Tác động của Covid-19 đối với hoạt động của thị trường chứng khoán tại Việt Nam

Tác động của Covid-19 đối với hoạt động của thị trường chứng khoán tại Việt Nam 16/03/2023 14:48:00 4567

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tác động của Covid-19 đối với hoạt động của thị trường chứng khoán tại Việt Nam

16/03/2023 14:48:00

- Đơn vị chủ trì: Nhóm nghiên cứu thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Ngô Thị Phương Thảo

- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-09-Đ2

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Về mặt lý thuyết, các nghiên cứu trước đây về tác động của Covid-19 tại Việt Nam sử dụng mô hình kinh tế lượng còn chưa nhiều. Các nghiên cứu thực hiện chủ yếu khi đại dịch mới diễn ra được hơn 1 năm, các số liệu kinh tế, các biến còn chưa thực sự đầy đủ và rõ ràng. Đặc biệt, các nghiên cứu sử dụng mô hình kinh tế lượng đối với trường hợp của Việt Nam là rất ít, và nghiên cứu tiêu biểu nhất là Dao Le Trang Anh, Christopher Gan (2020), tuy nhiên số liệu được đánh giá đến 30 tháng 5 năm 2020, do đó chưa bao gồm tác động trong dài hạn của đại dịch Covid-19 tới TTCK. Việc xem xét, đánh giá lại tác động của đại dịch Covid-19 vào thời điểm hiện tại là phù hợp để có đầy đủ bằng chứng, củng cố các nhận định về tác động của một loại sự kiện khủng hoảng y tế, mang tính chất toàn cầu tới TTCK trong bối cảnh mới. Trong nghiên cứu đối với khủng hoảng tài chính, việc xem xét nguyên nhân, đánh giá lại thị trường sau khi khủng hoảng đi qua thường đem lại giá trị nghiên cứu và có các kết quả chính xác hơn so với các nghiên cứu vào giai đoạn mới xảy ra khủng hoảng. Bằng cách so sánh mối quan hệ bất đối xứng về sự biến động của TTCK và các biến số vĩ mô trước và sau khi đại dịch, đồng thời mở rộng phạm vi quan sát, nghiên cứu thị trường đến khoảng một năm trước và sau khi xảy ra đại dịch, nghiên cứu này có sự khác biệt với các nghiên cứu trước đây liên quan đến tác động của COVID-19 tới TTCK, điều này có thể giúp hiểu rõ hơn về tác động của các loại thông tin về đại dịch COVID-19 tới sự biến động của thị trường chứng khoán.

Về thực tiễn, việc nghiên cứu chuyên sâu tác động của đại dịch Covid-19 tới TTCK tạo cơ sở cho việc đưa ra các dự báo về phản ứng của thị trường đối với các làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo, cũng như các cú sốc có tính chất tương tự Covid-19 trong tương lai. Kết quả nghiên cứu cũng cung cấp cơ sở khoa học cho việc đưa ra các đề xuất nâng cao khả năng chống chịu, hồi phục của TTCK khi đối mặt với các cú sốc, có giá trị cho nhà đầu tư, cơ quan quản lý tham khảo để tăng kiến thức, tránh phản ứng thái quá đối với các cú sốc trên thị trường. TTCK của Việt Nam đã từng bước phát triển theo hướng ngày càng hoàn thiện về cấu trúc và quy mô, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công và đầu tư công, hỗ trợ tích cực quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Các cấu phần thị trường bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đều đạt tăng trưởng cao, đạt và vượt các mục tiêu về quy mô thị trường. Do đó, các biến động tiêu cực trên TTCK có thể trở thành các cú sốc ngược lại đối với nền kinh tế. Việc nghiên cứu tác động của sự kiện như đại dịch Covid-19 có ý nghĩa thực tiễn lớn, tạo cơ sở cho việc củng cố, hoàn thiện các biện pháp, chính sách để nâng cao khả năng hấp thụ các cú sốc của TTCK.

