- Đơn vị chủ trì: Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Thúy Quỳnh
- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-07-Đ1
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Thực tế năng suất lao động của Việt Nam đang rất thấp so với các nước trong khu vực. Xét về giá trị tuyệt đối, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động theo sức mua tương đương (tính theo PPP 2011) năm 2019 của Việt Nam bằng 7,64% mức năng suất của Singapore; bằng 19,53% của Malaysia; bằng 37,92% của Thái Lan; 45,56% của Indonesia; 56,88% của Philippines; 88,05% của Lào. Năng suất lao động của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 1,6 lần). Đáng chú ý, chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Cụ thể: Chênh lệch mức năng suất lao động (tính theo PPP 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 132.559 USD năm 2011 lên 142.095 USD năm 2019; của Malaysia từ 42.389 USD lên 48.431 USD; Thái Lan từ 14.977 USD lên 19.251 USD; Philippines từ 6.164 USD lên 8.914 USD. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực ASEAN, thời gian qua, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động khá cao. Tính chung giai đoạn 2011 - 2019, năng suất lao động theo sức mua tương đương PPP 2011 của Việt Nam tăng trung bình 4,87%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore (1,37%/năm); Malaysia (2,04%/năm); Thái Lan (3,17%/năm); Philippines (4,33%/năm); Indonesia (3,59%/năm). Xét về tốc độ tăng năng suất lao động thì Việt Namcó tăng, nhưng xét về mặt giá trị tuyệt đối thì Việt Nam lại thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu như: (i) Quy mô kinh tế của Việt Nam còn nhỏ, xuất phát điểm thấp; (ii) Cơ cấu kinh tế còn lạc hậu, chậm chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ ; (iii) Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp và lao động khu vực phi chính thức chiếm tỷ lệ cao, trong khi năng suất lao động trong khu vực này ở Việt Nam thấp. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp. TFP năm 2019 chỉ đóng góp khoảng 19,5% vào tăng trưởng; bình quân cả giai đoạn 2011 - 2020, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP là 37,5%. Việc đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Số lượng doanh nghiệp của Việt Nam ít, hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Việt Nam đang thiếu những doanh nghiệp lớn dẫn dắt thúc đẩy phát triển. Hiện nay, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam cho khoa học công nghệ thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới, hoạt động khoa học công nghệ chủ yếu được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Do vậy, việc nghiên cứu đề tài “Nâng cao năng suất lao động gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo” là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Phân tích năng suất lao động của Việt Nam gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, so sánh với một số nước khu vực ASEAN, từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao năng suất lao động gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn tới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Năng suất lao động, tăng năng suất lao động gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu năng suất lao động của Việt Nam gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, so sánh với một số nước khu vực ASEAN trong giai đoạn 2011 - 2020.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã tổng quan được những vấn đề chung về năng suất lao động gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, đề tài đã nêu các nghiên cứu thực nghiệm của một số quốc gia trong việc nâng cao năng suất lao động gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với năng suất lao động đã được khẳng định từ ký thuyết đến các nghiên cứu thực nghiệm. Có thể khẳng định, không một kỹ năng nào của cá nhân người lao động có thể bù lại được tiến bộ khoa học và công nghệ. Khoa học công nghệ có vai trò như “đòn bẩy” đưa năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp bứt phá. Ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa chính là “chìa khóa” để doanh nghiệp vượt đại dịch, thích ứng và phát triển. Các nghiên cứu thực nghiệm đều chỉ ra rằng, nếu gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, năng suất lao động sẽ được tăng lên nhiều. Từ các nghiên cứu của Hàn Quốc, Thái Lan, các nước châu Âu, các nước châu Mỹ-Latinh…, đề tài rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như: (i) Để có thể bắt kịp năng suất của các nước công nghiệp, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là câu trả lời cho các nước đang phát triển; (ii) Khả năng đổi mới sáng tạo cần được liên kết với các hành động của nhiều bên liên quan; (iii) Để có thể thu hẹp khoảng cách chênh lệch năng suất giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ, giữa các ngành, cần tăng cường giáo dục - đào tạo công nghệ thông tin...
(2) Qua phân tích, đánh giá thực trạng về năng suất lao động gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam, đề tài đã cho thấy trong những năm qua, những nỗ lực tập trung vào cải thiện nang suất lao động quốc gia đã đem lại cho Việt Nam những kết quả đáng khích lệ về tăng trưởng năng suất. Cũng trong giai đoạn này, kết quả nghiên cứu chỉ ra khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có tác động tích cực đến tăng năng suất lao động. Đối với nhóm chỉ số đầu vào đổi mới sáng tạo, yếu tố nguồn nhân lực và nghiên cứu là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến năng suất lao động của Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu; theo sau đó là thể chế và trình độ phát triển của thị trường. Đối với nhóm chỉ số đầu ra đổi mới sáng tạo, đề tài đã chỉ ra tầm quan trọng của kiến thức và công nghệ trong việc thúc đẩy năng suất lao động cải thiện. Mặc dù đạt được những thành tựu trên, tuy nhiên năng suất lao động gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2011 - 2020 vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Tốc độ tăng năng suất tuy cao nhưng mức chênh lệch tuyệt đối giữa năng suất lao động của Việt Nam và các nước trong khu vực vẫn tiếp tục xu hướng gia tăng; Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng GDP của Việt Nam thời gian qua còn ở mức thấp nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực; trình độ phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với các quốc gia dẫn đầu khu vực châu Á; mức đầu tư của doanh nghiệp vào cơ sở hạ tầng kỹ nghệ số tại Việt Nam vẫn còn thấp; nguồn nhân lực và nghiên cứu là yếu tố quan trọng tác động đến năng suất lao động trong giai đoạn nghiên cứu, nhưng mức độ đóng góp của biến số này vào năng suất lao đọng chưa cao. Ngoài ra, mặc dù trong những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng kỹ nghệ số; tuy nhiên những đầu tư này vẫn chưa đủ để bắt kịp với những thay đổi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
(3) Thời gian tới, tiến bộ của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với năng suất lao động trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh. Để có thể nâng cao năng suất lao động gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần: (i) Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao thông qua nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; (ii) Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để bứt phá về chất lượng lao động, nâng cao năng suất lao động, tăng cường hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; (iii) Tiếp tục thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế để mọi nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực có thể huy động phân bổ và sử dụng có hiệu quả nhất. Đối với cơ sở hạ tầng số, xây dựng và phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; (iv) Tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh mẽ nhưng có chọn lọc, ưu tiên dự án có hiệu quả sử dụng vốn, công nghệ, có sức lan tỏa và mang lại giá trị gia tăng cao để góp phần đưa năng suất lao động cao hơn; (v) Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký kết. Nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, liên kết với các tập đoàn nước ngoài. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển sản phẩm mới, tham gia đấu thầu mua sắm công, tạo thị trường hỗ trợ phát triển.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 94/QĐ-CLTC ngày 10/12/2021 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.