Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế

Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế 16/03/2023 15:05:00 7542

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế

16/03/2023 15:05:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Vũ Thị Huyền Trang

- Năm giao nhiệm vụ: 2022/Mã số: 2022-02-Đ1

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Việt Nam bắt đầu thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ năm 1997. Giai đoạn 2019 - 2021, do chịu tác động của đại dịch COVID-19 nên dòng vốn đầu tư toàn cầu đình trệ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn thu được nguồn FDI đáng kể. Năm 2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020, vốn thực hiện ước đạt 19,74 tỷ USD. Tính lũy kế đến ngày 20/12/2021, Việt Nam có khoảng 34.527 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 408,1 tỷ USD, vốn thực hiện lũy kế ước đạt 251,6 tỷ USD, bằng 61,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Là một nước đang phát triển, FDI được coi là yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng, phát triển và ổn định nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW, nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả cũng như đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 16/2021/QH15 đề ra nhiệm vụ “Thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo hướng ưu tiên các dự án có khả năng lan tỏa phát triển”.

Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam, trong giai đoạn 2016 - 2020, trong khi tỷ trọng đóng góp của khu vực nhà nước vào GDP đang có xu hướng giảm dần (từ 18,2% năm 2015 xuống còn 15,3% năm 2020) thì tỷ trọng đóng góp của 2 khu vực còn lại vào GDP mặc dù có xu hướng tăng nhưng nếu khu vực công nghiệp có mức đóng góp gia tăng khá đồng đều thì khu vực dịch vụ - có mức đóng góp vào GDP lớn nhất, lại không ổn định, đặc biệt là trong giai đoạn 2020 – 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid nên đóng góp của khu vực dịch vụ vào GDP có xu hướng chậm lại, điều này cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu giữa các ngành là chưa bền vững. Trong bối cảnh đó, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, trong đó đặt ra mục tiêu “Hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế” và nhiệm vụ: “Cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy yếu tố tối đa các tiềm năng, lợi thế”.

Về mối quan hệ giữa cơ cấu kinh tế và FDI, nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho rằng, cơ cấu và mức độ phát triển kinh tế của một quốc gia có liên quan đến mức độ và bản chất của hoạt động FDI, bản chất của mối quan hệ này có tương quan qua lại lẫn nhau – FDI bị ảnh hưởng bởi cơ cấu của nền kinh tế và đồng thời FDI cũng ảnh hưởng đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế (Narula, 2003). Mối quan hệ này đã được Dunning (198a, 1988) chính thức hóa trong công trình nghiên cứu về các giai đoạn phát triển đầu tư (IDP) bằng cách sử dụng khuôn khổ của mô hình chiết trung. Theo lý thuyết IDP, khi di chuyển dọc theo các giai đoạn phát triển của nền kinh tế thì cơ cấu kinh tế của nước tiếp nhận FDI sẽ chuyển dịch nhằm đáp ứng và tạo ra các lợi thế mới để tiếp tục thu hút FDI, từ đó làm tăng lượng vốn, việc làm, kích thích thay đổi công nghệ, thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế quốc gia.

Trong bối cảnh và định hướng thu hút FDI, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế thời gian tới, việc đánh giá tác động của FDI đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành trong cả nước và ở các vùng kinh tế là cần thiết để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như xây dựng chính sách phát triển kinh tế phù hợp.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Phân tích, đánh giá tác động của FDI đối với chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Việt Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị, đề xuất chính sách nhằm thu hút FDI phù hợp.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Tác động của FDI đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế.

Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu các nội dung liên quan đến ảnh hưởng của FDI đối với chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, về các ngành kinh tế sẽ giới hạn phạm vi theo ngành rộng bao gồm nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ. Đối với các nội dung về phân tích thực trạng, đề tài tập trung phân tích thực trạng chính sách và thu hút FDI, thực trạng về chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2021 và đề xuất các kiến nghị, giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút FDI thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế cho giai đoạn 2022 - 2025.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Nghiên cứu đã làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản về tác động của FDI đến chuyển dịch ngành kinh tế. Theo đó, có 5 nhóm yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế: (i) cấu trúc các nguồn lực của nền kinh tế bao gồm tài nguyên thiên nhiên, lao động, vốn và cơ sở hạ tầng, trong đó, nguồn vốn dự trữ của nền kinh tế phải tăng nhanh hơn so với lực lượng lao động của nền kinh tế để nền kinh tế đó có thể tiến lên trên bậc thang công nghiệp trong quá trình phát triển; (ii) thị trường cạnh tranh để phân bổ nguồn lực hiệu quả, do trong thị trường cạnh tranh, hệ thống giá sẽ phản ánh tương đối chính xác sự khan khiếm của nguồn lực, từ đó giúp các doanh nghiệp lựa chọn sản xuất và tối đa hóa lợi nhuận; (iii) vai trò của Nhà nước trong định hướng, dẫn dắt quá trình chuyển dịch để đảm bảo sự đồng bộ do đề ra các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu ở tất cả các ngành, các lĩnh vực; đồng thời, Nhà nước cũng đóng vai trò là quản lý, dẫn dắt các nguồn lực nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, (iv) xu hướng chuyển dịch tiêu dùng trong xã hội khi thu nhập được đảm bảo nhằm thúc đẩy các ngành cung cấp thay đổi để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; (v) năng suất lao động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ tăng nhanh.

