Xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi các nước mới nổi, đang phát triển và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi các nước mới nổi, đang phát triển và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam 16/03/2023 14:56:00 1831

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi các nước mới nổi, đang phát triển và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

16/03/2023 14:56:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Phát triển thị trường tài chính

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Vương Duy Lâm

- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-19- Đ1

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Về lý luận, các nghiên cứu chuyên sâu về sự dịch chuyển của dòng vốn FPI theo hướng định lượng trước đây rất hạn chế, chủ yếu là đánh giá định tính (đối với trường hợp của Việt Nam), và phần lớn các nghiên cứu trước đây chưa đánh giá và cập nhật đến giai đoạn biến động lớn của nền kinh tế toàn cầu (bầu cử Mỹ và Covid-19 năm 2020). Đây là những giai đoạn mang tính chất quan trọng trong xu hướng thay đổi dòng vốn FPI tại nhiều quốc gia. Bởi vậy, đây sẽ là khoảng trống nghiên cứu mà đề tài tập trung hướng tới.Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu đề tài về “Xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi các nước mới nổi, đang phát triển và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam” là có ý nghĩa khoa học và thực tiễn nhằm làm rõ tác động của xu hướng dịch chuyển dòng vốn đối với các quốc gia mới nổi, đang phát triển và Việt Nam, cũng như đưa ra các khuyến nghị về quản lý, giám sát dòng vốn, để hạn chế những tác động tiêu cực của xu hướng này.

Về thực tiễn, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch đột biến trong nhiều năm trở lại đây tại các quốc gia mới nổi, đang phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh chính trị Mỹ biến động và đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Bởi vậy, việc nghiên cứu xu hướng chuyển dịch của những dòng vốn này, đặc biệt tại Việt Nam, trở nên quan trọng, bởi ít những đánh giá và tham luận bao gồm cả định tính và định lượng, hướng tới vấn đề này. Do đó, kết luận của nghiên cứu về chủ đề này mang ý nghĩa thực tiễn trong việc đánh giá và điều hành dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam trong thời gian sắp tới. Đặc biệt, các nghiên cứu phân tích, đánh giá các quốc gia đang phát triển thu hút và giám sát dòng vốn FPI ra sao cũng còn hạn chế, đặc biệt là các nghiên cứu đánh giá xu hướng chung của dòng vốn FPI như thế nào trong nhiều năm trở lại đây. Bởi vậy, đây sẽ là khoảng trống nghiên cứu mà đề tài sẽ tập trung khai thác. Bên cạnh đó, xu thế rút vốn khỏi các quốc gia đang phát triển cũng dễ nhận biết thông qua các tin tức về thị trường chứng khoán trên nhiều quốc gia trong những năm gần đây, vậy, câu hỏi đặt ra là: xu hướng này có liên quan mật thiết giữa các quốc gia mới nổi, đang phát triển không, hay là phụ thuộc các tác nhân khác. Trường hợp của Việt Nam thì như thế nào? Và nếu phụ thuộc các tác nhân khác, thì liệu có lý giải được không, tác nhân khác đó giải thích bao nhiêu % cho sự thay đổi trong xu hướng đó? Và nếu xu hướng này có thể gây ra những tác động tiêu cực cho các quốc gia mới nổi, đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng, thì các quốc gia đó cũng như Việt Nam, đã và đang làm gì để hạn chế những tác động tiêu cực ấy, và định hướng như thế nào để mang lại tác động tích cực cho nền kinh tế cho những năm tới.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài sẽ đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài ra khỏi các nước mới nổi, đang phát triển tại và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu sự chuyển dịch dòng vốn FPI ra khỏi các quốc gia mới nổi, đang phát triển, các chỉ số vĩ mô gây ảnh hưởng đền FPI tại Việt Nam (GPD, FDI, tỷ giá, lãi suất, chỉ số TTCK).

Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu tính chất của dòng vốn FPI tại 20 quốc gia mới nổi, đang phát triển (bao gồm Việt Nam) trong vòng 10 năm trở lại đây (2010 - 2020) và kinh nghiệm quản lý giám sát dòng vốn này. Phân tích sâu hơn vào phản ứng chính sách của 04 quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Phillipines.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã khái quát được một số vấn đề chung về dòng vốn FPI. Nhìn chung, FPI bao gồm một số tính chất đặc trưng như tính bất ổn định và tính dễ đảo ngược. Chỉ trong một thời gian ngắn, luồng vốn FPI có thể chuyển sang một thị trường khác để lại hậu quả khôn lường cho nền kinh tế. Kinh nghiệm khủng hoảng kinh tế tài chính của Châu Á vào cuối thập niên 90 của thế kỷ 20 đã cho thấy tác hại của sự đảo ngược dòng vốn FPI, hậu quả là những nền kinh tế bong bóng nhanh chóng bị sụp đổ, gây hậu quả to lớn, khó có thể khắc phục được trong ngắn hạn. FPI có thể được quản lý, giám sát, điều tiết qua một số công cụ vĩ mô như các công cụ tiền tệ, các công cụ thuế, các công cụ hành chính, và một số công cụ giám sát thận trọng như quy định về mức dự trữ bắt buộc không lãi suất…

(2) Đề tài sau khi sử dụng mô hình OLS, dẫn đến kết luận là có độ tương quan rõ rệt nhất trong sự thay đổi FPI ròng của Trung Quốc và Ấn Độ, cho thấy mối quan hệ cùng chiều của FPI tại 2 quốc gia này. Tuy nhiên, Trung Quốc lại có xu hướng nghịch đảo với trường hợp của Nam Phi, cho thấy khi FPI chảy vào Trung Quốc, điều đó có nghĩa là Nam Phi sẽ mất đi một khoản đầu tư. Các trường hợp ngược chiều với Trung Quốc lần lượt là Nam Phi, Chile, Malaysia, Mexico, Ba Lan, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với trường hợp của Chile, một quốc gia Nam Mỹ, quốc gia này có tương quan cùng chiều với một số nước như Colombia, Indonesia, Israel, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Peru và Thổ Nhĩ Kỳ, do đó có thể đưa đến kết luận đơn giản là khi FPI chảy về Nam Mỹ và các quốc gia đã phát triển, thì các quốc gia mới nổi, đang phát triển ở Châu Á cũng sẽ mất đi một khoản đầu tư. Đối với trường hợp của Việt Nam, Việt Nam có hệ số tương quan cùng chiều gần nhất với trường hợp của Nam Phi, Philippine, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan và Nga, và ngược chiều với Chile, Colombia, Israel, Bulgarie, là những nước cận Mỹ. Điều này cho thấy dòng chảy FPI cũng khá đặc trưng khi tạo ra hiệu ứng ngược chiều tại mỗi Châu lục. FPI chảy vào Châu lục này đồng nghĩa với sự thoát vốn ở các Châu lục khác. Các quốc gia có mối quan hệ dịch chuyển FPI cùng chiều với Trung Quốc bao gồm Ấn Độ, Nam Phi, Philippines, Argentina, Israel, Hàn Quốc. Các quốc gia có mối quan hệ dịch chuyển FPI trái chiều với Trung Quốc là Comlombia, Malaysia, Mexico, và Ba Lan. Điều này cũng khá rõ ràng vì các quốc gia trái chiều đều có xu hướng nhận đầu tư từ Mỹ nhiều hơn. Đặc biệt, khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung diễn ra thì tính trái chiều này càng được thể hiện rõ ràng. Các quốc gia tác động cùng chiều rõ rệt nhất với Trung Quốc trong việc dịch chuyển dòng vốn FPI là Nam Phi, Israel và Philippines vì có hệ số Coefficient cao, còn ngược chiều là Colombia và Ba Lan. Nhìn chung, FPI dịch chuyển trong phạm vi các quốc gia mới nổi, đang phát triển có thể kéo theo sự thay đổi của FPI tại Trung Quốc. Ngoài ra, các quốc gia có tương quan cùng chiều với sự dịch chuyển FPI ròng tại Nam Phi và có ý nghĩa thống kê trong nghiên cứu này bao gồm: Trung Quốc, Argentina, Brazil, Bulgaria, Comlombia, Malaysia, Balan, Nga và Việt Nam. Điểm đáng lưu ý là độ tương quan cùng chiều giữa Nam Phi và Việt Nam rất cao, cho thấy dòng vốn FPI giữa 2 quốc gia này không những có mối tương quan cùng chiều mà còn có sự biến động tương hỗ sâu sắc.

