- Đơn vị chủ trì: Nhóm nghiên cứu tài chính doanh nghiệp, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Duy Tuân
- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-08-Đ2
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Mặc dù là nước nông nghiệp nhưng bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) ở Việt Nam lại chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Hoạt động BHNN được khởi động từ sớm (1982) nhưng đến nay phí BHNN của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất ít trong doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ.
Chương trình thí điểm BHNN được thực hiện theo Quyết định số 315/2011/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian 2011 - 2013, thông qua 2 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) là Bảo Việt và Bảo Minh. Theo đó, phí bảo hiểm được trợ cấp bởi chính phủ cụ thể như sau: 100% cho các hộ nghèo, 80% cho các hộ cận nghèo; 60% cho các hộ khác và 20% cho tổ chức sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 358/2013/QĐ-TTg ngày 27/02/2013 kéo dài thời gian thí điểm đến ngày 30/6/2014, mức trợ cấp cho các hộ nông nghiệp cận nghèo tăng tới 90%. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chương trình chưa được như mong đợi do nhiều bệnh dịch phổ biến không được bảo hiểm, quy trình xử lý các hồ sơ còn phức tạp và thanh toán cho thiệt hại chưa đủ cao.
Năm 2018, Chính phủ tái khởi động lại chính sách BHNN thông qua việc ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về BHNN. Tiếp đó, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ 90% phí BHNN. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhằm thực hiện BHNN tại Việt Nam, tạo điều kiện hỗ trợ người nông dân mua BHNN nhằm giảm thiểu thiệt hại tài chính do các rủi ro thiên tai và dịch bệnh.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện BHNN còn gặp một số khó khăn như: (i) BHNN phục vụ đối tượng khách hàng là người nông dân, chiếm 70% dân số Việt Nam, nhận thức của người nông dân về quản lý rủi ro và về bảo hiểm còn rất hạn chế, chưa thấy được sự cần thiết và lợi ích của bảo hiểm mang lại. Bên cạnh đó, do thu nhập không ổn định nên khó đáp ứng về tài chính cho nhu cầu bảo hiểm; (ii) Các sản phẩm bảo hiểm áp dụng chính sách hỗ trợ phí đối với lúa, trâu bò, tôm hiện nay còn chưa đa dạng, điều khoản quy tắc chưa hấp dẫn người nông dân; (iii) Đặc thù của sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam là nhỏ lẻ, manh mún, chưa tuân thủ đầy đủ các quy trình sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, mang tính thời vụ. Đối với các DNBH, số lượng hợp đồng BHNN được cấp từ trước đến nay không đủ để đáp ứng nguyên tắc số đông bù số ít của các công ty bảo hiểm. Bên cạnh đó, công tác giám định bồi thường thiệt hại giữa doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn tại địa phương chưa thống nhất nên còn tranh chấp, gây khó khăn trong việc bồi thường. Ngoài ra, kinh nghiệm về thực tế triển khai BHNN của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế, đặc biệt đối với sản phẩm thủy sản. Do vậy, ngày 25/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN, đồng thời giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng kết, đánh giá và đề xuất xây dựng dự thảo Quyết định giai đoạn sau năm 2021. Do đó, việc nghiên cứu đề tài “Chính sách tài chính hỗ trợ phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam“ là cần thiết trên cả phương diện lý luận và thực tiễn xây dựng hoạch định chính sách phát triển thị trường BHNN trong thời gian tới.