- Đơn vị chủ trì: Ban Phát triển thị trường tài chính
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Ngô Anh Phương
- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-18-Đ1
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Hoạt động xếp hạng tín nhiệm (XHTN) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng. Tổ chức XHTN góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động cả về cung và cầu đầu tư trên thị trường, giúp nhà đầu tư nhận thức được tốt hơn khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp được XHTN cũng như những rủi ro có liên quan để có định hướng đầu tư. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhằm phát triển thị trường XHTN và nâng cao chất lượng XHTN, tăng cường tính cạnh tranh giữa các tổ chức XHTN cần hoàn thiện khung khổ pháp lý trong đó xem xét bổ sung hoàn thiện quy định về đăng ký cũng như các quy định buộc các tổ chức XHTN phải công khai các phương pháp luận, mô hình và các giả định đánh giá chính được sử dụng để xếp hạng nhằm tăng cường tính cạnh tranh, minh bạch.
Tại Việt Nam, nghiên cứu về XHTN đã có kể từ khi thị trường chứng khoán bắt đầu đi vào hoạt động nhưng số lượng nghiên cứu còn rất ít và các nghiên cứu trên cũng không còn phù hợp với bối cảnh mới, trình độ phát triển hiện nay của thị trường hoặc các nghiên cứu cũng mới chỉ đề cập ở giác độ lý thuyết chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn hiện nay. Thêm vào đó, mặc dù quy định về xếp hạng tín nhiệm đã có nhưng dịch vụ này hiện nay ở Việt Nam chưa phát triển. Khoảng 02 năm gần đây, khi trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển nóng đã có nhiều nghiên cứu hơn nhưng phần nhiều là các bài báo, đề cập đến vấn đề trên mang tính chất trao đổi. Gần đây có luận án tiến sĩ của Nguyễn Trung Hiếu (2021) thấy rằng để có thể phát triển được thị trường TPDN thì cần phát triển thị trường XHTN và nhu cầu sử dụng dịch vụ XHTN doanh nghiệp của các cá nhân là khá rõ rệt. Nghiên cứu cũng cho thấy yếu tố tác động đến danh tiếng của tổ chức XHTN tại Việt Nam bao gồm sản phẩm dịch vụ, đổi mới, phương pháp xếp hạng, quản trị tổ chức, tính độc lập, lãnh đạo của tổ chức và hiệu quả hoạt động. Đồng thời, nghiên cứu cũng đã chứng minh danh tiếng của tổ chức XHTN có tác động rõ nét đến sự tin tưởng vào tổ chức XHTN và nhận dạng tổ chức XHTN, từ đó tác động đến dự định sử dụng dịch vụ XHTN doanh nghiệp của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các nghiên cho thấy rằng để phát triển XHTN doanh nghiệp điều cơ bản chính là chính phủ cần đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định, tiếp tục gia tăng khả năng và quy mô của các tổ chức tín dụng trong nước. Không chỉ vậy, để có thể thúc đẩy phát triển tốt hơn thị trường trái phiếu và XHTN doanh nghiệp cần có các giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật cũng như sự tuân thủ chặt chẽ các quy định đó, nâng cao chất lượng hồ sơ đầu tư của quốc gia, giảm thiểu tham nhũng trong nền kinh tế để thu hút đầu tư quốc tế và thúc đẩy cho thị trường tài chính phát triển. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện đề tài “Phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp tại Việt Nam” là cần thiết.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Xem xét thực trạng dịch vụ XHTN doanh nghiệp tại Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát triển dịch vụ XHTN doanh nghiệp Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Phát triển dịch vụ XHTN doanh nghiệp.
Phạm vi nghiên cứu: Xem xét XHTN trên các khía cạnh khả năng thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ nợ của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đối với công cụ nợ tại thời điểm xếp hạng.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã khái quát hóa tới các nội dung cơ bản liên quan đến thị trường XHTN doanh nghiệp như khái niệm, các mô hình kinh doanh trên thị trường XHTN doanh nghiệp, đặc điểm, vai trò và các tiêu chí đánh giá XHTN. Đề tài cũng xem xét các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm bao gồm: (i) khung pháp lý; (ii) chính sách hỗ trợ ; (iii) sự phát triển của thị trường tài chính; (iv) các nhân tố nội tại của tổ chức xếp hạng; (v) các nhân tố khác. Qua đó để tạo cơ sở cho việc đánh giá phát triển thị trường xếp hạng.
(2) Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong việc phát triển dịch vụ XHTN, nhất là xem xét kinh nghiệm của các nước hỗ trợ các tổ chức XHTN trong nước khi mới thành lập, qua đó rút ra 05 bài học với Việt Nam. Thứ nhất, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý trong đó xem xét bổ sung, hoàn thiện quy định về đăng ký cũng như các quy định buộc các tổ chức XHTN phải công khai các phương pháp luận, mô hình và các giả định đánh giá chính được sử dụng để xếp hạng nhằm tăng cường tính cạnh tranh, minh bạch. Thứ hai, cần đưa trách nhiệm của cơ quan xếp hạng vào trong luật để tăng tính pháp lý của các kết quả đánh giá xếp hạng. Thứ ba, tăng cường các biện pháp để cải thiện năng lực của các tổ chức XHTN trong nước như cho phép các tổ chức trong nước/nước ngoài hợp tác với các tổ chức XHTN trong nước, hoặc hỗ trợ kỹ thuật. Thứ tư, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ đặc biệt khi các tổ chức XHTN trong nước mới thành lập, như có cơ chế cho phép các cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng lớn có ảnh hưởng trên thị trường tham gia thành lập các tổ chức XHTN trong nước với tư cách là cổ đông sáng lập để tăng uy tín của các tổ chức XHTN trong nước. Ngoài ra, việc cung cấp thông tin về tổ chức XHTN tới thị trường cần tập trung tại một cơ quan quản lý giám sát để việc tiếp cận thông tin được dễ dàng, cũng như góp phần tăng cường quản lý, giám sát các tổ chức XHTN trong nước. Thứ năm, cần tăng cường giám sát các hoạt động và trách nhiệm của các cơ quan xếp hạng.