(3) Đề tài đã tìm ra sự thay đổi về dòng vốn FPI tại Việt Nam trong 10 năm trở lại đây cũng tuân theo các biến động lớn trên thị trường tài chính quốc tế như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid, khiến dòng vốn đảo chiều, làm FPI ròng giảm xuống mức âm vào Quý 3/2016 và Quý IV/2019, và Quý 3/2020, và có sự tương đồng với đại đa số các quốc gia mới nổi, đang phát triển khác. Tuy nhiên, mặc dù có cùng xu hướng, thì khối lượng thay đổi về FPI tại Việt Nam chỉ ở mức độ rất nhỏ so với các quốc gia còn lại. Bên cạnh đó, thông qua mô hình hồi quy OLS cho thấy dòng vốn FPI có được hút vào hay thoát ra khỏi thị trường nội địa Việt Nam, thì cũng không có quá nhiều tác động lên các thị trường mới nổi, đang phát triển còn lại. Ngược lại, tác động của việc dịch chuyển dòng vốn FPI luân chuyển giữa các quốc gia mới nổi, đang phát triển là có, đối với sự thay đổi của FPI tại Việt Nam, nhưng mức độ này là không lớn. Qua đó, cũng có thể đưa ra kết luận rằng thị trường FPI ở Việt Nam còn non trẻ so với các quốc gia khác, và lượng FPI do các quốc gia đổ vào Việt Nam là chưa đủ nhiều để dẫn đến sự thay đổi lớn trong cơ cấu FPI tại Việt Nam. Các yếu tố ảnh hưởng đến FPI vào Việt Nam có thể được giải thích bằng các yếu tố, biến độc lập khác. Ngoài ra, thông qua kiểm định Granger cho mối quan hệ ngắn hạn và VECM cho mối quan hệ dài hạn giữa các yếu tố vĩ mô tại Việt Nam đối với sự thay đổi FPI, thì rút ra một số kết luận như sau: (i) Sau khi thay đổi FDI và lãi suất điều hành của Chính phủ, thì trong ngắn hạn FPI sẽ có sự điều chỉnh. Trong ngắn hạn, các yếu tố còn lại như tăng trưởng GDP, tỷ giá USD/VND, chỉ số HOSE không tác động lên sự chuyển dịch FPI tại Việt Nam; (ii) Trong dài hạn, chỉ có duy nhất FDI là có tác động tích cực rõ rệt lên FPI ròng tại Việt Nam. Điều này càng củng cố thêm các nhận định trước đây của nhiều học giả khi lập luận rằng tăng trưởng FDI trong dài hạn chắc chắn sẽ kéo theo tăng trưởng FPI. Bên cạnh đó, việc tăng trưởng GDP thực liên tục trong dài hạn lại có tác động ngược chiều lên FPI ròng tại Việt Nam. Trên thực tế, không phải lúc nào tăng trưởng GDP thực cũng kéo theo tăng trưởng FPI, mà còn có thể gây ra hệ quả tiêu cực trong dài hạn.

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 104/QĐ-CLTC ngày 10/12/2021 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).

- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%