Cơ chế kiểm soát rủi ro đối với chứng khoán phái sinh của một số nước và khuyến nghị cho Việt Nam

Cơ chế kiểm soát rủi ro đối với chứng khoán phái sinh của một số nước và khuyến nghị cho Việt Nam 16/03/2023 14:42:00 703

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Cơ chế kiểm soát rủi ro đối với chứng khoán phái sinh của một số nước và khuyến nghị cho Việt Nam

16/03/2023 14:42:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Đinh Ngọc Linh

- Năm giao nhiệm vụ: 2020/Mã số: 2021-05-Đ1

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Thị trường chứng khoán phái sinh (CKPS) được đưa vào vận hành với kỳ vọng giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, cung cấp công cụ phòng ngừa rủi ro, cải thiện cơ sở nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có tổ chức, thúc đẩy sự minh bạch, tính thị trường của thị trường chứng khoán cơ sở, qua đó làm tăng tính thanh khoản, tăng quy mô thị trường, hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững và là kênh huy động vốn an toàn, dài hạn phục vụ cho tăng trưởng kinh tế. Đây là một bước ngoặt mới cho thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Trên thực tế, sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, thị trường CKPS đã phát triển nhanh, dẫu vậy, để thị trường này chuyên nghiệp hơn, vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục, như tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường CKPS còn thấp, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài không đáng kể, sản phẩm kém đa dạng, cơ chế giám sát liên thị trường vẫn còn khiếm khuyết. Đặc biệt, trong giai đoạn tới, theo kế hoạch triển khai sản phẩm mới đã được cơ quan quản lý phê duyệt, thị trường CKPS dự kiến đón nhận thêm nhiều sản phẩm mới như Hợp đồng tương lai cổ phiếu riêng lẻ, hợp đồng quyền chọn với nhiều loại tài sản cơ sở khác nhau. Nhất là kể từ năm 2021, sau khi Luật Chứng khoán năm 2019 và Nghị định số 158/2020/NĐ-CP về CKPS và thị trường CKPS chính thức có hiệu lực, điều kiện, nhiệm vụ, bối cảnh phát triển thị trường CKPS có nhiều thay đổi càng đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có chính sách mới tạo đà, cơ hội phát triển nhanh cho thị trường CKPS nhưng song song với đó vẫn phải kiểm soát được rủi ro tiềm ẩn, đảm bảo được tính bền vững của thị trường. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sản phẩm CKPS mặc dù được sử dụng để phòng ngừa rủi ro nhưng bản thân chúng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không quản lý tốt các hoạt động có thể dẫn tới phản ứng tiêu cực dây chuyền, do vậy cần thiết phải có cơ chế giám sát đủ hiệu lực phòng ngừa rủi ro.

Là quốc gia đi sau trong triển khai thị trường CKPS nên Việt Nam có thể dựa vào kinh nghiệm phát triển và các bài học quốc tế để không lặp lại các thất bại trong quản lý, giám sát CKPS đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia. Vì vậy, đề tài “Cơ chế kiểm soát rủi ro đối với chứng khoán phái sinh của một số nước và khuyến nghị cho Việt Nam” được lựa chọn nghiên cứu để hỗ trợ quá trình xây dựng và hoàn thiện các chính sách, vấn đề nghiên cứu này cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài phân tích, làm rõ cơ chế kiểm soát rủi ro đối với CKPS của một số quốc gia, từ đó đề xuất khuyến nghị cho Việt Nam.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Cơ chế kiểm soát rủi ro đối với CKPS.

Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu các nội dung trọng tâm của cơ chế kiểm soát rủi ro đối với CKPS gồm: Cơ quan quản lý kiểm soát rủi ro CKPS, cơ sở pháp lý giám sát trên thị trường CKPS, cơ sở pháp lý về kiểm soát rủi ro đối với giao dịch CKPS, tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước. Nghiên cứu thực trạng Việt Nam từ năm 2017 đến nay và đề xuất khuyến nghị chính sách kiểm soát rủi ro đối với CKPS trong thời gian tới.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã đã hệ thống hóa một số vấn đề chung về cơ chế kiểm soát rủi ro CKPS; khái niệm, đặc điểm và vai trò, yếu tố ảnh hưởng tới CKPS, cơ chế kiểm soát rủi ro CKPS. Đồng thời đề tài cũng đã nghiên cứu xu hướng và kinh nghiệm một số nước trên thế giới trong kiểm soát rủi ro CKPS, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam từ 2 góc độ xu hướng hoàn thiện quy định pháp lý kiểm soát rủi ro CKPS và kinh nghiệm kiểm soát rủi ro CKPS tại các nước có thị trường CKPS tiên phong (như Hoa Kỳ, Anh...), hoặc các nước có nhiều nét tương đồng với Việt Nam (như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc...) trong 7 phương pháp/công cụ giám sát: Giới hạn vị thế, củng cố quy định về ký quỹ, ngắt mạch giao dịch có điều kiện, thắt chặt quy định đối với nhà đầu tư tham gia thị trường CKPS, chú trọng giám sát liên thị trường và cơ chế chia sẻ thông tin, tăng cường giám sát thị trường OTC, áp dụng công nghệ hiện đại trong công tác giám sát thị trường CKPS. Theo đó, đề tài rút ra một số bài học: Hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng các biện pháp liên quan đến cơ chế giao dịch như giới hạn lệnh, giới hạn vị thế, ngắt mạch thị trường... để phòng tránh rủi ro thao túng thị trường trên thị trường CKPS; để kiểm soát rủi ro CKPS, cơ quan quản lý, sở giao dịch chứng khoán thường chú trọng đến việc điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ chứng khoán; quy định các tiêu chuẩn tham gia giao dịch CKPS với các công ty chứng khoán, tổ chức tài chính và nhà đầu tư tham gia thị trường CKPS...

