người nộp thuế trong triển khai hóa đơn điện tử thời gian tới.
Nguyễn Trang