Chính sách tài chính phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam

Chính sách tài chính phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam 16/03/2023 14:52:00 3746

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chính sách tài chính phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam

16/03/2023 14:52:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách Tài chính doanh nghiệp

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Hà Thị Đoan Trang

- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-13-Đ1

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp ô tô bởi một số lý do sau: Môi trường vĩ mô ổn định hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu xe hơi; Lực lượng lao động dồi dào với chi phí thấp; Có sự hiện diện của các hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới; Vị trí thuận lợi để gia nhập chuỗi cung ứng ô tô trong khu vực ASEAN và châu Á. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, do đó thời kỳ phổ cập hóa ô tô tại Việt Nam có thể diễn ra từ năm 2025 khiến Việt Nam có thể là một trong những thị trường tiêu thụ ô tô tiềm năng nhất thế giới. Thực tế cho thấy, thị trường ô tô trong nước vài năm trở lại đây tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng, với tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường xe con dưới 9 chỗ như hiện nay (trung bình 20 - 30%/năm), cùng với những quyết tâm của Chính phủ trong định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô… đã trở thành những điểm mạnh đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách để bảo hộ ngành công nghiệp ô tô nhưng chưa thu được kết quả nổi bật. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách tài chính từ miễn giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Tuy nhiên đến nay, ngành ô tô Việt Nam vẫn chưa phát triển, chủ yếu dừng lại ở công đoạn lắp ráp và bộc lộ nhiều hạn chế. Quy mô thị trường nhỏ; Giá thành sản xuất và giá bán xe khá cao khiến người mua khó tiếp cận; Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển; Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng… dẫn tới những thách thức trong việc cạnh tranh của xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU). Bên cạnh đó, Thái Lan và Indonesia đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới.

Xuất phát từ thực trạng trên, nhóm nghiên cứu đề xuất đề tài: “Chính sách tài chính phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam” nhằm chỉ ra những hạn chế, tồn tại và đề xuất các giải pháp, kiến nghị về hoàn thiện chính sách tài chính phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam trong thời gian tới.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Phân tích, đánh giá chính sách tài chính phát triển ngành CNOT ở Việt Nam giai đoạn 2014-2020, nhận diện các vấn đề đặt ra và kiến nghị cho giai đoạn 2021-2030.

Trên cơ sở đó, cần phải thực hiện các nhiệm vụ chính sau đây:

- Làm rõ tính cấp thiết của vấn đề và khoảng trống cần nghiên cứu để tránh trùng lắp với các nghiên cứu đã triển khai;

- Tổng quan một số vấn đề lý luận cơ bản về chính sách tài chính phát triển ngành CNOT (Vai trò, vị trí của ngành CNOT trong nền kinh tế; các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành CNOT; nội dung, vai trò và tác động của chính sách tài chính trong phát triển ngành CNOT…).

- Nghiên cứu kinh nghiệm về chính sách tài chính phát triển ngành CNOT của một số quốc gia có tính chất tương đồng với Việt Nam; từ đó rút ra bài học thành công cũng như thất bại.

- Phân tích, đánh giá chính sách tài chính phát triển ngành CNOT ở Việt Nam trong giai đoạn 2014 -2020 (chính sách thuế, tín dụng, đất đai, đầu tư…) và nhận diện các vấn đề đặt ra.

- Làm rõ quan điểm, định hướng và đề xuất khuyến nghị về chính sách tài chính nhằm phát triển ngành CNOT của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng: Chính sách tài chính phát triển ngành CNOT ở Việt Nam.

- Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu tổng thể chính sách tài chính (bao gồm chính sách thuế, phí, lệ phí, tín dụng, đầu tư…) nhằm hỗ trợ phát triển ngành CNOT ở Việt Nam, trong đó có ngành công nghiệp hỗ trợ, trong giai đoạn 2014 - 2020 (sau khi có Chiến lược phát triển ngành CNOT Việt Nam) và đề xuất giải pháp đến năm 2030

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận liên quan đến ngành công nghiệp ô tô, ngành công nghiệp hỗ trợ như khái niệm, vai trò của ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ đối với nền kinh tế, các nhân tố ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô. Theo đó, ngành công nghiệp ô tô không thể tách rời khỏi ngành công nghiệp hỗ trợ; Làm rõ về mặt lý luận những chính sách tài chính phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ như: Chính sách thuế (thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT) và các loại phí, lệ phí…), chính sách tín dụng, chính sách đầu tư, chính sách đất đai... Từ đó thấy được tầm quan trọng của các chính sách tài chính đối với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, nhóm tác giả đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia về việc sử dụng chính sách tài chính cho việc phát triển ngành công nghiệp ô tô nội địa như các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… rút ra được một số bài học có giá trị tham khảo cho ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ ở Việt Nam như: (i) Phải có một chiến lược phát triển rõ ràng với lộ trình cụ thể; (ii) Hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp ô tô bằng những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; (iii) Có chính sách ưu đãi về tín dụng đối với các nhà sản xuất và người tiêu dùng; (iv) Kích cầu tiêu dùng bằng các ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt, các loại phí… (v) Phát triển hạ tầng giao thông.

(2) Đề tài đã phân tích, đánh giá thực trạng phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời gian qua và đặc biệt là những quy định pháp lý, cơ chế, chính sách, đặc biệt là các chính sách tài chính phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam. Qua đánh giá thực trạng, đề tài đã chỉ ra được những thành công của các chính sách tài chính trong việc hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đồng thời cũng chỉ ra được những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại hạn chế khiến cho ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam chưa phát triển.

Thời gian qua Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Một số chính sách tác động tới nguồn tài chính của các doanh nghiệp, người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm hàng hóa là ô tô. Trong đó, có những chính sách làm tăng nguồn tài chính, nguồn vốn của tổ chức, cá nhân (như các chính sách hỗ trợ, chi tiêu của Chính phủ, chính sách tín dụng ưu đãi về lãi suất, về hạn mức…); có những chính sách tiết kiệm các khoản chi cho doanh nghiệp, cá nhân như các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế (thuế thu nhập, thuế xuất, nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, các loại phí…). Nhìn chung, nhờ các chính sách của Nhà nước trong thời gian qua, ngành công nghiệp ô tô trong nước đã có những cải thiện đáng kể, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước. Nhiều dự án sản xuất lắp ráp ô tô quy mô lớn đặt mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: Đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp; Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số điểm hạn chế trong xây dựng chính sách là thiếu ổn định, thiếu đồng bộ và có nhiều điểm chưa rõ ràng dẫn tới ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế. Bên cạnh các nguyên nhân về mặt chính sách, còn có nhiều nguyên nhân khác dẫn tới những hạn chế tồn tại của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam như: Quy mô thị trường còn nhỏ; Thu nhập bình quân đầu người còn thấp; Hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế; Chất lượng nguồn nhân lực thấp…

(3) Trên cơ sở thực trạng, đề tài đưa ra một số khuyến nghị chính sách tiếp tục hỗ trợ, phát triển ngành công nghiệp ô tô, cụ thể: Cần tiếp tục thực hiện, cụ thể hóa một số nội dung của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Đồng thời, đề xuất các nhóm giải pháp bao gồm: Các chính sách ưu đãi liên quan đến thuế, phí, lệ phí, ưu đãi tín dụng, ưu đãi đầu tư và một số chính sách khác như miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị nội địa của xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; bỏ điều kiện quy định về sản lượng tối thiểu đối với chương trình ưu đãi thuế; ưu đãi thuế thu nhập cá nhân đối với nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong ngành công nghiệp ô tô; ưu đãi tín dụng đối với khu vực thị trường tiêu thụ; tiếp tục thực hiện các chính sách để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp ô tô… Bên cạnh đó, cần phải giải quyết hai vấn đề chủ yếu, đó là: (i) Dung lượng của thị trường và (ii) Chênh lệch chi phí sản xuất giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số số 99/QĐ-CLTC ngày 10/12/2021 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).

- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 5 lượt bình chọn
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%