Nghiên cứu, đánh giá chính sách phí, lệ phí ở Việt Nam

Nghiên cứu, đánh giá chính sách phí, lệ phí ở Việt Nam 16/03/2023 14:33:00 1492

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Nghiên cứu, đánh giá chính sách phí, lệ phí ở Việt Nam

16/03/2023 14:33:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách tài chính công

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Hồ Ngọc Tú

- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-02-Đ2

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Phí, lệ phí được xem là các sắc thu ổn định hàng năm của Ngân sách nhà nước. Chính sách phí, lệ phí được xem là công cụ để chính phủ sử dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong những giai đoạn nền kinh tế suy thoái, dịch bệnh, thiên tai bất thường.

Chính sách phí, lệ phí đã được nhà nước cải cách, sửa đổi từ khi bắt đầu đổi mới cải cách nền kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường. Văn bản pháp lý đầu tiên được ban hành nhằm điều chỉnh hoạt động thu phí, lệ phí của các bộ, ngành là Chỉ thị số 276-CT ngày 28/7/1992 của Thủ tướng Chính phủ về việc thống nhất quản lý các loại phí, lệ phí và các quy định về hoạt động thu phí, lệ phí, đã hình thành nên hệ thống pháp luật về phí lệ phí. Tiếp sau đó, Nghị định số 04/1999/NĐ-CP của Chính phủ về phí, lệ phí thuộc NSNN được ban hành ngày 30/01/1999 và Pháp lệnh phí và lệ phí được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua năm 2001. Năm 2015, Luật phí, lệ phí đã được ban hành, khắc phục được các hạn chế về pháp lệnh phí, lệ phí trước đây và có các điều chỉnh phù hợp với các thay đổi của tình hình kinh tế xã hội. Kết quả cải cách, sửa đổi chính sách về phí, lệ phí trong thời gian qua đã góp phần gia tăng đóng góp của phí, lệ phí vào thu ngân sách nhà nước khi thu ngân sách nhà nước từ phí, lệ phí chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng thu ngân sách; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội; khuyến khích phát triển các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các doanh nghiệp nhỏ, lĩnh vực nông nghiệp cần ưu tiên, các doanh nghiệp thành lập mới, giáo dục mầm non. Cải cách quản lý phí, lệ phí đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Mặc dù vậy, quá trình thực hiện pháp luật về phí, lệ phí cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc như : Số lượng văn bản quy phạm pháp luật về phí, lệ phí lớn gây khó khăn cho cơ quan quản lý, người dân, doanh nghiệp trong việc tra cứu, áp dụng; Mức xử phạt vi phạm thu các khoản phí, lệ phí hiện nay được cho là vẫn chưa đủ để ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về phí, lệ phí; Một số lĩnh vực mới trong chuyển đổi số, công nghệ block chain hay tiền số liên quan đến các giao dịch nắm giữ các tài sản số, thương mại điện tử cần có các giải pháp để nghiên cứu bổ sung vào danh mục các lĩnh vực cần tính phí, lệ phí; Một số khoản phí, lệ phí khi triển khai áp dụng còn một số khó khăn vướng mắc khi thực hiện, nhất là các loại phí, lệ phí tính theo tỷ lệ phần trăm… Ngoài ra, bối cảnh tình hình kinh tế xã hội ngày càng thay đổi nhanh chóng do tác động của chuyển đổi số, đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế xã hội và yêu cầu ngày càng cao của xã hội về tính công bằng, hiệu quả, khoa học trong chính sách về phí, lệ phí khiến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam phải điều chỉnh một số chính sách phí, lệ phí. Do đó, việc triển khai đề tài ‘Nghiên cứu, đánh giá chính sách phí, lệ phí ở Việt Nam” là thực sự cần thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Nghiên cứu, đánh giá chính sách phí, lệ phí ở Việt Nam nhằm đề xuất giải pháp cải cách, đổi mới chính sách phí, lệ phí nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách phí, lệ phí.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Chính sách phí, lệ phí.

Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu cơ sở lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế và tổng thể chung về chính sách phí, lệ phí hiện nay tại Việt Nam; nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện chính sách phí, lệ phí từ khi đổi mới cải cách nền kinh tế đến nay và tập trung vào những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách phí lệ phí hiện nay ở các cấp hay các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong danh mục phí, lệ phí.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã khái quát những vấn đề chung về chính sách phí, lệ phí. Theo đó, chính sách phí, lệ phí là các chính sách để điều tiết mức tính phí, lệ phí, chất lượng và số lượng trong cung ứng dịch vụ, hàng hóa công. Đồng thời, chính sách phí, lệ phí điều tiết thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ mà nhà nước độc quyền, các hàng hóa dịch vụ công mà nhà nước bắt buộc phải cung ứng cho người dân vì không có lựa chọn đơn vị thay thế cung ứng. Mục tiêu hướng tới của các chính sách phí, lệ phí là gia tăng tính hiệu quả sử dụng nguồn lực của nhà nước, xã hội, đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong cơ chế áp dụng trên thực tế về phí, lệ phí. Chính sách phí, lệ phí được xem là khoản thu có tính chất bắt buộc đối với những chủ thể thụ thưởng trực tiếp, gián tiếp các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước cung cấp và để duy trì hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ công phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân, nhà nước phải sử dụng công cụ phí, lệ phí để bù đắp chi phí và các mục tiêu đề ra trong quản lý kinh tế xã hội.