(2) Đề tài đã đánh giá thực trạng cơ chế kiểm soát rủi ro CKPS tại Việt Nam trên 2 góc độ thực trạng phát triển của thị trường CKPS và thực trạng cơ sở pháp lý cơ chế kiểm soát rủi ro CKPS; qua đó nhận diện rủi ro tiềm tàng của CKPS tại Việt Nam và nguyên nhân dẫn tới rủi ro trong các loại rủi ro chính là rủi ro thị trường, rủi ro đối tác, rủi ro thanh khoản, rủi ro thao túng, rủi ro pháp lý và rủi ro hệ thống.

(3) Từ những bất cập, hạn chế trong thực tiễn cơ chế kiểm soát rủi ro CKPS tại Việt Nam hiện nay, trên cơ sở định hướng mục tiêu phát triển thị trường CKPS và kinh nghiệm quốc tế kiểm soát CKPS đề tài đã đề xuất sáu nhóm khuyến nghị gồm: (i) Nhóm khuyến nghị phát triển và đa dạng hóa sản phẩm CKPS. Đa dạng hóa sản phẩm CKPS cũng phù hợp theo xu hướng quốc tế và định hướng phát triển thị trường CKPS của Chính phủ.Trong thời gian cần tiếp tục triển khai các loại hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số mới khi đủ điều kiện. Cải tiến chất lượng chỉ số hiện hành, sửa đổi bộ quy tắc chỉ số phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho thị trường CKPS; (ii) Nhóm khuyến nghị hoàn thiện cơ chế giao dịch CKPS. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, giới hạn lệnh, giới hạn vị thế, ngắt mạch thị trường là các biện pháp liên quan đến cơ chế giao dịch được hầu hết các quốc gia áp dụng; (iii) Nhóm khuyến nghị tăng tính hiệu quả hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch bao gồm: Nâng cấp hệ thống để cung cấp dịch vụ cho các giao dịch chứng khoán theo mô hình cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho các sản phẩm phái sinh chứng khoán với các tài sản cơ sở là tiền tệ và hàng hóa; áp dụng cơ chế ký quỹ linh hoạt; tuyên truyền phổ biến cho các nhà đầu tư có thêm kiến thức về ký quỹ...; (iv) Nhóm khuyến nghị tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi gồm: Cân nhắc xem xét xây dựng hệ thống các tiêu chí giám sát tuân thủ đối với Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán; nghiên cứu và có lộ trình xây dựng và hoàn thiện các quy định hướng dẫn công tác giám sát giao dịch và giám sát tuân thủ đối với Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán có tính đến việc thay đổi về hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của thị trường chứng khoán cũng như cơ cấu tổ chức của các Sở giao dịch chứng khoán sau khi Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam chính thức hoạt động; xây dựng và hoàn thiện tiêu chí giám sát liên thị trường, đặc biệt, tiêu chí giám sát liên thị trường (giữa thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường CKPS; tăng cường năng lực quản lý, giám sát thị trường chứng khoán thông qua việc thiết lập hệ thống quản lý, giám sát thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ số, xây dựng và hoàn thiện hệ thống giám sát trực tuyến...; (v) Nhóm khuyến nghị kiện toàn chủ thể tham gia thị trường CKPS: Nâng cao khả năng kiểm soát rủi ro của các công ty chứng khoán thông qua các biện pháp như xây dựng và củng cố bộ phận kiểm soát rủi ro độc lập, đảm bảo nhân viên môi giới có chứng chỉ hành nghề, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường CKPS. Tiếp tục phát triển nhà đầu tư cá nhân gắn với đào tạo, tập huấn phổ cập kiến thức và thông tin tuyên truyền...; (vi) Nhóm khuyến nghị cải thiện chất lượng thông tin công bố trên thị trường cơ sở.

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 92/QĐ-CLTC ngày 10/12/2021 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).

- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%