- Đơn vị chủ trì: Nhóm Dự báo lạm phát, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Đào Mai Phương
- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-07-Đ2
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Giai đoạn 2016 - 2021, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam hầu hết đều hoàn thành theo kế hoạch. Trong đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp trong mục tiêu, thị trường giá cả ổn định, được xem là các nhân tố quan trọng tạo môi trường ổn định và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, nền kinh tế cũng tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu kế hoạch 05 năm đề ra, khoảng cách so với các nước trong khu vực còn lớn; nền tảng kinh tế vĩ mô, khả năng chống chịu của nền kinh tế có thời điểm chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế còn hạn chế; tác động của biến đổi khí hậu ngày càng mạnh; các loại dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19, đã có nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, lạm phát tại Việt Nam cũng biến động và chịu ảnh hưởng của những nhân tố mới và nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia. Đơn cử như, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm cho giá cả của nhiều mặt hàng có xu hướng biến động khác với thường kỳ, làm tăng tính bất ổn, khó lường đối với giá cả của nhiều nhóm hàng do mức độ biến động giá tương đối cao, làm tăng chi phí giao thông, y tế và gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa trên thị trường.
Trong giai đoạn 2022 - 2025, tình hình thế giới được dự báo vẫn tiếp tục diễn biễn phức tạp, khó lường; những vấn đề về biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, dịch bệnh tiếp tục là thách thức lớn cho phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam sau 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, lợi thế của các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường, phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hóa. Nghị quyết Đại hội Đảng IIIX đã đề ra ‟Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô” và ‟ Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô”. Như vậy có thể thấy, ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện cần tiên quyết cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó, kiểm soát lạm phát trong tầm mục tiêu và duy trì sự ổn định của thị trường giá cả được coi là yếu tố quan trọng, phổ biến nhất đối với việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Do đó, trong “trạng thái bình thường mới” của nhiều nước trên thế giới và dịch bệnh vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế trong nước thời gian tới, việc nhận diện rủi ro, yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát nhằm có những biện pháp kịp thời để kiểm soát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Phân tích các phương pháp dự báo lạm phát hiện nay, lựa chọn phương pháp phù hợp để dự báo lạm phát Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025 và đề xuất các kiến nghị.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Lạm phát và các phương pháp dự báo lạm phát.
Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu nội hàm của lạm phát, các phương pháp dự báo lạm phát và các nhân tố tác động đến lạm phát gồm: (i) Lạm phát và cơ chế truyền dẫn tác động của các nhân tố đến lạm phát, (ii) Các phương pháp dự báo lạm phát và ưu - nhược điểm của từng phương pháp, (iii) Thực trạng lạm phát, dự báo lạm phát của Việt Nam thời gian qua, (iv) Kinh nghiệm các nước trong dự báo lạm phát. Đối với nghiên cứu thực trạng lạm phát Việt Nam, đề tài sẽ tập trung chủ yếu nghiên cứu trong giai đoạn 2016 - 2021; đối với dữ liệu để phân tích định lượng, đề tài sử dụng chuỗi dữ liệu theo quý trong giai đoạn 2001 - 2021.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã nghiên cứu và hệ thống hóa khung lý thuyết về lạm phát và dự báo lạm phát, trong đó đưa ra khái niệm về lạm phát cho thấy lạm phát là sự gia tăng liên tục của mức giá chung trong một khoảng thời gian nhất định, được tính bằng phần trăm thay đổi của mức giá chung; chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến lạm phát gồm các nhóm yếu tố phía cầu, các nhóm yếu tố phía cung hoặc yếu tố tiền tệ. Đồng thời, đề tài cũng đã đưa ra các phương pháp dự báo lạm phát. Qua đó cho thấy, để dự báo lạm phát, thông thường các nhà dự báo sẽ phân tích, đánh giá biến động của chỉ số giá tiêu dùng, lựa chọn mô hình hoặc phương pháp dự báo, thu thập và xử lý dữ liệu, tiến hành dự báo và đánh giá các kết quả dự báo.
