Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Bộ Tài chính

Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Bộ Tài chính 16/03/2023 14:42:00 516

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Bộ Tài chính

16/03/2023 14:42:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nghiêm Thị Thúy Hằng

- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-05-Đ2

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn xem khoa học và công nghệ (KHCN) là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế trong dài hạn, do đó đã có chủ trương, ban hành nhiều chính sách phát triển khoa học và ứng dụng công nghệ nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), phát triển kinh tế đất nước, như: Nghị quyết số 20-NQ/TW khóa XI ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW; Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KHCN Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020... Trên cơ sở đó, hệ thống các văn bản trong lĩnh vực KHCN (Luật KHCN năm 2013, các nghị định, thông tư, quyết định của các bộ, ngành hướng dẫn thi hành) cùng các văn bản pháp lý khác có liên quan đến KHCN cũng đã được ban hành và triển khai. Nhờ đó, KHCN đã có được nền tảng pháp lý để đạt được bước tiến mạnh mẽ cả về lượng và chất, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của đất nước.

Tại Bộ Tài chính, quản lý nhiệm vụ KHCN của ngành Tài chính trong những năm qua đã từng bước đi vào nề nếp, góp phần hình thành hệ thống cơ sở lý luận và thực tiễn, tham mưu cho công tác điều hành, quản lý của Bộ Tài chính. Quyết định số 152/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy định về tổ chức nghiên cứu khoa học và quản lý tài chính trong công tác khoa học (gọi tắt là Quy chế 152) đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức nghiên cứu khoa học và quản lý tài chính của Ngành. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai thực hiện, Quy chế 152 đã bộc lộ nhiều hạn chế, đồng thời không còn phù hợp với Luật KHCN năm 2013. Do đó, trong giai đoạn 2014 - 2018, Bộ Tài chính đã áp dụng Luật KHCN năm 2013 và các nghị định, thông tư hướng dẫn vào công tác quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KHCN và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc vận dụng trực tiếp các văn bản KHCN do Bộ KHCN ban hành, đặc biệt là những thông tư hướng dẫn cho nhiệm vụ KHCN ở cấp Quốc gia, cũng có những khó khăn nhất định cho cả tổ chức chủ trì, nhà khoa học và cơ quan quản lý.

Để từng bước nâng cao chất lượng công tác quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KHCN, đảm bảo phù hợp với Luật KHCN năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, khắc phục hạn chế từ Quy chế 152, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 389/QĐ-BTC ngày 20/3/2019 kèm theo Quy chế quản lý nhiệm vụ KHCN cấp Bộ (gọi tắt là Quy chế 389).

Tuy nhiên, một số văn bản hướng dẫn Luật KHCN đã và đang trong giai đoạn sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn hiện nay, bối cảnh kinh tế - xã hội mới đặt ra, đặc biệt là nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, triển khai nhiệm vụ KHCN, đang đặt ra những khó khăn, thách thức mới trong quản lý nhiệm vụ KHCN cấp Bộ tại Bộ Tài chính. Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải phân tích, tổng quan được thực trạng quản lý nhiệm vụ KHCN cấp Bộ tại Bộ Tài chính (cả về cơ sở pháp lý hiện hành, thực tiễn quản lý và triển khai); nhận diện, hệ thống hóa các hạn chế, vướng mắc, tình huống phát sinh trong quản lý nhiệm vụ KHCN cấp Bộ; từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý về KHCN và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhiệm vụ KHCN cấp Bộ tại Bộ Tài chính trong thời gian tới. Do vậy, việc nghiên cứu đề tài "Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Bộ Tài chính“ là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu đề xuất giải pháp, kiến nghị hoàn thiện cơ sở pháp lý về KHCN và nâng cao hiệu quả quản lý nhiệm vụ KHCN cấp Bộ tại Bộ Tài chính trong thời gian tới.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Quản lý nhiệm vụ KHCN cấp Bộ.

Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu thực trạng quản lý nhiệm vụ KHCN cấp Bộ (nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN), tập trung 04 nội dung chủ yếu: (i) Xác định danh mục nhiệm vụ KHCN; (ii) Tuyển chọn và giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KHCN; (iii) Thực hiện nhiệm vụ KHCN; (iv) Đánh giá, nghiệm thu và đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN từ 2019 đến nay. Đồng thời, nghiên cứu kinh nghiệm quản lý nhiệm vụ KHCN tại một số bộ như: Bộ KHCN, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp và thực tiễn tại Bộ Tài chính.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã khái quát được một số vấn đề chung về cơ sở khoa học và quản lý nhiệm vụ KHCN như đưa ra khái niệm, phân loại nhiệm vụ KHCN; khái niệm về quản lý nhiệm vụ KHCN; vai trò của quản lý nhiệm vụ KHCN. Theo đó, nhiệm vụ KHCN được hiểu là những vấn đề KHCN cần được giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển KHCN và được tổ chức dưới hình thức chương trình, đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu theo chức năng của tổ chức KHCN và các hình thức khác do cơ quan có thẩm quyền quy định. Trên cơ sở khung pháp lý hiện hành, có thể quản lý nhiệm vụ KHCN thông thường cần triển khai các nội dung cơ bản như: (i) Đề xuất nhiệm vụ KHCN của các đơn vị; (ii) Tập hợp đề xuất nhiêm vụ KHCN của các đơn vị; (iii) Tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện; (iv) Phê duyệt nhiệm vụ KHCN đặt hàng; (v) Tư vấn xác định nhiệm vụ KHCN; (vi) Ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ; (vii) Kiểm tra, điều chỉnh, chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện; (viii) Đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ; (ix) Đăng ký, lưu giữ, công bố thông tin; (x) Thanh lý hợp đồng nhiệm vụ. Việc quản lý nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN các vai trò rất quan trọng nhằm đảm bảo các nhiệm vụ KHCN thực hiện đúng chủ trương, chính sách, chiến lược, mục tiêu phát triển KT - XH trong từng thời kỳ. Đồng thời, giám sát sử dụng NSNN tiết kiệm, hiệu quả, tránh trùng lặp, đảm bảo các nhiệm vụ KHCN thực hiện đúng yêu cầu đặt hàng, gắn sát các mục tiêu, chủ trương chung cả Đảng, Nhà nước và Bộ, ngành...

(2) Đề tài nghiên cứu kinh nghiệm quản lý nhiệm vụ KHCN tại một số bộ như: Bộ KHCN, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp. Kết quả cho thấy, quản lý nhiệm vụ KHCN tại các Bộ này có nhiều điểm tương đồng, bên cạnh đó cũng có một số điểm khác biệt riêng để phù hợp với từng đơn vị. Qua đó, đề tài đã rút ra bài học đối với quản lý nhiệm vụ KHCN tại Bộ Tài chính, cụ thể là: (i) việc thực hiện đăng ký nhiệm vụ KHCN cấp Bộ cần bám sát vào định hướng nghiên cứu KHCN của ngành Tài chính trong từng thời kỳ, giai đoạn nhất định. Các nghiên cứu viên phải nắm rất rõ các chiến lược, định hướng này. Điều này được thực hiện có hiệu quả khi các đơn vị quản lý nhiệm vụ KHCN thuộc Bộ có tầm nhìn, xây dựng được Chiến lược; định hướng càng chi tiết, cụ thể càng tốt và được thông tin đầy đủ đến các đơn vị trong Bộ; (ii) Việc giao nhiệm vụ KHCN theo phương thức đặt hàng để tuyển chọn mang lại hiệu quả tích cực, giúp nâng cao chất lượng của hoạt động nghiên cứu khoa học tại đơn vị, tạo cơ hội cho các cán bộ nghiên cứu trẻ phát huy được năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu; chú trọng tăng quyền đề xuất, đặt hàng, phân cấp của các đơn vị trong Bộ để phát huy được tính năng động, chủ động, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ KHCN và sử dụng kinh phí; (iii) Ban hành các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, cải cách quy trình tuyển chọn, xác định, giao nhiệm vụ, phê duyệt và nghiệm thu nhiệm vụ KHCN đảm bảo phù hợp với yêu cầu, khả năng quản lý và thực hiện của từng cấp quản lý. Đồng thời, chú trọng vào cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm KHCN cuối cùng.

