- Đơn vị chủ trì: Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Đinh Ngọc Linh
- Năm giao nhiệm vụ: 2022/Mã số: 2022-05-Đ1
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Năng lực cạnh tranh (NLCT) quốc gia là một nhân tố mạnh mẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, đại dịch Covid-19 kéo dài cần tăng sức chống chịu của nền kinh tế. NLCT quốc gia được cải thiện có nghĩa là năng suất của nền kinh tế tăng lên, các nguồn lực lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, vốn được sử dụng hợp lý và hiệu quả, kết cấu hạ tầng, các ngành công nghiệp hỗ trợ đảm bảo được nhu cầu sản xuất và phát triển kinh tế, kết quả là năng lực sản xuất của nền kinh tế được cải thiện. Ngược lại, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định lại là điều kiện hết sức thuận lợi để tăng NLCT quốc gia. NLCT quốc gia là mục tiêu phát triển quan trọng của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay, nhất là tại Đại hội Đảng lần thứ XII. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao NLCT của Việt Nam. Hằng năm Chính phủ ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao NLCT quốc gia (Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014 - 2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP các năm 2019 - 2022) với các mục tiêu, giải pháp cụ thể, bám sát các chỉ số xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín. Để cụ thể hóa và triển khai các chủ trương lớn tại Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao NLCT quốc gia, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.
Qua 8 năm thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường NLCT của quốc gia, vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng NLCT uy tín toàn cầu đã được nâng lên. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, NLCT của Việt Nam còn có những khoảng cách nhất định, trong đó bao gồm NLCT của một số lĩnh vực tài chính. Bên cạnh đó, việc thực hiện cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 có xu hướng chững lại. Thêm vào đó, việc cải thiện vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng ngày càng khó khăn bởi các nền kinh tế khác cũng rất chú trọng cải cách nhằm nâng cao vị thế trên toàn cầu. Do vậy, các giải pháp cải thiện chỉ số đánh giá NLCT quốc gia trong lĩnh vực tài chính cần được chú trọng thực hiện nhằm hoàn thành mục tiêu nâng cao NLCT quốc gia mà Chính phủ đề ra.
Chính vì những lý do trên, việc thực hiện đề tài “Cải thiện chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam” có giá trị khoa học và có ý nghĩa thực tiễn cao. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ cung cấp thêm luận cứ, hỗ trợ quá trình xây dựng và hoàn thiện các chính sách phục vụ cho công tác quản lý và điều hành của Bộ Tài chính.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Trên cơ sở phân tích, đánh giá NLCT quốc gia của Việt Nam trên một số chỉ số trong lĩnh vực tài chính; đề tài đưa ra các khuyến nghị cải thiện các chỉ số đánh giá NLCT quốc gia trong lĩnh vực tài chính nhằm nâng cao NLCT quốc gia của Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Chỉ số đánh giá NLCT quốc gia.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu chỉ số đánh giá NLCT ngành Tài chính thuộc lĩnh vực Bộ Tài chính phụ trách (theo Quyết định số 39/QĐ-BTC ngày 11/01/2022), giai đoạn 2014 - 2022, tại Việt Nam và có tham khảo kinh nghiệm của một số nước.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã khái quát những vấn đề chung về NLCT quốc gia và chỉ số đánh giá NLCT quốc gia trong lĩnh vực tài chính; từ khái niệm, phân loại NLCT, làm rõ NLCT quốc gia và các yếu tố quyết định NLCT quốc gia, các phương pháp đánh giá NLCT quốc gia. Đặc biệt, đề tài đã làm rõ chỉ số đánh giá NLCT quốc gia trong lĩnh vực tài chính theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới và theo chỉ số phát triển chính phủ điện tử. Đồng thời, đề tài đã nghiên cứu kinh nghiệm cải thiện NLCT quốc gia trên một số chỉ số trong lĩnh vực tài chính của một số quốc gia trên thế giới; từ đó, rút ra 5 bài học có thể tham khảo vận dụng vào Việt Nam.
