- Đơn vị chủ trì: Ban Tài chính quốc tế và Chính sách hội nhập
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Lê Quang Thuận
- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-20-Đ1
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) được hình thành trên cơ sở kế thừa nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được 11 nước chính thức ký kết ngày 08/03/2018. Các nước thành viên CPTPP gồm Ca-na-đa, Mê-hi-cô, Nhật Bản, Pê-ru, Chi-lê, Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po, Bru-nây, Ma-lai-xi-a và Việt Nam.
Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 03/12/2018 đối với Ốt-xtrây-lia, Ca-na-đa, Nhật Bản, Mê-hi-cô, Niu Di-lân và Singapore và đối với Việt Nam kể từ ngày 14/01/2019. Tính đến nay, qua thời gian 3 năm thực hiện Hiệp định, tuy chưa dài nhưng rất cần có những đánh giá tác động nhằm phân tích những vấn đề đặt ra, trên cơ sở đó đưa ra những khuyến nghị nhằm phát huy và tận dụng cơ hội phát triển thương mại hàng hóa của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP.
Vì vậy, việc thực hiện đề tài “Đánh giá tác động của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với thương mại hàng hóa của Việt Nam” là rất cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp luận cứ khoa học, tài liệu tham khảo, phục vụ cho công tác tham mưu chính sách về kinh tế, tài chính đối ngoại và hội nhập quốc tế.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Đề tài đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP đối với thương mại hàng hóa của Việt Nam và đưa ra những khuyến nghị nhằm phát huy và tận dụng cơ hội phát triển thương mại hàng hóa của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Tác động của Hiệp định CPTPP đối với thương mại hàng hóa.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu tác động của Hiệp định CPTPP đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và đối với sản xuất, kinh doanh trong nước theo các tiêu chí về kim ngạch xuất, nhập khẩu; cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu; phân tích những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam; nghiên cứu các nước thành viên Hiệp định CPTPP. Thời gian nghiên cứu từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam (ngày 14/01/2019) đến nay; dự báo những thách thức đặt ra và khuyến nghị cho thời gian tới.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã nghiên cứu và khái quát hóa cơ sở lý luận về hiệp định thương mại tự do, những tác động và yếu tố tác động của hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đối với thương mại hàng hóa của các quốc gia thành viên; nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong thực thi các FTA thế hệ mới và rút ra bài học tham khảo cho Việt Nam.
(2) Đề tài đã phân tích, đánh giá tác động của CPTPP đối với thương mại hàng hóa của Việt Nam và những vấn đề đặt ra:(i) Mặc dù có những tiến bộ trong công tác xây dựng pháp luật nhằm triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP nhưng việc soạn thảo và ban hành phần lớn các văn bản quy phạm pháp luật thực thi CPTPP này vẫn chậm so với kế hoạch dự kiến cũng như kỳ vọng của doanh nghiệp. Từ góc độ lợi ích thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam, việc chậm ban hành các văn bản này có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định tới các doanh nghiệp, làm hạn chế khả năng tận dụng các lợi ích mà CPTPP lẽ ra có thể mang lại cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu thực thi Hiệp định.(ii) Công tác phổ biến và tập huấn về Hiệp định CPTPP được triển khai tích cực và đa dạng ở cả trung ương và địa phương. Tuy nhiên, số lượng các buổi hội thảo và tập huấn chuyên sâu về Hiệp định CPTPP dành cho các doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại các địa phương còn tương đối hạn chế. Theo kết quả khảo sát của VCCI, có khoảng 86% doanh nghiệp đã biết hoặc tìm hiểu về Hiệp định CPTPP nhưng chỉ có khoảng 1,86% doanh nghiệp tìm hiểu tương đối kỹ về Hiệp định. (iii) Công tác nghiên cứu, dự báo xu hướng thị trường đã được Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm nhưng so với yêu cầu vẫn còn khoảng cách lớn, đòi hỏi phải được nâng cao về chất lượng, củng cố về mặt tổ chức hệ thống dự báo; xây dựng phương pháp luận dự báo thích hợp...; quy trình dự báo, công bố kết quả dự báo phải được hình thành một cách khoa học, để giúp cho Chính phủ hoạch định chính sách, xây dựng và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội một cách thuận lợi và chủ động; giúp cho doanh nghiệp kịp thời nắm bắt tình hình và chủ động xây dựng, thực thi chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của bối cảnh thế giới và trong nước. (iv) Kinh tế thế giới phục hồi chậm và chưa chắc chắn do tác động của dịch Covid-19. Trong năm 2020 và 2021, tác động không thuận lợi đối với các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung và việc tận dụng cơ hội trong CPTPP nói riêng. (v) Lạm phát trên toàn cầu có xu hướng tăng mạnh so thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. (vi) Xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại đã gây ra những tác động tiêu cực đáng kể cho doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
(3) Đề tài đã đưa ra khuyến nghị chính sách cho Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội, ứng phó với thách thức từ những tác động của hiệp định CPTPP đến thương mại hàng hóa của Việt Nam.
