Nghiên cứu đánh giá chính sách thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam

Nghiên cứu đánh giá chính sách thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam 16/03/2023 15:01:00 2602

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Nghiên cứu đánh giá chính sách thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam

16/03/2023 15:01:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách tài chính công

- Đại diện chủ nhiệm: ThS. Nguyễn Thị Lê Thu

- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-27-Đ1

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã trở thành những sắc thuế trụ cột trong hệ thống thuế Việt Nam, nguồn thu từ hai sắc thuế này (không tính số thu từ dầu khí) đã đóng góp trung bình khoảng 32,5% số thu ngân sách, góp phần đảm bảo bền vững nguồn thu. Bên cạnh đó, thuế GTGT và thuế TTĐB còn là công cụ chính sách hiệu quả trong việc điều tiết tiêu dùng và định hướng sản xuất - kinh doanh theo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước.

Trong thời gian vừa qua, để tăng cường vai trò của thuế gián thu, Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TTĐB cũng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều lần. Cụ thể, Luật Thuế GTGT được Quốc hội phê chuẩn năm 1997 và áp dụng từ năm 1999. Trong giai đoạn 2011 - 2020, Luật Thuế GTGT đã được sửa đổi, bổ sung 03 lần vào các năm 2013, 2014 và 2016. Trong khi đó, Luật Thuế TTĐB đầu tiên được Quốc hội thông qua vào tháng 6/1990 và có hiệu lực thi hành từ tháng 10/1990. Trong giai đoạn 2011 - 2020, Luật Thuế TTĐB cũng được sửa đổi, bổ sung 02 lần vào các năm 2014 và 2016. Các sửa đổi này đã tạo ra những tác động tích cực đến nền kinh tế, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Mặc dù đã có những sửa đổi, tuy nhiên trong thời gian qua, việc áp dụng thuế GTGT và thuế TTĐB vẫn tồn tại một số hạn chế về chính sách, yếu kém trong thực thi pháp luật, trong đó có các vướng mắc liên quan đến đối tượng không chịu thuế, thuế suất, khấu trừ thuế, hoàn thuế (đối với thuế GTGT) hay đối tượng chịu thuế, phương pháp tính thuế, tính công bằng (đối với thuế TTĐB).

Giai đoạn 2021 - 2030, bên cạnh những thuận lợi như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện… thì nền kinh tế nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Các yếu tố nền tảng như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực để đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn thấp so với yêu cầu… Trong bối cảnh mới, các mục tiêu chiến lược về kinh tế - xã hội cũng đặt ra nhiều thách thức (GDP bình quân 7%/năm, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt 7.500 USD/người…), yêu cầu cần có một hệ thống chính sách, trong đó có chính sách thuế, phù hợp, giúp thực hiện thành công, hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra.

Trước đòi hỏi của thực tiễn nền kinh tế cũng như yêu cầu về mở rộng cơ sở thuế, đổi mới cơ cấu thu NSNN theo hướng bền vững…, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, việc nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách thuế GTGT và thuế TTĐB là cần thiết để phù hợp với bối cảnh mới.

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đã đưa dự án sửa đổi Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TTĐB vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 của Bộ Tài chính. Do đó, việc lựa chọn thực hiện ”Nghiên cứu đánh giá chính sách thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam” là cần thiết, vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có ý nghĩa thực tiễn cao.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề lý thuyết, thực tiễn về chính sách thuế GTGT, TTĐB và khảo cứu kinh nghiệm của một số chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn, cũng như kinh nghiệm của một số nước, đề tài đề xuất một số kiến nghị nhằm sửa đổi chính sách thuế GTGT và TTĐB tại Việt Nam trong thời gian tới.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Chính sách thuế GTGT và TTĐB.

Phạm vi nghiên cứu:

- Phạm vi về nội dung: Đề tài tập trung nghiên cứu quá trình sửa đổi, bổ sung, cải cách chính sách thuế GTGT và TTĐB; thực tế thực hiện chính sách thuế GTGT và TTĐB,tại Việt Nam và một số quốc gia khác, từ năm 2011 đến năm 2020.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã khái quát hóa những vấn đề chung về thuế GTGT, thuế TTĐB và chính sách thuế GTGT, thuế TTĐB. Theo đó, thuế GTGT và TTĐB được hiểu là hai sắc thuế tiêu dùng chính, đánh vào thu nhập của người tiêu dùng, do đó chính sách thuế GTGT và TTĐB đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế thông qua cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoặc hạn chế đầu tư, sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ theo định hướng của Nhà nước. Xu hướng của các quốc gia trên thế giới trong thời gian qua là tăng cường vai trò của thuế GTGT và thuế TTĐB thông qua việc tăng thuế suất và mở rộng cơ sở thuế đối với các nguồn thu mới.

(2) Qua phân tích đánh giá thực trạng chính sách thuế GTGT và thuế TTĐB của Việt Nam, đề tài đã cho thấy trong thời gian qua, chính sách thuế GTGT và TTĐB đã được xây dựng, hoàn thiện, đảm bảo minh bạch, rõ ràng, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với thực tiễn, góp phần đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế và đưa thuế GTGT và TTĐB trở thành những sắc thuế tiêu dùng chính và quan trọng trong hệ thống thu NSNN ở Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, chính sách thuế GTGT và TTĐB cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Đối với chính sách thuế GTGT: Đối tượng không chịu thuế GTGT còn rộng nên hạn chế đến nguồn thu NSNN; một số quy định của Luật thuế GTGT hiện hành qua một thời gian thực hiện cũng đã bộc lộ một số điểm bất cập, không còn phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay. Đối với chính sách thuế TTĐB, cần rà soát, nghiên cứu, bổ sung đối tượng chịu thuế và điều chỉnh thuế suất phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội và thông lệ các nước nhằm củng cố vai trò của chính sách thuế TTĐB.

(3) Từ những tồn tại, hạn chế về quy định chính sách thuế GTGT và TTĐB hiện nay, đề tài đề xuất một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện chính sách thuế TNCN, trong đó tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau: (i) Đối với thuế GTGT: Chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế và chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5% sang nhóm thuế suất 10%; hoàn thiện các quy định về khấu trừ, hoàn thuế như điều chỉnh mức thanh toán không dùng tiền mặt từ 20 triệu đồng xuống còn 10 triệu đồng hay cho phép hoàn thuế đối với cơ sở sản xuất hàng hoá, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5%; xây dựng lộ trình tăng thuế suất thuế GTGT và tiến tới áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT đồng nhất; (ii) Đối với thuế TTĐB: Bổ sung một số hàng hóa vào đối tượng chịu thuế TTĐB như sản phẩm thuốc lá mới và các chế phẩm như thuốc lá điện tử, shisha; điều chỉnh thuế suất đối với đồ uống có cồn như bia, rượu.

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 46/QĐ-CLTC ngày 14/6/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).

- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%