Tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến thị trường bảo hiểm Việt Nam

Tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến thị trường bảo hiểm Việt Nam 16/03/2023 14:58:00 758

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến thị trường bảo hiểm Việt Nam

16/03/2023 14:58:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Tài chính quốc tế và Chính sách hội nhập

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Trần Thị Hà

- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-22-Đ1

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Thực hiện chủ trương tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, trong các nhiệm kỳ Đại hội XI và XII, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã chấp thuận đề nghị của Chính phủ về đàm phán tham gia một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Ngày 19/10/2017, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 38/CT-TTg về tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực. Việc Việt Nam tham gia vào 17 FTA song phương và đa phương với gần 60 nền kinh tế trên thế giới, trong đó có 15 FTA đã được ký kết và 02i FTA đang trong quá trình đàm phán được xem là nền tảng giúp Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, các FTA mới là những Hiệp định có mức độ cam kết mở cửa thị trường cao hơn cam kết trong WTO và các FTA đã ký trước đây. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là những Hiệp định toàn diện, cân bằng lợi ích với những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng.

Đối với lĩnh vực tài chính, các FTA thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển cho các doanh nghiệp và thị trường. Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm là một trong các lĩnh vực quan trọng và chịu tác động mạnh bởi việc thực thi các cam kết này theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Trong thời gian qua, việc thực thi các cam kết FTA thế hệ mới đã mang lại các tác động tích cực đến thị trường như: Gia tăng khả năng mở rộng thị trường với việc tạo khả năng tham gia nhiều hơn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nước ngoài; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường bảo hiểm Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu cạnh tranh và mở rộng thị trường; nâng cao năng lực tài chính, quản trị, chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực của các doanh nghiệp nhờ các hoạt động hợp tác, liên doanh, liên kết; tăng khả năng huy động vốn quốc tế, thu hút vốn và đa dạng hóa thị trường bảo hiểm (TTBH) ở Việt Nam, đồng thời là cơ hội đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài của các DNBH của Việt Nam; mở cửa dịch vụ tài chính góp phần thúc đẩy hệ thống tài chính - ngân hàng phát triển bền vững…

Cùng với cơ hội, các hiệp định này cũng đặt ra các thách thức không nhỏ khi quy mô của TTBH còn nhỏ, phát triển thiếu bền vững. Việc thực thi các cam kết FTA thế hệ mới cũng gây khó khăn cho sự phát triển của TTBH như: Các doanh nghiệp phải cạnh tranh với các DNBH quốc tế lớn với nhiều kinh nghiệm, khả năng tài chính dồi dào; tăng khả năng phát triển không đồng đều của ngành Bảo hiểm cũng như khó khăn cho hoạt động quản trị rủi ro; quản lý nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm sẽ đối diện với nhiều thách thức khi các hoạt động trong lĩnh vực này phải mở cửa, thực hiện nhiều cam kết với các nước. Do đó, việc xem xét tác động của thực thi các FTA thế hệ mới đối với TTBH cần được nghiên cứu, từ đó đưa ra những khuyến nghị, đề xuất cụ thể để phát triển TTBH Việt Nam trong bối cảnh thực thi cam kết khi các hiệp định có hiệu lực. Trên cơ sở đó, việc lựa chọn chủ đề nghiên cứu “Tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến thị trường bảo hiểm Việt Nam" là cần thiết và có tính thực tiễn.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng hoạt động của thị trường bảo hiểm Việt Nam và khảo cứu kinh nghiệm của một số nước, đề tài nhận diện và xem xét tác động của việc thực thi các FTA thế hệ mới tới TTBH Việt Nam, qua đó đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm phát triển TTBH Việt Nam trong bối cảnh thực thi các cam kết của các FTA thế hệ mới.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Tác động của các FTA thế hệ mới (tập trung vào CPTPP, EVFTA, RCEP) đến TTBH Việt Nam.

Phạm vi nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu TTBH Việt Nam, giai đoạn từ năm 2011 - 2021, khuyến nghị chính sách cho giai đoạn 2021 - 2030.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã làm rõ khái niệm và các đặc trưng cơ bản của các FTA thế hệ mới cũng như những vấn đề liên quan đến TTBH. Phân tích được cơ chế tác động của các FTA thế hệ mới đến TTBH thông qua xem xét các kênh tác động trực tiếp và gián tiếp. Theo đó, các tác động của cam kết mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan, cam kết bảo vệ nhà đầu tư, cam kết mở cửa dịch vụ tài chính, cam kết bảo đảm không gian chính sách đã được phân tích để đánh giá các tác động của chúng đến các đặc trưng cơ bản nhất của TTBH như quy mô, giá trị vốn hóa của thị trường, sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường…

(2) Đề tài đã làm rõ các đặc trưng cơ bản của TTBH Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, những thành tựu đã đạt được, những tồn tại hạn chế và nguyên nhân. Đồng thời, phân tích các tác động cả về mặt tích cực và tiêu cực của việc thực thi cam kết các FTA thế hệ mới đến TTBH Việt Nam. Theo đó, việc thực thi các FTA thế hệ mới mang lại nhiều tác động tích cực như làm gia tăng khả năng mở rộng thị trường do mở rộng cơ hội tiếp cận cho các doanh nghiệp nước ngoài cũng như khả năng của các doanh nghiệp trong nước vươn ra thị trường quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên TTBH Việt Nam nhờ việc tham gia hợp tác, trao đổi và học hỏi lẫn nhau; nâng cao năng lực tài chính, quản trị, chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực của các doanh nghiệp; tăng khả năng huy động vốn quốc tế, thu hút vốn và đa dạng hóa TTBH ở Việt Nam, đồng thời là cơ hội đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài của các DNBH của Việt Nam; đảm bảo không gian chính sách, mở rộng khung khổ pháp lý đảm bảo TTBH phát triển công bằng, công khai, minh bạch và hiệu quả.

Bên cạnh đó, các tác động tiêu cực được chỉ ra như sự cạnh tranh không cân sức với các DNBH nước ngoài; làm tăng khả năng phát triển không đồng đều của ngành Bảo hiểm cũng như khó khăn cho hoạt động quản trị rủi ro; tăng nguy cơ bất ổn của thị trường; quản lý nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm sẽ đối diện với nhiều thách thức.

(3) Đề tài đã phân tích, làm rõ bối cảnh trong nước và quốc tế ảnh hưởng đến sự phát triển chung của TTBH Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời cũng chỉ rõ định hướng chiến lược phát triển TTBH Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Trên cơ sở đó, đề tài đã đề ra các khuyến nghị nhằm phát triển thị trường tài chính cũng như TTBH Việt Nam trong bối cảnh thực thi các FTA thế hệ mới. Cụ thể: Đối với Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống pháp luật liên quan; chủ động sử dụng các cơ chế về giải pháp giải quyết tranh chấp được quy định trong các FTA thế hệ mới để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam nói chung và của DNBH Việt Nam nói riêng; tăng cường năng lực quản lý và đào tạo nguồn nhân lực cho cơ quan quản lý; tăng cường hoạt động tuyên truyền về các cam kết FTA đến cộng đồng DNBH Việt Nam; tăng cường hội nhập thị trường tài chính quốc tế; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm. Đối với các DNBH, cần chủ động tìm hiểu và nâng cao nhận thức về các FTA thế hệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống nhà cung cấp dịch vụ trên TTBH, bên cạnh đó áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh.

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 107/QĐ-CLTC ngày 10/12/2021 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).

Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%