- Đơn vị chủ trì: Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Trần Thu Thủy
- Năm giao nhiệm vụ: 2022/Mã số: 2022-03-Đ1
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Bất bình đẳng là vấn đề luôn được quan tâm tại các quốc gia. Bất bình đẳng ở mức thấp thường được xem là tiền đề quan trọng để tiếp cận các nguồn lực kinh tế, xã hội và chính trị đạt được sự công bằng cao hơn. Một số quan điểm cho rằng, bất bình đẳng ở mức thấp là điều cần hướng tới bởi bất bình đẳng thu nhập tồn tại là kết quả của sự không công bằng trong tiếp cận nguồn lực, từ đó gây ra các bất lợi cho sự gắn kết xã hội. Ngược lại, cũng có các quan điểm cho rằng, bất bình đẳng là cần thiết để tạo động lực cho đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, các bằng chứng cho thấy, bất bình đẳng cao có thể kìm hãm tăng trưởng, đặc biệt là nếu nó phản ánh sự bất ổn của thị trường tín dụng, tham nhũng hoặc các bất ổn chính trị.
Tại Việt Nam, xóa đói giảm nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng của quá trình phát triển kinh tế kể từ khi Việt Nam thực hiện đổi mới. Đến nay, công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam có xu hướng giảm rõ nét. Tuy vậy, xét ở góc độ bất bình đẳng nói chung thì vẫn còn những vấn đề cần được quan tâm như chênh lệch về thu nhập, cơ hội tiếp cận các nguồn lực giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền trên cả nước còn khá lớn. Thêm vào đó, hệ số GINI cho thấy, bất bình đẳng thu nhập có xu hướng tăng ở nông thôn. Những vấn đề này có thể đe dọa đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, các thách thức đặt ra là không nhỏ và khó dự đoán. Do vậy, việc xem xét tác động của bất bình đẳng đến tăng trưởng kinh tế sẽ giúp đánh giá được khả năng tăng trưởng của Việt Nam, qua đó rút ra những giải pháp chính sách quan trọng cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Trong khi đó, các nghiên cứu thực nghiệm về tác động của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn rất hạn chế. Các nghiên cứu về tình trạng đói nghèo của Việt Nam chủ yếu được thực hiện bởi các tổ chức quốc tế như WB, UNDP… trong đó tập trung vào các khía cạnh mang tính xã hội và ở mức vi mô. Việc đánh giá mối quan hệ vĩ mô giữa bất bình đẳng và tăng trưởng cũng rất cần thiết để thấy được việc gia tăng bất bình đẳng tại Việt Nam có thể đe dọa tới mục tiêu tăng trưởng như thế nào. Do vậy, việc nghiên cứu đề tài “Ảnh hưởng của bất bình đẳng đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Trên cơ sở làm rõ một số vấn đề lý luận về bất bình đẳng ở Việt Nam, đánh giá ảnh hưởng của bất bình đẳng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đề tài đề xuất các kiến nghị chính sách để góp phần xử lý vấn đề bất bình đẳng ở Việt Nam trong thời gian tới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Ảnh hưởng của bất bình đẳng đến tăng trưởng kinh tế.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài phân tích tác động của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2022, phân tích bối cảnh và kiến nghị chính sách cho giai đoạn 2023 - 2030. Đề tài có nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài nghiên cứu một số vấn đề chung về ảnh hưởng của bất bình đẳng đến tăng trưởng kinh tế. Trong đó, đề tài đã làm rõ các lý thuyết chỉ ra rằng bất bình đẳng có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm tăng trưởng qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có 04 kênh chính: (i) Thị trường tín dụng không hoàn hảo; (ii) Kinh tế chính trị; (iii) Bất ổn chính trị - xã hội; và (iv) Tiết kiệm. Đánh giá ảnh hưởng vĩ mô của bất bình đẳng đến tăng trưởng kinh tế thường dựa theo hai cách tiếp cận: Mô hình rút gọn về mối quan hệ giữa bất bình đẳng và tăng trưởng, mô hình cấu trúc dựa trên các kênh tác động cụ thể. Xem xét các nghiên cứu thực nghiệm trong nước và trên thế giới về ảnh hưởng của bất bình đẳng đến tăng trưởng kinh tế cho thấy, mô hình rút gọn với ước lượng dữ liệu bảng là cách tiếp cận phổ biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, kết quả của các nghiên cứu thực nghiệm về tác động của bất bình đẳng đến tăng trưởng kinh tế đến nay vẫn chưa có sự thống nhất.
