- Đơn vị chủ trì: Trung tâm Thông tin và Dịch vụ tài chính
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: CN. Nguyễn Thị Chinh
- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-26-Đ1
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Tại Việt Nam, khu vực doanh nghiệp đã và đang trở thành một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp đáng kể vào tổng thu nhập quốc dân, tạo công ăn việc làm, huy động các nguồn vốn trong nước cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, giải quyết các vấn đề xã hội. Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp đã tạo ra một đội ngũ doanh nhân và công nhân, với kiến thức và tay nghề dần được hoàn thiện, đáp ứng được các yêu cầu mới trong cạnh tranh. Đảng và Nhà nước ta đã coi phát triển các doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp, do vậy, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19; Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN… đã có tác động tích cực đến việc hỗ trợ giúp doanh nghiệp ở Việt Nam phát triển, cũng như tạo môi trường thông thoáng, bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, với các chính sách hỗ trợ tài chính - tín dụng được thực thi, các doanh nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn do dịch bệnh, nhất là rào cản trong quá trình thực thi chính sách tài chính, tín dụng. Nhiều chính sách được ban hành nhưng chậm có văn bản hướng dẫn, làm cho doanh nghiệp lúng túng trong thực hiện; một số chính sách hỗ trợ còn khó khăn, vướng mắc trong huy động nguồn lực, phạm vi hỗ trợ, thủ tục hỗ trợ… Không chỉ vậy, các chính sách hỗ trợ tài chính - tín dụng cho doanh nghiệp còn chưa đủ mạnh để tạo thế và lực cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
Vì lý do đó, việc thực hiện “Chương trình nghiên cứu khảo sát: Đánh giá chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19” là cần thiết, khách quan, vừa có ý nghĩa lý luận, vừa mang tính thực tiễn cao.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Phân tích, đánh giá chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19 để tìm ra những kết quả, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19 trong thời gian tới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu lý luận, thực trạng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19 trong giai đoạn 2020 - 2021. Trong đó, tập trung vào chính sách tài chính (chính sách chi NSNN, chính sách thu NSNN, chính sách tài chính đất đai, chính sách tiền tệ), qua đó đề tài đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19 trong thời gian tới.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã hệ thống hóa một số vấn đề lý luận về doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường (khái niệm, đặc điểm, vai trò và phân loại doanh nghiệp). Bên cạnh đó, đề tài cũng khái quát một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19 như: Chính sách thu NSNN, chính sách chi NSNN, chính sách đất đai và chính sách tín dụng. Đề tài cũng chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch, gồm: Tình hình diễn biến của đại dịch, bối cảnh kinh tế vĩ mô, các nhân tố thuộc chủ thể của chính sách, kinh phí thực thi chính sách tài chính, nhân tố thuộc đối tượng của chính sách. Các tiêu chí đánh giá hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng được đề tài khái quát hóa, tập trung vào khả năng tiếp cận chính sách của doanh nghiệp; duy trì, mở rộng sản xuất - kinh doanh; số lượng và vốn kinh doanh của doanh nghiệp; doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp; số thuế nộp NSNN của doanh nghiệp; giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời, đề tài cũng nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc... về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19, từ đó rút ra một số bài học cho Việt Nam nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 như sau: Sự quyết đoán và phản ứng nhanh trong các chính sách kinh tế ứng phó với các cuộc khủng hoảng nói chung và đại dịch Covid-19 nói riêng là một trong những yếu tố then chốt giúp nền kinh tế các quốc gia cũng như các doanh nghiệp tránh được những cú sốc đột ngột không mong muốn và kiểm soát được tình hình; điều chỉnh các chính sách thuế theo hướng gia hạn nộp thuế và bảo hiểm bắt buộc; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng… hay các chính sách tiền tệ (chính sách nới lỏng tiền tệ, chính sách tín dụng, chính sách bảo lãnh tín dụng…) là giải pháp được nhiều nước áp dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng như giúp người lao động duy trì và ổn định cuộc sống, tránh nguy cơ thất nghiệp hàng loạt trong giai đoạn giãn cách xã hội; sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ trong việc hỗ trợ khu vực doanh nghiệp.
(2) Đề tài đã đánh giá thực trạng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19, trong đó đi sâu phân tích chính sách chi NSNN, chính sách thu NSNN, chính sách tài chính đất đai, chính sách tiền tệ và một số chính sách khác. Từ đó, đề tài chỉ ra các kết quả đạt được của chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19, cụ thể như: (i) Chính sách chi NSNN: Việc ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP đã giúp cho các đối tượng được hỗ trợ dần phục hồi, hỗ trợ phục hồi các ngành sản xuất, các lĩnh vực sản xuất; điều kiện hỗ trợ ngày càng được mở rộng, giúp hỗ trợ cho nhiều đối tượng bị thiệt hại do đại dịch gây ra; (ii) Chính sách thu NSNN: Những biện pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trên đều hướng tới giảm chi phí cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn; việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện thụ hưởng các khoản hỗ trợ, các chính sách được đánh giá là dễ tiếp cận, góp phần giảm bớt áp lực tài chính cho doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn lực tài chính để sản xuất, quay vòng vốn cũng như thanh toán các đầu vào khác; (iii) Chính sách tài chính đất đai: Việc giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính giúp tăng sức chống chiụ trước các nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn hoặc giảm sút sức mua thị trường; việc hỗ trợ đã được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, thủ tục hành chính đơn giản, giúp các doanh nghiệp đang ngừng sản xuất - kinh doanh có cơ hội tiết giảm chi phí phải nộp, qua đó tiết kiệm được nguồn lực, tạo tiền đề cho việc hoạt động trở lại; (iv) Chính sách tiền tệ: Các công cụ chính sách tiền tệ đã được điều hành đồng bộ để điều tiết thanh khoản phù hợp; thị trường tiền tệ ổn định; lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm chi phí vốn để có điều kiện tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của nền kinh tế. Việc giảm và duy trì các mức lãi suất thấp trong năm 2020 - 2021 đã giúp các tổ chức tín dụng tiếp cận được nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cá nhân gặp khó khăn do dịch bệnh cũng tiếp cận được nguồn vốn...
