Đỗ Văn Tính - Trường Đại học Duy Tân
(Theo tapchitaichinh.vn)Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, nguồn nhân lực luôn đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, trong điều kiện toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức, yếu tố tạo nên sự cạnh tranh giữa các quốc gia là con người. Do vậy, tập trung nguồn lực để phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt, sống còn để tiếp thu công nghệ, xây dựng cơ cấu ngành nghề. Bài viết này phân tích thực trạng thị trường lao động Việt Nam và đề xuất một số giải pháp nhằm ổn định thị trường lao động, hướng đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ảnh minh họa. Nguồn: quochoi.vn
Khái quát thị trường lao động Việt Nam năm 2022
Thị trường lao động Việt Nam năm 2022 tiếp tục phục hồi và dần ổn định. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân của người lao động trong quý IV/2022 tiếp tục tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 đạt 51,7 triệu người, cao hơn 1,1 triệu người so với năm 2021. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 19,1 triệu người, chiếm 37,1 điểm phần trăm; lực lượng lao động nữ đạt 24,2 triệu người, chiếm 46,8% lực lượng lao động của cả nước.
Số lao động có việc làm trong tổng số lực lượng lao động năm 2022 là 68,5%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm 2021. Lực lượng lao động đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên năm 2022 ước tính là 13,5 triệu người, chiếm 26,2%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với năm trước; Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2022 là 50,6 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với năm 2021, tuy nhiên vẫn thấp hơn năm 2019 là 56,8 nghìn người. Trong đó, số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người (tăng 877,3 nghìn người so với năm trước), lao động ở khu vực nông thôn là 31,9 triệu người (tăng 627,2 nghìn người so với năm trước).
Lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,0 triệu người (chiếm 33,6%), tăng 724,6 nghìn người so với năm trước; khu vực dịch vụ được ghi nhận có sự tăng lên mạnh và đạt 19,7 triệu người (chiếm 38,9%), tăng 1,1 triệu người so với năm trước. Lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt mức 13,9 triệu người, (chiếm 27,5%), giảm 352,7 nghìn người so với năm trước; Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước trong năm 2022 là 65,6%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với năm trước. So với năm 2021, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức giảm ở cả khu vực thành thị và nông thôn, tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 49,9% và khu vực nông thôn là 74,7%, giảm lần lượt là 2,1 điểm phần trăm và 3,2 điểm phần trăm.
Năm 2022, tình trạng thiếu việc làm trong độ tuổi năm 2022 là khoảng 991,5 nghìn người, giảm 454,5 nghìn người so với năm trước năm 2022. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,21%, giảm 0,89 điểm phần trăm so với năm trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,70% và 2,51%). Chia theo ba khu vực kinh tế, nông nghiệp là khu vực có tỷ lệ này cao nhất với 4,03%, tiếp theo là khu vực dịch vụ với 1,79%, và khu vực công nghiệp và xây dựng đạt tỷ lệ thấp nhất với 1,79%.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 927 nghìn đồng so với năm trước và tăng 759 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,6 triệu đồng, tăng 950 nghìn đồng so với năm trước và tăng 830 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019; thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,6 triệu đồng, tăng 914 nghìn đồng so với năm trước và tăng 709 nghìn đồng so với cùng năm 2019.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2022 là gần 1,07 triệu người, giảm 359,2 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2022 là 2,32%, giảm 0,88 điểm phần trăm so với năm trước.
Số thanh niên từ 15-24 tuổi thất nghiệp năm 2022 là khoảng 409,3 nghìn người, chiếm 37,6% tổng số người thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong năm 2022 là 7,72%, giảm 0,83 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,70%, giảm 2,13 điểm phần trăm so với năm trước.
Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu năm 2022 là gần 4,4 triệu người, giảm 0,7 triệu người so với năm trước. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn; Gần 2/3 số lao động tự sản tự tiêu là nữ giới (chiếm 63,1%). Số lao động nữ giới làm công việc tự sản tự tiêu năm 2022 giảm gần 100 nghìn người so với năm trước. Đây là nhóm lao động yếu thế và chịu nhiều ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ngay cả khi thị trường lao động mở cửa trở lại. Trong tổng số hơn 4,5 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, khoảng 2,3 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 52,9%).
