Hợp tác công - tư trong lĩnh vực khoa học và công nghệ: Kinh nghiệm quốc tế, thực trạng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hợp tác công - tư trong lĩnh vực khoa học và công nghệ: Kinh nghiệm quốc tế, thực trạng và khuyến nghị cho Việt Nam 16/03/2023 14:59:00 1230

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hợp tác công - tư trong lĩnh vực khoa học và công nghệ: Kinh nghiệm quốc tế, thực trạng và khuyến nghị cho Việt Nam

16/03/2023 14:59:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Bích Ngọc

- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-24-Đ2

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Khoa học công nghệ (KHCN) ngày càng có vai trò quan trọng, Chính phủ các nước đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của KHCN, trong đó đặc biệt quan tâm đến các giải pháp khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, tiêu biểu là các hợp đồng hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực KHCN.

Theo OECD, PPP phục vụ đổi mới sáng tạo được định nghĩa là “bất kỳ hình thức thỏa thuận hợp tác nào trong một khoảng thời gian cố định hoặc không hạn định giữa các đối tác Nhà nước và tư nhân, trong đó cả hai bên cùng tương tác trong quá trình ra quyết định và cùng đầu tư các nguồn lực khan hiếm như tiền bạc, nhân lực, phương tiện và thông tin nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo”.

Hợp tác công - tư trong KHCN có thể mang lại lợi ích cho các chủ thể liên quan là Nhà nước và khu vực tư nhân, đảm bảo lợi ích chung cho toàn xã hội. Thực tế, mỗi khu vực có những lợi thế tương đối nhất định so với khu vực còn lại trong việc thực hiện những nhiệm vụ KHCN cụ thể. Đối với khu vực tư nhân, lý do để xúc tiến PPP là tồn tại một khoảng cách về kinh phí đối với các doanh nghiệp muốn chuyển hóa từ phát minh khoa học đến đổi mới công nghệ và xúc tiến thương mại hóa. Trong khi các khâu nghiên cứu cơ bản, tuy đặt nền móng cho tính chủ động, bền vững nhưng lại đòi hỏi thời gian, kinh phí, trình độ nguồn nhân lực cao, đặc biệt tỷ lệ đi đến khâu thương mại hóa là khá thấp. Khâu này chưa thể mang lại doanh thu trực tiếp cho khu vực tư nhân. Việc phối hợp với khu vực công (các viện nghiên cứu, trường đại học, hệ thống tri thức khoa học, đội ngũ nhà khoa học có trình độ cao, có kinh nghiệm...) có thể giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí, giảm thiểu rủi ro cũng như tập trung nhiều hơn vào khâu thương mại hóa kết quả của hoạt động nghiên cứu. Về phía Nhà nước, lý do cơ bản đối với sự hỗ trợ cho KHCN đó là dựa trên quan điểm những lợi ích chung cho xã hội, lợi ích này vượt quá lợi ích mà các doanh nghiệp đạt được khi đầu tư. Một chương trình công có thể hợp tác với khu vực tư nhân nhằm cung cấp nguồn tài trợ cần thiết để thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có tiềm năng đem lại lợi ích kinh tế rộng lớn. Như vậy, đối với Chính phủ, PPP trong bối cảnh chính sách công nghệ và đổi mới mang đặc tính kép, đó là để nhằm điều chỉnh sự bất lực thị trường dẫn đến doanh nghiệp đầu tư dưới mức cho KHCN và còn để nhằm nâng cao “tính hiệu quả” của tài trợ công đối với KHCN.

Có thể thấy, mặc dù việc triển khai các PPP tại Việt Nam đã được thực hiện khá lâu, nhưng các PPP trong lĩnh vực KHCN chưa được chú trọng thúc đẩy thực hiện. Nguyên nhân là do: (i) Việc thực hiện các dự án KHCN tồn tại nhiều rủi ro, sự thay đổi về chính sách, pháp luật, do đó các nhà đầu tư tư nhân chưa quan tâm đầu tư cho nghiên cứu phát triển và KHCN; (ii) Các cơ sở giáo dục, nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này chưa có sự liên kết cũng là một hạn chế lớn của Việt Nam trong phát triển KHCN thời gian qua.

Thực tế năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1931/QĐ-TTg ngày 07/10/2016 phê duyệt Đề án “Thí điểm cơ chế đối tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ KHCN”, Bộ KHCN đã ban hành Thông tư số 11/2017/TT-BKHCN về quy định quản lý thực hiện Đề án “Thí điểm cơ chế đối tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ KHCN”. Đề án đã đi vào triển khai và đạt được một số thành tựu nhất định cũng như nảy sinh một số vấn đề vướng mắc, nhất là trong quy trình, thủ tục và các quy định pháp lý có liên quan. Sau hơn 03 năm Đề án thí điểm có hiệu lực, số lượng các dự án triển khai cơ chế đối tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ KHCN còn chưa nhiều.