(2) Đề tài phân tích, đánh giá tổng quan tăng trưởng và bất bình đẳng tại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2022 cho thấy, tăng trưởng kinh tế có nhiều biến động nhưng vẫn duy trì được các nền tảng kinh tế vĩ mô. Tình trạng bất bình đẳng chung trên cả nước tuy ở mức ổn định nhưng một số khía cạnh lại có xu hướng tăng như chênh lệch thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất có xu hướng tăng dần, bất bình đẳng ở nông thôn cao hơn thành thị, tiếp cận các dịch vụ công và dịch vụ cơ bản tại một số khu vực gặp khó khăn. Đề tài đã ước lượng tác động ngắn hạn và dài hạn của bất bình đẳng đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam dựa trên dữ liệu bảng gồm các tỉnh và rút ra được các kết quả chính như sau: (i) Trong ngắn hạn, sự gia tăng của bất bình đẳng sẽ có lợi cho tăng trưởng kinh tế trong năm tiếp theo; (ii) Trong dài hạn, bất bình đẳng tăng lên sẽ có tác động làm giảm tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn sau đó; (iii) Về đo lường bất bình đẳng, đối với trường hợp của Việt Nam, hệ số GINI nhìn chung không phải là thước đo hiệu quả.
(3) Đề tài phân tích các kênh tác động của bất bình đẳng đến tăng trưởng kinh tế. Đối với Việt Nam, hai kênh có vai trò quan trọng nhất thị trường tín dụng không hoàn hảo và chính sách tài khóa. Trong đó, chính sách tài khóa có hiệu quả trong việc giảm hệ số Gini của Việt Nam; chi tiêu công cho y tế, giáo dục và phát triển hạ tầng là những công cụ vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tích lũy vốn vật chất và con người, vừa có thể làm giảm bất bình đẳng.
(4) Qua phân tích bối cảnh giai đoạn tới, đề tài đã chỉ ra dược một số nhiều yếu tố có thể làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng tại Việt Nam trong khi kết quả ước lượng cho thấy bất bình đẳng có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế, nhất là trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cần nhiều chính sách phân phối lại hơn để giảm bất bình đẳng bởi các chính sách phân phối lại có thể không hiệu quả về mặt kinh tế, dẫn đến tác động ròng tiêu cực lên tăng trưởng. Thay vào đó, cần nâng cao hiệu quả của các chính sách hiện có và tăng cường sử dụng các công cụ cho phép đạt được đồng thời mục tiêu hiệu quả và công bằng. Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất 04 nhóm giải pháp để xử lý bất bình đẳng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, gồm: (i) Trong bối cảnh lạm phát có xu hướng tăng, tạo ra gánh nặng chi phí với các hộ gia đình và rủi ro đối với đà phục hồi kinh tế, do đó cần tập trung trước mắt là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; (ii) Mặc dù hệ thống thuế có hiệu quả trong việc giảm bất bình đẳng tại Việt Nam nhưng việc tăng mức độ lũy tiến của hệ thống thuế để điều tiết thu nhập là rất tốn kém và không hiệu quả, do vậy, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống thuế và nâng cao hiệu quả thu thuế nhằm tăng cường huy động nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách chi có khả năng thực hiện mục tiêu tốt hơn; (iii) Các đánh giá cho thấy, các công cụ về chi ngân sách, nhất là chi cho y tế, giáo dục, có hiệu quả hơn so với các công cụ thuế trong việc giảm bất bình đẳng; chi tiêu công cho con người và phát triển hạ tầng cũng là các công cụ có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Mặc dù vậy, các chính sách này tại Việt Nam cũng còn nhiều bất cập, chủ yếu là do hạn chế trong hiệu quả phân bổ và chi tiêu. Do đó, cần nâng cao hiệu quả phân bổ và chi tiêu ngân sách; (iv) Cần nâng cao hiệu quả các chính sách chi ngân sách cho an sinh và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 114/QĐ-CLTC ngày 23/11/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2022).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.