(2) Đề tài đã khái quát thực trạng NLCT quốc gia của Việt Nam; đặc biệt, đã đi sâu phân tích đánh giá thực trạng NLCT quốc gia trên một số chỉ số trong lĩnh vực tài chính, gồm: chỉ số nộp thuế, chỉ số thương mại qua biên giới, chỉ số vốn hóa thị trường, hệ số xếp hạng tín nhiệm và chỉ số phát triển chính phủ điện tử. Thông qua phân tích thực trạng, đề tài đã nhận diện những vấn đề đang đặt ra đối với NLCT quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính.
(3) Trên cơ sở bối cảnh kinh tế - xã hội và quan điểm, mục tiêu nâng cao NLCT của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, đề tài đã đề xuất 02 nhóm khuyến nghị nhằm cải thiện NLCT quốc gia của Việt Nam và cải thiện xếp hạng các chỉ số trong lĩnh vực tài chính bao gồm:
Nhóm thứ nhất, khuyến nghị cải thiện NLCT quốc gia của Việt Nam: (i) Tăng cường cải cách môi trường kinh doanh để thúc đẩy cạnh tranh thông qua: Cải cách nền hành chính trên cơ sở thực hiện chuyển đổi số; Tiếp tục phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, tạo bước đột phá chiến cho phát triển kinh tế - xã hội; Về công nghệ thông tin, cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phủ rộng internet, thuê bao di động nhiều hơn nữa tới người dân, đặc biệt những khu vực miền núi, nghèo khó; (ii) Tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành nghề và nền kinh tế thúc đẩy thị trường; (iii) Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ nhân lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; (iv) Chuyển đổi hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; (v) Nâng cao hiệu quả của các chỉ số PAPI và PCI, nhất là các chỉ số tương đồng với các chỉ số của GCI thông qua các giải pháp như: Chính quyền các địa phương cần tăng cường công khai, minh bạch, chủ động trong cung cấp thông tin cho nhân dân; đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng.
Nhóm thứ hai, khuyến nghị cải thiện xếp hạng các số chỉ số trong lĩnh vực tài chính: (i) Khuyến nghị nâng cao chỉ số nộp thuế, ưu tiên giải pháp: Rà soát kiến nghị, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhằm tạo cơ hội kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh; Minh bạch các quy định về thuế, cải thiện sao cho doanh nghiệp có thể hiểu đúng và xác định được số tiền thuế phải nộp...; (ii) Tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch thương mại qua biên giới để đẩy nhanh cải thiện xếp hạng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới: Cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành cần thực hiện các nguyên tắc: quản lý rủi ro dựa trên đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hóa; chuyển mạnh sang hậu kiểm; minh bạch về danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành kèm mã số HS ở cấp độ chi tiết; minh bạch về chế độ quản lý và chi phí; áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; (iii) Phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển TTCK phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; mở rộng và kết nối với thị trường khu vực và quốc tế; Tăng cung hàng hóa và cải thiện chất lượng nguồn cung cho thị trường; Hoàn thiện và phát triển nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại; (iv) Tăng cường hợp tác với các tổ chức xếp hạng NLCT quốc tế và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm: Xây dựng quy chế cung cấp thông tin cụ thể, cập nhật, có tính thời sự đối với các lĩnh vực; Tăng cường năng lực cán bộ, bố trí đội ngũ cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp chuyên trách công tác; Chủ động cung cấp thông tin thường xuyên theo các kênh đa dạng để quảng bá về những kết quả tích cực trong điều hành kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng lịch biểu và định kỳ tổ chức các đợt tiếp xúc tại Việt Nam và nước ngoài để quảng bá tới các tổ chức quốc tế; Nâng cao tính chủ động, tích cực, phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành, tổ chức được giao chủ trì hoặc tham gia công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia...; (v) Đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử trong ngành Tài chính.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 116/QĐ-CLTC ngày 23/11/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2022).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.