Bên cạnh những kết quả đạt được, đề tài cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19, cụ thể: (i) Chính sách chi NSNN: Doanh nghiệp chưa tiếp cận được các chính sách này. Nguyên nhân dẫn đến việc thực thi chưa hiệu quả các chính sách này là do thủ tục còn khá rườm rà, các địa phương áp dụng không thống nhất nội dung chỉ đạo. Một số doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện để được hỗ trợ; gói vay không lãi suất hơn 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương theo Nghị quyết số 154/NQ-CP giải ngân rất thấp do điều kiện cho vay quá chặt chẽ, mức vay thấp làm chủ doanh nghiệp không thực sự quan tâm; (ii) Chính sách thu NSNN: Quy mô hỗ trợ còn nhỏ, đối tượng hỗ trợ rộng, thuộc đủ mọi thành phần kinh tế, yêu cầu trong thời gian ngắn phải ban hành chính sách, nên quá trình đánh giá tác động và lấy ý kiến góp ý chưa đầy đủ, chưa sát với thực tiễn dẫn đến dự báo chưa chính xác phạm vi và mức độ tác động; nguồn lực hạn chế nên khi thiết kế cho mức hỗ trợ còn khá thấp; yêu cầu về trình tự thủ tục còn phức tạp, điều kiện được hỗ trợ khá chặt chẽ; (iii) Chính sách tài chính đất đai: Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg quy định thời hạn xem xét tính hợp lệ của hồ sơ còn dài (30 ngày), trong khi dịch Covid-19 diễn ra phức tạp tại một số tỉnh khiến doanh nghiệp khó khăn từng ngày, dẫn tới doanh nghiệp tiếp cận hỗ trợ còn chưa được kịp thời; (iv) Chính sách tiền tệ: Nợ vay bị nhảy nhóm nợ hoặc phát sinh nợ xấu đối với một số khoản vay là khó tránh, theo đó doanh nghiệp khó tiếp cận vay khi chưa thanh toán đúng hạn cho ngân hàng; thủ tục hỗ trợ vay tín dụng tuy đã giảm nhưng còn khá chặt chẽ dẫn đến việc không có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được...
(3) Trên cơ sở đánh giá thực trạng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19 trong thời gian qua, cùng với bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước trong thời gian tới tác động đến hoạt động của doanh nghiệp và quan điểm, mục tiêu hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19, đề tài đã đưa ra hệ thống giải pháp cụ thể như sau:
(i) Chính sách chi NSNN: Thực hiện đơn giản hóa thủ tục để doanh nghiệp, người lao động nhận được các hỗ trợ; việc quy định hồ sơ giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội cần được thực hiện công khai, minh bạch, tăng cường giải thích chính sách cho người dân, doanh nghiệp thuộc đối tượng thụ hưởng để họ hiểu về chính sách, theo đó kịp thời chuẩn bị hồ sơ giải ngân để đẩy mạnh giải ngân theo quy định; cần đơn giản thêm điều kiện vay; các địa phương cần chủ động bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương;
(ii) Chính sách thu NSNN: Tăng quy mô gói hỗ trợ để có nhiều đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hưởng hơn. Nếu nguồn ngân sách hạn hẹp, có thể hỗ trợ tập trung các nhóm bị ảnh hưởng chính mà nhóm này có vai trò dẫn dắt các ngành, nghề khi phục hồi trở lại; doanh nghiệp cần có kế hoạch về nguồn tiền để đóng góp cho NSNN, tức là khi được thụ hưởng chính sách, doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh để tạo ra doanh thu, lợi nhuận, tạo khả năng cho doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước;
(iii) Chính sách tài chính đất đai: Trước khi ban hành chính sách, cần nghiên cứu mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ hợp lý cho các doanh nghiệp cơ chế hỗ trợ giảm tiền thuê đất cho khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vì đây là những đối tượng có những đóng góp lớn cho nền kinh tế; việc quy định gia hạn, miễn, giảm tiền thuê đất trong thời gian tới cần được tiến hành theo hướng rút ngắn hơn về thời gian, giúp doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách được kịp thời;
(iv) Chính sách tiền tệ và chính sách khác: Cần nghiên cứu, sửa đổi điều kiện hỗ trợ vay (lãi suất 0%), trong đó nghiên cứu có thể cho các doanh nghiệp mới phát sinh nợ xấu tại tổ chức tín dụng ở thời điểm đề nghị vay vốn, nhưng ở mức thấp; và hoặc dựa trên xác nhận doanh thu của cơ quan thuế ở 1 - 2 năm trước khi dịch xảy ra để làm căn cứ xét duyệt; cần tạo ra khung khổ pháp lý giúp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh thu giảm, lợi nhuận có thể âm, lỗ, không có tài sản đảm bảo… vẫn tiếp cận được gói hỗ trợ; việc hỗ trợ lãi suất (giảm lãi suất) chỉ nên thực hiện trong thời gian nhất định, bởi nếu thực hiện quá dài không những ảnh hưởng đến NSNN mà còn tạo ra áp lực lạm phát... Bên cạnh những giải pháp đề xuất, đề tài cũng đưa ra điều kiện thực hiện giải pháp đối với Chính phủ, bộ, ngành có liên quan và các hiệp hội.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 48/QĐ-CLTC ngày 14/6/2022 của của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.