Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp 16/03/2023 15:02:00 1386

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

16/03/2023 15:02:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Phát triển thị trường tài chính

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: Ban Phát triển thị trường tài chính

- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-29-Đ1

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Nhu cầu vốn của nền kinh tế ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu đối với sự phát triển của thị trường TPDN. Việc phát triển thị trường TPDN sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn, đồng thời sẽ tạo thêm một kênh huy động vốn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp. Do đó, việc nghiên cứu để đề xuất các giải pháp phát triển thị trường TPDN luôn cần thiết đối với Việt Nam.

Từ những năm 2010, TPDN bắt đầu xuất hiện và được phát hành bởi một số tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam bắt đầu khởi động việc huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu. Trong những năm gần đây, thị trường TPDN đã có sự tăng trưởng nhanh và dần bỏ xa quy mô phát hành trái phiếu Chính phủ - điều chưa từng xảy ra trước năm 2018. Năm 2021 được xem là năm phát triển vượt bậc của thị trường TPDN, với mức tăng 34,9% so với năm 2020, khung pháp lý điều chỉnh thị trường TPDN có nhiều thay đổi quan trọng, nhằm tạo hành lang pháp lý để thị trường tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, thị trường TPDN bộc lộ nhiều bất cập như còn quá nhỏ về qui mô so với các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia; tính minh bạch của thị trường còn thấp, nhà phát hành và nhà đầu tư đều có những hạn chế, khó có thể duy trì đà tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Các doanh nghiệp vẫn chủ yếu phát hành theo phương thức riêng lẻ, khối lượng trái phiếu ra công chúng có xu hướng tăng trong hai năm gần đây nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Do đó, để hướng tới phát triển bền vững thị trường TPDN trong dài hạn, việc tiếp tục nghiên cứu và đề xuất giải pháp là cần thiết.

Sự phát triển nhanh của thị trường TPDN trong giai đoạn vừa qua đã tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sự ổn định của thị trường tài chính. Một số vấn đề tiềm ẩn rủi ro trên thị trường TPDN Việt Nam hiện nay như: Ngân hàng tăng nắm giữ trái phiếu; thông qua các ngân hàng, một lượng trái phiếu lớn được phân phối đến hàng chục ngàn nhà đầu tư cá nhân; xu hướng tăng mạnh quy mô phát hành trái phiếu của doanh nghiệp BĐS. Sự phát triển nhanh cũng tiềm ẩn những nguy cơ không an toàn đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thiếu thông tin, kinh nghiệm… một số doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư khi tham gia huy động vốn trên thị trường còn thiếu chuyên nghiệp, doanh nghiệp phát hành chưa hoàn toàn chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về công bố thông tin và quy trình phát hành, nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm đầu tư và khả năng phân tích đánh giá rủi ro. Xu hướng tăng mua TPDN của nhà đầu tư cá nhân, nhất là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

Xuất phát từ những vấn đề bất cập nêu trên, việc nghiên cứu về thực trạng phát triển thị trường TPDN Việt Nam, nhận diện các nhân tố tác động tới sự phát triển của thị trường TPDN, những vấn đề đặt ra, các rào cản, thách thức và đề xuất các giải pháp cho phát triển thị trường trong giai đoạn tới là cần thiết.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Nghiên cứu khảo sát nhằm phân tích, đánh giá thực trạng phát triển thị trường TPDN Việt Nam, nhận diện những vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp phát triển thị trường TPDN Việt Nam.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Thị trường TPDN.

Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu thị trường TPDN bao gồm cả thị trường sơ cấp (thị trường phát hành) và thị trường thứ cấp (thị trường giao dịch), nhưng trọng tâm vào thị trường sơ cấp do đây là mảng thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro trong giai đoạn qua. Thời gian phân tích và khảo sát từ năm 2018 đến nửa đầu năm 2022 (khoảng 5 năm). Đối với các nội dung về định hướng phát triển thị trường, khoảng thời gian dự báo và áp dụng đến năm 2023. Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển thị trường TPDN của một số quốc gia mang tính đại diện cho các nền kinh tế có thị trường TPDN phát triển, các nền kinh tế có thị trường TPDN có tốc độ phát triển nhanh trong thập ký gần đây và các nền kinh tế trong khu vực ASEAN.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Công trình nghiên cứu đã khái quát được một số vấn đề chung về thị trường TPDN, các yếu tố và các biện pháp cải cách góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường TPDN. Thị trường TPDN góp phần đẩy nhanh việc giải quyết khủng hoảng ngân hàng, giảm chi phí tài chính khi huy động vốn, giảm rủi ro liên quan đến kỳ hạn thanh toán, mở rộng thị trường vốn, đa dạng hóa các công cụ đầu tư tài chính cho nhà đầu tư, định giá hiệu quả rủi ro tín dụng và góp phần thúc đẩy ổn định tài chính.

