- Đơn vị chủ trì: Nhóm nghiên cứu tài chính quốc tế, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính
- Đại diện chủ nhiệm: ThS. Nguyễn Hoài Thanh
- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-10-Đ2
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Trong những năm gần đây bối cảnh chính trị thế giới tiếp tục biến động phức tạp, kéo theo tình trạng bất ổn xã hội ở nhiều nước. Đáng chú ý là quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng không chỉ về thương mại mà còn có xu hướng mở rộng sang cạnh tranh chiến lược toàn diện, đối đầu. Bên cạnh đó, làn sóng bảo hộ mậu dịch đã lan rộng sang nhiều quốc gia với nhiều hình thức và biện pháp khác nhau. Mặt khác, trong thời gian vừa qua, việc Mỹ cắt giảm mạnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (từ 35% xuống còn 21%) và thuế thu nhập cá nhân (từ 39,6% xuống còn 37% cho những người có thu nhập trên 500.000 USD); sự điều chỉnh chính sách lãi suất đồng USD của FED, đã tác động mạnh đến chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ, các tập đoàn kinh tế lớn, các công ty đa quốc gia theo hướng dịch chuyển về nước đầu tư hoặc tìm kiếm thị trường mới thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, các quốc gia đã liên tục ban hành các gói hỗ trợ, nhờ đó, kinh tế thế giới đã phục hồi và tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2021, đặc biệt là các nước phát triển. Các tổ chức tài chính quốc tế đã đồng loạt dự báo tăng trưởng tích cực trong năm 2021 của toàn cầu nói chung và các nền kinh tế nói riêng. Đây được coi là yếu tố xúc tác, góp phần thúc đẩy dòng vốn đầu tư dịch chuyển khỏi thị trường các nước mới nổi để quay trở lại các quốc gia phát triển sớm hơn.
Tại Việt Nam, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vai trò vô cùng quan trọng trọng sự phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam đã thu hút trung bình hơn 7 tỷ USD/năm, bình quân khoảng 2,2 triệu USD/người dân trong hơn 30 năm trở lại đây. Trong giai đoạn 1988-2019, vốn FDI thực hiện bằng khoảng 47% vốn đăng ký. Nghiên cứu về hiệu quả khu vực FDI trong giai đoạn 2011-2019 cho thấy, khu vực FDI đóng góp khoảng 25,7% cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 13% GDP năm 2010 và 19,6% GDP năm 2019. Tính đến năm 2019, lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn FDI vào khoảng 6,1 triệu người. Năng suất lao động của khu vực FDI đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8,7%/năm (cao hơn rất nhiều so với năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp trong nước). Theo Sách trắng doanh nghiệp năm 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, thu nhập trung bình của một lao động khu vực doanh nghiệp FDI đạt khoảng 11,2 triệu đồng/tháng, cao hơn mức trung bình của nền kinh tế khoảng 1,2 lần (11,2/9,6). Đối với thu ngân sách nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng tỷ lệ đóng góp vào thu ngân sách nhà nước trong những năm gần đây (tỷ lệ 10,8% năm 2010 tăng lên khoảng 13,6% năm 2019). Tuy nhiên, dòng vốn FDI vẫn chưa tương xứng với tiềm lực thực tế, khu vực FDI chiếm khoảng 23-24% vốn đầu tư xã hội nhưng chỉ đóng góp khoảng 19,6% vào tổng GDP của toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó. trước những bất định của kinh tế thế giới trong thời gian qua và dự báo trong thời gian tới, việc thu hút vốn FDI có chất lượng cao vẫn là bài toán khó cho Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Tác động của xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh mới đến tài chính ngân sách của Việt Nam” là cần thiết và có ý nghĩa khoa học cũng như thực tiễn.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng xu hướng dịch chuyển vòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới cũng như kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại một số quốc gia, đề tài nhận diện các vấn đề đặt ra và kiến nghị về chính sách tài chính nhằm tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức từ xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh mới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI đến Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI đến Việt Nam (khía cạnh tài chính ngân sách), trong giai đoạn 2011 - 2021.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) đề tài đã khái quát được cơ sở lý luận về tác động của xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI đến nền kinh tế quốc gia bao gồm tổng quan về vốn FDI, các nhân tố ảnh hưởng đến xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI, các chính sách thu hút vốn FDI, đặc biệt là chính sách tài chính. Thông qua việc nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia (Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Singapore, Malaysia) trong việc sử dụng chính sách tài chính để thu hút vốn FDI, đề tài đã rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như: (i) Chính sách thu hút FDI cần hài hòa và gắn liền với mục tiêu phát triển tổng thể của quốc gia trong từng thời kỳ, giai đoạn; (ii) Chính sách khuyến khích FDI vẫn là những công cụ quan trọng trong thu hút FDI vào những ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của quốc gia; (iii) Hệ thống ưu đãi và thực thi các ưu đãi cần được thực hiện chặt chẽ, tránh gây ra méo mó đối với hệ thống thuế của nước nhận đầu tư; (iv) Nhiều nước đã thực hiện sửa đổi chính sách thuế theo hướng ưu đãi tập trung vào một số ngành nghề mũi nhọn và vùng đặc biệt khó khăn để giảm bớt chi phí cho nhà đầu tư và tạo môi trường đầu tư hấp dẫn về tổng thể; (v) Việc cấp ưu đãi thực hiện khá tập trung và thường không phân cấp cho địa phương.
(2) Đề tài đã miêu tả được bức tranh về vốn FDI trên thế giới cũng như tại Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2021, đặc biệt là đi sâu phân tích được tác động của vốn FDI đến kinh tế của Việt Nam, cụ thể là đến lĩnh vực tài chính – ngân sách. Từ chỗ nghiên cứu thực trạng của chính sách tài chính của Việt Nam trong việc thu hút vốn FDI, tập trung vào các nội dung: Chính sách thuế như ưu đãi về thuế TNDN, ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu; (ii) Chính sách tài chính đất đai; (iii) Chính sách tài chính khác.
(3) Đề tài đã đề xuất được các giải pháp về chính sách tài chính cho Việt Nam trong việc thu hút vốn FDI trong thời gian tới. Cụ thể: (i) Hoàn thiện thể chế, khuôn khổ luật pháp, chính sách liên quan tới đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế. Theo đó, Việt Nam cần thực hiện rà soát tổng thể các chính sách tài chính, đặc biệt là chính sách thuế thu hút FDI đang được áp dụng để có những điều chỉnh, sửa đổi bổ sung phù hợp, hướng đến xây dựng một hệ thống thuế tốt với chi phí tuân thủ thấp; (ii) Cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp: Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, hoàn thiện công tác xây dựng Chính phủ điện tử, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa, một cửa liên thông; (iii) Tăng cường kết nối giữa đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước; (iv) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 110/QĐ-CLTC ngày 21/11/2022 ccủa Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).
Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.