- Đơn vị chủ trì: Ban Tài chính quốc tế và Chính sách hội nhập
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Trần Thị Quỳnh Hoa
- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-21-Đ1
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Toàn cầu hoá kinh tế là một sự phát triển tất yếu khách quan, một xu hướng bao trùm của sự vận động kinh tế thế giới ngày nay. Do tác động của viễn thông, công nghệ và vốn, các hoạt động kinh tế và thương mại của mỗi nước đã gia tăng mạnh mẽ, vượt ra khỏi biên giới quốc gia, liên kết trên một chỉnh thể thị trường toàn cầu. Đồng thời với quá trình đó là sự hình thành và hoàn thiện các định chế tổ chức kinh tế quốc tế tương thích nhằm quản lý và điều hành các hoạt động kinh tế đã ngày càng lệ thuộc chặt chẽ giữa các quốc gia và khu vực.
Với quan điểm chủ đạo của Đảng và Nhà nước ta là “đa phương hóa và đa dạng hóa trên cơ sở công bằng lợi ích giữa các đối tác,... tận dụng mọi khả năng để tăng mức xuất khẩu trên tất cả các thị trường đã có, song song với việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường có sức mua lớn nhưng hiện còn chiếm tỷ trọng thấp, mở ra các thị trường mới và tích cực tăng cường tiếp cận các thị trường cung ứng công nghệ nguồn”, thì Hoa Kỳ đã trở thành một trong những trọng điểm quan trọng trong chiến lược phát triển thương mại quốc tế của Việt Nam. Việc tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là nhu cầu bức thiết nhằm đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu hướng tới một thị trường có tính ổn định cao, và tiếp cận nhập khẩu "công nghệ nguồn". Hơn nữa, Hoa Kỳ còn là một trong những nhà đàm phán lớn cho việc Việt Nam gia nhập WTO.
Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn, là đối tác thương mại của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Với hệ thống pháp luật phức tạp, không chỉ của liên bang mà còn có quy định nghiêm ngặt của từng bang. Các nước, khi quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, đã gặp không ít khó khăn, ví dụ như do cán cân thương mại thâm hụt với các đối tác, đặc biệt là với Trung Quốc và EU, Hoa Kỳ đã áp đặt thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và EU, dẫn tới căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU. Bên cạnh đó, các rủi ro khác mà các nước hay bị Hoa Kỳ đệ đơn kiện liên quan đến chống bán phá giá, đến chống trợ cấp, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy tắc xuất xứ, đây cũng là những rủi ro mà Việt Nam gặp phải trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, đặc biệt là gần đây khi Việt Nam bị Hoa Kỳ gắn mác thao túng tiền tệ vào cuối năm 2020 khi liên tục xuất siêu sang Hoa Kỳ.
Sau hơn 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (kể từ ngày 12/7/1995), kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã liên tục tăng dần qua từng năm, tăng từ 0,45 tỷ USD trong năm 1995 lên 31,1 tỷ USD trong năm 2020 (tăng 69 lần). Đặc biệt, Hoa Kỳ luôn là đối tác dẫn đầu về nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được thì quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng tồn tại những rủi ro kể trên. Những rủi ro này đòi hỏi phải được quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý, cũng như đòi hỏi sự thay đổi trong hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp. Việt Nam cũng có thể học hỏi một số kinh nghiệm của các nước trong việc sử dụng chính sách nhằm hạn chế những rủi ro trong thương mại quốc tế. Chính vì vậy, đề tài “Rủi ro trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và kiến nghị chính sách cho Việt Nam” được lựa chọn nghiên cứu để hỗ trợ quá trình xây dựng và hoàn thiện các chính sách, vấn đề nghiên cứu này là cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Trên cơ sở phân tích, đánh giá rủi ro trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 2000 - 2021, nhận diện các vấn đề đặt ra, đề tài đưa ra khuyến nghị chính sách nhằm tận dụng cơ hội cũng như hạn chế rủi ro trong thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ cho giai đoạn 2022 - 2030.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Rủi ro trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu những rủi ro trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ ở khía cạnh rủi ro về thuế quan, rủi ro phi thuế quan (tiêu chuẩn kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, chống bán phá giá, chống trợ cấp), rủi ro liên quan đến xuất siêu. Trong cơ cấu danh mục mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, đề tài sẽ lựa chọn ững mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ như dệt may, nông sản, thuỷ sản, giày dép và gỗ để phân tích và nhận diện rủi ro trong xuất khẩu những mặt hàng này sang Hoa Kỳ. Đề tài phân tích, đánh giá thực trạng giai đoạn 2011 - 2021 và dự báo cho giai đoạn tiếp theo.