Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam và những vấn đề đặt ra

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam và những vấn đề đặt ra 16/03/2023 14:54:00 789

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam và những vấn đề đặt ra

16/03/2023 14:54:00

- Đơn vị chủ trì: Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: Ban Chính sách tài chính doanh nghiệp

- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-16-Đ1

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài giúp các doanh nghiệp chia sẻ rủi ro trong đầu tư và kinh doanh; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện đổi mới cơ cấu sản xuất, áp dụng các công nghệ sản xuất mới, tăng cường tính năng động và khả năng cạnh tranh; đồng thời phát huy được thế mạnh, điểm mạnh của các sản phẩm doanh nghiệp, đặc biệt là những sản phẩm truyền thống, sản phẩm riêng có của quốc gia.

Tại Việt Nam, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài bắt đầu phát triển từ đầu những năm 90 và tăng mạnh trong thời gian vừa qua, bất chấp ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng còn bộc lộ những hạn chế nhất định, trong đó có cả từ phía quản lý nhà nước như nước nhận đầu tư hầu hết là các nước đang phát triển, trình độ lao động còn hạn chế; cơ chế chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực này còn thiếu, chưa đồng bộ, thậm chí chồng chéo; sự hỗ trợ về đầu tư từ phía Nhà nước đối với các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài còn mờ nhạt, thiếu đồng bộ từ chủ trương chính sách đến các biện pháp cụ thể. Do đó, việc nghiên cứu đề tài “Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam và những vấn đề đặt ra” là cần thiết, qua đó đề xuất một số giải pháp đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài khảo cứu kinh nghiệm một số nước về chính sách đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; đánh giá thực trạng hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời nhận diện các vấn đề đặt ra và khuyến nghị chính sách đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu tổng thể về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đứng trên phương diện nước đi đầu tư; chính sách đối với đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam giai đoan 2010 - 2020 trên góc độ quản lý vĩ mô của nước đi đầu tư. Nghiên cứu đánh giá thực trạng tại Việt Nam và khảo cứu kinh nghiệm một số nước gồm Trung Quốc, Asean (Singapore, Thái Lan), OECD (Hàn Quốc, Nhật Bản).

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã tổng quan một số vấn đề cơ bản về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và chính sách đối với đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Trong đó, đề tài đã làm rõ khái niệm, đặc điểm, các hình thức đầu tư và vai trò của đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó, đề tài cũng xác định được 03 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp, gồm nhân tố liên quan đến nước đi đầu tư, nhân tố liên quan đến quốc gia nhận đầu tư và các nhân tố khác; xác định các chỉ tiêu đánh giá kết quả đầu tư ra nước ngoài gồm tốc độ tăng trưởng số lượng dự án, quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài; tính đa dạng của ngành, lĩnh vực đầu tư, thị trường đầu tư, các hình thức đầu tư; lợi ích đóng góp cho quốc gia và doanh nghiệp đi đầu tư. Nghiên cứu kinh nghiệm các nước Trung Quốc, một số nước Asean (Singapore, Malaysia, Thái Lan), Nhật Bản và Hàn Quốc và rút ra bài học cho Việt Nam.

(2) Đề tài đã đánh giá thực trạng hệ thống chính sách đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trên các nội dung: Chính sách quản lý của nhà nước đối với hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam; chính sách ngoại hối; chính sách liên quan đến nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp thực hiện đầu tư ra nước ngoài; một số chính sách hỗ trợ hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (chính sách tín dụng đầu tư, xúc tiến đầu tư ra nước ngoài; hiệp định song phương và đa phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Bên cạnh đó, đề tài còn đánh giá thực trạng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam trên các phương diện số lượng dự án và số vốn đầu tư; ngành, lĩnh vực đầu tư; quốc gia tiếp nhận đầu tư; thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Trên cơ sở đánh giá cả về chính sách và thực trạng, đề tài chỉ ra những hạn chế trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, đó là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn thấp dẫn đến số vốn thu hồi từ hoạt động đầu tư bị hạn chế, chuyển lợi nhuận về nước chưa nhiều và chỉ bù đắp một phần nào số vốn đã bỏ ra; ngành nghề, lĩnh vực đầu tư đã được mở rộng hơn nhưng chưa thực sự đa dạng, nhiều thế mạnh chưa được khai thác hiệu quả; năng lực cạnh tranh hạn chế; hiệu quả sử dụng vốn thấp, dự án bị chậm tiến độ, không có khả năng thực hiện dẫn đến phải chuyển nhượng;… Đồng thời, đề tài cũng đã xác định 05 vấn đề đặt ra đối với đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trên phương diện quản lý nhà nước, cụ thể: (i) Hệ thống quy định, thủ tục trong quản lý đầu tư đầu tư ra nước ngoài có nhiều hạn chế; (ii) Một số quy định về chính sách thuế đối với đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn bất cập; (iii) Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp ra nước ngoài khó tiếp cận nguồn vốn vay do vướng quy định về tài sản đảm bảo; (iv) Các quy định về đầu tư ra nước ngoài đối với doanh nghiệp nhà nước dẫn tới khó khăn trong cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước; (v) Công tác xúc tiến đầu tư ra nước ngoài và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức.

(3) Đề tài đã đề xuất một số khuyến nghị, cụ thể là: (i) Xây dựng và ban hành chiến lược dài hạn đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, phải mang lại hiệu quả thiết thực thông qua việc các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng được thị trường, tăng cường được năng lực sản xuất, cạnh tranh và tìm kiếm được lợi nhuận từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài; cần quy định điều kiện cụ thể đối với các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài như quá trình phát triển, năng lực tài chính, năng lực công nghệ; quy định quy mô hoặc tỷ lệ tối đa được đầu tư ra nước ngoài so với tổng vốn hiện có của doanh nghiệp; nâng cao vai trò quản lý của nhà nước đối với đầu tư ra nước ngoài nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích quốc gia; (ii) Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, trọng tâm là đổi mới cơ chế quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký và cấp phép đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp; hoàn thiện các quy định liên quan đến báo cáo, giám sát hoạt động đầu tư ra nước ngoài; (iii) Hoàn thiện các chính sách khuyến khích đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp gồm các chính sách tín dụng, chính sách thuế, chính sách ngoại hối; (iv) Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài tại các thị trường truyền thống cũng như các thị trường tiềm năng khác; tăng cường công tác hỗ trợ, cung cấp thông tin về hoạt động đầu tư ra nước ngoài; Nhà nước có cơ chế khuyến khích việc thành lập các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài; tích cực đàm phán và ký kết các hiệp định song phương và đa phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư với các nước có nhiều hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam hoặc đối tác tiềm năng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy hợp tác đầu tư thuận lợi, an toàn và hiệu quả.

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn, đánh giá và nghiệm thu thông qua (Quyết định số 24/QĐ-CLTC ngày 22/3/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).

- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%