(2) Qua phân tích đánh giá kinh nghiệm một số thị trường, công trình đã nghiên cứu và đúc rút một số bài học từ kinh nghiệm từ các nước phát triển, mới nổi và đang phát triển của thị trường TPDN phát triển hơn Việt Nam. Kinh nghiệm các nước cho thấy, việc mở rộng và phát triển sâu hơn nữa thị trường TPDN này đòi hỏi phải loại bỏ các hạn chế chủ yếu về phía cung, thông qua các biện pháp đa dạng hóa sản phẩm TPDN, nâng cao chất lượng phát hành, quản lý và giám sát các tiêu chí phát hành; cũng như cải thiện cấu trúc vi mô của thị trường thông qua các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức, định chế trung gian thị trường, phát triển nhà đầu tư chuyên nghiệp và dài hạn trên thị trường, nâng cấp cơ sở hạ tầng thị trường…

(3) Dựa trên các thông tin thu thập từ các cuộc phỏng vấn sâu với các chủ thể tham gia thị trường, kết hợp với các thông tin thứ cấp từ báo cáo của các cơ quan quản lý, hiệp hội, tổ chức nghiên cứu, tổ chức quốc tế uy tín, đề tài đã phân tích, nhận định, đánh giá thực trạng phát triển của thị trường TPDN Việt Nam. Qua đó cho thấy, thị trường TPDN Việt Nam đang trong giai đoạn sơ khai, nhiều tiềm năng phát triển và rất cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý về hoàn thiện khung pháp lý và định hướng phát triển. Bên cạnh đó, thị trường TPDN trong những năm gần đây đã trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các doanh nghiệp, từng bước cho thấy sự dịch chuyển vốn từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu theo đúng định hướng của Chính phủ về phát triển thị trường vốn cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng, giảm áp lực cung ứng vốn cho kênh tín dụng ngân hàng. Khung pháp lý về phát hành TPDN cũng liên tục được cập nhật, hoàn thiện để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường TPDN theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.  

Tuy nhiên sự phát triển nhanh của thị trường TPDN thời gian qua cũng đặt ra một số rủi ro đối với thị trường này. Một số rào cản, hạn chế của thị trường TPDN như chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập cho các doanh nghiệp phát hành, chưa có hệ thống thông tin đồng bộ, minh bạch và dễ tiếp cận với thị trường, cấu trúc các sản phẩm TPDN còn khá phân hóa,…điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường. Động lực phát triển chủ yếu của thị trường TPDN trong giai đoạn vừa qua đến từ phía cung trong khi sự phát triển của phía cầu còn hạn chế. Ở cả hai phía cung và cầu của thị trường, sự sẵn sàng về thông tin, sự chủ động tham gia thị trường còn hạn chế và các hành vi vi phạm pháp luật tăng cao, do đó khó có thể bảo đảm cho thị trường TPDN phát triển bền vững.

(4) Đề tài đã nhận diện một số yếu tố tích cực, thách thức và cơ hội đối với phát triển thị trường TPDN Việt Nam đến năm 2025. Dư địa phát triển thị trường còn rất lớn với mục tiêu đến năm 2025, quy mô thị trường TPDN đạt khoảng 20% GDP, trong đó quy mô thị trường trái phiếu niêm yết chiếm 7% dư nợ thị trường TPDN. Trong bối cảnh thị trường vốn nói chung đang chịu tác động của thế giới (lạm phát, chứng khoán toàn cầu giảm, chiến sự Nga-Ukraine) và các yếu tố nội tại không thuận lợi, việc sửa đổi sửa đổi các quy định pháp lý, xử lý các vi phạm để hướng tới trong sạch thị trường là cần thiết, nhưng cần theo định hướng dài hạn về nâng cao tính minh bạch, công khai của thị trường. Để thị trường TPDN phát triển bền vững, phải nâng cấp và cải thiện đồng bộ được các yếu tố nền tảng, bao gồm khuôn khổ pháp lý và chính sách, cơ sở hạ tầng, hệ thống thanh toán, nâng cao chất lượng các thành viên tham gia thị trường, cơ chế quản lý giám sát rủi ro hiệu quả.s

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 47/QĐ-CLTC ngày 14/6/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).

- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

 

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%