- Đơn vị chủ trì: Ban Phát triển thị trường tài chính
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Lưu Ánh Nguyệt
- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-17-Đ1
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Tài chính hợp tác là mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực tài chính. Trong mô hình tài chính hợp tác, những giao dịch tài chính được tạo ra và thực hiện trực tiếp giữa các chủ thể, có thể ẩn danh hoặc không ẩn danh và không có sự tham gia của các tổ chức tài chính truyền thống như ngân hàng, tổ chức tín dụng, định chế tài chính khác với vai trò trung gian. Một số loại dịch vụ tài chính được phân loại là tài chính hợp tác như cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, tiết kiệm xã hội , thanh toán ngang hàng,… Loại giao dịch này được phát triển và ngày càng phổ biến nhờ những tiến bộ của các phương tiện truyền thông xã hội và các nền tảng trực tuyến ngang hàng.
Sự phát triển của các dịch vụ tài chính hợp tác trong thời gian qua trên toàn cầu và tại Việt Nam cho thấy xu hướng tất yếu của mô hình này. Cho vay ngang hàng (CVNH) và gọi vốn cộng đồng (GVCĐ) vẫn chiếm tỷ trọng lớn và đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các loại tài chính hợp tác. Tuy nhiên, khung khổ pháp luật của Việt Nam chưa có các quy định cụ thể đối với các dịch vụ tài chính hợp tác. Đồng thời, CVNH vẫn chưa được xem là một loại hình kinh doanh để cấp phép nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư hoặc công ty công nghệ như Finsom, Tima… Cùng với xu hướng phát triển của loại hình dịch vụ GVCĐ trên thế giới, Việt Nam cũng đã có nhiều nền tảng website GVCĐ ra đời, phát triển và đã xây dựng được uy tín và niềm tin từ cộng đồng đầu tư Việt Nam. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển hướng tới nền kinh tế số, tận dụng cơ hội do cách mạng công nghệ 4.0 đem lại. Do đó, việc phát triển của các dịch vụ tài chính hợp tác là tất yếu, cần tạo điều kiện thuận lợi, cũng như kiểm soát rủi ro để các loại hình này phát triển. Vì vậy, việc nghiên cứu để ban hành các quy định, văn bản pháp lý, chính sách để điều chỉnh hoạt động này là cần thiết.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra Tài chính hợp tác là một lĩnh vực mới, có xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh công nghệ và kinh tế số. Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu về nội hàm của tài chính hợp tác, đặc biệt trong bối cảnh của một quốc gia đang phát triển, hướng tới phát triển kinh tế số và có độ hội nhập kinh tế tài chính lớn như Việt Nam là cần thiết. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy cả những mặt lợi ích và rủi ro đối với kinh tế, xã hội của tài chính hợp tác đem lại. Do đó, việc nghiên cứu những vấn đề đặt ra của mô hình tài chính hợp tác đối với hệ thống tài chính là cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Đánh giá thực trạng và xu hướng phát triển của tài chính hợp tác trong nền kinh tế, nhận diện những vấn đề đặt ra đối với hệ thống tài chính ở Việt Nam, từ đó, đề xuất khuyến nghị chính sách.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Tài chính hợp tác, những vấn đề đặt ra của tài chính hợp tác đối với hệ thống tài chính.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu các mô hình tài chính hợp tác phổ biến, bao gồm cho vay ngang hàng và gọi vốn cộng đồng cổ phần; hoạt động cho vay ngang hàng của một số quốc gia trên thế giới, theo các nhóm quốc gia phát triển, mới nổi và các quốc gia thuộc cộng đồng ASEAN và Việt Nam.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã khái quát được một số vấn đề chung về mô hình tài chính hợp tác, làm rõ khái niệm, các nhân tố ảnh hưởng.... Theo đó, tài chính hợp tác là mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực dịch vụ - tài chính và vẫn đang trong quá trình phát triển trên toàn cầu. Những yếu tố phổ biến tác động tới sự phát triển của tài chính hợp tác là môi trường kinh tế vĩ mô, pháp luật, hệ thống tài chính, công nghệ và công nghệ tài chính, nguồn nhân lực. Sự phát triển của tài chính hợp tác mang tính tất yếu và điều này đem lại cả cơ hội và thách thức đối với hệ thống tài chính, cũng như các chủ thể trong hệ thống tài chính. Tài chính hợp tác có thể thúc đẩy tài chính toàn diện, tăng hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính, tuy nhiên cũng đem lại những nguy cơ về mất an toàn hệ thống, tăng nguy cơ tội phạm tài chính, rửa tiền, tài trợ khủng bố, các nguy cơ phá sản, mất thông tin cá nhân… gây ra những hệ lụy kinh tế - xã hội nghiêm trọng nếu quy mô tài chính hợp tác lớn. Trong giai đoạn này, hai mô hình có ảnh hưởng, tác động mạnh nhất đến hệ thống tài chính là mô hình CVNH và GVCĐ. So với các mô hình hoạt động của các định chế tài chính truyền thống, mô hình CVNH và GVCĐ tương đối mới và nhiều tiềm năng hứa hẹn có bước đột phá trong ngành tài chính ngân hàng, tạo động lực cho phát triển kinh tế của các quốc gia trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, không chỉ về mặt kinh tế mà cả xã hội, dễ dàng bị biến tướng và gây hệ lụy bất ổn xã hội nếu không có các biện pháp quản lý phù hợp, như trường hợp của Trung Quốc giai đoạn 2015 - 2016.