Nguyên nhân thất nghiệp ở Việt Nam
Từ thực trạng thị trường lao động Việt Nam thời gian qua cho thấy một số nguyên nhân gây nên tình trạng thất nghiệp vẫn còn cao là:
Một là, thiếu định hướng nghề nghiệp. Ngay từ trong quá trình đào tạo, học viên, sinh viên thiếu định hướng nghề nghiệp sẽ dẫn đến việc chọn ngành nghề không phù hợp với bản thân. Điều này sẽ gây ra tình trạng chán nản, chần chừ không muốn tìm việc vì không biết nên tìm công việc gì là tốt nhất cho mình. Theo thống kê, một bộ phận lớn học viên, sinh viên sau khi đã đi gần hết quá trình đào tạo trong trường đại học, chuẩn bị bước vào môi trường lao động nghề nghiệp, vẫn còn thiếu một định hướng đầy đủ và cụ thể cho nghề nghiệp của mình. Một bộ phận sinh viên ngay từ khi lựa chọn ngành học và trong quá trình học đã không có một sự định hướng cụ thể và “cũng không được ai khuyên” về các nghề gắn với ngành học của mình.
Hai là, trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp. Việt Nam có nguồn lao động vô cùng dồi dào nhưng chất lượng chưa cao. Trong bối cảnh toàn cầu hóa đồng thời khoa học công nghệ phát triển thì trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động Việt chưa đạt yêu cầu. Có những công việc yêu cầu về trình độ đào tạo cũng như đào tạo chuyên môn cao nhưng phần lớn người lao động không đáp ứng được. Nhìn chung, lao động Việt Nam còn yếu về ngoại ngữ, thiếu hiểu biết về luật pháp và văn hóa của quốc gia đến làm việc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị luôn cao hơn nông thôn
Ba là, thiên tai, dịch bệnh. Thiên tai có thể ảnh hưởng đến một bộ phận lớn trong lực lượng lao động tại những vùng bị thiệt hại, khiến cho họ bị mất việc trong một khoảng thời gian dài; Còn dịch bệnh chắc hẳn không còn quá xa lạ đối với chúng ta. Khi xảy ra dịch bệnh, hầu hết những công việc phải dừng lại. Tình hình dịch bệnh kéo dài đã làm nhiều người lao động mất việc làm, thậm chí nhiều DN phải phá sản vì không thể cầm cự.
Bốn là, máy móc, thiết bị hiện đại thay thế con người. Cách mạng công nghiệp lên ngôi, không ít người lao động bị thay thế bởi máy móc hiện đại. Khi áp dụng, sử dụng máy móc trí tuệ nhân tạo AI, các DN sẽ không phải quản lý, không phải thưởng thêm, chi trả bảo hiểm… Trên hết, năng suất mà máy móc tạo ra cao hơn con người.
Năm là, mức lương chưa hấp dẫn. Mức lương ở thị trường lao động chưa thực sự hấp dẫn với người lao động. Nhiều lao động vẫn loay hoay tìm việc vì mức lương của thị trường không xứng đáng với trình độ của họ.
Sáu là, chất lượng lao động chưa cao. Việt Nam có nguồn lao động dồi dào nhưng chất lượng chưa cao. Trong bối cảnh toàn cầu hóa đồng thời khoa học công nghệ phát triển thì trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động Việt chưa đạt yêu cầu.
Thị trường lao động Việt Nam đang phải đối diện với các xu hướng mới sau:
- Đại dịch COVID-19 làm thay đổi đáng kể nhiều loại hình công việc: Dưới tác động của đại dịch, dự báo các xu hướng công việc trong thời gian tới tiếp tục thay đổi đáng kể.
- Các DN đang có xu hướng tự động hóa để dần thay thế con người hoặc tuyển dụng và trả lương người lao động theo sản phẩm, không nhất thiết phải theo mô hình ký giao kết hợp đồng lao động: Xu hướng này là tất yếu vì DN ngày càng tối ưu hóa hoạt động sản xuất dịch vụ. Đại dịch COVID-19 là "chất xúc tác" xu hướng này đi nhanh hơn. Hơn nữa người lao động có tay nghề ngày càng có xu hướng làm việc từ xa, làm nhiều việc khác nhau chứ không nhất thiết phải làm một công việc duy nhất.
- Lao động giản đơn sẽ yếu thế: Xu hướng trả lương mới gắn với quy trách nhiệm cho người lao động, có khả năng biến thành "cuộc đua tranh" về sản phẩm, rất dễ đào thải những lao động lớn tuổi, lao động giản đơn; Lao động giản đơn không có nhiều lựa chọn, có thể bị ép vào cuộc chơi này, làm nhiều hơn để có tiền sống; Về quan hệ lao động, thời gian ban đầu, có thể sẽ diễn ra nhiều xung đột giữa người lao động và doanh nghiệp.
- Xu hướng "phi chính thức" gia tăng: Những đô thị lớn sẽ chứng kiến việc số lượng lao động phi chính thức gia tăng. Nguyên nhân xuất phát từ DN và người lao động. DN sẽ có nhiều lợi nhuận hơn, còn người lao động ngày càng thích tự chủ, linh hoạt, ít áp lực...
