Tác động của thuế thu nhập doanh nghiệp đến đầu tư của doanh nghiệp ngoài quốc doanh và FDI ở Việt Nam

Tác động của thuế thu nhập doanh nghiệp đến đầu tư của doanh nghiệp ngoài quốc doanh và FDI ở Việt Nam 16/03/2023 14:34:00 7905

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tác động của thuế thu nhập doanh nghiệp đến đầu tư của doanh nghiệp ngoài quốc doanh và FDI ở Việt Nam

16/03/2023 14:34:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Vũ Thị Huyền Trang

- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-03-Đ1

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ) đưa ra 4 mục tiêu tổng quát, trong đó mục tiêu thứ ba là “Mức động viên thuế hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước”. Thực tế cho thấy, mức động viên hợp lý của thuế là nhân tố quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời, khi nền kinh tế tăng trưởng cũng sẽ tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Thuế TNDN là công cụ quan trọng được các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm, đây cũng là nguồn thu chiếm tỷ trọng quan trọng trong thu NSNN. Một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay, được cả Chính phủ và các doanh nghiệp quan tâm là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh của doanh nghiệp, đồng thời thu hút được đầu tư trong và ngoài nước nhằm mở rộng và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất trong nước với mục tiêu “Tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi sự kinh doanh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp...” (Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP).

Trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư nhằm thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thực hiện chính sách “trải thảm đỏ” kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài bằng nhiều chính sách, khuyến khích, ưu đãi đầu tư, cũng như việc sửa đổi, ban hành nhiều văn bản luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế sửa đổi năm 2016, Luật Thuế TNCN sửa đổi, Luật Thuế TNDN sửa đổi... đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, minh bạch, rõ ràng hơn nhằm tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp hoạt động và thu hút đầu tư. Dựa trên số liệu thống kê cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân (gồm doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể) đóng góp gần 40% GDP, đây là mức đóng góp cao nhất trong các thành phần kinh tế đối với tăng trưởng GDP của đất nước. Bên cạnh đó, nhiều kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nếu đầu tư tư nhân (chưa tính đến hộ kinh doanh cá thể) tăng 1%, thì sẽ giúp GDP của Việt Nam năm 2020 tăng thêm hơn 0,15 điểm phần trăm. Đây cũng là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng góp phần khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, để các doanh nghiệp gia tăng đầu tư vốn, kéo theo sự gia tăng nhu cầu về nhân công và nhu cầu về tư liệu sản xuất. Do đó, sẽ làm tăng việc làm và tăng nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Tất cả điều đó làm tăng thu nhập của nền kinh tế và đến lượt mình tăng thu nhập làm tăng đầu tư mới (Keynes, 1936). Như vậy, có thể khẳng định được vai trò quan trọng của đầu tư khu vực ngoài nhà nước trong tăng trưởng, phát triển kinh tế. Vì lý do đó, việc đánh giá tác động của thuế TNDN hiện hành đối với đầu tư của doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng là một vấn đề quan trọng và cần thiết nhằm đưa ra những nhận định, đánh giá thực chất hơn về thuế TNDN hiện hành trong vai trò thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, cũng như xem xét việc thuế TNDN có phải là công cụ quan trong mang tính quyết định đối với hoạt động đầu tư hay không... để từ đó đưa ra những khuyến nghị có tính khoa học, góp phần xây dựng chính sách thuế TNDN phù hợp, hiệu quả.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài phân tích, đánh giá tác động của thuế TNDN đến đầu tư của doanh nghiệp ngoài quốc doanh và FDI ở Việt Nam, từ đó đưa ra một số dự báo về xu hướng đầu tư của doanh nghiệp ngoài nhà nước và FDI trên cơ sở các kịch bản về thuế TNDN.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Tác động của thuế TNDN đối với đầu tư của doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp FDI.

Phạm vi nghiên cứu: Tập trung vào nghiên cứu các nội dung của thuế TNDN đối với đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư của khu vực FDI gồm: (i) Cơ sở lý luận, lý thuyết kinh tế về tác động của thuế TNDN đối với đầu tư; (ii) Nghiên cứu thực nghiệm, thực tiễn; (iii) Mô hình phân tích tác động thuế TNDN đối với đầu tư ngoài nhà nước và FDI và các nhân tố ảnh hưởng. Trong đó, doanh nghiệp ngoài quốc doanh sẽ bao gồm doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có vốn nhà nước và công ty cổ phần không có vốn nhà nước; doanh nghiệp FDI là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài. Trong phân tích thực trạng, đề tài sẽ tập trung phân tích thực trạng thuế TNDN Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất các giải pháp cho giai đoạn 2021 - 2025.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã tổng quan được những vấn đề lý luận về thuế TNDN và tác động của thuế TNDN đối với đầu tư ngoài quốc doanh và FDI. Thuế là công cụ cốt lõi của Chính phủ để đảm bảo các khoản chi và giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng. Các chính sách thuế được sử dụng để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội như phân bổ các nguồn lực thông qua tăng tiết kiệm, ổn định giá cả, kiểm soát mức sản xuất và tiêu thụ. Trong đó, thuế TNDN là công cụ quan trọng được các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm.

Thuế TNDN phải nộp được xác định theo công thức: Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất thuế TNDN. Trường hợp doanh nghiệp có trích quỹ phát triển khoa học và công nghệ thì Thuế TNDN = (Thu nhập tính thuế - Phần trích lập quỹ KHCN) x thuế suất thuế TNDN. Trong đó, các yếu tố quan trọng để xác định thuế gồm, thu nhập tính thuế, các khoản được trừ, lợi nhuận trước thuế, doanh thu, thuế suất thuế TNDN, các khoản lỗ kết chuyển...

Thuế TNDN ảnh hưởng đến đầu tư qua một số kênh như: (i) Chính sách kinh tế của Nhà nước; (ii) Chi phí vốn, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp, thông thường doanh nghiệp sẽ lựa chọn các dự án đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao hoặc ít nhất bằng chi phí vốn; (iii) Nguồn vốn, tài chính của doanh nghiệp: Tài chính của doanh nghiệp bao gồm nguồn vốn tự có và nguồn vốn huy động, thông thường chi phí thuế TNDN sẽ tác động đến lợi nhuận và từ đó làm giảm tích lũy vốn của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến nguồn vốn tự có. Do trên thực tế, doanh nghiệp chỉ có thể đầu tư dựa trên nguồn tài chính của doanh nghiệp sau khi đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ thuế. Khá nhiều lý thuyết kinh tế về ảnh hưởng của thuế đến vốn đầu tư đã khẳng định rằng, gánh nặng thuế cao sẽ làm cho các doanh nghiệp cân nhắc về việc đầu tư, thậm chí có thể từ bỏ các cơ hội đầu tư đã được thực hiện hoặc lên kế hoạch để chuyển sang các loại hình khác như gửi tiết kiệm, hoặc các hoạt động đầu tư ngắn hạn với chi phí thấp, không mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, chính sách thuế nói chung và thuế TNDN nói riêng có ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của doanh nghiệp và là nhân tố rủi ro đối với hoạt động kinh doanh và nợ của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp sử dụng nợ thì đều có trách nhiệm thanh toán khoản vay và khoản vay được tính sau thuế. Modigliani và Miller (1958), khi đối diện với mức thuế suất doanh nghiệp cao, doanh nghiệp sẽ có xu hướng vay nợ nhiều hơn để tận dụng lợi thế của “lá chắn thuế”. Khi nợ tăng lên thì lợi nhuận của doanh nghiệp cũng sẽ bị giảm đi và ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Theo lý thuyết đánh đổi, đó lợi ích từ lá chắn thuế có thể bù đắp được chi phí kiệt quệ tài chính. Tuy nhiên, khi hệ số nợ tăng lên đến một mức nào đó thì chi phí kiệt quệ tài chính sẽ vượt qua lợi ích của “lá chắn thuế” từ lãi vay. Từ đó, giá trị công ty sẽ giảm và gia tăng xác xuất phá sản.

(2) Đề tài đã phân tích, đánh giá thực trạng phát thuế TNDN và đầu tư ngoài quốc doanh và FDI thời gian qua. Theo đó, trong thời gian qua, hệ thống chính sách thuế của Việt Nam nói chung và chính sách thuế TNDN nói riêng đã liên tục được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện phù hợp với thực tiễn, góp phần đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề như còn thất thu thuế, số doanh nghiệp vi phạm thuế còn cao, chi tiêu thuế còn khá lớn, tính tuân thủ thuế của người nộp thuế chưa đảm bảo, còn tình trạng kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế TNDN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN mặc dù số lượng doanh nghiệp, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp đều tăng trưởng khá tốt (trừ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ). Riêng khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã thể hiện được vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 khi mà mức tăng thu hút vốn sản xuất - kinh doanh cao nhất, tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận gia tăng nhanh nhất, số tăng trưởng nộp NSNN là dương trong khi 2 khu vực doanh nghiệp còn lại âm.

Do kết quả kinh doanh tốt nên tình hình đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 khá tốt. Thu hút đầu tư của khu vực doanh nghiệp FDI tích cực, nằm trong top thế giới về thu hút và giải ngân vốn đầu tư FDI. Khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn giữ vai trò đầu tư chủ đạo và có tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư thực hiện tương đối cao. Trong khu vực này, đầu tư tư nhân ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng và nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế với việc hình thành nhiều doanh nghiệp tư nhân có tầm cỡ quốc tế. Hiện nay, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành như giao vận, công nghệ và năng lượng tái tạo, do đây là những nhóm ngành được hưởng nhiều ưu đãi từ động lực thúc đẩy đầu tư của nhà nước như ưu đãi về chính sách thuế, tín dụng, đất đai, vốn.

(3) Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, đề tài đã đánh giá tác động của thuế TNDN đến đầu tư ngoài quốc doanh và FDI. Để xem xét tác động của thuế TNDN đối với vốn đầu tư của doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp FDI, nghiên cứu đã sử dụng chuỗi dữ liệu dạng bảng với mô hình Pooled OLS, giai đoạn 2016 - 2019 ở 63 tỉnh thành, địa phương. Trong đó, biến được giải thích gồm vốn đầu tư thực hiện của doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp FDI, biến giải thích gồm tổng doanh thu (DT), nợ phải trả (nophaitra), lợi nhuận trước thuế (LNTT), quy mô tổng sản phẩm của địa phương (GDP), thuế TNDN của khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (TNDN). Từ kết quả ước lượng cho thấy: (i) Triển vọng tăng trưởng kinh tế là nhân tố khá quan trọng thu hút đầu tư và thúc đẩy các hoạt động gia tăng vốn đầu tư của doanh nghiệp. Nhân tố này có tác động mạnh tới đầu tư của khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh hơn là khu vực doanh nghiệp FDI; (ii) Doanh thu là biến cũng thể hiện tác động rõ ràng đối với hoạt động đầu tư của cả hai khu vực doanh nghiệp. Đối với khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh thu tăng tương đương với việc mở rộng đầu tư và đây là biến có mức độ tác động lớn thứ hai sau GDP. Đối với khu vực doanh nghiệp FDI, hệ số ước lượng doanh thu đã phản ánh thực tiễn Việt Nam đối với doanh nghiệp FDI, khi mà tình trạng báo lỗ liên tục nhưng việc mở rộng đầu tư, sản xuất - kinh doanh vẫn gia tăng;(iii) Nợ phải trả là yếu tố có ảnh hưởng cụ thể đến đầu tư. Đối với khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tổng nợ phải trả là biến gây thu hẹp quy mô đầu tư nhưng mức độ ảnh hưởng rất không đáng kể, cho thấy các chính sách ưu đãi về thuế TNDN đã có những ảnh hưởng tích cực đối với đầu tư của doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhưng chưa đủ lớn để cân bằng với những ảnh hưởng tiêu cực do thuế suất, lãi vay, chi phí tuân thủ thuế, chi phí nguyên vật liệu, lương nhân công... Đối với doanh nghiệp FDI, hệ số ảnh hưởng của nợ phải trả đối với đầu tư của doanh nghiệp là lớn nhất trong các biến được xem xét trong mô hình, điều này thể hiện rằng chính sách ưu đãi, trải thảm của nhà nước như giãn thuế, cho nợ thuế, giảm thuế đất, nhân công rẻ... trong thời gian dài đã có tác động thúc đẩy, mở rộng đầu tư của doanh nghiệp FDI (iv) Thuế TNDN là biến có mức độ ảnh hưởng tương đối khác nhau đối với hai khu vực doanh nghiệp. Đối với khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, qua kênh gián tiếp là nợ phải trả đã cho thấy, gánh nặng thuế TNDN gây ra tác động thu hẹp quy mô đầu tư của khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, mặc dù ảnh hưởng rất thấp. Ngược lại, đối với khu vực doanh nghiệp FDI, thuế TNDN lại có tác động tích cực đối với đầu tư, với hệ số ảnh hưởng tương đối khá; (v) Về mức độ tác động của các biến trong mô hình đối với đầu tư cho thấy: Đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, triển vọng tăng trưởng kinh tế, quy mô kinh tế là yếu tố quan trọng để cân nhắc các quyết định đầu tư hoặc và mở rộng đầu tư, chính sách thuế TNDN có thể được xem là khá cân bằng khi gây ra các tác động tiêu cực hoặc tích cực đối với đầu tư ở mức độ rất nhỏ. Nhưng đối với khu vực doanh nghiệp FDI thì việc đầu tư lại được dựa trên các yếu tố cấu thành nên nợ phải trả (nợ ngắn hạn, nợ dài hạn) như vấn đề thuận lợi về ưu đãi thuế, tín dụng, tiếp cận vốn, tiền lương nhân công, đất đai và ưu đãi về thuế suất hơn là các vấn đề về triển vọng hay quy mô GDP.