(3) Đề tài đã phân tích thực trạng quản lý nhiệm vụ KHCN cấp Bộ tại Bộ Tài chính thời gian qua. Theo đó, Bộ Tài chính đã từng bước hoàn thiện quy định về quản lý nhiệm vụ KHCN cấp Bộ phù hợp với Luật KHCN năm 2013 và các quy định pháp lý hiện hành có liên quan. Ngày 20/3/2019, việc ban hành Quy chế 389 về quản lý nhiệm vụ KHCN cấp Bộ của Bộ Tài chính là dấu mốc quan trọng giúp cho việc quản lý nhiệm vụ KHCN của ngành Tài chính được thực hiện chặt chẽ, khoa học, hỗ trợ hiệu quả cho các tổ chức chủ trì, chủ nhiệm thực hiện hoạt động nghiên cứu. Việc xác định nhiệm vụ KHCN đặt hàng được thực hiện đúng quy định, phù hợp định hướng nghiên cứu KHCN ngành Tài chính trong từng giai đoạn và ưu tiên tính ứng dụng; phương thức đặt hàng để tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp Bộ đã dần ổn định và đã lựa chọn được những chủ nhiệm, tổ chức chủ trì có năng lực, trình độ chuyên môn, đủ nguồn nhân lực và phù hợp nhất để thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp Bộ; quản lý các nhiệm vụ KHCN được thực hiện chặt chẽ theo quy định và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh; việc tổ chức đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Bộ được thực hiện nghiêm túc theo quy định và đảm bảo tính khách quan.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đề tài đã nhận diện một số tồn tại, hạn chế trong quản lý nhiệm vụ KHCN như: (i) Số lượng và chất lượng của đề xuất nhiệm vụ KHCN cấp Bộ còn hạn chế, tỷ lệ đề xuất được đưa vào danh mục trình Bộ phê duyệt nhiệm vụ KHCN đặt hàng chưa cao; (ii) Số lượng và tỷ trọng nhiệm vụ được giao theo hình thức tuyển chọn trên tổng số nhiệm vụ còn thấp; (iii) Tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN được giao còn chậm; (iv) Một số tổ chức chủ trì gặp vướng mắc trong thực hiện thủ tục liên quan đến KBNN và thẩm quyền ký, đóng dấu, ban hành quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở; (v) Việc áp dụng phân cấp trong quản lý KHCN ngành Tài chính cho Thường trực Hội đồng KHCN ngành còn hạn chế; (vi) Ngoài phương thức tổ chức họp hội đồng trực tiếp, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về các phương thức họp hội đồng theo phương thức khác (như trực tuyến, hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến) cũng gây khó khăn cho cơ quan quản lý tổ chức triển khai nhiệm vụ KHCN; (vii) Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nhiệm vụ KHCN cấp Bộ mới ở giai đoạn đầu, chưa tiến hành song song, đồng bộ; (viii) Việc xã hội hóa kết quả nhiệm vụ nghiên cứu chưa mang tính bắt buộc...

(4) Trên cơ sở phân tích bối cảnh trong nước và thế giới, yêu cầu đặt ra đối với quản lý nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, cũng như những tồn tại, hạn chế đang đặt ra, đề tài đã đề xuất giải pháp, kiến nghị hoàn thiện cơ sở pháp lý về KHCN và nâng cao hiệu quả quản lý nhiệm vụ KHCN cấp Bộ tại Bộ Tài chính. Cụ thể: (i) Cần hoàn thiện các quy định liên quan đến quản lý nhiệm vụ KHCN, trong đó: hoàn thiện quy định về việc phê duyệt nhiệm vụ và ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp Bộ tại Bộ Tài chính; hoàn thiện quy định về tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp Bộ (Hội đồng Tư vấn đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở); bổ sung quy định về việc xử lý trong tình huống nhiệm vụ KHCN đặt hàng để tuyển chọn không có hồ sơ đăng ký, hoặc có hồ sơ đăng ký nhưng không hợp lệ; (ii) Nâng cao hiệu quả quản lý nhiệm vụ KHCN tại Bộ Tài chính theo hướng: Nâng cao chất lượng đề xuất các nhiệm vụ KHCN; từng bước nâng cao tỷ trọng nhiệm vụ KHCN được giao trên tổng số nhiệm vụ theo hình thức tuyển chọn và có cơ chế khuyến khích, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ tham gia đăng ký tuyển chọn nhiệm vụ KHCN; đẩy mạnh hiệu quả công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ KHCN; nâng cao chất lượng đánh giá, nghiệm thu, đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN; (iii) Thường xuyên rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định về xây dựng, phân bổ, quyết toán và quy định khoán chi đối với nhiệm vụ KHCN; cần có hướng dẫn hoặc quy định cụ thể về cách áp định mức ngày công; xem xét có cơ chế riêng, giảm thấp hơn mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập từ hoạt động nghiên cứu KHCN; xem xét áp dụng cơ chế khoán chi trọn gói theo sản phẩm đầu ra để giảm bớt các thủ tục hành chính trong việc hoàn thiện các chứng từ thanh quyết toán; (iv) Tăng cường thực hiện việc phân cấp trong quản lý KHCN ngành Tài chính và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý nhiệm vụ KHCN; (v) Đẩy mạnh việc ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN và thường xuyên xã hội hóa các kết quả nghiên cứu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KHCN dưới dạng các báo cáo, bài đăng tạp chí chuyên ngành, đăng kỷ yếu hội thảo khoa học cấp quốc gia/quốc tế, các diễn đàn khoa học...; (vi) Đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ nghiên cứu và quản lý nhiệm vụ KHCN cho đội ngũ các nhà khoa học và các cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý KHCN... Bên cạnh đó, đề tài cũng đề xuất một số kiến nghị cụ thể với Bộ Tài chính, Bộ KHCN, Thường trực Hội đồng KHCN ngành Tài chính, đơn vị chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ và đưa ra lộ trình thực hiện để nâng cao hiệu quả quản lý nhiệm vụ KHCN trong thời gian tới.

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 105/QĐ-CLTC ngày 21/11/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).

- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%