- Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách tài chính doanh nghiệp
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Dương Hoàng Lan Chi
- Năm giao nhiệm vụ: 2021/ Mã số: 2021-15-Đ1
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Chuyển đổi số (CĐS) đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới. Ở cấp độ quốc gia, CĐS là chuyển đổi chính phủ số, kỹ thuật số (KTS) và xã hội số quốc gia; trong đó, KTS thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới, thoát bẫy thu nhập trung bình. Trong năm 2020, KTS mang lại cho Việt Nam 14 tỷ USD, tăng 16%, dự báo năm 2025 sẽ đạt 43 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.
Đối với doanh nghiệp, CĐS là việc tích hợp công nghệ và KTS vào quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh với mục tiêu chính là tăng hiệu quả vận hành, nâng cao trải nghiệm và làm hài lòng khách hàng ; hơn nữa là giảm thiểu chi phí, tăng doanh thu và tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. CĐS là xu hướng phát triển tất yếu để doanh nghiệp có thể thực sự tồn tại và phát triển trong bối cảnh hiện nay, đó là sự thay đổi căn bản từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn, Internet vạn vật… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Microsoft, CĐS còn góp phần gia tăng năng suất lao động, khoảng 15% trong năm 2015 và tăng lên 21% trong năm 2020.
Tuy nhiên CĐS doanh nghiệp còn một số hạn chế như: (i) Sự thiếu linh hoạt, tư duy theo lối mòn, truyền thống của người đứng đầu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chưa nhận thức đúng vai trò CĐS trong cuộc CMCN 4.0, chưa chủ động tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ tầng, không xoay chuyển được mô hình tổ chức kinh doanh đáp ứng với xu thế công nghệ; (ii) Những hạn chế về tài chính, về trình độ quản lý, về những nguồn tài nguyên cần thiết, về công nghệ… đặc biệt là đối với nhóm DNNVV (lực lượng chiếm tới hơn 95% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế), làm cho doanh nghiệp không dám thay đổi. Đa số DNNVV sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, gây ảnh hưởng đến môi trường, đầu tư cho KHCN của khối doanh nghiệp hiện nay chỉ bằng 1/2 đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN). Chỉ có 23% số các doanh nghiệp được điều tra có hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ, tỷ lệ nhập khẩu công nghệ của Việt Nam là 10% (thấp hơn nhiều so với con số trung bình 40% của các nước đang phát triển; (iii) Việc xây dựng môi trường pháp lý còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực mới khi thực hiện CĐS, như thiếu hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế chia sẻ; chia sẻ, mở dữ liệu của cơ quan chính phủ, của doanh nghiệp; bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; vấn đề quyền, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo… Trong đó, vướng mắc về tài chính là chủ yếu, quy trình CĐS thường tốn nhiều thời gian và chi phí khi trải qua các giai đoạn như số hóa, ứng dụng số hóa, CĐS…, trong khi doanh nghiệp đa số có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Như vậy, có thể thấy, việc thực hiện nghiên cứu chủ đề “Chính sách tài chính thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số” là rất cần thiết, có ý nghĩa trong thực tiễn, nhằm phân tích thực trạng CĐS của doanh nghiệp và rà soát, đánh giá chính sách tài chính thúc đẩy doanh nghiệp CĐS. Từ đó chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân để đưa ra những kiến nghị cho giai đoạn tới.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về CĐS trong doanh nghiệp, các bài rút ra từ kinh nghiệm một số nước về chính sách thúc đẩy doanh nghiệp CĐS, và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn triển khai các chính sách tài chính thúc đẩy doanh nghiệp CĐS tại Việt Nam, đề tài hướng tới mục tiêu đề xuất các khuyến nghị nhằm hoàn thiện chính sách tài chính thúc đẩy doanh nghiệp CĐS .
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Chính sách tài chính thúc đẩy doanh nghiệp CĐS.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu về chính sách chi NSNN, thuế, tín dụng tại các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2020 và đề xuất giải pháp cho các năm tiếp theo. Đề tài nghiên cứu kinh nghiệm một số nước trên thế giới.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã khái quát được CĐS trong doanh nghiệp, xác định CĐS là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới. Số hóa là cơ sở để thực hiện CĐS, biến đổi các giá trị thực sang dạng số, còn CĐS là khi có dữ liệu được số hóa sẽ phải sử dụng các công nghệ như AI, Big Data... để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác. CĐS là quá trình đang diễn ra mạnh mẽ, nếu doanh nghiệp có sự chủ động sẽ không bị loại ra khỏi thị trường, là phương thức để doanh nghiệp thích nghi với những thay đổi hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà CĐS mang lại thì cũng không ít rủi ro về chiến lược, pháp lý, hoạt động, công nghệ, tài chính… Để thúc đẩy doanh nghiệp CĐS cần sự hỗ trợ từ cả các yếu tố bên ngoài và bên trong doanh nghiệp bao gồm: Khung pháp lý và những chính sách hỗ trợ, cây dựng chính phủ số, doanh nghiệp CNTT, môi trường kinh doanh, nhận thức của của xã hội, chuyển đổi cách thức tổ chức, hoạt động và sự quyết tâm lớn của người đứng đầu doanh nghiệp; đảm bảo nguồn vật lực, nhân lực.