- Lao động trên các nền tảng công nghệ có thể trở nên chính thức: Lao động trên nền tảng công nghệ số như tài xế xe công nghệ, người làm việc thông qua các ứng dụng công nghệ kết nối rất có thể chuyển sang hướng chính thức.
- Chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm: Với xu hướng làm việc từ xa, một số ngành nghề thu hẹp và được máy móc thay thế, nhất là đối với khối văn phòng, hành chính, kế toán... Đồng thời, với khối văn phòng, đòi hỏi nhân viên đều phải sử dụng nền tảng số để xử lý công việc. Xu hướng này cùng với việc con người ngày càng tương tác trên không gian mạng nhiều hơn cũng là cơ hội, kích thích ngành nghề sáng tạo, kỹ năng gắn với công nghệ, tư duy sáng tạo, các kỹ năng mềm như thiết kế, marketing... Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi mức độ, thời gian làm việc chính xác và trách nhiệm cao hơn... Một số lĩnh vực hiện hữu như xuất bản sẽ có xu hướng "độc đáo" hóa, làm ra các sản phẩm xa xỉ, hàng chất lượng nhiều hơn. Trong khối ngành nông nghiệp, có thể thấy nhiều hơn mô hình nông nghiệp gắn liền với nghỉ dưỡng, có cung cấp dịch vụ thụ hưởng cho những người khác.
- Sự nỗ lực trong điều tiết kinh tế vĩ mô: Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế cũng chứng minh năng lực thích ứng với các tác động tiêu cực của DN đã tăng lên rõ rệt. Tín hiệu DN quay trở lại thị trường và gia nhập mới cũng ghi nhận các kỳ vọng của DN với các chính sách phục hồi kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Điều này tạo kỳ vọng cho thị trường lao động có thể giữ vững đà tăng trưởng cho các năm tiếp theo; Thị trường lao động Việt Nam vẫn có nhiều khởi sắc, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng lên; tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ lao động phi chính thức đều có xu hướng giảm. Điều này cho thấy dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và cả hệ thống chính trị nhằm phục hồi kinh tế, hỗ trợ người lao động, DN đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường lao động nói riêng đang từng bước phục hồi.
Năm 2022, chứng kiến sự tăng trưởng ở hầu hết các ngành kinh tế, thu nhập của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế so với năm 2021, trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng thu nhập cao nhất. Thu nhập của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh nhất, tăng 17,6% (tương ứng tăng 1,1 triệu đồng/người/tháng); lao động làm việc trong ngành dịch vụ tăng 15,4% (tương ứng tăng 1,0 triệu đồng/người/tháng). Thu nhập bình quân của lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 9,8%, tương ứng tăng 448 nghìn đồng...
Giải pháp ổn định thị trường lao động, hướng đến phát triển kinh tế - xã hội
Thời gian tới, nhằm ổn định thị trường lao động, hướng đến phát triển kinh tế - xã hội, cần chú trọng các nhóm giải pháp sau:
Kiểm soát tình trạng lao động thất nghiệp
- Nâng cao nhận thức về thị trường lao động, tuân thủ quy luật các quy luật của kinh tế thị trường, coi lao động là hàng hóa đặc biệt để có cơ chế, chính sách phù hợp. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hiệu quả, hội nhập quốc tế, nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất, tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao. Tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế (các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế - ILO), các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới) mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn. Thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường liên kết thị trường lao động trong và ngoài nước.
- Nắm bắt nhu cầu, phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm đang là ưu tiên hiện nay như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu… Tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch để mỗi người lao động từ khi tham gia đến khi rời thị trường lao động được quản trị minh bạch, thống nhất, tạo điều kiện cho tham gia các hoạt động giao dịch việc làm, tiếp cận thông tin về thị trường lao động việc làm; để DN dễ tiếp cận cung lao động, nâng cao chất lượng lao động, cơ sở đào tạo có chiến lược, kế hoạch đào tạo, cung ứng kịp thời, sát với nhu cầu thực tiễn. Đẩy mạnh đầu tư số hóa quản trị lao động việc làm kết nối với số hóa quản lý dân cư.
- Đầu tư cả về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ địa phương cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau. Hệ thống thông tin và dự báo hướng tới đối tượng người sử dụng là các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, DN và nhất là người lao động và người sử dụng lao động. Chính sách phải dựa trên cơ sở dữ liệu hiện tại và dự báo tương lai.
- Đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường, xây dựng nhiệm vụ phù hợp, khả thi, hiệu quả cả ngắn hạn và dài hạn, đa dạng hoá các nguồn tín dụng để thúc đẩy việc tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa.
