Chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế: Những vấn đề đặt ra và khuyến nghị chính sách

Chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế: Những vấn đề đặt ra và khuyến nghị chính sách 16/03/2023 14:48:00 9563

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế: Những vấn đề đặt ra và khuyến nghị chính sách

16/03/2023 14:48:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách Tài chính công

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Phạm Thị Phương Hoa

- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-10-Đ1

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Các chính sách về xã hội hóa (XHH) trong lĩnh vực y tế thời gian qua ngày càng được hoàn thiện. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích XHH đối với các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP; Nghị quyết 93-NQ/CP ngày 15/12/2014 về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế, trong đó, cho phép các đơn vị y tế phát triển theo mô hình mới, kết hợp công - tư; Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 và Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 thay thế Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Bên cạnh đó, nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) cho lĩnh vực y tế vẫn được ưu tiên với mục tiêu đảm bảo sức khỏe toàn dân, đảm bảo người dân tiếp cận được các dịch vụ thiết yếu và ưu tiên tăng tỷ lệ chi ngân sách hàng năm cho sự nghiệp y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của NSNN. Dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở; ưu tiên đầu tư phát triển y tế ở vùng nghèo, vùng núi, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách trong khám, chữa bệnh… Đồng thời, đổi mới phương thức đầu tư từ NSNN, tăng khả năng cạnh tranh giữa đơn vị sự nghiệp công lập và đơn vị người công lập với việc ban hành các quy định về cơ chế đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ trong cung ứng dịch vụ y tế, quy định thực hiện công khai, minh bạch và đảm bảo hiệu quả nguồn lực xã hội đầu tư vào dịch vụ công. Thay đổi phương thức thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), chuyển dần từ thanh toán theo phí dịch vụ thành thanh toán theo định suất, theo nhóm trường hợp bệnh, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực y tế.

Kết quả chính sách XHH đã đạt được những kết quả tích cực cả về tự chủ tài chính, chi NSNN, đầu tư khu vực tư nhân góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Theo đó, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư xây dựng bệnh viện, bước đầu hình hình một số tập đoàn bệnh viện, mô hình “bệnh viện phi lợi nhuận”. Y tế tư nhân phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô, từ 74 bệnh viện năm 2009 đã lên tới 206 bệnh viện vào năm 2018, trên 30 nghìn phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và 2,1% dịch vụ nội trú cho người dân… Chính sách XHH đã giảm tải gánh tặng không nhỏ đối với NSNN, ngân sách giảm 8.889 tỷ đồng trong giai đoạn 2015 – 2018 và nguồn này chuyển sang hỗ trợ mua BHYT. Nhờ đó, người dân ngày càng tăng cơ hội được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, chỉ số hài lòng của người dân về y tế công lập tăng từ 1,92 năm 2017 lên 1,96 năm 2018.

Tuy nhiên, các chính sách XHH thực tế cũng đang đặt ra nhiều vấn đề như nhiều bệnh viện tuyến dưới, vùng khó khăn còn thiếu nhân lực, trang thiết bị nên khó khăn trong thu hút XHH, thực hiện tự chủ tài chính. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa ban hành được tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bệnh viện, chưa có cơ quan kiểm định, đánh giá chất lượng dịch vụ, lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế còn chậm. Định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở để xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh chưa phù hợp với khả năng đáp ứng của nhiều bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến dưới, việc thanh toán chưa gắn với định mức kinh tế - kỹ thuật và chất lượng dịch vụ. Các cơ sở y tế còn chưa mạnh dạn trong việc thu hút vốn đầu tư và vay vốn nên không có kinh phí để cải thiệt chất lượng; các bệnh viện chịu áp lực của việc tự chủ tài chính đã làm phát sinh những vấn đề tiêu cực như: bệnh viện tìm cách trục lợi Quỹ BHYT, kéo dài ngày điều trị nội trú, chỉ định xét nghiệm, thuốc quá mức cần thiết… Vấn đề liên kết, hợp tác giữa các cơ sở y tế công lập và tư nhân còn hạn chế, đặc biệt trong cơ chế vận hành tài chính. Nhiều bệnh viện chưa xây dựng phương án liên doanh, liên kết, chưa thực hiện đúng quy định dẫn đến tình trạng lẫn lộn công - tư. Do vậy, việc nghiên cứu chủ đề Chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế: Những vấn đề đặt ra và khuyến nghị chính sách” là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam và khảo cứu kinh nghiệm một số nước, đề tài đưa ra một số khuyến nghị về chính sách nhằm tăng cường xã hội hóa dịch vụ y tế tại Việt Nam trong thời gian tới.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Các chính sách thực hiện XHH trong lĩnh vực y tế.

Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu xã hội hóa trong hoạt động khám, chữa bệnh giai đoạn 2011 - 2020, kiến nghị cho giai đoạn 2021 - 2030.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã khái quát được một số vấn đề chung về chính sách XHH trong lĩnh vực y tế như khái niệm, nội dung, các nhân tố ảnh hưởng tới XHH lĩnh vực y tế. Theo đó, nội dung XHH y tế bao gồm đa dạng hóa hình thức cung ứng dịch vụ y tế, đa dạng hóa các nguồn lực ngoài ngân sách, huy động nguồn lực đầu tư trong mọi thành phần xã hội cho hoạt động y tế. Bên cạnh đó, đề tài cũng đưa ra một số kinh nghiệm quốc tế trong một số mặt vấn đề XHH y tế như kinh nghiệm khuyến khích tư nhân tại Singapore; kinh nghiệm XHH tại Trung Quốc; kinh nghiệm một số nước trong liên kết công tư trong y tế. Trên cơ sở đó, đề tài đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như: (i) cần xây dựng hệ thống thông tin liên kết trong khám chữa bệnh của các loại hình khám chữa bệnh từ bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân, phòng khám gia đình. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần xây dựng chỉ tiêu, đánh giá dịch vụ dịch vụ y tế để đảm bảo việc sử dụng kết quả khám chữa bệnh của các bệnh viện là đảm bảo; (ii) Chính phủ và chính quyền địa phương có cơ chế, chính sách khuyến khích đối với từng loại hình tổ chức như đất đai, thuế, cải cách thủ tục hành chính. Nhà nước cần phải tạo lập sự công bằng giữa khu vực tư nhân và khu vực công lập với các quy định liên quan đến chất lượng dịch vụ, cơ chế giá cung ứng dịch vụ, thực hiện cơ chế hợp đồng dịch vụ đối với cả khu vực tư nhân cũng khu vực nhà nước với các cam kết mục tiêu đạt được và hiệu quả hoạt động; (iii) Thực hiện chi trả trên cơ sở gói bảo hiểm y tế theo định suất và theo nhóm bệnh giúp đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ của người dân, đồng thời, giảm việc trục lợi từ quỹ bảo hiểm khi kê thêm các hoạt động khám bệnh khác kèm theo; (iv) Việc thực hiện liên kết công tư trong lĩnh vực y tế cần phải có sự đồng thuận mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị cũng như cơ sở y tế. Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư theo hình thức công tư thì việc xây dựng, ký kết đánh giá kết quả theo hợp đồng đầu ra là điều cần thiết, đây là một công cụ quản lý ngân sách hiệu quả, đảm bảo dịch vụ y tế thực sự được cung cấp cho người dân.

(2) Qua phân tích thực trạng về XHH y tế của Việt Nam thời gian qua cho thấy, chính sách XHH đã ngày càng được hoàn thiện nhằm tăng cường huy động nguồn lực ngoài ngân sách trong phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, đảm bảo khả năng thụ hưởng dịch vụ của toàn bộ người dân. Tuy nhiên, hoạt động XHH y tế còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, cụ thể như: (i) mức độ phát triển xã hội hóa không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa các tỉnh, thành phố và giữa các quận, huyện trong tỉnh, không đồng đều giữa các nhóm dịch vụ y tế; (ii) mặc dù số lượng các đơn vị tư nhân cung cấp dịch vụ công ngày càng tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng và chất lượng; (iii) cơ chế liên doanh, liên kết giữa các cở sở khám, chữa bệnh công lập với các đơn vị, cá nhân trong cung cấp dịch vụ, máy móc thiết bị khám, chữa bệnh còn nhiều hạn chế. Nhiều đơn vị chưa thực hiện đúng các quy định về đấu thầu dẫn đến việc liên doanh, liên kết đặt máy còn chưa công khai và minh bạch, tình trạng lạm dụng các thiết bị XHH để thực hiện khám chữa bệnh còn tồn tại, tạo gánh nặng chi phí cho bệnh nhân; (iv) việc thực hiện liên kết công tư trong lĩnh vực y tế còn hạn chế. Nguyên nhân gây ra hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách xã hội hóa y tế là do: (i) nguồn lực của Nhà nước chưa đảm bảo trong phổ cập và đóng vai trò dẫn dắt thị trường dịch vụ công trong lĩnh vực y tế đặc biệt đồng bộ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực ngành y tế; (ii) những vấn đề lý luận về XHH dịch vụ công trong lĩnh vực y tế chưa được làm rõ và thống nhất; (iii) Các quy định về liên doanh, liên kết, đấu thầu còn nhiều vướng mắc; (iv) một số cơ chế khuyến khích XHH chưa thực sự tạo động lực thu hút vốn ngoài ngân sách vào đầu tư cho y tế; (v) sự quan tâm của các cấp chính quyền còn hạn chế, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành còn chậm trễ.

(3) Trên cơ sở đánh giá những vấn đề trong hoạt động XHH tại Việt Nam thời gian qua, đề tài cũng đã đưa ra một số khuyến nghị như: (i) hoàn thiện các quy định về liên doanh, liên kết trong đầu tư, quy định khuyến khích nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực y tế; (ii) hoàn thiện lộ trình tính giá dịch vụ công gắn với thay đổi phương thức thanh toán BHYT; (iii) đổi mới cơ chế phân bổ NSNN trong y tế; (iv) áp dụng hệ thống thông tin khám chữa bệnh, liên thông hồ sơ khám chữa bệnh, thông tin dịch vụ, bảng giá khám, chữa bệnh của các cơ sở trên cả nước; (v) phân loại đánh giá các bệnh viện tư nhân; (vi) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 23/QĐ-CLTC ngày 22/3/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).

- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%