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Trên cơ sở nghiên cứu tổng quan một số vấn đề lý luận về sản phẩm trên thị trường bảo hiểm nông nghiệp, các nhân tố tác động tới sự phát triển và các chính sách tài chính hỗ trợ phát triển thị trường; các bài học rút ra cho Việt Nam khi nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước và đánh giá thực trạng thị trường bảo hiểm, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp và các chính sách tài chính hỗ trợ phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam, từ đó đưa ra các đề xuất khuyến nghị nhằm hoàn thiện chính sách tài chính hỗ trợ phát triển thị trường BHNN ở Việt Nam đến năm 2030.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Chính sách tài chính hỗ trợ phát triển thị trường BHNN.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu chính sách tài chính hỗ trợ thị trường BHNN, trong đó tập trung vào các chính sách chi ngân sách nhà nước (NSNN), tín dụng... tại Việt Nam và kinh nghiệm một số nước trên thế giới, trong giai đoạn 2015 - 2020.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã khái quát được thị trường BHNN là nơi diễn ra hoạt động mua và bán các sản phẩm BHNN, có đầy đủ các thành phần gồm: Sản phẩm BHNN; Bên mua bảo hiểm (người nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp…); Bên cung cấp các sản phẩm BHNN (doanh nghiệp bảo hiểm); Trung gian BHNN (đại lý, môi giới) và doanh nghiệp tái bảo hiểm. Bên cạnh đó, đề tài đã chỉ ra các nhân tố tác động đến thị trường BHNN gồm: đặc điểm sản xuất và đặc điểm cá nhân của nông hộ (đặc điểm sản xuất nông nghiệp, nhận thức về bảo hiểm, đặc điểm cá nhân, năng lực tài chính…); Sản phẩm BHNN (tính đa dạng của sản phẩm, phí bảo hiểm); doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và các trung gian bảo hiểm (DNBH, DN tái bảo hiểm, trung gian bảo hiểm); Hệ thống chính sách, pháp luật (Môi trường pháp lý, chính sách hỗ trợ…); và một số yếu tố khác (cơ sở dữ liệu, điều kiện kinh tế chính trị xã hội, văn hóa). Chính sách tài chính phát triển thị trường BHNN bao gồm các giải pháp về tài chính của Nhà nước đối với thị trường BHNN trong từng thời kỳ nhằm thúc đẩy thị trường BHNN khai thác tối đa tiềm năng; phát huy vai trò là phương thức hiệu quả đảm bảo về mặt tài chính cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; từ đó, góp phần thu hút đầu tư vào nông nghiệp và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Chính sách tài chính hỗ trợ trực tiếp, bao gồm (i) Chính sách tài chính đối với người tham gia bảo hiểm (phía cầu) như hỗ trợ/trợ cấp phí BHNN, lồng ghép BHNN trong hoạt động tín dụng; (ii) Chính sách tài chính đối với DNBH (phía cung) gồm chính sách thuế, chính sách về trích lập dự phòng, chính sách về tái bảo hiểm, hỗ trợ chi phí hoạt động cho DNBH nông nghiệp. Chính sách tài chính hỗ trợ gián tiếp bao gồm chi ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống dữ liệu, chi NSNN thiết kế, xây dựng các sản phẩm, chương trình BHNN; hỗ trợ nâng cao nhận thức và đào tạo cho nông dân và nhân viên tư vấn BHNN…
(2) Đề tài đã nghiên cứu kinh nghiệm một số nước và tập trung vào một số nội dung như: Triển khai BHNN theo các Chương trình; hỗ trợ tài chính cho người dân, DNBH; thực hiện các dự án thí điểm; lồng ghép bảo hiểm với chính sách tín dụng; hỗ trợ cho ngành nông nghiệp… Từ đó, rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam gồm: (i) Chính phủ đóng vai trò chính trong tạo thuận lợi cho thị trường BHNN phát triển: trợ cấp phí BHNN, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng khung khổ pháp lý phù hợp, đóng vai trò tái bảo hiểm,…; (ii) Tận dụng sự hỗ trợ, phối hợp từ địa phương; (iii) Phối hợp giữa chính sách tín dụng với BHNN: (iv) Một số bài học khác như: cải thiện hệ thống cơ sở dữ liệu; xây dựng hệ thống quản lý rủi ro toàn diện; tuyên truyền nâng cao nhận thức về BHNN…