Vốn FDI có tác động trực tiếp, gián tiếp đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế thông qua các kênh như: (i) cung ứng nguồn vốn ổn định cho nền kinh tế, từ đó làm thay đổi tỷ trọng đóng góp vào GDP của mỗi ngành; (ii) cung cấp công nghệ thông qua quá trình nghiên cứu, phát triển, cải tiến và chuyển giao công nghệ; (iii) tạo nhiều việc làm và cải thiện trình độ lao động từ đó làm tăng năng suất, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng của ngành; (iv) đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và mở rộng thị trường xuất khẩu; (v) trực tiếp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thông qua việc làm đa dạng hóa các lĩnh vực và ngành nghề kinh tế, nâng cao năng suất lao động.

(2) Qua phân tích thực trạng về FDI và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2022, nghiên cứu nhận thấy Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong thu hút vốn FDI, mức bình quân vốn đầu tư khoảng 30 tỷ USD/năm, tốc độ tăng bình quân khoảng 14%/năm, tốc độ tăng bình quân giải ngân vốn khoảng 11%, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đem lại nguồn thu nhập khả quan cho người lao động, thúc đẩy và hỗ trợ các DN trong nước phát triển. Đóng góp của khối FDI vào tăng trưởng kinh tế tăng từ 21,52% giai đoạn 2011-2015 lên 25,1% giai đoạn 2016-2020; tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu từ mức 65% giai đoạn 2011 - 2015 lên 71% giai đoạn 2016-2020, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI đạt 246,88 tỷ USD, tăng 20,7% so với năm trước và chiếm 73,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, xuất siêu gần 28,5 tỷ USD, bù đắp được nhập siêu 25,5 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, tạo ra xuất siêu 3 tỷ USD... góp quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

(3) Đề tài sử dụng phương pháp định lượng đánh giá tác động của FDI đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế. Nghiên cứu cho thấy rằng, vốn FDI có thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng các ngành nông lâm thủy sản. Trong đó, đã có sự chuyển dịch lao động, vốn đầu tư từ khu vực nông lâm thủy sản, công nghiệp – xây dựng sang các ngành dịch vụ nhưng chưa bền vững. Bên cạnh đó, FDI đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực đã có tác động thống kê tích cực rõ ràng đối với chuyển dịch cơ cấu của ngành, lĩnh vực theo đúng mục tiêu, định hướng đặt ra. Tuy nhiên, việc thu hút FDI đối với chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế cũng tồn tại một số vấn đề như phân bổ và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành chưa đồng đều, vốn FDI chủ yếu tập trung vào một số ngành có giá trị gia tăng cao, khả năng thu hồi vốn nhanh, tận dụng được nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, chưa hướng vào một số ngành công nghệ cao, y tế, giáo dục, hoặc các ngành ưu tiên phát triển, chưa tạo được mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

(4) Đề tài đã đề xuất 02 nhóm kiến nghị, giải pháp. Thứ nhất, về cải cách chính sách: (i) Cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các chính sách về thu hút FDI phù hợp với các xu hướng đầu tư trong tương lai và phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta; (ii) Chính sách ưu đãi đầu tư cần được sửa đổi, bổ sung để thích ứng với những định hướng FDI mới, đòi hỏi của các tập đoàn xuyên quốc gia và sự cạnh tranh trong khu vực; (iii) Ngoài ra, cần nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thông qua tăng cường tích lũy vốn và đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn lực và cần tính toán cụ thể quy mô, mức độ và hiệu quả phân bố vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực. Thứ hai, về thu hút FDI nhằm nâng cao hiệu quả chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế: (i) Cần tăng cường đầu tư cơ cở hạ tầng, mạng lưới giao thông, kho lưu trữ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi xây dựng mạng lưới liên kết; (ii) Cần tính toán cụ thể quy mô, mức độ và hiệu quả phân bố vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực nhằm xây dựng lộ trình cụ thể phát triển ngành, lĩnh vực theo thứ tự ưu tiên; (iii) Xem xét điều tiết vốn giữa các ngành để sử dụng vốn FDI trọng tâm, hiệu quả do FDI vào các ngành có tác động trực tiếp và lan tỏa đến các ngành khác; (iv) Trước xu hướng mới của các dòng vốn FDI trên toàn cầu, cần theo dõi và chủ động đánh giá các nhóm lợi thế thu hút FDI của nước ta để kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp, sát thực tiễn; (v) Nâng cao trình độ nguồn nhân lực và KHCN. Trong đó, ưu tiên triển khai các chương trình KHCN trọng điểm để nâng cao trình độ trong một số ngành công nghiệp nền tảng, khuyến khích hợp tác giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trong hoạt động nghiên cứu khoa học và nâng cấp công nghệ, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề; tăng mạnh thời lượng thực hành ở những ngành ưu tiên, ngành tạo nền móng cho các ngành công nghệ cao.

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 113/QĐ-CLTC ngày 23/11/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2022).

- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%