(2) Đề tài nghiên cứu xu hướng phát triển của tài chính hợp tác trên toàn cầu và tình hình phát triển của CVNH, GVCĐ tại nhiều quốc gia trên thế giới, từ các quốc gia phát triển cho tới các quốc gia trong khực ASEAN, cho thấy sự phát triển mang tính chất quốc tế của loại hình này. Phản ứng chính sách của các quốc gia, đặc biệt là việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và giám sát đối với mô hình tài chính này, cho thấy Việt Nam cần nhanh chóng ban hành hệ thống khuôn khổ pháp lý, giám sát và các chính sách hợp lý đối với phát triển thị trường CVNH, GVCĐ để có thể tạo năng lực cạnh tranh quốc gia, gia nhập sâu rộng vào thị trường tài chính quốc tế toàn cầu, đồng thời tạo động lực đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam.
Một số nội dung mà Việt Nam có thể học tập từ các quốc gia khác để xử lý các vấn đề rủi ro liên quan tới mô hình CVNH, GVCĐ như: Ban hành các quy định rõ ràng về mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty cung cấp nền tảng CVNH, GVCĐ; quy định đối với các công nghệ hỗ trợ, tạo nền tảng cho mô hình này phát triển, như hướng dẫn robot, tài sản mã hóa, phát triển các công nghệ ứng dụng vào dịch vụ tài chính (e-KYC), bảo mật dữ liệu….; quản lý rủi ro thông qua kiểm soát quy trình, giới hạn hạn mức khoản vay, vốn huy động giao dịch trong các mô hình TCHT. Để quản lý hiệu quả CVNH và GVCĐ, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan quản lý chuyên ngành, chủ chốt là cơ quan quản lý, giám sát tài chính như UBCK, NHNN và phối hợp với Bộ TTTT. Thông tin đóng vai trò quan trọng trong mô hình CVNH và GVCĐ, do đó các quốc gia đều ban hành nhiều biện pháp quản lý và đưa ra các yêu cầu về công bố thông tin nghiêm ngặt đối với các công ty cung cấp nền tảng.
(3) Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển sơ khai của các mô hình CVNH, GVCĐ và còn khoảng cách lớn so với nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Singapore. Tuy nhiên, sự phát triển của các mô hình này trong thời gian qua cũng đã tác động nhất định đến hệ thống tài chính như tăng rủi ro đối với thị trường, tăng khoảng trống pháp lý đối với quản lý, giám sát dịch vụ tài chính, tăng áp lực đối với các chủ thể trong hệ thống để ngăn ngừa các rủi ro liên quan đến các loại hình này . Những tác động của các mô hình CVNH, GVCĐ đặt ra một số vấn đề cho hệ thống tài chính Việt Nam, trong đó cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với các mô hình này, đặc biệt là các quy định về các hoạt động được phép, trách nhiệm của các bên tham gia. Đồng thời, Việt Nam phải có các chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình này phát triển đúng nghĩa và bảo vệ lợi ích của các bên tham gia, đặc biệt là người tiêu dùng, trong lĩnh vực tài chính.
(4) Để giải quyết những vấn đề trên, đề tài đã đưa ra một số khuyến nghị, gồm: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung đối với lĩnh vực công nghệ tài chính và ban hành các quy định đặc thù đối với mô hình CVNH, GVCĐ; bên cho vay/gọi vốn và bên huy động đều phải đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định về vốn, kiến thức để có thể tham gia vào mô hình này. Bên cạnh đó, cần xây dựng môi trường kinh doanh thúc đẩy đổi mới sáng tạo, củng cố cơ sở hạ tầng công nghệ và kết nối dữ liệu quốc gia, cân nhắc để có các ưu đãi thuế dành cho các quỹ đối với đầu tư qua hình thức GVCĐ, nâng cao kiến thức tài chính của cộng đồng, tăng cường các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 102/QĐ-CLTC ngày 10/12/2021 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.