(HQ Online) Để mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế, theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam, giảm lãi suất mới chỉ là một chìa khóa, chìa khóa thứ hai do chính doanh nghiệp và người dân nắm giữ, đó là năng lực hấp thụ vốn.
Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp”.
Đây là nhận định được vị chuyên gia này nêu lên tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” do Thời báo Ngân hàng phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức vào ngày 25/7, dưới dự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Cần nhiều hơn sự quan tâm về cơ chế chính sách
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, tín dụng nền kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022, phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối.
Vì thế, Phó Thống đốc NHNN yêu cầu phải tìm ra lý do, từ phía khách quan của doanh nghiệp và nền kinh tế hay từ phía chủ quan của ngân hàng bởi cùng cơ chế, bộ máy, các ngân hàng, thanh khoản dồi dào hơn trước nhưng vì sao lại chưa cho vay được nhiều.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh. Hơn nữa, việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe và tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng vẫn còn tồn tại. Do đó, dù việc hỗ trợ của ngành ngân hàng đã làm tốt rồi, nhưng số lượng doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều.
“Theo chúng tôi đánh giá thì ngoài những các tác động khách quan từ thị trường, thì các chính sách của Nhà nước vẫn chưa phát huy được tính đồng bộ, trong khi đó bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn cũng như năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất - kinh doanh và minh bạch tài chính… Do vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai. Về dài hạn, Chính phủ cần hỗ trợ, nâng tầm doanh nghiệp nhỏ và vừa từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại năng lực sản xuất...”, ông Nguyễn Văn Thân kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) nêu, điều các doanh nghiệp cần hiện nay, bên cạnh hỗ trợ tiếp sức từ ngân hàng là các chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hoá, sản phẩm. Đặc biệt với những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ thì cần nhiều hơn nữa sự quan tâm về cơ chế chính sách, hạ tầng đất đai sản xuất, công nghệ mới…
Giảm lãi suất mới chỉ là một chìa khóa
Phân tích thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam cho rằng, giảm lãi suất mới chỉ là một chìa khóa để mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Chìa khóa thứ hai do chính các doanh nghiệp và người dân nắm giữ, đó là năng lực hấp thụ vốn, hay nói cách khác là năng lực sử dụng vốn hiệu quả của chính các doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn và sử dụng vốn của người dân.
Theo TS. Lê Duy Bình, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực chế biến chế tạo chỉ khả thi khi ngành công thương có các nỗ lực đưa tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo quay trở lại. Tín dụng cho lĩnh vực thương mại sẽ chỉ có thể được duy trì, tăng cao nếu như các hoạt động thương mại, tiêu dùng trong nước, hay hoạt động xuất nhập khẩu được cải thiện. Tín dụng tiêu dùng bất động sản sẽ chỉ có thể quay trở lại tăng trưởng dương nếu như các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và chính quyền các địa phương cùng chung tay tháo gỡ các khó khăn, góp phần làm gia tăng nguồn cung về nhà ở, đưa giá nhà ở xuống mức hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của người dân…
Từ phía NHNN, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng. Nhưng ngành ngân hàng rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, phối hợp bộ, ngành, địa phương trong các nhiệm vụ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác cầu nội địa, cải thiện môi trường kinh doanh...
Hơn nữa, các chuyên gia đều nhấn mạnh, việc tiếp tục hạ lãi suất sẽ gặp những trở ngại như rủi ro về lạm phát vẫn chực chờ, tác động đối với tỷ giá hối đoái khi lãi suất của đồng USD tại nhiều nền kinh tế lớn khác vẫn chưa giảm hoặc thậm chí còn tăng. Do đó, gia tăng tín dụng chỉ bằng biện pháp giảm lãi suất mà không song hành với các biện pháp hồi phục, củng cố và phát triển tổng cầu sẽ khiến nguồn vốn tín dụng chuyển tải đến các dự án sản xuất - kinh doanh thiếu bền vững về tài chính, không chắc chắn về phương án trả nợ.
TS. Lê Duy Bình cho rằng, vì lý do đó, các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế không nên được coi là chỉ tiêu ưu tiên hàng đầu, hay chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng hay của nền kinh tế. Điều này cũng cũng dẫn đến tâm lý phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng và làm trì hoãn các nỗ lực nhằm phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu và các kênh huy động vốn khác. Nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn, năng suất hơn nếu như các nguồn lực hạn chế như tín dụng được sử dụng ít hơn nhưng lại mang lại tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Hương Dịu