- Quan tâm tới dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, địa bàn, đảm bảo có cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên toàn quốc; có cơ chế khuyến khích hỗ trợ dịch chuyển lao động, hỗ trợ các địa bàn còn yếu kém; đẩy mạnh liên kết thị trường việc làm giữa các vùng trong nước, hình thành cơ chế kết nối cung cầu tự động giữa thị trường trong và ngoài nước. Tạo việc làm ở khu vực nông thôn, miền núi để người dân có thể làm việc tại quê hương với mức thu nhập ổn định, để người lao động hạn chế phải xa quê hương. Triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động ở khu công nghiệp và các thành phố lớn.
- Đổi mới hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Chú trọng đào tạo những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỷ cương… để hội nhập với thị trường lao động thế giới.
- Tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động. Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại DN để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục vụ phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
- Hướng nghiệp hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn lao động. Công tác giáo dục và đào tạo phải phù hợp với yêu cầu và thực tế phát triển của nền kinh tế, vì thế ngành giáo dục phải không ngừng cải cách chương trình, nội dung cũng như phương pháp giảng dạy ở tất cả các cấp mà đặc biệt quan tâm đến giáo dục ở bậc đại học và dạy nghề cho phù hợp với thực tế. Đào tạo nghề cần căn cứ trên định hướng phát triển kinh tế, coi trọng công tác dự báo nhu cầu lao động theo các trình độ.
- Không ngừng mở rộng giao lưu quốc tế nhằm học hỏi các kinh nghiệm, nâng cao kiến thức. Lao động không chỉ hiểu biết chuyên sâu về một ngành nghề mà còn phải biết các kiến thức tổng hợp khác như: ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm...
- Tăng cường tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức của công nhân, người lao động để họ thấy rõ việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp vừa là quyền lợi, vừa là yêu cầu để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội.
- Người lao động tự nâng cao chuyên môn và kỹ thuật. Khi có điều kiện và cơ hội, bản thân người lao động nên chủ động học hỏi, tiếp thu và cập nhật những kiến thức mới để nâng cao chuyên môn và tay nghề của mình. Đó là cách giúp người lao động tăng cơ hội tìm kiếm việc làm và thăng tiến trong công việc, đồng thời thu nhập cá nhân cũng sẽ tăng lên.
- Mở các chương trình đào tạo lại và đào tạo nghề miễn phí. Với tình trạng chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, Nhà nước nên tổ chức các chương trình đào tạo lại để nâng cao chuyên môn và kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu kinh tế ngày càng phát triển sâu rộng.
- Người lao động nên tham gia bảo hiểm thất nghiệp để khi mất việc làm sẽ có một khoản tiền trang trải cho cuộc sống và có cơ hội tìm một công việc mới. Hơn nữa, bảo hiểm thất nghiệp còn hỗ trợ người lao động học nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm (Điều 42 Luật Việc làm 2013). Điều kiện để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là phải đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Ổn định thị trường lao động trong ngắn hạn
- Tạo công ăn việc làm mới cho lao động mất việc ở khu vực sản xuất kinh doanh, nới lỏng các chính sách tài chính, cải cách thủ tục hành chính, nhằm thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.
- Sắp xếp, nâng cao hiệu quả của hệ thống dịch vụ việc làm. Xã hội hoá đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo dạy nghề cho công nhân.
- Sử dụng hợp lý, kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội nhằm hỗ trợ một phần kinh phí cho lao động thuộc diện chính sách ưu đãi, đối tượng yếu thế trong xã hội.
Ổn định thị trường lao động trong dài hạn
- Cần thiết phải có sự can thiệp của Nhà nước nhằm nâng cao tổng cầu trong nền kinh tế, hay nói cách khác phải kích cầu tiêu dùng và cầu đầu tư; Tăng cường sử dụng các nguồn vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, làm thuỷ lợi, giao thông, thủy điện.
- Tạo dựng quỹ hỗ trợ những công dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động; Khuyến khích, động viên phát triển các DN vừa và nhỏ, cung cấp cho họ nguồn vay hợp lý để trang bị, cải tiến máy móc phục vụ mở rộng, đẩy mạnh sản xuất; Khuyến khích sử dụng nguồn lao động là nữ, người tàn tật. Quan tâm hỗ trợ các cơ sở sản xuất của người khuyết tật và thương binh. Đầu tư phát triển ở những vùng trung du, miền núi, các vùng quê còn nhiều khó khăn để phân bổ nguồn nhân công.
- Tăng cường tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức của công nhân, người lao động để họ thấy rõ việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp vừa là quyền lợi, vừa là yêu cầu để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội
- Với tình trạng chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, Nhà nước tổ chức các chương trình đào tạo lại để nâng cao chuyên môn và kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu kinh tế ngày càng phát triển sâu rộng.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ, Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2023;
2. Tổng cục Thống kê, niên giám thống kê qua các năm (http://www.gso.gov.vn);
3. Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam, Phân tích bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước (http://www.vie.org.vn/)