Nghiên cứu đánh giá chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam

Nghiên cứu đánh giá chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam 16/03/2023 15:01:00 2560

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Nghiên cứu đánh giá chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam

16/03/2023 15:01:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách Tài chính công

- Đại diện chủ nhiệm: ThS. Lê Thị Mai Liên

- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-28-Đ1

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Thuế TNDN là một trong những sắc thuế quan trọng tác động trực tiếp tới tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. Trên thế giới, xu hướng cải cách thuế TNDN diễn ra liên tục trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế, các mô hình kinh doanh thay đổi nhanh nhờ ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN lần thứ 4 trên toàn cầu. Tại Việt Nam, hệ thống thuế TNDN đã đạt được nhiều tiến bộ thông qua các lần sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định, thông tư về thuế TNDN. Tuy nhiên, việc nghiên cứu hoàn thiện thuế TNDN vẫn rất cấp thiết hiện nay khi các mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng thành tựu công nghệ số 4.0, các phương thức đánh thuế và tính thuế cần đổi mới, ngoài ra hệ thống thuế TNDN trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế trong ưu đãi thuế, quản lý thuế, tính công bằng trong áp dụng thuế TNDN với các đối tượng khác nhau… Do đó, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam” là cần thiết, cung cấp thông tin, tư liệu cho Viện CLTC và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, sửa đổi hoàn thiện thuế TNDN trong thời gian tới.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề lý thuyết, đánh giá thực trạng chính sách thuế TNDN của Việt Nam hiện nay và tác động của thuế TNDN đối với đầu tư và kinh doanh qua khảo cứu kinh nghiệm của một số chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn, cũng như kinh nghiệm của một số nước, đề tài đề xuất một số kiến nghị nhằm sửa đổi chính sách thuế TNDN tại Việt Nam trong thời gian tới.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Chính sách thuế TNDN.

Phạm vi nghiên cứu:

- Phạm vi về nội dung: Đề tài tập trung nghiên cứu quá trình sửa đổi, bổ sung, cải cách chính sách thuế TNDN và thực tế thực hiện chính sách thuế TNDN, tại Việt Nam và một số quốc gia khác, từ năm 2011 đến năm 2021.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Chương trình nghiên cứu đã khái quát được khái niệm về thuế TNDN là loại thuế trực thu đánh trên phần thu nhập sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lý, hợp pháp liên quan đến thu nhập của đối tượng nộp thuế. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra được các nguyên tắc xây dựng chính sách thuế TNDN bao gồm: (i) Nguyên tắc công bằng; (ii) Nguyên tắc khả thi; (iii) Nguyên tắc rõ ràng, đơn giản và dễ hiểu; (iv) Nguyên tắc ổn định; (v) Nguyên tắc hiệu quả. Bên cạnh đó, chương trình nghiên cứu cũng đã chỉ ra những yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện chính sách thuế TNDN: (i) Sửa đổi, bổ sung những quy định đang vướng mắc, không còn phù hợp để kịp thời giải quyết những vấn đề bất cập phát sinh trong thực tế; bảo đảm chính sách thuế TNDN đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính; (ii) Bổ sung các chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy xã hội hóa trong các lĩnh vực ưu tiên, tăng cường thu hút đầu tư, đồng thời rà soát, sắp xếp lại chính sách ưu đãi thuế để phát huy tính hiệu quả trong khuyến khích, khắc phục tình trạng dàn trải; (iii) Sửa đổi, bổ sung các quy định thuế TNDN chưa phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư.

Từ nghiên cứu kinh nghiệm một số nước, nhóm nước và khu vực (Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, OECD, ASEAN, châu Á, châu Âu,…) về chính sách thuế TNDN như đối tượng nộp thuế, thuế suất, xu hướng mở rộng cơ sở thuế, quy tắc vốn mỏng, xu hướng về ưu đãi thuế... có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam gồm: (i) Xu hướng chủ yếu của các nước là điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế TNDN phổ thông với mục tiêu thu hút đầu tư, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; (ii) Các nước có xu hướng áp dụng thuế suất thuế TNDN thấp hơn so với mức thuế suất thuế TNDN phổ thông nhằm hỗ trợ, khuyến khích khu vực DNNVV phát triển; (iii) Việc áp dụng quy tắc vốn mỏng khá phổ biến ở các quốc gia nhằm tránh thất thu thông qua ràng buộc về chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế; (iv) Ưu đãi thuế TNDN ở phần lớn các quốc gia đang phát triển thường áp dụng là ưu đãi về thuế suất và miễn, giảm thuế có thời hạn do ưu điểm là đơn giản, dễ quản lý; (v) Các quốc gia cũng thường áp dụng phương pháp thu thuế đơn giản (thuế khoán) đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhằm tiết kiệm chi phí.