Thông qua việc nghiên cứu, đánh giá về tác động của đại dịch Covid-19 tới TTCK, đề tài sẽ tổng hợp, hệ thống hóa và củng cố cơ sở lý luận về tác động của các cú sốc tới TTCK, đánh giá thực trạng tại Việt Nam, tạo cơ sở lý luận và thực tiễn để có các khuyến nghị nhằm tăng cường khả năng hấp thụ cú sốc của TTCK đối với các loại sốc từ kinh nghiệm của đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, việc nghiên cứu chủ đề “Tác động của Covid-19 đối với hoạt động của thị trường chứng khoán tại Việt Nam” là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài đánh giá tác động của Covid-19 đối với hoạt động của TTCK Việt Nam và kiến nghị các giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực trước các cú sốc trên TTCK của Việt Nam trong thời gian tới.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Tác động của Covid-19 đến thị trường chứng khoán.

Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu đánh giá định lượng tác động của Covid-19 đến TTCK Việt Nam (HNX, HOSE) trong năm 2020 - 2021 (so sánh áp dụng thêm đối với năm 2019 - 2022)

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã nghiên cứu cơ sở lý thuyết về tác động của các cú sốc đối với TTCK; khái niệm cú sốc; cơ chế tác động, các phương pháp đánh giá tác động, ưu nhược điểm của từng phương pháp và lựa chọn phương pháp phù hợp để đánh giá cho trường hợp Việt Nam. Về cơ bản, COVID-19 tác động lên TTCK thông qua 4 dạng cú sốc là cú sốc dịch bệnh, cú sốc tài chính, cú sốc kinh tế và cú sốc chính sách. Bên cạnh đó, đề tài cũng chỉ ra được các nhóm chính sách mà các quốc gia sử dụng chủ yếu để ứng phó với đại dịch, bao gồm: Nhóm chính sách tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng TTCK; nhóm chính sách phản ứng khẩn cấp; Nhóm chính sách ổn định kinh tế vĩ mô. Phương pháp đánh giá tác động (mô hình định lượng) phù hợp với Việt Nam là phương pháp hồi quy dữ liệu bảng (panel data regression) bởi phương pháp này thuận lợi trong việc đánh giá, phân tích 2 giai đoạn trước và sau đại dịch. Đồng thời, đề tài đã chỉ ra được những điểm khác của cú sốc COVID-19 đến TTCK so với các cú sốc trước đây. Về quy mô tác động, tác động kinh tế của COVID-19 lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Châu Phi. Thị trường phái sinh ghi nhận sự tăng trưởng mạnh kể từ khi đại dịch diễn ra. Nhà đầu tư trở nên hoảng loạn trong ngắn hạn, khiến tài sản tìm chỗ trú ẩn trong trung hạn do hiệu ứng TINA và FOMO.

(2) Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đề tài đã chỉ ra được những bài học kinh nghiệm từ việc thực thi chính sách của nhiều quốc gia gồm: Thứ nhất, việc thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ (CSTT) và chính sách tài khóa (CSTK) cho thấy, có những tác động tích cực đến sự phục hồi của TTCK. Thứ hai, các chính sách can thiệp mạnh mẽ, trực tiếp từ Chính phủ đối với TTCK trong bối cảnh khủng hoảng được cho là rất quan trọng. Các vấn đề về thông tin chính sách tới thị trường và vấn đề về duy trì thanh khoản TTCK là các trọng tâm cần lưu ý trong giai đoạn TTCK chịu tác động tiêu cực từ cú sốc. Thứ ba, đối với các cú sốc có phạm vi ảnh hưởng lớn và toàn diện tới nền kinh tế nói chung, TTCK nói riêng, cần sự kết hợp của các các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô (bao gồm CSTT và CSTK cùng các chính sách bình ổn khác) để hỗ trợ sự phục hồi của TTCK sau các cú sốc.

