(Thoibaotaichinhvietnam.vn) Chiều ngày 24/6, sau 23 ngày làm việc, Quốc hội đã họp phiên bế mạc. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khẳng định, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, tiếp tục có đổi mới, sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Dù khó khăn, vẫn luôn kiên định thực hiện các mục tiêu
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 23 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và tiến hành phiên bế mạc.
Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận các báo cáo, tờ trình của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2023.
Những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô nước ta cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn các hạn chế, yếu kém đang tích tụ của kinh tế trong nước. Ổn định kinh tế vĩ mô còn chưa thực sự vững chắc; tăng trưởng kinh tế đạt thấp; phân bổ, giải ngân đầu tư công còn chậm, chưa đạt mục tiêu…
Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ vẫn quyết tâm kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2023 đã đề ra. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, cùng với những nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, tại kỳ họp này, Quốc hội đã kịp thời có nhiều quyết sách rất quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, như: Tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa; cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế.
Đồng thời, Quốc hội cho phép linh hoạt điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đẩy nhanh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công. Quốc hội cũng quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Thông qua Luật Giá (sửa đổi)
Tại kỳ họp này, bên cạnh quyết định nhiều vấn đề quan trọng, đáng chú ý, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi) và quyết toán NSNN năm 2021 do Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội với số phiếu tán thành cao.
Trước đó, vào chiều 19/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi) với đa số đại biểu tán thành. Luật Giá (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, trừ quy định tại khoản 2, Điều 60, liên quan đến Hội đồng thẩm định giá sẽ có hiệu lực từ 01/01/2026.
Luật Giá (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 75 điều. Luật Giá (sửa đổi) có nhiều điểm mới nhằm khắc phục một số hạn chế bất cập của luật hiện hành. Luật Giá lần này sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá. Đồng thời, luật không đưa mặt hàng “thịt lợn”, “sữa cho người cao tuổi” vào danh mục bình ổn giá; quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không nội địa. Quy định như trên để một mặt đảm bảo quyền chủ động của các hãng hàng không, song mặt khác vẫn bảo vệ quyền lợi của người dân thì Nhà nước vẫn cần giữ quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa với tính chất là công cụ quản lý nhà nước về giá.
Cũng trong chiều 19/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021, với đa số phiếu tán thành.
Theo đó, quyết toán NSNN năm 2021 được Quốc hội phê chuẩn cụ thể như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 2.387.906 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2020 chuyển sang năm 2021, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2020, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN. Tổng số chi cân đối NSNN là 2.484.439 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022. Bội chi NSNN là 214.053 tỷ đồng, bằng 2,52% GDP, không bao gồm kết dư ngân sách địa phương. Tổng mức vay của NSNN để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 455.927 tỷ đồng.
Minh Anh