(2) Qua phân tích đánh giá thực trạng thuế TNDN tại Việt Nam, chương trình nghiên cứu đã chỉ ra hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến chính sách thuế TNDN cơ bản đã khá đầy đủ, tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế, ngành nghề sản xuất - kinh doanh; chính sách thuế TNDN hiện hành đã bám sát các định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước; góp phần bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế và tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách vẫn có những khó khăn vướng mắc như: (i) Về đối tượng nộp thuế trong nhiều trường hợp, việc chỉ dựa vào sự hiện diện vật lý của cơ sở thường trú để làm căn cứ cho việc thu thuế có thể tiềm ẩn nguy cơ gây xói mòn cơ sở thuế; (ii) Về chi phí lãi vay (vốn mỏng), quy định hiện hành mới áp dụng cho doanh nghiệp có giao dịch liên kết, do cần phải có quy tắc vốn mỏng áp dụng theo tỷ lệ phù hợp đối với tất cả loại hình doanh nghiệp nhằm bao quát được cơ sở thuế; (iii) Về thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần điều chỉnh để góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực này, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; (iv) Về ưu đãi thuế tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn cần khuyến khích phát triển còn hạn chế, lĩnh vực, địa bàn được hưởng ưu đãi thuế còn dàn trải, chính sách ưu đãi thuế vẫn còn được lồng ghép trong các luật chuyên ngành...

(3) Trên cơ sở nghiên cứu những những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, công trình nghiên cứu đề xuất một số giải pháp đổi mới chính sách thuế TNDN trong thời gian tới gồm: (i) Về đối tượng nộp thuế: Nghiên cứu, rà soát để cân nhắc điều chỉnh khái niệm “cơ sở thường trú”; (ii) Về chi phí lãi vay (vốn mỏng): Cần bổ sung quy định khống chế chi phí trả lãi vay khi khi tính thuế TNDN; (iii) Về thuế suất: Nghiên cứu áp dụng có thời hạn thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất thuế TNDN phổ thông đối với loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; (iv) Về ưu đãi thuế: Không phải là yếu tố quyết định đối với các nhà đầu tư khi lựa chọn địa điểm đầu tư mà các yếu tố như đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, sự ổn định và minh bạch của thể chế có ý nghĩa quan trọng hơn; (v) Về đối tượng, lĩnh vực và địa bàn được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế TNDN: Nghiên cứu, rà soát, lựa chọn các địa bàn cần tập trung thu hút đầu tư để đảm bảo có sự phát triển đồng đều, giải quyết được tình trạng ưu đãi dàn trải, cào bằng gây lãng phí nguồn lực; nghiên cứu, đánh giá chính sách thuế TNDN ưu đãi đối với các đối tượng theo mục tiêu lồng ghép các chính sách xã hội để đạt được hiệu quả trên thực tế; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nội địa được hưởng ưu đãi từ chính thuế TNDN có thể giảm bớt các tiêu chí về quy mô vốn đầu tư mới, số lượng lao động…; (vi) Về phương pháp tính thuế đối với doanh nghiệp nhỏ: Đề xuất bổ sung quy định cho phép áp dụng phương pháp tính thuế đơn giản đối với doanh nghiệp siêu nhỏ có doanh thu hàng năm không quá 03 tỷ đồng, được kê khai nộp thuế TNDN theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp không xác định được thu nhập; (vii) Về quản lý thuế: Tăng cường quản lý thu NSNN, chống thất thu, trốn thuế; nghiên cứu, sửa đổi các chính sách TNDN theo hướng đánh thuế TNDN của các tập đoàn đa quốc gia căn cứ vào doanh thu đạt được ở Việt Nam.

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 38/QĐ-CLTC ngày 21/4/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).

- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%