- Đơn vị chủ trì: Ban Phát triển thị trường tài chính
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Phạm Tiến Đạt
- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-04-Đ2
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Các quỹ đầu tư chứng khoán có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) khi tạo ra cầu cho thị trường, đồng thời làm tăng tính chuyên nghiệp cho hoạt động của thị trường. Với tính chuyên nghiệp, khả năng tiếp cận, xử lý thông tin hiệu quả, các quỹ đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các đối tượng tham gia. Vai trò của các quỹ đầu tư chứng khoán càng trở nên quan trọng tại các nước đang phát triển khi mà thông tin thị trường thường chưa hoàn hảo, các hệ thống cảnh bảo, khả năng kiểm soát của nhà nước còn hạn chế.
Tại Việt Nam, để quản lý hoạt động của các quỹ đầu tư trái phiếu, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật, Nghị định, Thông tư đã được ban hành, sửa đổi và cập nhật kịp thời. Theo đó, các quy định mới đã nâng cao điều kiện để thành lập công ty quản lý quỹ; yêu cầu các nhân sự thuộc bộ phận này phải có chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán, chứng chỉ hành nghề quản lý tài sản; yêu cầu các công ty quản lý quỹ quản trị công ty theo tiêu chuẩn của công ty đại chúng. Về phía quỹ đầu tư, bên cạnh việc tăng cường mức vốn đầu tư, các quỹ đầu tư cho phép các nhà đầu tư đa dạng giá trị vốn đầu tư vào quỹ (có quỹ quy định giá chứng chỉ quỹ là 10.000 đồng); quy định mức chi phí quản lý quỹ thấp; tăng cường việc phát hành chứng chỉ quỹ qua nhiều kênh; xây dựng được hệ thống quản trị rủi ro nội bộ; hệ thống đánh giá, xếp hạng về các công cụ tài chính; công khai, minh bạch thông tin về quỹ.
Thời gian qua, các quỹ đầu tư đã phát triển theo hướng mở rộng cả về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 8/2022, đã có 43 công ty quản lý quỹ và quản lý 76 quỹ đầu tư chứng khoán, tăng gấp đôi số lượng quỹ được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ so với năm 2011, trong đó có 44 quỹ đại chúng, chiếm 77%. Sự gia tăng số lượng, tỷ trọng của các quỹ đầu tư đại chúng thể hiện cơ cấu phát triển theo hướng bền vững của thị trường. Trong giai đoạn TTCK bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, việc các quỹ đầu tư trái phiếu vẫn tiếp tục mở rộng giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư cá nhân, duy trì hoạt động và góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường.
Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố cản trở sự phát triển của các quỹ này. Cụ thể: (i) TTCK, thị trường trái phiếu (TTTP) còn nhiều rủi ro; (ii) Các định chế xếp hạng tín nhiệm, định chế bảo hiểm rủi ro chưa phát triển; (iii) Thiếu các chính sách ưu đãi đặc biệt là ưu đãi thuế; (iv) Kênh phân phối của quỹ còn hạn chế; (v) Xu hướng thích tự đầu tư hơn là đầu tư qua quỹ của các nhà đầu tư.
Lộ trình phát triển TTTP đến năm 2030 đã xác định mục tiêu tổng quát là phát triển TTTP trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, trong đó: Ưu tiên phát triển TTTP chính phủ và TTTP doanh nghiệp; Nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của TTTP. Với vai trò quan trọng của quỹ đầu tư trên TTTP cũng như sự biến động ngày càng mạnh, phức tạp của TTTP, đòi hỏi phải có giải pháp để phát triển các quỹ đầu tư trong thời gian tới trên cả khía cạnh quản lý Nhà nước và tổ chức hoạt động. Do vậy, đề tài nghiên cứu về “Phát triển các quỹ đầu tư trên thị trường trái phiếu Việt Nam” là cần thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng sự phát triển của các quỹ đầu tư trên TTTP Việt Nam và khảo cứu kinh nghiệm quốc tế, đề tài đề xuất các giải pháp phát triển các quỹ này trong thời gian tới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Sự phát triển các quỹ đầu tư trên TTTP.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu sự phát triển của các quỹ đầu tư chứng khoán hoạt động trên TTCK Việt Nam, trong đó tập trung nghiên cứu: số lượng quỹ, quy mô vốn, tổ chức, kết quả hoạt động…; nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore. Đề tài thực hiện nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2016 - 2022 và đề xuất giải pháp đến năm 2030.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã khái quát được một số vấn đề chung về phát triển các quỹ đầu tư trên TTTP như khái niệm, các tiêu chí đánh giá, các nhân tố ảnh hưởng. Theo đó, việc đánh giá sự phát triển của các quỹ đầu tư trên TTTP sẽ dựa vào 02 tiêu chí: (i) Tiêu chí định lượng (số lượng chứng chỉ quỹ được phát hành, doanh thu, lợi nhuận, giá trị tài sản quản lý); (ii) Tiêu chí định tính (uy tín, khả năng chống chịu rủi ro, chất lượng nguồn nhân lực). Đồng thời, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đề tài rút ra được 07 bài học kinh nghiệm cho Việt Nam gồm: (i) Cần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, phù hợp; (ii) Ban hành quy định ưu đãi về thuế; (iii) Nhấn mạnh đến vai trò của nhà nước; (iv) Phát triển các công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát; (v) Giám sát chặt chẽ hoạt động của các quỹ, thu hút quỹ đầu tư nước ngoài; (vi) Mở rộng thêm các kênh phân phối chứng chỉ quỹ bên cạnh việc sử dụng kênh phân phối truyền thống; (vii) Thúc đẩy hoạt động xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, trái phiếu doanh nghiệp.
