Đánh giá tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đến người tiêu dùng, doanh nghiệp ở Việt Nam

Đánh giá tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đến người tiêu dùng, doanh nghiệp ở Việt Nam 16/03/2023 14:44:00 4108

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Đánh giá tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đến người tiêu dùng, doanh nghiệp ở Việt Nam

16/03/2023 14:44:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Thị Thu

- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-06-Đ1

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Ở Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được phát triển từ thuế hàng hóa, được ban hành từ năm 1951. Ðến năm 1990, Bộ Tài chính tiến hành soạn thảo dự án luật thuế mới. Trong đó, thuật ngữ thuế hàng hóa được đổi thành TTĐB và được Quốc hội thông qua ngày 30/6/1990. Đến ngày 20/5/1998, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế TTĐB và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1999 thay thế Luật Thuế TTĐB năm 1990 và ban hành hai đạo luật sửa đổi, bổ sung năm 1993 và năm 1995. Sau đó, Luật Thuế TTĐB tiếp tục được sửa đổi, bổ sung trong các năm 2003, 2005, 2008, 2014, 2016.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ thu thuế TTĐB ngày càng giảm dần, từ 25% năm 2013; 30% năm 2016 xuống còn 12,9% năm 2018, tốc độ âm năm 2017 và tăng dần trở lại lên 11,2% năm 2019. Do vậy, việc rà soát lại đối tượng chịu thuế, cơ sở tính thuế cũng như thuế suất TTĐB để nâng cao nguồn thu là cần thiết. Cùng với đó, so với xu hướng của các quốc gia trên thế giới, đối tượng chịu thuế TTĐB của Việt Nam còn hẹp. Có thể kể đến một số mặt hàng như: Mặt hàng đồ uống có đường; nước hoa, mỹ phẩm; trang sức và đá quý; đồng hồ đeo tay cao cấp, điện thoại di động; dịch vụ làm đẹp. Phương thức đánh thuế mới áp dụng thuế tuyệt đối, trong khi thuế tương đối có nhiều ưu điểm và hiệu quả hơn. Như vậy, việc nghiên cứu đề tài “Đánh giá tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đến người tiêu dùng, doanh nghiệp ở Việt Nam” là cần thiết.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đánh giá tác động của các phương án sửa đổi thuế TTĐB đến người tiêu dùng, doanh nghiệp ở Việt Nam.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Tác động của thuế TTĐB.

Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu lý thuyết tác động của thuế TTĐB và đánh giá tác động của thuế TTĐB với tiêu dùng, doanh nghiệp 03 nhóm mặt hàng chính bao gồm thuốc lá, đồ uống có cồn và đồ uống có đường. Thời gian đánh giá tác động trong giai đoạn 2022 - 2024, tùy từng mặt hàng.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã phân tích được những vấn đề lý luận về thuế TTĐB như khái niệm, đặc điểm, mục đích của thuế TTĐB và nguyên tắc thiết lập thuế TTĐB. Bên cạnh đó, đề tài đã đi sâu xem xét nội dung lý luận về tác động của thuế TTĐB tới người tiêu dùng trên các góc độ như tác động đến quan hệ cung - cầu, tác động đến định hướng tiêu dùng một số hàng hóa nhất định, tác động đến gánh nặng trả thuế của người tiêu dùng. Đặc biệt, đề tài đã phân tích được các phương pháp định lượng đánh giá tác động của đánh thuế TTĐB tới người tiêu dùng, doanh nghiệp. Đối với từng mô hình, đề tài có nêu rõ cách thức áp dụng mô hình, điều kiện áp dụng, yêu cầu về số liệu, chỉ ra ưu điểm và hạn chế của mô hình.

(2) Đề tài đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm thuế TTĐB của các nước, thông qua việc xem xét cách thức đánh thuế TTĐB ở một số nước và đi sâu xem xét kinh nghiệm đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, đối với thuốc lá và đối với đồ uống có cồn, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm về đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn.