(3) Trên cơ sở xem xét thực trang dịch vụ phát triển thị trường XHTN của Việt Nam đề tài thấy rằng: Thứ nhất, khung khổ pháp lý trong lĩnh vực này đã tiệm cận với thông lệ quốc tế, hoạt động của tổ chức định mức tín nhiệm cơ bản đã có và cầu thị trường đối với dịch vụ XHTN của Việt Nam được đánh giá là lớn. Tuy nhiên, hoạt động cung cấp dịch vụ XHTN vẫn còn rất hạn chế mặc dù theo Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ tháng 1 năm 2021, một số đợt phát hành trái phiếu ra công chúng sẽ yêu cầu XHTN từ một tổ chức XHTN trong nước. Thứ hai, hoạt động của tổ chức định mức tín nhiệm thực chất chưa như kỳ vọng. Thứ ba, Việt Nam thiếu vắng sự tham gia của các tổ chức XHTN nước ngoài danh tiếng. Thứ tư, thiếu văn hóa XHTN. Thứ tư, thiếu các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các tổ chức XHTN trong nước khi mới thành lập. Theo đó, chưa có cơ chế cho phép các cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng lớn có ảnh hưởng trên thị trường như Bộ tài chính hoặc Ủy ban chứng khoán tham gia thành lập các tổ chức XHTN trong nước với tư cách là cổ đông sáng lập để tăng uy tín của các tổ chức XHTN trong nước. Thêm vào đó, việc tìm kiếm thông tin về các tổ chức XHTN trong nước được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép chính thức vẫn còn nằm rải rác, chưa tập trung, chủ yếu trên các trang web của các cơ quan báo chí và của chính các tổ chức XHTN trong nước. Thứ năm, công tác giám sát vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu giám sát đối với thị trường đang phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu.
(4) Từ thực trạng dịch vụ XHTN doanh nghiệp ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị đối với phát triển dịch vụ XHTN gồm: (i) Hoàn thiện quy định pháp lý cho việc tiến đến bắt buộc XHTN khi phát hành TPDN, thu hút sự gia nhập của các tổ chức XHTN lớn trên thế giới và nâng cao chất lượng, uy tín của các tổ chức XHTN trong nước cũng như hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động của tổ chức XHTN doanh nghiệp; (ii) Xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các tổ chức XHTN trong nước khi mới thành lập như xem xét sửa đổi quy định pháp lý cho phép các cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng lớn có ảnh hưởng trên thị trường như Bộ tài chính hoặc Ủy ban chứng khoán tham gia thành lập tổ chức XHTN trong nước với tư cách là cổ đông sáng lập để tăng uy tín của tổ chức XHTN trong nước, xem xét ban hành bổ sung quy định niêm yết thông tin về các tổ chức XHTN được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép trên trang web của các cơ quan quản lý giám sát như Ủy ban chứng khoán; (iii) Tăng cường giám sát chặt chẽ để thị trường phát triển lành mạnh; (iv) Hình thành văn hóa XHTN; (v) Còn đối với đối với tổ chức XHTN nên xem xét phát triển sản phẩm dịch vụ xếp hạng, phát triển công nghệ thông tin để hỗ trợ hình thành cơ sở dữ liệu lớn hơn về thị trường, nâng cao chất lượng của phương pháp xếp hạng, hình thành nguồn nhân sự chất lượng và đảm bảo chất lượng quản trị, lãnh đạo trong tổ chức XHTN, tăng cường công tác truyền thông; (vi) Đối với tổ chức phát hành cần thay đổi nhận định về hoạt động XHTN theo hướng tích cực hơn, tiến tới sử dụng dịch vụ như một hoạt động cơ bản trong công khai năng lực của mình cho toàn bộ thị trường, nhà đầu tư, đối tác được biết, đồng thời nâng cao năng lực tài chính tốt, minh bạch và rõ ràng hơn về công bố thông tin liên quan đến doanh nghiệp và các rủi ro liên quan đến hoạt động, tuân thủ các quy định chặt chẽ về kế toán, kiểm toán và báo cáo thông tin... (vii) Đối với nhà đầu tư cần thay đổi nhận thức về hoạt động XHTN, coi hoạt động XHTN là một dịch vụ cần thiết khi trong hoạt động đầu tư của mình; (viii) Đề tài cũng đưa ra một số khuyến nghị khác để thúc đẩy sự phát triển thị trường tài chính Việt Nam.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 103/QĐ-CLTC ngày 10/12/2021 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.