“Hút” dòng vốn FDI vào Việt Nam bằng môi trường đầu tư thuận lợi

“Hút” dòng vốn FDI vào Việt Nam bằng môi trường đầu tư thuận lợi 16/05/2023 16:33:00 936

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

“Hút” dòng vốn FDI vào Việt Nam bằng môi trường đầu tư thuận lợi

16/05/2023 16:33:00

(HQ Online) Theo báo cáo của hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) về vốn đầu tư toàn cầu, dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực: Công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; năng lượng sạch;… Đây cũng chính là những lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong thời gian tới.

Samsung là một trong những doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất trong thời gian qua. Ảnh Trần Ngọc.

Tiềm năng và cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức

Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi đáng kể của môi trường kinh doanh và đầu tư toàn cầu dưới tác động của những yếu tố địa chính trị phức tạp, những biến cố chưa từng có tiền lệ như đại dịch Covid-19, những thách thức đa phương như biến đổi khí hậu hay những vấn đề mới nảy sinh như chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu… làm ảnh hưởng không chỉ đến đà phục hồi mà còn thúc đẩy sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài diễn ra nhanh, mạnh mẽ hơn trên toàn thế giới, mang đến nhiều sự thay đổi trong các quyết sách đầu tư. Trong đó, có thể kể đến sự chững lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian gần đây, dù Việt Nam vẫn được nhìn nhận như một điểm đến đầu tư rất hấp dẫn và đầy tiềm năng.

Phát biểu tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đánh giá, cùng với số lượng dự án và vốn đầu tư ngày càng gia tăng, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một khu vực kinh tế năng động và là động lực tăng trưởng quan trọng, hiệu quả của nền kinh tế. Đồng thời, khu vực đầu tư nước ngoài cũng đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, mở rộng quan hệ với các nước, cũng như nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam trên thế giới và khu vực, giúp Việt Nam vươn ra biển lớn thành công.

Đánh giá về môi trường đầu tư của Việt Nam, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam chia sẻ, không chỉ riêng AEON mà các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung cũng mong muốn đầu tư vào Việt Nam, bởi nhiều yếu tố hấp dẫn. Thứ nhất, Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế khi tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, với mức sống người dân ngày càng nâng cao. Bên canh đó, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các nước châu Á khác, cũng như Nhật Bản.

Thứ hai, Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ mà còn nhiều lĩnh vực khác. Năm nay cũng là năm đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật bản. “Môi trường đầu tư tại Việt Nam luôn thay đổi, nhưng tiềm năng và cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức”, đại diện AEON đánh giá.

Thúc đẩy dòng vốn mới

Để thúc đẩy dòng vốn đầu tư mới vào Việt Nam, ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch công ty Đầu tư CME Solar cho rằng Chính phủ cần tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Cụ thể, ông Kiên kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ tăng nhằm cường nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa các dự án và nâng cao chất lượng các dự án đã có. Một trong những giải pháp đó là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, giúp đưa ra các giải pháp mới để cải thiện hiệu suất và giảm chi phí đầu tư.

“Ngoài ra, Chính phủ cũng cần thúc đẩy các quy định pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư”, ông Kiên nói.

Còn theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, để tăng cường năng lực cạnh tranh, xa hơn nữa là vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp FDI cần cải thiện môi trường đầu tư. Theo ông Choi Joo Ho, việc cải thiện môi trường đầu tư phải được thực hiện liên tục để thích ứng linh hoạt với những biến đổi của môi trường bên ngoài. Và cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu là ví dụ điển hình của "những biến đổi môi trường bên ngoài" quan trọng nhất gần đây.

"Sự đối ứng của chính phủ Việt Nam với biến đổi này rất quan trọng. Là một cơ chế được áp dụng bởi tổ chức quốc tế, nên những chính sách cụ thể được đưa ra với sự thỏa thuận của nhiều bên liên quan. Do đó, nếu Việt Nam cũng áp dụng những chính sách này thì có thể loại bỏ đáng kể sự bất ổn trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng", ông Choi Joo Ho cho biết.

Bên cạnh đó, việc thực hiện cam kết và xây dựng lòng tin giữa Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp. Lấy dẫn chứng ngay từ câu chuyện giữa Chính phủ Việt Nam và Samsung, ông Choi Joo Ho nhấn mạnh việc thực hiện cam kết một cách nghiêm túc giữa Chính phủ Việt Nam và Samsung dựa trên nền tảng của mối quan hệ tin cậy sâu sắc lẫn nhau, và hai bên đã hình thành một mối quan hệ mang tính phát triển theo một vòng tuần hoàn tích cực. Đây cũng là kinh nghiệm để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khác có thể tham khảo. Đồng thời, Samsung cũng đề xuất các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài liên tục thực hiện các hoạt động cống hiến xã hội tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không thể chỉ hưởng lợi ích tại Việt Nam rồi rời đi mà các doanh nghiệp cần phải cùng đồng hành và phát triển với người dân Việt Nam trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Xuân Thảo

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%