- Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách Tài chính công
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Thị Thúy
- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-12-Đ1
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tác động của các cú sốc kinh tế vĩ mô đến tài chính công đã cho thấy tầm quan trọng của việc đánh giá và giám sát thường xuyên rủi ro tài khóa, bao gồm bền vững nợ công. Việc phân tích độ nhạy cảm của nợ công trước tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô là quan trọng đối với dự báo nợ công trong tương lai bởi từ đó, các nhà hoạch định chính sách có cơ sở đưa ra các kế hoạch dự phòng đối phó với rủi ro kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn bền vững nợ công.
Đối với Việt Nam, kể từ năm 2011, công tác quản lý nợ công gắn liền với việc thực hiện Luật Quản lý nợ công, từng bước thống nhất quản lý nợ công và tiệm cận với thông lệ tốt của quốc tế, góp phần tập trung huy động vốn cho cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) để bổ sung cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nợ công của Việt Nam đang ở mức cao và tốc độ tăng nợ công nhanh. Nợ công so với GDP tăng đáng kể từ 51,7% năm 2010 lên 55,9% năm 2020 (đạt mức cao nhất là 63,7% năm 2016). Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 20%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015 và giảm xuống khoảng 8%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020). Nếu xu hướng trên vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những lo ngại về bền vững tài khóa. Bên cạnh đó, cơ cấu nợ công cũng có những thay đổi trong thời gian qua. Do nhu cầu huy động ngày càng lớn, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nước ngoài đang dần hạn chế, Chính phủ đã phải dựa chủ yếu vào nguồn vay trong nước. Bên cạnh ngưỡng cải thiện về rủi ro liên quan đến tỷ giá, kỳ hạn, áp lực huy động để đảo nợ vẫn còn lớn. Đây sẽ là áp lực rất lớn trong điều kiện các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) còn hạn chế như hiện nay. Ngày 18/11/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Luật Quản lý nợ công 2017 nhấn mạnh vai trò của công tác quản lý nợ công, đặc biệt là quản lý rủi ro. Do đó, việc đưa ra các phân tích đầy đủ, chính xác là hết sức cần thiết.
Trong giai đoạn tới, các biến động về chính trị - kinh tế ở một số khu vực, cùng với những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh trên thế giới vẫn tiềm ẩn và có diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó là những thách thức trong nước có tác động tới kinh tế - tài chính của Việt Nam. Năm 2021, Bộ Tài chính thực hiện tổng kết Chiến lược nợ công, nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng Chiến lược nợ công giai đoạn 2021 - 2030 nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện Chiến lược nợ công giai đoạn 2011 - 2020, những thách thức đặt ra trong trung, dài hạn để đề xuất các quan điểm, định hướng và giải pháp chiến lược đối với công tác quản lý nợ công trong giai đoạn 2021 - 2030 (Chiến lược nợ công giai đoạn 2021 - 2030) hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu huy động vốn vay công với chi phí - rủi ro phù hợp và đẩy mạnh phát triển thị trường vốn nợ trong nước; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố ổn định vĩ mô, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Việc áp dụng mô hình dự báo nợ công cho giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng giai đoạn 2026 - 2030, đánh giá những rủi ro tiềm ẩn đối với bền vững nợ công là cần thiết và là cơ sở đưa ra kiến nghị giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bền vững tài khóa.
Vì vậy, đề tài “Phân tích và dự báo bền vững nợ công của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng giai đoạn 2026 - 2030” là cần thiết, có giá trị lý luận và thực tiễn quan trọng. Kết quả của nghiên cứu sẽ đóng góp trực tiếp cho việc xây dựng các quy định và công tác triển khai, thực hiện quản lý nợ công hiện nay, góp phần đảm bảo an toàn, bền vững nợ công.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Trên cơ sở phân tích bền vững nợ công và dự báo nợ công giai đoạn 2021 - 2025, căn cứ vào các định hướng giai đoạn 2026 - 2030, từ đó đề xuất các giải pháp cũng như kế hoạch thực hiện nhằm đảm bảo nợ công an toàn, bền vững đến năm 2030.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Bền vững nợ công.
Phạm vi nghiên cứu: Đánh giá, phân tích bền vững nợ công tại Việt Nam trong giai đoạn 2001 - 2020 và dự báo cho 05 năm giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã hệ thống hóa được cơ sở lý luận về ràng buộc ngân sách theo thời gian và các phương pháp đánh giá bền vững nợ công. Bên cạnh đó, đề tài đã hệ thống hóa được phương pháp dự báo nợ công dựa trên ràng buộc ngân sách theo thời gian.
(2) Phân tích bền vững nợ công dựa trên phương pháp kiểm định tính dừng của chuỗi nợ công từ 2000 - 2020 và đồng tích hợp giữa thu và chi NSNN trong giai đoạn 1992 - 2020. Kết quả cho thấy nợ công của Việt Nam có tính bền vững yếu.
(3) Sử dụng lý thuyết ràng buộc ngân sách theo thời gian, xây dựng mô hình phân tích bền vững tài khóa dự báo nợ công giai đoạn 2021 - 2025 theo các kịch bản cơ sở, kịch bản tích cực và kịch bản tiêu cực. Kịch bản cơ sở cho thấy nợ công tăng từ 44,1% GDP năm 2020 lên 45,7% GDP năm 2021, sau đó có xu hướng giảm dần xuống còn 43,9% GDP năm 2025. Ngoài ra, nghiên cứu cũng dựa trên các cú sốc về thâm hụt ngân sách cơ bản và tăng trưởng kinh tế, xây dựng các kịch bản tích cực và tiêu cực. Đối với các kịch bản tiêu cực, mặc dù tỷ lệ nợ công/GDP vẫn trong ngưỡng cho phép nhưng tiềm ẩn rủi ro gia tăng nợ công.
(4) Thời gian tới, dự báo kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, việc điều hành có bước tiến quan trọng và ngày càng có hiệu quả, tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện, tạo thuận lợi cho việc huy động vốn vay cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, áp lực vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, nợ công đang ở mức cao, nghĩa vụ trả nợ có xu hướng tăng, nước ta đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình và từ năm 2017 đã tốt nghiệp chương trình IDA và tốt nghiệp ADF năm 2019, theo đó sẽ phải điều chỉnh tăng nghĩa vụ trả nợ gốc so với hiện tại, đồng thời, ngay sau khi tốt nghiệp nguồn vốn ODA sẽ giảm dần tiến đến chấm dứt, phải tăng vay ưu đãi, vay thương mại. Vì vậy, cần phải có các nhóm giải pháp nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu vốn của Chính phủ, đảm bảo khả năng trả nợ, đạt được chi phí thấp gắn liền với mức độ rủi ro hợp lý, đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, từng bước tái cơ cấu nợ công và đảm bảo an toàn về nợ công và an ninh tài chính quốc gia, đặc biệt trong những năm đầu thời kỳ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 98/QĐ-CLTC ngày 10/12/2021 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.