- Đơn vị chủ trì: Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Trần Thu Thủy
- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-04-Đ1
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam giai đoạn vừa qua đã đạt được những bước tiến nhất định. Hệ thống văn bản pháp quy từ khung pháp lý đến các chính sách, quy chế, quy trình đã được xây dựng và ngày càng hoàn thiện góp phần quan trọng trong xây dựng và quản lý TTCK. TTCK ngày càng tăng về quy mô và độ sâu, được đánh giá đang dần trở thành một kênh huy động và phân bổ vốn quan trọng cho phát triển kinh tế. Cơ sở nhà đầu tư ngày càng đa dạng, hệ thống nhà đầu tư tổ chức được chú trọng phát triển, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho sự phát triển của TTCK. TTCK Việt Nam vẫn khá nhạy cảm và dễ bị tác động bởi các điều kiện kinh tế, diễn biến thị trường tài chính thế giới. Trong khi đó, các tổ chức đầu tư còn ít, nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm đa số và tâm lý dễ chịu tác động bởi tin đồn, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của TTCK. Bên cạnh đó, chất lượng quản trị công ty còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực, báo cáo tài chính ở một số doanh nghiệp chất lượng còn hạn chế, các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức tuân thủ các quy định, chưa thực sự chủ động hơn trong việc hướng tới việc cải thiện chất lượng quản trị để nâng cao hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông... Hơn nữa, do các tác động tiêu cực của dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế suy giảm nhưng TTCK lại đang có những biến động ngược chiều là liên tục đi lên. Xu hướng này đặt ra nhiều lo ngại về các nguy cơ tiềm ẩn trên TTCK, có thể gây đe dọa tính ổn định của thị trường trong ngắn hạn và sự phát triển của thị trường trong trung và dài hạn.
Bối cảnh trong nước và thế giới giai đoạn tới sẽ có nhiều biến động, nhất là trong ngắn hạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các bất ổn địa chính trị trên thế giới, biến động giá cả hàng hóa..., có thể biến nguy cơ thành những rủi ro thực sự với TTCK. Điều này ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển bền vững của TTCK Việt Nam trong khi khả năng chống chịu của TTCK trước các cú sốc cũng còn nhiều hạn chế. Tính ổn định và sự phát triển bền vững của TTCK trong nước có ảnh hưởng đáng kể đến ổn định kinh tế vĩ mô và hiệu quả huy động, phân bổ nguồn lực của nền kinh tế. Do vậy, việc thực hiện đề tài “Nguy cơ tiềm ẩn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu, nhận diện các nguy cơ tiềm ẩn đối với TTCK Việt Nam và đề xuất các giải pháp để ứng phó với các nguy cơ tiềm ẩn trong giai đoạn tới nhằm phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách tại Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Các nguy cơ tiềm ẩn trên TTCK.
- Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu về các loại chứng khoán được giao dịch theo quy định của Luật Chứng khoán. Theo đó, TTCK của Việt Nam gồm 03 cấu phần chính: (i) Thị trường cổ phiếu; (ii) Thị trường trái phiếu; (iii) TTCK phái sinh. Thời gian nghiên cứu thực trạng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2021 và bối cảnh, giải pháp trong giai đoạn 2021 - 2025.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã làm rõ một số vấn đề lý luận về nguy cơ tiềm ẩn đối với TTCK. Cụ thể, nguy cơ tiềm ẩn đối với TTCK được hiểu là các rủi ro tiêu cực có thể xảy ra, hoặc đã hình thành nhưng chưa biểu hiện rõ trên thị trường. Khi gặp các cú sốc, các rủi ro tiềm ẩn này sẽ trở nên hiện hữu, gây ra các tổn thất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức trung gian thị trường. Các rủi ro này có thể lan truyền sang các khu vực khác của hệ thống tài chính và nền kinh tế.
Các nguy cơ tiềm ẩn trên TTCK có thể được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, từ cả bên ngoài TTCK (các yếu tố kinh tế vĩ mô) và từ bên trong TTCK. Tập trung vào các yếu tố trong khả năng tác động của các cơ quan quản lý TTCK, Đề tài phân tích vào các nhóm yếu tố chính gây ra nguy cơ tiềm ẩn trên TTCK: (i) Quy mô của thị trường; (ii) Sự tập trung và liên kết trên thị trường; (iii) Tình trạng thông tinh và hành vi của các chủ thể trên thị trường; (iv) Sử dụng đòn bẩy; (v) Hạ tầng công nghệ của TTCK. Việc xử lý các nguy cơ tiềm ẩn trên TTCK đòi hỏi một hệ thống các công cụ, chính sách tác động đến các giai đoạn khác nhau của rủi ro bao gồm: Nhận diện và giám sát rủi ro; ngăn chặn sự lan truyền của rủi ro; và xử lý nguồn hình thành rủi ro bằng các chính sách tái cấu trúc, hoàn thiện hệ thống pháp lý trên TTCK.
Bên cạnh đó, nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia trong việc ứng phó với các nguy cơ tiềm ẩn, đề tài rút ra một số bài học cho Việt Nam: (i) Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, ngắt mạch thị trường là biện pháp tương đối phổ biến trên thế giới để hạn chế biến động và sự lan truyền rủi ro nhưng việc sử dụng công cụ này cần rất thận trọng do thường chỉ mang lại tác động ngắn hạn và có thể tác động ngược trong điều kiện thị trường thiếu niềm tin; (ii) Thay vì dựa vào các công cụ mang tính tức thời, các giải pháp nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả của thị trường quan trọng hơn trong việc ngăn chặn rủi ro; (iii) Đối với các nước đang phát triển, việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ đóng góp vào thanh khoản và kỷ luật thị trường, nhưng việc quản lý dòng vốn cần thận trọng để tránh các biến động khó kiểm soát.
(2) Phân tích thực trạng TTCK Việt Nam từ năm 2011 đến nay, đề tài chỉ ra TTCK đã có những bước phát triển mạnh mẽ về quy mô, thanh khoản thị trường, số lượng nhà đầu tư và hạ tầng TTCK. TTCK cũng ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, xu thế tăng trưởng hiện nay cũng cho thấy những yếu tố không bền vững như thị trường có xu hướng biến động mạnh hơn; khả năng dự báo nền kinh tế thực không còn được duy trì. Những vấn đề này dẫn đến mối quan ngại về các nguy cơ tiềm ẩn và rủi ro trên TTCK.
Dựa trên các phân tích định tính kết hợp với một số chỉ tiêu định lượng, đề tài nhận diện các nguy cơ tiềm ẩn đối với TTCK Việt Nam: (i) Quy mô thị trường tiềm ẩn vấn đề từ sự mất cân xứng giữa các cấu phần thị trường và hạn chế về chất lượng của doanh nghiệp phát hành; (ii) Thị trường cổ phiếu mặc dù khá cạnh tranh về doanh nghiệp phát hành nhưng nhà đầu tư lại tập trung vào nhóm nhà đầu tư cá nhân; việc phát hành và nắm giữ trái phiếu tập trung vào một số nhóm doanh nghiệp nhất định; sản phẩm thị trường còn thiếu đa dạng; (iii) Sử dụng đòn bẩy thông qua vay ký quỹ liên tục tăng với các mức kỷ lục; (iv) Công bố thông tin trên TTCK chỉ ở mức tuân thủ, trong khi chất lượng thông tin và quản trị doanh nghiệp còn hạn chế; tâm lý của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường dễ dao động, hành vi có tính bầy đàn nên dễ bị thao túng; (v) Hạ tầng công nghệ thông tin chưa theo kịp sự phát triển của thị trường; khả năng quản trị, làm chủ hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ còn hạn chế. Với các nguy cơ này, Đề tài cũng đánh giá mức độ một số rủi ro đã xuất hiện trên thị trường. TTCK hiện nay đang phải đối diện với khá nhiều rủi ro nhưng mức độ chưa nghiêm trọng, vẫn trong tầm kiểm soát.
Đánh giá khung khổ ứng phó với nguy cơ tiềm ẩn trên TTCK Việt Nam cho thấy, mô hình giám sát và xử lý rủi ro ngày càng hoàn thiện đồng bộ và tiếp cận thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, các biện pháp dài hạn nhằm nâng tính bền vững và sức chống chịu của thị trường đã được chú trọng triển khai. Tuy nhiên, cũng còn những vấn đề đặt ra đối việc ứng phó với các nguy cơ trên TTCK.
(3) Phân tích bối cảnh kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, Đề tài đã làm rõ những yếu tố thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của TTCK, nhưng cũng có nhiều thách thức đến từ sự bất định của kinh tế thế giới, sự xuất hiện của các hình thái tài chính mới, và rủi ro an ninh mạng ngày càng nghiêm trọng. Dựa trên phân tích thực trạng và bối cảnh Việt Nam, đề tài đề xuất 2 nhóm giải pháp để ứng phó với các nguy cơ tiềm ẩn trên TTCK giai đoạn 2021 - 2025: (i) Xử lý nguồn hình thành rủi ro trên TTCK, trong đó tập trung vào xử lý nguy cơ từ tăng trưởng nóng trên TTCK; giám sát sử dụng đòn bẩy; giảm sự tập trung trên TTCK; phát triển hạ tầng công nghệ; nâng cao minh bạch thông tin; cải thiện năng lực nhà đầu tư và tăng cường bảo vệ nhà đầu tư; (ii) Nâng cao năng lực xử lý rủi ro trên TTCK, trong đó đưa ra các khuyến nghị để nâng cao năng lực nhận diện, giám sát rủi ro và ngăn chặn rủi ro lan truyền. Đối với vấn đề ngăn chặn rủi ro lan truyền, Đề tài tập trung vào việc ứng dụng ngắt mạch tự động bởi đây là công cụ tuy phổ biến trên thế giới nhưng mới được đưa vào khung pháp lý của Việt Nam, cần nhiều nghiên cứu để có thể đưa vào ứng dụng thực tế.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 91/QĐ-CLTC ngày 10/12/2021 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.