Bên cạnh đó, đề tài cũng đã nghiên cứu chính sách thúc đẩy doanh nghiệp CĐS của một số nước (Singapore, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, một số nước châu Âu…), qua đó rút ra một số bài học cho Việt Nam, cụ thể là: (i) Phối hợp nhiều chính sách; (ii) Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp CĐS; (iii) Phát triển các tiện ích cho doanh nghiệp; (iv) Hỗ trợ đào tạo; (v) Đẩy mạnh CĐS quốc gia.
(2) Qua phân tích, đánh giá thực trạng CĐS của doanh nghiệp, đề tài đã tổng quan được tình hình CĐS tại các doanh nghiệp Việt Nam. Việc nhận thức về CĐS của doanh nghiệp Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực thể hiện qua tỷ lệ doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số, sử dụng các nền tảng số và sẵn sàng đầu tư vào các giải pháp số. Tuy nhiên, mức độ CĐS còn thấp và chưa đồng đều, vẫn còn một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp chưa bắt đầu thực hiện CĐS và chưa sẵn sàng để CĐS. Việc áp dụng các công nghệ chủ chốt trong CMCN 4.0 của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá sơ khai. Mục tiêu CĐS có đôi chút khác biệt giữa DNNVV và DNNN, các doanh nghiệp lớn sớm nhận thức được vai trò và áp dụng công nghệ số hơn các DNNVV.
Rào cản trong tư duy, nhận thức là những khó khăn đầu tiên. Các doanh nghiệp đã tiếp cận khái niệm CĐS, nhưng chưa có những hình dung cụ thể, tiếp theo là những rào cản chi phí, thiếu vốn, thiếu CSHT về công nghệ số, rủi ro rò rỉ dữ liệu, thiếu nhân lực, thiếu thông tin, khó khăn về tâm lý phải thay đổi tập quán kinh doanh, cùng với đó là nỗi sợ của nhân viên cũng như sự kháng cự từ quản lý cấp trung… Các chính sách mới dừng ở việc hỗ trợ, tạo môi trường cho doanh nghiệp CĐS, như chính sách về chi NSNN (thông qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS, hỗ trợ công nghệ cho DNNVV, chi NSNN cho KHCN); chính sách thuế (ưu đãi thuế suất thuế TNDN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu); chính sách tín dụng (thông qua các Quỹ Bảo lãnh tính dụng, Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, chính sách tín dụng đặc thù cho doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực); chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (xây dựng phát triển Tài chính điện tử hướng tới tài chính số...). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách vẫn có những khó khăn vướng mắc. Các chương trình hỗ trợ nhỏ và manh mún. Việc số hóa DNNVV vẫn chưa được quan tâm đầy đủ, khó khăn trong cân đối ngân sách địa phương, kinh phí đầu tư cho KHCN chưa hiệu quả. Hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV và Quỹ Bảo lãnh tín dụng chưa phát huy hiệu quả, trong khi Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia chưa triển khai các hoạt động hỗ trợ tín dụng do nhiều nguyên nhân.
(3) Trên cơ sở nghiên cứu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, đề tài đề xuất một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện chính sách tài chính hỗ trợ, tạo môi trường thúc đẩy doanh nghiệp CĐS ở Việt Nam bao gồm: (i) Các chính sách chi NSNN (theo hướng hỗ trợ đúng và trúng, tập trung phát triển CSHT kỹ thuật số, nâng cao hiệu quả chi cho KHCN và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực); (ii) Chính sách thuế (áp dụng ưu đãi thuế dựa trên những tiêu chí liên quan đến CĐS như sử dụng công cụ số, có doanh thu từ thương mại điện tử... và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số); (iii) Chính sách tín dụng (tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, phục vụ cho CĐS, đẩy mạnh bảo lãnh tín dụng); (iv) Cải thiện môi trường kinh doanh (xây dựng hệ sinh thái CĐS, phát triển tiện ích cho doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu phục vụ doanh nghiệp CĐS, đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và thiết lập nền tảng tài chính số; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính); (v) Đa dạng hóa nguồn vốn hỗ trợ CĐS (ngân hàng, các tập đoàn công nghệ lớn, nguồn lực quốc tế...); (vi) Nâng cao năng lực của doanh nghiệp, vai trò của các hiệp hội; (vii) Đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp giữa các bộ, ngành.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ:
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 101/QĐ-CLTC ngày 10/12/2021 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.