- Đơn vị chủ trì: Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Thúy Quỳnh
- Năm giao nhiệm vụ: 2022/Mã số: 2022-04-Đ1
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong hơn 30 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển và trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nền kinh tế đã bộc lộ không ít yếu kém nội tại, như dễ rơi vào bất ổn bởi tác động của các cú sốc bên ngoài, thâm hụt ngân sách cao, nợ công lớn, lạm phát cao và chưa ổn định... Trước bối cảnh này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 01/2011) đã thông qua chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng: “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững”. Sau hơn 10 năm thực hiện, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả: Môi trường kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; thể chế tài chính từng bước được xây dựng, sửa đổi, bổ sung và kiện toàn; cơ cấu ngành nghề đã có sự chuyển dịch hợp lý, đúng mục tiêu; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; thu nhập và chất lượng cuộc sống được nâng cao. Đặc biệt là, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới... Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 vẫn thấp hơn mục tiêu. Việc hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước.
Tiềm năng tăng trưởng và các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn còn dư địa và chưa được khai thác, giải phóng triệt để. Việc sử dụng, khai thác tiềm năng, nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả dẫn đến năng suất lao động còn thấp so với khu vực, hệ số ICOR cao, khả năng chống chịu của nền kinh tế thấp... Đứng trước những khó khăn, thách thức nội tại của nền kinh tế và để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế trong giai đoạn tới, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng... nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Mục tiêu cho phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là “nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”. Do đó, để đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng đã được Đại hội Đảng XIII đề ra thì việc đánh giá một cách toàn diện chất lượng, hiệu quả tăng trưởng kinh tế là rất cần thiết và có tính thực tiễn.
Bên cạnh đó, mặc dù thời gian qua cũng đã có một số nghiên cứu đánh giá chất lượng tăng trưởng của Việt Nam ở các khía cạnh khác nhau, nhưng các phân tích định lượng còn hạn chế. Trong khi đó, lượng hóa được các đóng góp của chất lượng tăng trưởng cũng như các yếu tố tác động đến chất lượng tăng trưởng sẽ đem lại cái nhìn trực quan và làm cơ sở để đề xuất các chính sách phù hợp. Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Ảnh hưởng của bất bình đẳng đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” là cần thiết, có ý nghĩa cả về mặt khoa học và thực tiễn.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Đề tài đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam qua phân tích định lượng và đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2023 - 2030.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa trên số liệu giai đoạn 1995 - 2021 và kiến nghị chính sách cho giai đoạn 2023 - 2030.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã nghiên cứu một số vấn đề chung về tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng kinh tế. Trong đó, đề tài đã làm rõ nội hàm về tăng trưởng kinh tế như: khái niệm tăng trưởng kinh tế, đo lường tăng trưởng kinh tế, các yếu tố quyết định đến tăng trưởng kinh tế, các mô hình tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, đề tài cũng đã chỉ ra được các quan điểm về chất lượng tăng trưởng, các tiêu chí đánh giá chất lượng tăng trưởng.
(2) Đề tài đã tổng quan được các vấn đề chung về đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế thông qua việc phân tích định lượng như: Các phương pháp chủ yếu đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế: Phương pháp bảng/bộ chỉ số, phương pháp khung, phương pháp chỉ số tổng hợp; các nghiên cứu thực nghiệm về phân tích chất lượng tăng trưởng dựa trên 03 phương pháp; xác định mô hình phân tích chất lượng tăng trưởng của Việt Nam. Đề tài thực hiện phân tích chất lượng tăng trưởng của Việt Nam dựa trên việc xây dựng chỉ số chất lượng tăng trưởng QGI được đề xuất bởi Mlachila và cộng sự (2014). Qua đó cho thấy, QGI là một chỉ số tổng hợp, được kết hợp từ hai nhóm: (i) Nhóm chỉ số phụ về bản chất nội tại của tăng trưởng; (ii) Nhóm chỉ số phụ về xã hội đại diện cho các kết quả xã hội thu được từ tăng trưởng. Việc xây dựng QGI được thực hiện theo hai bước: đầu tiên các biến được chuẩn hóa thành các chỉ số có cùng thang đo, sau đó được tổng hợp thành một chỉ số duy nhất sử dụng các trọng số khác nhau.
(3) Đề tài đã phân tích thực trạng chất lượng tăng trưởng của Việt Nam và cho thấy chất lượng tăng trưởng đã được cải thiện theo thời gian, đặc biệt là giai đoạn những năm trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Hai năm 2020 - 2021, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện và tác động tiêu cực đến Việt Nam trên mọi mặt kinh tế - xã hội cũng như đời sống của người dân, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam đã bị giảm mạnh xuống mức 0,65 năm 2020 và 0,60 năm 2021. Trong khi những năm Việt Nam chịu tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính của khu vực và thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế bị suy giảm đáng kể, nhưng chất lượng tăng tưởng lại không giảm đi, thậm chí còn tăng. Điều này cho thấy, tăng trưởng kinh tế hoàn toàn không phải là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Trải qua ba cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 1998 - 1999 và 2008 - 2009, đại Covid-19 2020 - 2021, thì mức độ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Covid-19 có tác động mạnh đến chất lượng tăng trưởng kinh tế hơn hai cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính trước. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tác động đến cả khía cạnh kinh tế và xã hội của Việt Nam; trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính gần như không tác động đến khía cạnh xã hội của tăng trưởng, mà chỉ tác động đến bản chất nội tại của tăng trưởng nhưng chỉ một phần nhỏ vì xét tổng thể, bản chất nội tại của tăng trưởng vẫn tăng trong những năm 1998 - 1999 và 2008 - 2009.
Trụ cột xã hội của tăng trưởng bao gồm 03 chỉ số phụ: Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tuổi thọ dự kiến khi sinh và số năm đi học trung bình... đều được cải thiện theo thời gian; qua đó giúp cho trụ cột xã hội của tăng trưởng ngày càng tăng, ngoại trừ năm 2021. Trụ cột bản chất nội tại của tăng trưởng bao gồm 04 chỉ số phụ: Sức mạnh và sự ổn định của tăng trưởng; tính đa dạng hóa và mức độ hướng ngoại của tăng trưởng. Kết quả nghiên cứu cho thấy sức mạnh và sự ổn định của tăng trưởng có tác động cùng chiều tương đối rõ ràng đối với chất lượng tăng trưởng, nhưng không phải là tất cả, đặc biệt là trong những giai đoạn khủng hoảng kinh tế tài chính 1998 - 1999 và 2008 - 2009. Mặt khác, khi đa dạng hóa các nguồn của tăng trưởng cũng như tăng mức độ hướng ngoại của tăng trưởng thì Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính để duy trì chất lượng tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng tăng trưởng tốt hơn.
(4) Đề tài đã đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Bên cạnh việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam cần chú trọng đến việc đa dạng hóa các nguồn của tăng trưởng cũng như tăng mức độ hướng ngoại của tăng trưởng. Ngoài ra cũng không thể xem nhẹ việc chăm lo đời sống sức khỏe và trình độ giáo dục của người dân. Cụ thể: (i) Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên ứng dụng những thành tựu mới của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế xanh, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; (ii) Tăng cường xúc tiến đầu tư, mở rộng quan hệ đối ngoại cũng như đa dạng hoá các thị trường xuất khẩu và đối tác nhập khẩu của Việt Nam; (iii) Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước các cú sốc bên ngoài; (iv) Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao thông qua nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; (v) Nâng cao đời sống tinh thần và chăm sóc sức khỏe cho người dân, đảm bảo gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 115/QĐ-CLTC ngày 23/11/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2022).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.