(3) Đề tài đã phân tích tác động của Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam; đánh giá tác động của Covid-19 đối với hoạt động của TTCK Việt Nam theo phương pháp hồi quy dữ liệu bảng, đưa ra nhận xét về ưu điểm, hạn chế của phương pháp này. Thứ nhất, kết quả ước lượng cho thấy đại dịch Covid-19 làm thay đổi mối tương quan của chỉ số TTCK Việt Nam với các biến kinh tế vĩ mô (lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp). Phản ứng mạnh hơn của VNIndex và HNIndex đối với sự thay đổi của các biến kinh tế vĩ mô sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra cho thấy, TTCK Việt Nam ngày càng trở nên nhạy cảm đối với tình hình kinh tế vĩ mô. Thứ hai, các thông tin khác nhau về COVID-19 và các hành động chính sách của Chính phủ đã tác động đến sự biến động của TTCK. Kết quả đánh giá cho thấy, bối cảnh mà thông tin được đưa ra có liên quan đến tác động của thông tin đối với sự biến động (information efficiency). Thứ ba, so sánh kết quả với các nghiên cứu thực hiện đối với các thị trường mới nổi và phát triển, kết quả nghiên cứu ủng hộ giả thuyết rằng tác động của các loại thông tin về số ca mắc, số người chết và tỷ lệ được tiêm vacxin Covid-19 tới TTCK.

(4) Đề tài đã nhận diện một số vấn đề đặt ra đối với TTCK Việt Nam sau khi phân tích bằng cả phương pháp định tính và định lượng. Thứ nhất, kết quả mô hình cho thấy mối tương quan của TTCK đối với các biến vĩ mô mạnh hơn so với trước khi đại dịch xảy ra. Trên thực tế, TTCK Việt Nam cũng cho thấy sự phản ứng mạnh hơn của VNIndex, HNIndex trước các cú sốc kinh tế, chính sách trong năm 2022. Điều này cho thấy, TTCK Việt Nam ngày càng trở nên nhạy cảm đối với tình hình kinh tế tài chính thế giới, kinh tế vĩ mô và các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Thứ hai, dòng tiền chảy vào thị trường trong năm 2021 là do tác động của hiệu ứng TINA và FOMO. Thứ ba, các tổ chức trung gian trên TTCK bộc lộ một số vấn đề gồm: huy động vốn với lãi suất cao hơn chục lần lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng (như fintech) và hoạt động cho vay ký quỹ phát triển rất mạnh. Thứ tư, TTCK chưa phù hợp với trạng thái của nền kinh tế và chưa phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp. Diễn biến của TTCK ngược chiều với tăng trưởng kinh tế, không phản ánh đúng triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế. Thứ năm, xảy ra hiện tượng thao túng giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam. Bên cạnh đó, đề tài đã đánh giá các chính sách Việt Nam thực hiện để ứng phó với các tác động của COVID-19 lên TTCK. Theo đó, chính sách duy trì ổn định kinh tế vĩ mô (bao gồm kết hợp CSTK và CSTT) được đánh giá khá hiệu quả, hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp sau đại dịch cả về cung/cầu và lãi suất. Tuy nhiên, chính sách tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng TTCK còn chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn thiếu các quy định cụ thể vai trò, quyền hạn của các cơ quan chức năng trong giám sát rủi ro, lên kế hoạch và thực thi các chính sách can thiệp đối với thị trường để đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính nói chung, TTCK nói riêng.

(5) Để nâng cao khả năng hấp thụ của TTCK đối với các cú sốc, góp phần duy trì ổn định hoạt động của TTCK, đề tài đã đề xuất một số nhóm giải pháp gồm: Củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng TTCK, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và hệ thống thông tin thị trường, đảm bảo minh bạch; hoàn thiện và củng cố cơ chế quản lý, giám sát thị trường, đặc biệt áp dụng giám sát theo rủi ro, sử dụng các công cụ cảnh báo sớm; tăng cường hợp tác giữa các cơ quan chức năng, cơ quan giám sát thị trường,... trong xử lý khủng hoảng, khi thị trường chịu tác động tiêu cực từ các cú sốc; rà soát, thiết kế và hoàn thiện các công cụ phản ứng, can thiệp vào thị trường như ngắt mạch, hỗ trợ thanh khoản.

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ:

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 109/QĐ-CLTC ngày 21/11/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).

- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

 

 

 

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 1 lượt bình chọn
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%