(2) Đề tài đã nghiên cứu, phân tích kinh nghiệm quốc tế về dự báo lạm phát để rút ra bài học cho Việt Nam. Kinh nghiệm các nước cho thấy, mỗi bước trong quy trình dự báo lạm phát được các nước trên thế giới thực hiện đều được cụ thể hóa tương ứng với từng phương pháp dự báo cụ thể. Trong đó, dự báo lạm phát sẽ chia thành các dạng như dự báo ngắn hạn hoặc dự báo trung và dài hạn, tùy mục đích của mỗi nước. (i) Đối với dự báo ngắn hạn, các phương pháp thường được sử dụng như mô hình OLS, mô hình ARIMA, VAR và các biến thể (tiêu biểu là VECM và SVAR). (ii) Đối với dự báo trung và dài hạn, các nước sẽ sử dụng các mô hình phức tạp hơn như mô hình cân bằng tổng thể động, mô hình kinh tế lượng vĩ mô. Quá trình dự báo có sự tham vấn của các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách để kết quả dự báo sát với thực tiễn và phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại từng thời kỳ.
Từ kinh nghiệm dự báo lạm phát của các nước như Philippins, OECD, EU, FED... cho thấy, các mô hình giản đơn như OLS, ARIMA, VAR và biến thể của VAR sẽ phù hợp với dự báo ngắn hạn và không yêu cầu cao về cơ sở dữ liệu, tuy nhiên, các dự báo thường có sai số lớn nếu chuỗi dữ liệu không ổn định. Trong khi đó, ở các nước phát triển thường sử dụng các mô hình dự báo phức tạp, đòi hỏi năng lực dự báo tốt, cơ sở dữ liệu đầy đủ như các mô hình dự báo cân bằng tổng thể động theo lý thuyết của Keynes, mô hình kinh tế lượng vĩ mô với các lý thuyết kinh tế chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc vận hành các lớp mô hình dự báo đòi hỏi sự sẵn có về dữ liệu tần suất tháng và quý/năm và dữ liệu đầu vào thu thập từ nguồn khác nhau cần đáp ứng được các tiêu chuẩn về tính đầy đủ, nhất quán và phù hợp của dữ liệu.
(3) Đề tài đã phân tích, đánh giá thực trạng lạm phát ở Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021, trong đó đã phân tích cụ thể diễn biến giá cả hàng hóa thế giới và thực trạng lạm phát Việt Nam. Qua đó có thể thấy, giai đoạn 2016 - 2021, lạm phát Việt Nam khá ổn định ở mức thấp và nằm trong mục tiêu Quốc hội đề ra. Bình quân các năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,93%, lạm phát cơ bản ở mức 1,64%, giảm đáng kể so với các mức tương ứng là 7,8% và 6,4% của giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, các yếu tố giúp kiềm chế lạm phát Việt Nam bao gồm: Ổn định vĩ mô và các cân đối lớn về cung - cầu được đảm bảo; công tác quản lý giá cả, thị trường, phát triển hệ thống thương mại cũng đã góp phần tích cực vào ổn định thị trường và kiểm soát lạm phát; chính sách tài khóa - tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác được phối hợp chặt chẽ, hiệu quả nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Tuy vậy, lạm phát trong nước cũng chịu sức ép tăng bởi một số yếu tố như: Việc điều chỉnh giá dịch vụ công do Nhà nước quản lý; tình hình dịch bệnh tác động đến nguồn cung hàng hóa và chuỗi cung ứng; đại dịch Covid-19 đẩy chi phí tiêu dùng tăng cao, đặc biệt là chi phí y tế, lương thực - thực phẩm phục vụ phòng chống dịch.
