- Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách tài chính doanh nghiệp
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Lê Minh Hương
- Năm giao nhiệm vụ: 2021/ Mã số: 2021-14-Đ1
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Tập đoàn kinh tế (TĐKT) là một tổ chức quy mô lớn, bao gồm công ty mẹ, công ty con và doanh nghiệp liên kết khác. Các TĐKT tư nhân là nhân tố chủ chốt trong việc huy động tối đa các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực to lớn trong xã hội vào sản xuất - kinh doanh với quy mô lớn; thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; tạo cơ sở nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện trách nhiệm giải quyết việc làm, an sinh xã hội, thúc đẩy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực;… qua đó phát triển kinh tế mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân và TĐKT tư nhân, Đảng đã xác định cần phải khuyến khích hình thành và phát triển những TĐKT tư nhân lớn trong nước, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế gắn với xây dựng thương hiệu doanh nghiệp.
Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam trong bối cảnh mới” nhằm chỉ ra các kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời nhận diện được những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của các TĐKT tư nhân nhằm xây dựng và phát triển các TĐKT tư nhân quy mô lớn với kỳ vọng đưa các tập đoàn này trở thành đầu tàu thúc đẩy kinh tế quốc gia, tạo sức mạnh lan tỏa để cho các bộ phận doanh nghiệp khác cùng phát triển, từ đó đề xuất giải pháp phát triển các TĐKT tư nhân trong giai đoạn tới là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát triển các TĐKT tư nhân ở Việt Nam và khảo cứu kinh nghiệm một số nước về chính sách phát triển các TĐKT tư nhân, đề tài đề xuất các giải pháp phát triển TĐKT tư nhân ở Việt Nam trong bối cảnh mới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Phát triển TĐKT tư nhân.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu về phát triển TĐKT tư nhân, tập trung đánh giá các doanh nghiệp tổ chức theo mô hình công ty mẹ - con, xem xét một số trường hợp điển hình tại Việt Nam; đồng thời khảo cứu kinh nghiệm của một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... Đề tài nghiên cứu thực trạng giai đoạn 2014 - 2020 và khuyến nghị cho giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã tổng quan chung về mặt lý luận về phát triển TĐKT tư nhân. Trong đó, phát triển TĐKT tư nhân được xác định là sự gia tăng về số lượng và chất lượng các TĐKT tư nhân, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của TĐKT tư nhân, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc đánh giá sự phát triển của TĐKT tư nhân được xem xét trên các khía cạnh gồm sự gia tăng về số lượng và quy mô TĐKT tư nhân; mở rộng hoạt động đầu tư và kết quả hoạt động; có nhiều đóng góp hơn cho phát triển kinh tế - xã hội. Sự phát triển của TĐKT tư nhân chịu tác động của nhiều yếu tố, trong đó cơ chế, chính sách là yếu tố bên ngoài có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các TĐKT tư nhân phát triển. Các chính sách phát triển TĐKT tư nhân gồm: (i) Chính sách về quyền tự do kinh doanh và bảo đảm quyền tự do kinh doanh; (ii) Chính sách về gia nhập thị trường, mô hình tổ chức, quản lý, giám sát; (iii) Chính sách khuyến khích phát triển TĐKT tư nhân.
(2) Qua phân tích đánh giá thực trạng, đề tài đã cho thấy các TĐKT tư nhân ngày càng phát triển cả về số lượng và quy mô. Việt Nam đã hình thành và phát triển được các TĐKT tư nhân lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát... TĐKT tư nhân đã quan tâm hơn đến đổi mới công nghệ, tận dụng những thành tựu khoa học và công nghệ trong sản xuất - kinh doanh. Một số tập đoàn tư nhân lớn đã đầu tư theo chiều sâu, mở rộng thị trường ra khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng cung ứng sản phẩm, dịch vụ, khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế như Vingroup, Vietjet, Trường Hải, Masan, Vinamilk, TH, Lộc Trời… qua đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế. Các TĐKT tư nhân lớn của Việt Nam đã thi công nhiều công trình lớn, khó và phức hợp về xây dựng, bất động sản, cầu cảng, sân bay… góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo “cú hích” cho phát triển kinh tế các địa phương và đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Các TĐKT tư nhân có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần nâng cao mức sống dân cư.