(2) Qua phân tích thực trạng phát triển của các quỹ đầu tư trên TTTP Việt Nam thời gian qua có thể thấy, hệ thống các quỹ đã có sự phát triển về cả số lượng và chất lượng. Theo đó, số lượng các quỹ đầu tư cũng như các công ty quản lý quỹ có sự gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là các quỹ đầu tư đại chúng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nguồn vốn; giá trị tài sản quản lý; giá trị ròng của quỹ; giá trị ròng/chứng chỉ quỹ cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong thời gian qua. Về chất lượng, các quỹ đã được tổ chức và quản lý một cách chuyên nghiệp, xây dựng được hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống đánh giá, xếp hạng nội bộ cũng như đội ngũ nhân viên có trình độ, kinh nghiệm tốt.
Tuy nhiên, sự phát triển của các quỹ thời gian qua còn một số hạn chế như: Tỷ lệ tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ thấp (tổng giá trị tài sản hệ thống các quỹ quản lý đạt khoảng 5%GDP thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực); Vốn điều lệ của các quỹ còn thấp (một số quỹ tiêu biểu trên thị trường nhưng có quy vốn điều lệ chưa đến 100 tỷ đồng); Mạng lưới phân phối chứng chỉ quỹ còn hạn chế khi chỉ tập trung vào việc phân phối qua các công ty chứng khoán, đại lý của quỹ và phân phối trực tiếp qua các ứng dụng. Đề tài cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu từ phía các chính sách cũng như từ phía tổ chức hoạt động của các quỹ này như: Phát triển của TTCK còn thiếu bền vững, hoạt động xếp hạng tín nhiệm chưa phát triển, thiếu chính sách hỗ trợ cho sự ra đời và phát triển của các quỹ, xu hướng tự đầu tư thay vì đầu tư thông qua các quỹ của các nhà đầu tư, các hoạt động tuyên truyền, thay đổi nhận thức về đầu tư của các nhà đầu tư chưa hiệu quả.
(3) Qua phân tích các hạn chế và nguyên nhân dẫn đến hạn chế sự phát triển của các quỹ đầu tư trên TTTP tại Việt Nam, cũng như phân tích bối cảnh và định hướng phát triển các quỹ đầu tư chứng khoán, đề tài đã đề xuất 03 nhóm giải pháp gồm:
Một là, nhóm giải pháp duy trì ổn định TTCK, TTTP, tập trung vào: (i) Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý TTCK đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả; (ii) Đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, nâng cao chất lượng nguồn cung; (iii) Chú trọng bảo vệ nhà đầu tư; (iv) Tăng cường hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát, nhất là với dòng vốn đầu tư gián tiếp, nâng cao năng lực quản trị rủi ro đối với TTCK; (iv) Xem xét bổ sung văn bản quy định hoạt động mua bán trái phiếu thứ cấp giữa các tổ chức tín dụng với nhau; (iv) Nghiên cứu phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp mới để tạo nguồn sản phẩm đa dạng cho thị trường; (v) Hoàn thiện khung khổ pháp lý để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh.
Hai là, nhóm giải pháp hoàn thiện công tác quản lý nhà nước với hoạt động của các công ty quản lý quỹ và các quỹ đầu tư trên TTTP: (i) Hoàn thiện những quy định về chính sách thuế đối với ngành quỹ, có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập đối với các nhà đầu tư vào chứng chỉ quỹ; (ii) Nâng cao hiệu quả công tác giám sát hoạt động của các công ty quản lý quỹ thông qua việc kết hợp giữa giám sát tuân thủ, giám sát dựa trên rủi ro, tăng cường phối hợp giám sát giữa các cơ quan quản lý, giám sát nhằm đảm bảo hệ thống công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán hoạt động an toàn; (iii) Quy định rõ ràng hơn về quyền giám sát của các ngân hàng giám sát.
Ba là, nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ đầu tư trên TTTP: (i) Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, thay đổi nhận thức của nhà đầu tư về quỹ đầu tư, hướng tới thay đổi hành vi đầu tư từ việc tự đầu tư sang đầu tư qua các quỹ; (ii) Mở rộng thêm các kênh phân phối chứng chỉ quỹ bên cạnh việc sử dụng kênh phân phối truyền thống, đặc biệt chú trọng đến kênh phân phối qua các ngân hàng thương mại.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 104/QĐ-CLTC ngày 21/11/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.