(i) Đối với Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước:
Tiếp tục rà soát và hoàn thiện thể chế và khuôn khổ pháp lý, nội luật hóa các cam kết trong khuôn khổ CPTPP, tạo hành lang pháp lý về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và đảm bảo tính tương thích với các cam kết trong CPTPP; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đồng thời tạo thuận lợi cho việc thực thi các cam kết trong CPTPP.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và các cán bộ, công chức trong cơ quan quản lý nhà nước về công tác hội nhập kinh tế quốc tế và các quy định của CPTPP nói riêng. Đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền, phổ biến vừa kết hợp trực tuyến và trực tiếp, tập trung vào các nội dung cụ thể của từng ngành hàng, từng lĩnh vực các doanh nghiệp quan tâm, đa dạng cách thức thể hiện để tạo sự hấp dẫn, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp.
Tăng cường các hoạt động ngoại giao kinh tế theo hướng ngoại giao kinh tế phải thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt, định hướng cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong hội nhập kinh tế quốc tế và tận dụng có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Tăng cường cơ chế trao đổi thông tin cấp Chính phủ, xử lý các rào cản thương mại và các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quan hệ thương mại với các thành viên trong CPTPP. Đối với các vấn đề, tranh chấp thương mại phát sinh, Việt Nam cần có cách tiếp cận mềm dẻo, linh hoạt thông qua các kênh ngoại giao, tiếp xúc trực tiếp.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi tiếp cận và mở rộng thị trường, nhất là các thị trường mới, tiềm năng; tăng cường cơ chế phối hợp trong và ngoài nước và giữa các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận thị trường, xử lý những khó khăn, vướng mắc và tận dụng các cơ hội của các FTA nói chung, CPTPP nói riêng.
Tăng cường công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo xu hướng các thị trường các nền kinh tế thành viên CPTPP cũng như các quốc gia để kịp thời đưa ra các khuyến nghị, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tăng cường chuẩn bị và nâng cao khả năng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và tranh chấp thương mại quốc tế; các biện pháp phòng chống lẩn tránh phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ nhằm giảm thiểu gian lận để được hưởng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam tham gia nói chung và từ Hiệp định CPTPP nói riêng.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống gian lận, giả mạo xuất xứ, nhãn mác; triển khai có hiệu quả các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, giám sát, điều tra xác minh làm rõ hành vi vi phạm liên quan đến xuất xứ, ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa; tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng xuất khẩu đòi hỏi tiêu chí xuất xứ chặt chẽ hoặc các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp của các nước trên thế giới.
(ii) Đối với doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp:
Doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh thích nghi với bối cảnh mới, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, tích cực chủ động nắm bắt thông tin, tìm hiểu và tiếp cận thị trường thông qua việc nắm bắt các luật chơi mới, tìm hiểu quy định của pháp luật về thương mại và đầu tư quốc tế và các nước đối tác, tập quán kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp của các thành viên CPTPP, qua đó nắm bắt, tận dụng các cơ hội, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cả về kiến thức pháp lý và kỹ năng kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch phát triển nguyên vật liệu thay thế hàng nhập khẩu để nhanh chóng hình thành các khu công nghiệp chuyên biệt từng sản phẩm. Hiệp hội ngành nghề đóng vai trò quan trọng trong việc lập quy hoạch, kiến nghị với Chính phủ các chính sách ưu đãi, khuyến khích, tổ chức thực hiện quy hoạch khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành nhằm nâng cao năng lực kháng kiện; tăng cường các quy định về sự phối hợp, bảo vệ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh có thể gây ra các vụ kiện của nước ngoài; thiết lập cơ chế phối hợp trong tham gia kháng kiện và hưởng lợi khi kháng kiện thành công để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia kháng kiện.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 105/QĐ-CLTC ngày 10/12/2021 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.