Tuy nhiên, phát triển TĐKT tư nhân ở Việt Nam thời gian qua cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Số lượng các TĐKT tư nhân quy mô lớn chưa nhiều; các TĐKT tư nhân chưa thể hiện rõ vai trò tạo kết nối và hình thành các chuỗi giá trị với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; các TĐKT tư nhân chưa có vị trí thống lĩnh trong nền kinh tế; các TĐKT tư nhân Việt Nam chưa có chiến lược hiệu lực trong nâng cao hiệu quả; mô hình phát triển TĐKT tư nhân ở Việt Nam còn nhiều bất cập; chi tiêu của các TĐKT tư nhân cho đổi mới sáng tạo còn thấp; chất lượng quản trị và nâng cao chất lượng quản trị trong các TĐKT tư nhân còn hạn chế. Những hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân. Trước hết là việc hình thành các TĐKT tư nhân ở Việt Nam khá đa dạng và mới chỉ được hình thành và phát triển trong khoảng 2 - 3 thập kỷ gần đây. Về cơ bản, phần lớn các TĐKT tư nhân ở Việt Nam vẫn thiếu tầm nhìn và chiến lược phát triển, hầu hết các TĐKT tư nhân đều phát triển từ nhỏ đến lớn, mở rộng dần về quy mô. Bên cạnh đó, các chủ trương, chính sách hình thành và phát triển TĐKT tư nhân vẫn mang tính chung chung. Việc hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có các TĐKT tư nhân, gặp phải một số cản trở. Chính sách thường xuyên bị thay đổi, thiếu tính ổn định dài hạn làm cho doanh nghiệp bị động trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, có thể tạo rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp (CIEM, 2021). Pháp luật về TĐKT tư nhân vẫn còn một điểm chưa được hoàn thiện.
(3) Từ những hạn chế trong phát triển TĐKT tư nhân tại Việt Nam, đề tài đã đề xuất một số khuyến nghị nhằm phát triển các TĐKT tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; thực sự trở thành nòng cốt, đầu kéo cho cả khu vực kinh tế tư nhân. Cụ thể: (i) Tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho các tập đoàn kinh tế tư nhân trong đó tập trung vào thống nhất quy định về điều kiện kinh doanh giữa Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành; rà soát, bãi bỏ hoặc đơn giản hóa các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh; đổi mới phương thức quản lý nhà nước đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;… (ii) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển của của TĐKT tư nhân, bao gồm: Quy định rõ bản chất pháp lý và mô hình TĐKT; nghiên cứu hoàn thiện cách đặt tên cho TĐKT tư nhân; hoàn thiện luật pháp liên quan đến huy động vốn, tích tụ và tập trung vốn cho các TĐKT tư nhân; (iii) Kiện toàn quản lý, giám sát tập đoàn kinh tế tư nhân, tập trung vào hoàn thiện hệ thống pháp luật về doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống pháp luật pháp luật về cạnh tranh; hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế; (iv) Đổi mới mô hình quản trị đối với tập đoàn kinh tế tư nhân gồm tăng cường tính độc lập của hội đồng quản trị; đổi mới và chuyên nghiệp hóa công tác công bố thông tin và minh bạch hóa các hoạt động của tập đoàn; quy định về việc thành lập văn phòng điều hành tập đoàn tại công ty mẹ của TĐKT quy mô lớn; (v) Tăng cường chính sách khuyến khích phát triển các TĐKT tư nhân với trọng tâm thay đổi tư duy xây dựng chính sách và cách thức hỗ trợ sang hỗ trợ người thắng cuộc; khuyến khích và thúc đẩy hoạt động M&A giữa các TĐKT tư nhân với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa; hỗ trợ để hình thành một số TĐKT tư nhân có quy mô lớn có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực, vùng hoặc dẫn đầu trong chuỗi giá trị.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 100/QĐ-CLTC ngày 10/12/2021 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính.