- Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách Tài chính công
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Hoàng Như Quỳnh
- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-03-Đ2
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được xác định là chìa khóa cho sản xuất kinh tế, thương mại và cải thiện cuộc sống hàng ngày của người dân khu vực nông thôn, tuy nhiên đây lại là khu vực dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại ở Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới (2020), Việt Nam có thể phải chịu tổn thất lên đến 30,2 nghìn tỷ VND (1,4 tỷ USD) mỗi năm do lũ, bão và động đất. Tài sản của dân cư và khu vực công lần lượt chiếm 65% và 11% tổng thiệt hại. Thiệt hại do thiên tai gây ra trên phạm vi cả nước chiếm từ 0,14-2% GDP/năm và dự kiến năm 2050 tăng lên trên 6,5% GDP.
Trải qua hơn 30 năm đổi mới, cùng với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, nông thôn Việt Nam đã có nhiều biến đổi, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn được tăng cường; kinh tế nông thôn có sự chuyển dịch và phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện… Tuy nhiên, môi trường nông thôn ở Việt Nam cũng ngày càng ô nhiễm; năng lực thích ứng, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị còn lớn, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão, lũ, hạn hán… Cùng với đó, chính sách tài chính huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn còn chưa hấp dẫn và phát huy tính hiệu quả trong việc thu hút nguồn lực từ khu vực công, khu vực tư nhân và khu vực nước ngoài.
Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp nông dân nông thôn đã nhấn mạnh mục tiêu: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường”. Quyết định 368/QĐ-TTg ngày 21/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030 cũng đã đưa ra 3 đột phá chiến lược, trong đó có nội dung khơi thông và phát huy tiềm lực tài chính cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; ưu tiên nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ về phục hồi và phát triển kinh tế.
Xuất phát từ chủ trương của Đảng, Chính phủ và nhu cầu huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, khó lường, việc triển khai đề tài “Chính sách tài chính huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu” là cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Trên cơ sở nghiên cứu thực trang chính sách tài chính huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu và khảo cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, đề tài đề xuất khuyến nghị nhằm hoàn thiện chính sách tài chính huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu cho giai đoạn tới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Chính sách tài chính huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu về chính sách tài chính huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2015 - 2020, khuyến nghị cho giai đoạn tới.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã khái quát được một số vấn đề chung về chính sách tài chính huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu (gọi tắt là chính sách tài chính). Theo đó, đã làm rõ khung phân tích theo các trụ cột của chính sách tài chính (chính sách thu, chính sách chi, chính sách tín dụng đầu tư, chính sách bảo hiểm...), yêu cầu, vai trò và các nhân tố ảnh hưởng đến chính sách tài chính huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu.
(2) Qua phân tích đánh giá thực trạng về chính sách tài chính huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam, đề tài cho thấy, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn đang ngày càng được hoàn thiện, cụ thể đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi lớn; các dự án cấp bách, hệ thống đường giao thông nông thôn quan trọng, nhà chống lũ.... Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách tài chính huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được xây dựng và ngày càng hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách tài chính huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam cho thấy còn một số tồn tại, hạn chế như: (i) Tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Các chính sách thuế và đất đai có nhiều ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp nói chung, lĩnh vực kết cấu hạ tầng nói riêng và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tuy nhiên dòng vốn chảy vào lĩnh vực này vẫn còn ở mức khiêm tốn; (ii) Chính sách chi đầu tư từ NSNN cho kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế về nguồn lực, công tác giao, phân bổ và giải ngân nguồn lực từ NSNN còn chậm, chưa hiệu quả; (ii) Chính sách tín dụng đầu tư cho thấy đối tượng thụ hưởng còn hẹp, mức cho vay thấp, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chưa cao; (iii) Chính sách bảo hiểm rủi ro thiên tai vẫn đang trong quá trình xây dựng danh mục bảo hiểm đối với tài sản kết cấu hạ tầng công; (iv) Chính sách thu hút nguồn vốn từ các dự án PPP cho kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn còn yếu kém...
(3) Trên cơ sở thực trạng chính sách tài chính huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là những bất cập, hạn chế về chính sách tài chính, đề tài đã đề xuất một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện chính sách tài chính huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu cho giai đoạn tới. Các khuyến nghị tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau: (i) Hoàn thiện các chính sách thuế hướng đến mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển của kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu; (ii) Hoàn thiện chính sách chi, trong đó đề xuất Luật NSNN (sửa đổi) theo hướng tăng chi đầu tư cho kết cấu hạ tầng khu vực nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phân bổ NSNN bảo đảm hài hòa lợi ích của các địa phương; (iii) Hoàn thiện cơ sở pháp lý và tháo gỡ các khó khăn, vuớng mắc trong các thủ tục tiếp cận vốn vay cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu; (iv) Nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm đối với kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và thực thi chính sách; (v) Hoàn thiện chính sách thu hút nguồn lực từ các dự án PPP trong thời gian tới...
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 103/QĐ-CLTC ngày 21/11/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.