Ngoài ra, sự ra đời của Luật Đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (năm 2020) cũng tạo ra những yêu cầu, điều kiện thực hiện mới, đồng thời đòi hỏi hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật cần được xây dựng đầy đủ, đồng bộ. Do vậy, việc lựa chọn nghiên cứu chủ đề “Hợp tác công - tư trong lĩnh vực khoa học và công nghệ: Kinh nghiệm quốc tế, thực trạng và khuyến nghị cho Việt Nam” nhằm khuyến nghị các giải pháp phù hợp với yêu cầu của tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết và có ý nghĩa lý luận, thực tiễn.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực trạng của Việt Nam về PPP trong lĩnh vực KHCN, từ đó đề xuất khuyến nghị nhằm thúc đẩy PPP trong lĩnh vực KHCN của Việt Nam trong thời gian tới.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: PPP trong lĩnh vực KHCN.

Phạm vi nghiên cứu: Tập trung nghiên cứu vấn đề PPP trong lĩnh vực KHCN (mô hình, cơ chế, chính sách thúc đẩy, thực tế triển khai) tại Việt Nam và một số quốc gia.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã làm rõ một số vấn đề chung về PPP trong lĩnh vực KHCN, phân tích được nội hàm, khái niệm PPP, bản chất và đặc điểm của PPP, phân loại PPP trong lĩnh vực KHCN. Đề tài cũng nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của 08 quốc gia (Hoa Kỳ, Hà Lan, Pháp, Canada, Úc, Tazania, Ấn Độ và Nga) trong thực hiện PPP về KHCN, qua đó rút ra một số bài học kinh nghiệm có thể vận dụng phù hợp với bối cảnh thực tiễn của Việt Nam.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trong thực hiện PPP lĩnh vực KHCN, đề tài đã rút ra được một số bài học cho Việt Nam, cụ thể là : (i) Ngân sách nhà nước (NSNN) không phải là nguồn cung cấp vốn chính cho phát triển KHCN, không tồn tại một hình thức PPP chuẩn cho mọi quốc gia; (ii) Phải có khung pháp lý đầy đủ và minh bạch; lựa chọn đối tác có năng lực; tối đa hóa lợi ích cho các đối tác; ổn định môi trường vĩ mô và phân bổ rủi ro một cách hiệu quả; (iii) Chính phủ đóng vai trò quan trọng, là chủ thể tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất để giải phóng nguồn lực và thu hút sự tham gia của các thành phần, lực lượng khác trong xã hội; (iv) Có chính sách phân bổ các rủi ro của dự án PPP một cách hợp lý nhất cho mỗi bên tham gia; (v) Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ phải mang tính khả thi, đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, đa dạng dưới nhiều hình thức.

(2) Đề tài đã phân tích thực trạng cơ chế, chính sách, cũng như triển khai PPP trong lĩnh vực KHCN tại Việt Nam, đồng thời cũng phân tích rõ thực trạng triển khai Đề án Thí điểm cơ chế PPP, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ KHCN. Theo đó, một số kết quả đạt được trong thời gian qua như: Hỗ trợ đổi mới công nghệ và nâng cấp chuỗi giá trị; hình thành và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp KHCN; nâng cao hiệu quả và tính thực tiễn của nhiệm vụ nghiên cứu; bổ sung phương pháp thực hiện nhiệm vụ KHCN; góp phần nâng cao hiệu quả khai thác kết quả thực hiện nhiệm vụ sử dụng NSNN và huy động thêm nguồn lực từ xã hội. Bên cạnh đó, PPP trong lĩnh vực KHCN còn một số hạn chế như: Các đề tài, chương trình thực hiện theo hình thức PPP còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; hình thức thực hiện chưa linh hoạt, cứng nhắc theo hợp đồng, khó thay đổi trong các trường hợp cần thiết; chưa có cơ quan đầu mối chuyên trách cũng như cơ chế quản lý, giám sát, đánh giá thúc đẩy quyết liệt, hiệu quả; thiếu cơ chế khuyến khích phù hợp từ phía Nhà nước; các hoạt động còn dàn trải, nhiều đầu mối.

(3) Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm các nước, đánh giá thực trạng tại Việt Nam, đề tài đã đưa ra quan điểm chính sách trong thúc đẩy PPP, cũng như đề xuất 02 nhóm giải pháp để thúc đẩy PPP trong phát triển KHCN bao gồm: (i) Các giải pháp chung (về quản trị, xây dựng chiến lược, các cơ chế khuyến khích, giải pháp chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các đối tác, kiểm tra đánh giá…); (ii) Các giải pháp về tài chính (cơ chế tài chính, giải pháp hỗ trợ, thu hút đầu tư, chính sách tài chính, tín dụng). Theo đó, để một mô hình PPP thành công thì yếu tố quan trọng nhất là quản trị tốt, đồng nghĩa với việc cần thiết lập các mục tiêu, các quy tắc hoạt động, xác định các hoạt động/trách nhiệm của từng bên tham gia một cách rõ ràng và thực hiện giám sát, đánh giá thường xuyên, minh bạch, tham vấn các bên liên quan và thiết lập các chiến lược giải quyết tranh chấp hiệu quả. Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược PPP dài hạn để đảm bảo tính hiệu quả lâu dài của dự án/chương trình PPP; cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào PPP. Ngoài ra, để triển khai có hiệu quả PPP trong lĩnh vực KHCN, cần xây dựng cơ chế tài chính tối ưu, có giải pháp về hỗ trợ, thu hút đầu tư, tài chính tín dụng hiệu quả.

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 25/QĐ-BTC ngày 22/3/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).

- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

 

 

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%