(3) Đề tài đã phản ánh diễn biến sửa đổi, bổ sung chính sách thuế TTĐB đối với thuốc lá, đồ uống có cồn ở Việt Nam. Đề tài cũng đã nêu những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra một số vấn đề đặt ra đối với đánh thuế TTĐB. Đề tài cũng đã phản ánh tình hình sản xuất và tiêu thụ một số mặt hàng ở Việt Nam như đồ uống có đường, thuốc lá, đồ uống có cồn. Đồng thời, đề tài đã đánh giá tác động của thuế TTĐB đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp đối với phương án đề xuất đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, đối với thuốc lá và đối với đồ uống có cồn. Trên cơ sở xem xét tác động, đề tài đã nêu thảo luận về áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường về phương diện thuận lợi và thách thức khi áp dụng. Kết quả cho thấy: Mô hình ước lượng ra độ co giãn nhỏ hơn 1, điều này cho thấy khi giá thuốc lá tăng lên 1% thì lượng thuốc lá tiêu thụ giảm 0,21%, chứng tỏ cầu thuốc lá co giãn ít. Kết quả này cũng chỉ ra một số tác động đến sản lượng sẽ chậm hơn so với tác động đến giá bán (người tiêu dùng sẽ vẫn lựa chọn tiêu dùng sản phẩm khi giá tăng) vì tác động đến giá bán có tính chất ngay tức thì khi thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá tăng lên, và khi các nhà sản xuất thuốc lá có xu hướng đẩy gánh nặng thuế sang người tiêu dùng. Với độ co giãn thấp 0,21; đòi hỏi mức thuế phải tương đối mạnh thì chính sách thuế mới có tác động đến hành vi người tiêu dùng.

Qua đó, đề tài cũng chỉ ra một số phương án như: Tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá từ 75% lên 85% và áp dụng thêm mức thuế suất tuyệt đối 2.000 đồng/bao thuốc lá. Việc áp dụng mức thuế hỗn hợp sẽ giảm được những nhược điểm của từng phương pháp riêng lẻ. Đề tài đề xuất áp dụng mức thuế suất tuyệt đối là 2.000 đồng/bao thuốc lá, tuy nhiên với mức cầu co giãn thấp (0,21) thì cần xem xét khuyến nghị của WHO đối với Việt Nam là áp dụng mức thuế đối thiểu 5.000 đồng/bao thuốc lá để mục tiêu điều tiết tiêu dùng hiệu quả hơn. Theo phương án đánh thuế tuyệt đối 2.000 đồng/bao thuốc lá (20 điếu) thì khi áp dụng Luật Thuế TTĐB sửa đổi với mức thuế tuyệt đối thì tức là sẽ làm tăng giá bán (lấy mức giá bán trung bình 25.000 đồng/bao) khoảng từ 8,8%. Độ co giãn của cầu theo giá đối với bia là 0,38 nhìn chung là ít co giãn. Việc tăng thuế TTĐB trong bối cảnh số người tiêu thụ rượu, bia quá mức là cần thiết, tuy nhiên để chính sách hiệu quả cần phải phối hợp các chính sách khác (như tuyên truyền, giáo dục, các biện pháp xử phạt hành chính). Áp dụng độ co giãn nói trên, nếu giả định trong thời gian tới tăng thuế TTĐB thêm 10%, lượng cầu đối với bia giảm 38%. Con số này tương đương với thiệt hại khoảng 45 nghìn tỷ VND cho ngành công nghiệp bia chính thức của Việt Nam.

Ngược lại, dựa trên độ co giãn trên, có thể ước lượng chính phủ thu được thêm khoảng 5 nghìn tỷ VND nếu tăng thuế thêm 10% đối với bia. Tuy nhiên, con số trên chưa kể đến việc lượng tiêu dùng sẽ giảm do thuế tăng, dẫn tới thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp của Chính phủ cũng sẽ giảm đi. Ước tính, thu thuế giá trị gia tăng của Chính phủ sẽ giảm đi khoảng 1,4 nghìn tỷ VND. Thu thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 700 tỷ VND. Như vậy, thực tế số thuế thu được của Chính phủ trong trường hợp tăng thuế TTĐB lên 10% vào khoảng 3,4 nghìn tỷ VND.

Kết quả mô hình hồi quy cho thấy, độ co giãn của cầu theo giá của nước ngọt có ga là 0,82; sản lượng nước ngọt có ga sẽ sụt giảm 0,82% nếu giá tăng thêm 1%. Như vậy, độ co giãn tương đối thấp. Do vậy, muốn chính sách thuế phát huy được chức năng điều tiết tiêu dùng thì mức thuế suất phải đủ lớn để có thể tác động đến hành vi tiêu dùng.

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 93/QĐ-CLTC ngày 10/12/2021 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).

- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%