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã đánh giá được mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, cụ thể: Những thành tựu đạt được: (i) Sau khi Hiệp định thương mại song phương (BTA) có hiệu lực, trao đổi thương mại hai chiều tăng liên tục qua các năm và đạt trên 68,68 tỷ USD vào năm 2019 (con số này của năm 2000 là 1,190 tỷ USD); (ii) Trong quá trình thực hiện BTA, cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Việt Nam (thặng dư đối với Việt Nam). Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2019 (tính đến tháng 11/2019) đạt trên 68,68 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ trị giá 55,61 tỷ USD và Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ trị giá 13,07 tỷ USD; (iii) Tổng kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng đều qua các năm, nhưng tăng đột biến khi BTA có hiệu lực với việc Việt Nam được hưởng quan hệ thương mại bình thường có điều kiện (NTR) (2002) và khi Hoa Kỳ dành cho Việt Nam Quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) (2007); (iv) Một thành tựu khác trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam đó là cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu cũng đang có những chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng hóa chủng loại mặt hàng và tăng tỷ trọng hàng chế biến và chế tạo. Điều này phản ánh chuyển biến tích cực trong cơ cấu sản xuất của nền kinh tế Việt Nam. Những thành tựu lớn thông qua quan hệ thương mại với Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam cân bằng cán cân thương mại đối với thị trường thế giới, nhất là với thị trường Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, nhưng trong nhiều năm qua Việt Nam luôn nhập siêu từ quốc gia này.
Bên cạnh đó, đề tài cũng chỉ ra được một số khó khăn, thách thức: (i) Cho đến nay Hoa Kỳ chỉ “đang xem xét tích cực”, chứ chưa công nhận kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vẫn thường có những cáo buộc rằng Việt Nam bán phá giá một số mặt hàng sang Hoa Kỳ. Những tranh chấp thương mại vẫn xảy ra trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; (ii) Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam có giá trị gia tăng thấp, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao và độ rủi ro còn khá lớn. Về nhập khẩu, hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam tăng rất chậm cũng đang là vấn đề, nếu không nói đây là điểm yếu lớn, vì như vậy có nghĩa chúng ta chưa tận dụng được thiết bị kỹ thuật và công nghệ của Hoa Kỳ phục vụ cho sự tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. Việt Nam chưa được hưởng Quy chế Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP), do Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ; (iii) Mặc dù Hoa Kỳ là nước đi tiên phong trong tự do thương mại, nhưng các biện pháp bảo hộ sản xuất nội địa của Hoa Kỳ đang có chiều hướng gia tăng. Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã và đang gặp phải sự cản trở của những chính sách bảo hộ này. Nguyên nhân của hạn chế: những hạn chế trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chủ yếu bắt nguồn từ điều kiện lịch sử và sự khác biệt về thể chế chính trị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nên vấn đề xác lập và phát triển trong quan hệ thương mại vẫn còn nhiều hạn chế. Thứ hai, đó là do sự chênh lệch về quy mô và trình độ phát triển.
(2) Đề tài đã nhận diện được những rủi ro trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ: (i) Về thuế quan: Chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng dệt may nhập khẩu thể hiện rất rõ sự phân biệt đối xử. Mức chênh lệch thuế quan theo MFN và phi MFN là rất lớn, 10 - 50%, thậm chí 80 - 90%; (ii) Quy định về môi trường, lao động và trách nhiệm xã hội: Hàng dệt may của Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có thị trường Hoa Kỳ, đều phải tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, môi trường, lao động...; (iii) Quy định về xuất xứ và ký mã hiệu: Bên cạnh các quy định chung về xuất xứ và ký mã hiệu, hàng dệt may vào Hoa Kỳ còn phải tuân thủ các quy định riêng cho sản phẩm này như quy định trong các Luật Phân biệt sản phẩm sợi dệt (TFPIA), Luật Nhãn hàng sản phẩm len (WPLA), Quy định về hướng dẫn sử dụng, Mã số nhà sản xuất dệt may...; (iv) Các biện pháp phi thuế quan: Quy định về an toàn thực phẩm và vệ sinh dịch tễ: FAD là cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hàng thuỷ sản có phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng đã được quy định; quy định xuất xứ và ký mã hiệu hàng hoá; (v) Rủi ro bị trừng phạt tiền tệ: Việc bị “gắn mác thao túng tiền tệ” sẽ gây ra nhiều tiêu cực, bởi khi đó, Hoa Kỳ sẽ có bước đệm để áp các lệnh trừng phạt thương mại với nước đó, ví dụ như áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ, từ đó lợi nhuận xuất khẩu và quy mô xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng, tùy thuộc vào mức thuế trừng phạt, cũng như thời gian áp dụng mà Hoa Kỳ đặt ra.