Mặc dù lạm phát trong nước được kiểm soát trong tầm mục tiêu, nhưng các biến động của kinh tế thế giới luôn đòi hỏi công tác dự báo, đánh giá tình hình thực tiễn phải chủ động, kịp thời, bám sát diễn biến thị trường và sẵn sàng các kịch bản ứng phó. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác dự báo lạm phát nhìn chung đã đạt được các kết quả tích cực, nhưng vẫn tồn tại một số vấn hạn chế như việc cung cấp thông tin, phối hợp dự báo, tham vấn ý kiến chuyên gia giữa các cơ quan hoạch định chính sách/cơ quan dự báo còn chưa chặt chẽ; đồng thời, chưa có cơ chế chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về xây dựng hoặc áp dụng mô hình phân tích dự báo; các cơ sở vật chất, kỹ thuật và kho dữ liệu phục vụ công tác dự báo đang trong giai đoạn kiện toàn, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được các yêu cầu của cơ sở dữ liệu phục vụ dự báo.
(4) Đề tài đã phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế giai đoạn 2022 - 2025; xây dựng mô hình và dự báo lạm phát ở Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025 theo 02 kịch bản, gồm: Kịch bản cơ sở; kịch bản rủi ro. Kết quả cho thấy, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước trong thời gian tới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro từ sức ép chính sách tài chính chặt chẽ của các nước, lạm phát toàn cầu tiếp tục ở mức cao và xu hướng biến động khó lường của giá hàng hóa thế giới, đặc biệt là giá một số loại hàng hóa cơ bản như xăng dầu, lương thực thực phẩm. Kết quả phân tích tác động cho thấy, lạm phát chịu ảnh hưởng tương đối mạnh bởi những điều chỉnh chính sách tài khóa - tiền tệ và độ mở của nền kinh tế. Với kịch bản cơ sở, lạm phát Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt trong mức mục tiêu, lạm phát có xu hướng tăng và đạt khoảng 4% trong năm 2024 và khoảng 3,8% trong năm 2025. Với kịch bản rủi ro, lạm phát sẽ vượt mức mục tiêu 4% trong năm 2023, sau đó sẽ giảm dần và trong tầm kiểm soát trong năm 2024 - 2025.
(4) Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, đề tài đã đề xuất một số kiến nghị, giải pháp, trong đó tập trung một số giải pháp trọng tâm như sau: (i) Đối với chính sách tiền tệ: Ổn định giá trị đồng nội tệ và kiểm soát lạm phát thông qua sử dụng linh hoạt các công cụ như tỷ giá, lãi suất, tín dụng; lựa chọn lãi suất chính sách phù hợp dựa trên tác động truyền dẫn của lãi suất qua các kênh điều hành chính sách tiền tệ đến lạm phát; (ii) Đối với chính sách chi ngân sách nhà nước: Chi hợp lý, hiệu quá, gắn với bền vững tài khóa; chi ngân sách nhà nước cần có lộ trình, đúng trọng tâm, đúng mục tiêu, không tăng chi đột ngột, không để dồn chi vào một thời điểm, giai đoạn nhất định; các khoản chi cho Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội nên tập trung giải ngân hết, chậm nhất đến đầu năm 2024 tùy thuộc bối cảnh tình hình thực tiễn; (iii) Đối với chính sách quản lý giá: Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường trong nước và quốc tế, xu hướng điều chỉnh chính sách các nước để chủ động đánh giá tình hình, xây dựng kịch bản và đề xuất giải pháp ứng phó kịp thời; đảm bảo ổn định vĩ mô, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách quản lý giá để nâng cao hiệu quả kiểm soát lạm phát, đảm bảo thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu để giảm các tác động của việc lệ thuộc vào một số nguồn cung; (iv) Đối với công tác phân tích dự báo: Nâng cao chất lượng và năng lực phân tích dự báo; tiếp tục hoàn thế hệ thống thông tin thống kê; nghiên cứu và cơ chế chia sẻ, kết nối thông tin giữa các đơn vị chuyên trách ở các cấp; cải thiện chất lượng hệ thống thông tin dữ liệu có sẵn; chuẩn hóa dữ liệu để kịp thời phục vụ công tác phân tích dữ báo; nghiên cứu và xây dựng mô hình dự báo giá theo đúng quy trình phục vụ công tác dự báo trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 107/QĐ-CLTC ngày 21/11/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.