- Đơn vị chủ trì: Nhóm nghiên cứu Viện Chiến lược và Chính sách tài chính
- Đại diện nhủ nhiệm: ThS. Phạm Thanh Thủy
- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-30-Đ1
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, đến cuối năm 2020, trên cả nước có 369 khu công nghiệp (KCN) được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố. Các KCN ngày càng có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế, góp phần thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội. Đồng thời, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Ngoài ra, việc phát triển các KCN cũng thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kích thích sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động…
Để thúc đẩy các khu công nghiệp phát triển, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có các giải pháp tài chính. Theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý KCN và khu kinh tế, mức ưu đãi đầu tư cho các KCN, khu chế xuất tương đương mức ưu đãi đầu tư cho các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Do đó, các dự án đầu tư, các doanh nghiệp trong các KCN đều được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, nhập khẩu, ưu đãi về đất đai hay các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp sẽ thuộc đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư…
Mặc dù việc phát triển các KCN đã đạt nhiều kết quả tích cực, một số giải pháp tài chính đã được ban hành nhằm thúc đẩy các KCN phát triển có hiệu quả. Nhưng thời gian qua, việc phát triển các KCN vẫn còn một số vấn đề đặt ra như: Quy hoạch phát triển KCN chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể, mô hình phát triển KCN còn chậm đổi mới; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất tại KCN còn chưa cao; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong và ngoài KCN còn thấp so với nhu cầu ; chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn dàn trải ; chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp chưa tính tới một số vấn đề như dự án có thời gian hoạt động ngắn, chính sách về tín dụng chưa phù hợp với thực tiễn các dự án đầu tư trong KCN…
Với những tồn tại trên, việc nghiên cứu chủ đề: "Đánh giá chính sách tài chính đối với các khu công nghiệp ở Việt Nam” có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng phát triển KCN, thực trạng chính sách tài chính cho phát triển KCN tại Việt Nam, đề tài đưa ra các khuyến nghị chính sách tài chính đối với các KCN ở Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Chính sách tài chính đối với các KCN.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu một số chính sách tài chính đối với các KCN như chính sách thuế, chính sách chi NSNN, chính sách tín dụng và chính sách ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước... Đồng thời, đề tài khảo sát thực trạng phát triển KCN, thực trạng chính sách tài chính cho phát triển KCN tại một số địa phương như Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Giang, Gia Lai, Đắc Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đó đề xuất các khuyến nghị về chính sách tài chính đối với các khu công nghiệp ở Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã khái quát được một số vấn đề lý luận chung về chính sách tài chính đối với KCN. Tại Việt Nam, KCN được hiểu là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP. KCN gồm nhiều loại hình khác nhau, bao gồm: Khu chế xuất, KCN hỗ trợ, KCN sinh thái. Các chính sách tài chính đối với KCN bao gồm: Chính sách thuế; chính sách phí, lệ phí; chính sách đầu tư; chính sách tín dụng; chính sách đất đai; chính sách khác như quy định về tiền lương tối thiểu, khuyến khích các doanh nghiệp trong KCN đào tạo người lao động, tạo điều kiện để người lao động trong KCN có nhà ở, dịch vụ về y tế...
(2) Đề tài đã nghiên cứu kinh nghiệm chung về phát triển KCN tại một số quốc gia như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm về chính sách tài chính đối với KCN tại một số nước, từ đó rút ra một số bài học cho Việt Nam: (i) Cần sớm quy hoạch, tạo điều kiện phát triển các KCN là con đường thích hợp để công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế địa phương. Quy hoạch KCN phải kết hợp với quy hoạch ngành, lãnh thổ; quy hoạch vùng gắn các KCN với các khu đô thị và dịch vụ; (ii) Để phát triển KCN cần bảo đảm sự thống nhất trong quản lý bằng việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban quản lý KCN các cấp; (iii) Một số nguyên tắc trong thiết kế các chính sách ưu đãi đối với các KCN mà nhiều quốc gia tuân thủ như khuyến khích có các chi phí cơ hội công khai, hỗ trợ chủ yếu cho các ngành chiến lược, hệ thống chính sách khuyến khích phải hướng tới hiệu suất, dễ sử dụng và minh bạch, các tác động của chính sách khuyến khích phải có thể đo lường được, bên cạnh đó các ưu đãi phải phù hợp với các điều kiện cụ thể, các ưu đãi và lợi thế so sánh của nước sở tại và khu vực; (iv) Cần thu hút sự tham gia của tư nhân trong quá trình phát triển khu công nghiệp sinh thái; (v) Việc đầu tư vào KCN của địa phương hoặc nhà đầu tư/ban quản lý KCN cần cân bằng tốt giữa phát triển công nghiệp và phát triển xã hội /đô thị.