(3) Đề tài đã đề xuất 03 nhóm khuyến nghị chính sách, cụ thể là: (i) Chủ động và sẵn sàng đối phó với các rào cản về “chống bán phá giá”. Chống bán phá giá hiện đang là rào cản đáng lo ngại và cũng gây ra nhiều rủi ro nhất đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, hiện các doanh nghiệp của Việt Nam phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các Hiệp hội doanh nghiệp lại chưa phát huy được đầy đủ vai trò của mình trong việc giải quyết các vụ kiện có liên quan đến các tranh chấp bán phá giá, vì vậy vai trò của các tổ chức và các cơ quan Nhà nước trở thành hết sức quan trọng. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực đàm phán và giải quyết các tranh chấp phát sinh. Biện pháp này sẽ giúp giải quyết ổn thoả các xung đột thương mại, xoa dịu hoặc hạn chế được các thiệt hại trong trường hợp bị áp đặt hình thức đối kháng. Khi cam kết tăng giá xuất khẩu cũng không được chấp nhận thì khả năng áp dụng thuế chống bán phá giá là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cần tiếp tục vận động để mức thuế chống bán phá giá càng thấp càng tốt (có thể vận động những nhà sản xuất ở nước nhập khẩu sử dụng hàng nhập khẩu như là nguyên liệu đầu vào và người tiêu dùng cuối cùng hàng nhập khẩu gây sức ép với cơ quan thẩm quyền áp dụng mức thuế thấp hơn biên độ phá giá). Ngoài ra, để chủ động “hầu kiện” hoặc “kháng cáo” trong những trường hợp cần thiết, cần phải chủ động chuẩn bị các chứng từ có liên quan để có cơ sở cho việc xác định biên độ phá giá (cho từng nhà xuất khẩu) và kim ngạch xuất khẩu của ta đã bằng 3% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng đó hay không. (ii) Hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhãn mác sinh thái để đối phó và vượt qua các rào cản về môi trường. Hiện nay, do sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng trở nên gay gắt các yếu tố về môi trường đã và đang có nguy cơ bị lợi dụng để làm các rào cản kỹ thuật trong TMQT. Trên thế giới hiện nay đang có 30 chương trình nhãn sinh thái khác nhau đang gây phiền toái và đã thực sự trở thành rào cản kỹ thuật trong thương mại. (iii) Giải pháp cho các Hiệp hội ngành nghề. Nâng cao năng lực thu thập và xử lý thông tin: Các hiệp hội phải thành lập và củng cố bộ phận thông tin của mình để thu thập và xử lý thông tin có tính chất chuyên ngành về các thị trường xuất khẩu chủ yếu. Nâng cao năng lực hoạt động của các Hiệp hội ngành hàng: Thông qua việc tăng cường nguồn nhân lực có trình độ cao về pháp luật quốc tế và kinh doanh quốc tế, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho Hiệp hội cho tương xứng với sự phát triển sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của ngành hàng, tạo điều kiện thuận lợi để các Hiệp hội tham gia vào các tổ chức hoặc Hiệp hội ngành hàng quốc tế. Đối với các doanh nghiệp, cần tăng cường việc nghiên cứu nắm bắt các chính sách quản lý nhập khẩu của các thị trường xuất khẩu, cảnh giác với các rào cản thương mại của các thị trrường; Phối hợp, liên kết để chung sức cùng đối phó với các rào cản; đẩy mạnh liên doanh với các đối tác nước ngoài trong việc sản xuất hoặc xuất khẩu sản phẩm; đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hoá khi xuất khẩu; tăng cường triển khai áp dụng các qui trình sản xuất tiên tiến, các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại và mở rộng các kênh phân phối bán hàng tại thị trường nước ngoài; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong thời gian tới, cố gắng cân bằng hơn cán cân thương mại với Hoa Kỳ, cụ thể, tăng lượng hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, hạn chế xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hơn nữa. Luôn theo dõi, bám sát các động thái của Hoa Kỳ để kịp thời phản ứng. Việt Nam cần cải thiện cơ chế, chính sách, hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý vĩ mô của Nhà nước trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Trong pháp luật thương mại, cần bổ sung thêm các quy định rõ ràng hơn về quản lý nhập khẩu. Sử dụng hợp lý các công cụ phi thuế quan như hàng rào kỹ thuật, hạn ngạch, thuế quan, thuế tuyệt đối, thuế chống phá giá.... Cơ cấu mặt hàng xuất, nhập khẩu luôn thể hiện trình độ phát triển và hiệu quả thương mại quốc tế của một quốc gia. Vì vậy cần quan tâm phát triển và chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất, nhập khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 106/QĐ-CLTC ngày 10/12/2021 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.