(4) Đề tài đã xây dựng kịch bản tác động của thuế TNDN đến đầu tư ngoài quốc doanh và FDI trong giai đoạn 2021 - 2025. Để dự báo đầu tư của doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp FDI trong giai đoạn 2021 - 2025, nghiên cứu đã xây dựng 3 kịch bản: (i) Ổn định như giai đoạn 2016 - 2019; (ii) Điều chỉnh giảm 1% thuế suất phổ thông và giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; (iii) Cắt giảm 20% ưu đãi hiện có đối với khu vực FDI và tăng thêm 10% ưu đãi đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Kết quả dự báo cho thấy: (i) Đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, triển vọng kinh tế tích cực sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư gia tăng, tuy nhiên, nếu đi kèm với các cải cách và hỗ trợ chính sách thì đầu tư của khu vực này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn, mức tăng bình quân có thể đạt khoảng 14,4% và chiếm tỷ trọng khoảng 17,3% GDP; (ii) Đối với doanh nghiệp FDI: Đặc điểm riêng của khu vực doanh nghiệp này là chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn và được hưởng rất nhiều ưu đãi do chính sách thu hút đầu tư FDI của nhà nước, do đó, kết quả dự báo từ các kịch bản đưa ra cho thấy việc cắt giảm ưu đãi đối với doanh nghiệp FDI sẽ làm giảm tỷ trọng vốn đầu tư thực hiện của doanh nghiệp FDI so với GDP, trong khi đó, việc giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính có thể đem lại hiệu quả thúc đẩy và mở rộng hoạt động đầu tư với mức tăng trưởng vốn đầu tư thực hiện có thể đạt được là 14,5% và tỷ trọng so với GDP khoảng 9,5%.

(5) Từ quá trình phân tích lý luận, đánh giá thực trạng, phân tích tác động của thuế đối với đầu tư và dự báo ảnh hưởng của các kịch bản thuế đối với đầu tư của hai khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp FDI. Một số kiến nghị nhằm tăng cường hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trong thời gian tới như sau:

Tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô vững mạnh, ổn định, đảm bảo tăng trưởng kinh tế bình quân ở mức 6,5%, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp dưới 4%; mở cửa nền kinh tế và có chiến lược đúng trong xử lý dịch Covid-19, đồng thời đẩy nhanh quá trình tiêm chủng để đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, xóa bỏ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm đẩy nhanh tiến độ số hóa nhằm giảm gánh nặng hành chính và hạn chế giao dịch trực tiếp

Đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh: Các ưu tiên định hướng chính sách có thể tập trung vào một số nhóm như: (i) Cải cách thủ tục hành chính đi kèm với giảm các chi phí tuân thủ thuế, đặc biệt là các thủ tục hành chính về đầu tư, môi trường, đất đai; (ii) Tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cũng như các ưu đãi tín dụng để hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp; (iii) Giải quyết những thiếu hụt về kỹ năng và thực tiễn quản lý để tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp; (iv) Xem xét ưu đãi về thuế để tăng tính động viên của chính sách thuế đối với một số lĩnh vực khuyến khích phát triển của nhà nước nhằm thu hút các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia.

Đối với doanh nghiệp FDI: Một số kiến nghị cần được xem xét: (i) Xem xét cắt giảm ưu đãi thì nên cắt giảm có chọn lọc đối với ưu đãi đầu tư nước ngoài. Trước hết, Nhà nước nên đẩy mạnh việc kiểm tra, thanh tra hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp FDI, chống chuyển giá, kê khai sai chi phí, từ đó truy thu, bổ sung thêm nguồn thu cho NSNN; (ii) Việc điều chỉnh chính sách cần phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược, kế hoạch thu hút FDI của các nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đối tác đầu tư chính của Việt Nam; (iii) Cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó,tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giảm thiểu chi phí tuân thủ thuế, đặc biệt là các chi phí không trực tiếp; (iv) Cần xem xét đánh giá các mặt được, chưa được của các nhóm lợi thu hút đầu tư, để phát huy những điểm mạnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn trong thu hút FDI trong thời gian tới.

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 90/QĐ-CLTC ngày 10/12/2021 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).

- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%