(3) Đề tài đã phân tích, đánh giá thực trạng phát triển KCN và chính sách tài chính phát triển KCN tại Việt Nam. Theo đó, tính đến cuối năm 2020, trên phạm vi cả nước có 369 KCN được thành lập (bao gồm 329 KCN nằm ngoài các KKT, 34 KCN nằm trong các KKT ven biển, 06 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 114 nghìn ha. Về hệ thống chính sách tài chính áp dụng đối với KCN của Việt Nam cũng được ban hành bao gồm 05 nhóm chính sách: Chính sách thuế, phí; chính sách đầu tư; chính sách tín dụng; chính sách đất đai; các chính sách khác. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các chính sách được áp dụng chủ yếu ở các địa phương thường bao gồm các các chính sách thuế, chính sách đất đai, chính sách ưu đãi đầu tư và các chính sách hỗ trợ khác của địa phương. Có thể thấy, vai trò của chính sách tín dụng tương đối mờ nhạt và trong quá trình phát triển KCN, triển khai chính sách tài chính đối với KCN cũng có một số vấn đề đặt ra như: (i) Nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng kỹ thuật KCN còn rất hạn chế, dẫn đến việc hạ tầng chưa hoàn thiện, xây dựng kéo dài nên khó thu hút đầu tư; (ii) Tồn tại sự chồng chéo về quy định ưu đãi đầu tư theo địa bàn, dẫn đến nhiều KCN tại các đô thị loại I trực thuộc tỉnh không được hưởng các các ưu đãi tiền thuê đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; (iii) Chưa có chính sách tài chính ưu đãi cho các doanh nghiệp, dự án đầu tư thứ cấp trong KCN; (iv) Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp trong KCN cũng chưa thật sự thu hút được doanh nghiệp; (v) Hiệu quả về ưu đãi thuế TNDN đối với một số đối tượng địa bàn chưa phát huy được hiệu quả cao; (vi) Vấn đề thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao vẫn còn gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế có các khu công nghệ cao vẫn đạt ở mức thấp nhất (chỉ chiếm khoảng 0,1%).
(4) Trên cơ sở đánh giá thực trạng chính sách tài chính cho phát triển KCN, đề tài đã đề xuất 02 nhóm khuyến nghị để phát triển KCN trong thời gian tới. Cụ thể là: (i) Khuyến nghị phát triển KCN, tập trung vào một số nội dung: Đẩy nhanh tốc độ đền bù, giải phóng mặt bằng; hoàn thiện hạ tầng xã hội trong các KCN, đặc biệt là nhà ở cho công nhân; đẩy nhanh tốc độ lấp đầy các KCN, đồng thời tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư vào các KCN còn đất công nghiệp để cho thuê; thực hiện tốt hoạt động xúc tiến đầu tư, lựa chọn các nhà đầu tư có hồ sơ đầu tư tốt, gắn với phát triển bền vững; tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư về thông tin, thủ tục hành chính, định hướng đầu tư; cải thiện chất lượng và nâng cao năng suất lao động; đẩy nhanh đổi mới mô hình phát triển KCN; nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch KCN; hoàn thiện thể chế liên quan đến quản lý KCN. (ii) Chính sách tài chính đối với phát triển KCN, tập trung vào các nội dung sau: Cải thiện nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng KCN; giải quyết sự chồng chèo về quy định ưu đãi đầu tư theo địa bàn, để các KCN tiếp tục được hưởng ưu đãi tiền thuê đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; đảm bảo các ưu đãi tài chính đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư thứ cấp trong KCN; tăng cường hiệu quả ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; xây dựng các chính sách tài chính đặc thù đối với các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, các KCN phát triển theo hướng bền vững; các địa phương cần có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp đối với một số ngành nghề phát huy thế mạnh hiện có tại địa phương; xem xét sửa đổi chính sách thuế theo định hướng gia tăng tỷ lệ đóng góp cho ngân sách nhà nước từ thuế của các doanh nghiệp xả thải ô nhiễm môi trường.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ:
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 49/QĐ-CLTC ngày 14/6/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.