(2) Qua phân tích thực trạng chính sách tài chính hỗ trợ phát triển thị trường BHNN ở Việt Nam cho thấy: (i) Chính sách hỗ trợ phí mua BHNN (Nghị định số 58/2018/NĐ-CP) có 03 DNBH được phê chuẩn sản phẩm BHNN để thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN, triển khai hỗ trợ phí BHNN tại nhiều địa phương, với nhiều loại cây trồng, vật nuôi như Nghệ An (1,33 tỷ đồng, cây lúa), Thái Bình (1,52 tỷ đồng, cây lúa), Hà Giang (2,37 tỷ đồng, trâu, bò), Bình Định (gần 304 triệu đồng, trâu bò)…; (ii) Chính sách hỗ trợ phí mua bảo hiểm đối với tàu khai thác hải sản xa bờ (Nghị định số 67/2014/NĐ-CP), số lượng tàu cá tham gia bảo hiểm và số lượt thuyền viên được hỗ trợ bảo hiểm đều tăng, phí bảo hiểm tăng qua các năm từ 2015 - 2019; (iii) Chính sách khuyến khích tham gia bảo hiểm thông qua giảm lãi suất cho vay (Nghị định số 55/2015/NĐ-CP), chính sách gắn BHNN với vay vốn tín dụng trong sản xuất nông nghiệp một số DNBH triển khai, giai đoạn 2018 - 2020 được triển khai ở 17 địa phương, tổ chức tín dụng mạnh dạn hơn trong việc cho vay lĩnh vực nông nghiệp: dư nợ cho vay giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân trên 18%; tính đến đầu năm 2022, quy mô tín dụng chiếm gần 25% so với dư nợ toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề đặt ra như: (i) Đối tượng, chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm chưa được áp dụng cho một số loại cây trồng (như cây ăn quả, rau); vật nuôi (gia cầm); (ii) Theo Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg, địa bàn được hỗ trợ BHNN mới chỉ cho phép hỗ trợ phí BHNN đối với 29 địa phương; (iii) Đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo với tỷ lệ hỗ trợ khá cao (90%), có thể tạo tâm lý ỷ lại và tỷ lệ các hộ thuờng tham gia còn thấp; (iv) Các DNBH không mặn mà bởi các chính sách về BHNN chưa thực sự khuyến khích và hỗ trợ cho các doanh nghiệp; (v) Chính sách bảo hiểm đối với tàu cá và ngư dân: Tỷ lệ tàu cá và ngư dân tham gia bảo hiểm còn hạn chế; Số lượng các DNBH còn hạn chế, ngư dân có ít sự lựa chọn; (vi) Để tiếp cận tín dụng, các hộ dân vẫn phải thế chấp bằng tài sản đảm bảo nên vẫn là khó khăn cho người dân; Một số cơ chế, chính sách hướng dẫn thực hiện còn chậm ban hành, dẫn đến các địa phương còn gặp khó khăn, lúng túng trong tổ chức thực hiện. Nguyên nhân của những tồn tại xuất phát từ cơ chế chính sách và quá trình thực thi (nhà nước), từ phía DNBH, sản phẩm bảo hiểm (nhà cung cấp), từ phía doanh nghiệp nông nghiệp, hộ nông dân (đối tượng thụ hưởng).
(3) Trên cơ sở nghiên cứu những những tồn tại hạn chế và nguyên nhân, đề tài đề xuất một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện chính sách tài chính hỗ trợ phát triển thị trường BHNN ở Việt Nam gồm: (i) Khuyến nghị về hoàn thiện các quy định về chính sách hỗ trợ BHNN: Sớm ban hành dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm; (ii) Khuyến nghị về chính sách hỗ trợ người tham gia bảo hiểm: Nghiên cứu cơ chế hỗ trợ phí bảo hiểm dựa trên bộ chỉ tiêu tổng hợp, sửa đổi quy định về mức hỗ trợ theo hướng cụ thể, minh bạch và dễ triển khai; Tiếp tục mở rộng đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ gồm cây ăn quả, rau và gia cầm, nhằm bảo đảm bảo cụ thể hóa đầy đủ đối tượng được hỗ trợ theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP; Khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm thông qua hỗ trợ tiếp cận tín dụng; (iii) Khuyến nghị về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm: Xem xét áp dụng cơ chế tài chính khuyến khích DNBH tham gia BHNN; Nghiên cứu cơ chế hỗ trợ DNBH khi xảy ra các tổn thất mang tính thảm họa, phạm vi mức độ thiệt hại lớn; Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu, hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, giám định tổn thất, bồi thường bảo hiểm; (iv) Một số giải pháp hỗ trợ tài chính khác: Nghiên cứu hình thành quỹ hoặc chương trình bảo hiểm thảm họa do Chính phủ hỗ trợ kinh phí; Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách cho truyền thông và nâng cao nhận thức về BHNN.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 108/QĐ-CLTC ngày 21/11/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.