(2) Đề tài đã nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về chính sách phí, lệ phí và rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, cụ thể như: Khuyến khích khu vực tư nhân cạnh tranh công bằng với chính phủ, hạn chế các rào cản trong cung ứng hàng hóa, dịch vụ công của khu vực tư nhân; Cách tính phí của Việt Nam hiện nay cần tính tới tác động tiêu cực và tích cực đối với từng đối tượng để xác định áp dụng mức cao hay thấp như việc áp dụng chính sách thuế; Cân nhắc xem nguồn thu từ một số loại phí, lệ phí cho nhóm đối tượng mà khả năng có tác động tiêu cực tới môi trường xã hội nhằm bù đắp hụt thu ngân sách nhà nước từ thuế; Công tác kiểm soát chất lượng các dịch vụ công do nhà nước tính phí, lệ phí cũng cần chú trọng do một số cơ sở nhà nước theo đuổi mục tiêu lợi nhuận mà chưa đảm bảo chất lượng cung ứng dịch vụ hàng hoá công, nhất là lĩnh vực kiểm định chất lượng các sản phẩm y tế, giáo dục, văn hoá hay việc cấp bằng sáng chế và thương hiệu; Thiết kế chính sách thu để tính phí, lệ phí hàng hoá, dịch vụ công cung ứng cần phù hợp với khả năng chi trả của người dân trong từng lĩnh vực cụ thể và đảm bảo khả năng cung ứng các hàng hoá dịch vụ này ở mức tối ưu nhất và xác định mức phí, lệ phí có thể áp dụng các tiêu chí như khả năng chi trả của người dân, lạm phát. Công khai các thông tin về phí và lệ phí cho công chúng và khuyến khích sự phản hồi của người dân, đặc biệt khi mức giá mới được áp dụng hoặc khi chính sách giá được thay đổi.

(3) Đề tài đã phân tích, đánh giá thực trạng chính sách phí, lệ phí hiện nay tại Việt Nam, qua đó cho thấy, những cải cách, sửa đổi chính sách về phí, lệ phí trong thời gian qua đã làm gia tăng sự đóng góp của phí, lệ phí vào thu ngân sách nhà nước. Chính sách phí, lệ phí đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội và phát triển các lĩnh vực ưu tiên như trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Cải cách quản lý phí, lệ phí đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, các thủ tục hành chính liên quan đến phí, lệ phí đã được giảm bớt, bãi bỏ do không còn phù hợp với thực tế phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Đề tài cũng chỉ ra một số hạn chế của chính sách phí, lệ phí hiện nay như: Số lượng văn bản quy phạm pháp luật về phí, lệ phí lớn; Tính cập nhật các thay đổi về mức thu phí, lệ phí sao cho sát với tình hình thực tế về chi phí đầu vào cung ứng dịch vụ, sự thay đổi của các ngành nghề lĩnh vực diễn ra hàng ngày đang có hạn chế; Kỳ vọng về hành vi vi phạm pháp luật về phí, lệ phí vẫn còn cao khi mức xử phạt vi phạm thu các khoản phí, lệ phí hiện nay được cho là vẫn chưa đủ để ngăn ngừa, hạn chế; Chính sách phí, lệ phí cũng cần nghiên cứu bổ sung thêm danh mục các lĩnh vực mới liên quan đến chuyển đổi số, công nghệ block chain hay tiền số, thương mại điện tử xuyên biên giới. Bên cạnh đó, việc áp dụng chính sách lệ phí trước bạ đối với nhà đất cũng cần điều chỉnh khung giá đất phù hợp với thị trường. Chất lượng các dịch vụ công tính phí, lệ phí cũng cần được cải thiện hơn nữa nhất là trong lĩnh vực về y tế, giáo dục có tác động tới đông đảo người dân trong xã hội.

(4) Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và thực trạng chính sách phí, lệ phí ở Việt Nam hiện nay, đề tài đã đề xuất một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện chính sách phí lệ phí, trong đó tập trung vào những vấn đề trọng tâm sau: (i) Giải pháp nhằm đổi mới chính sách phí, lệ phí trong thời gian tới là cần tiến tới giảm thiểu các văn bản quy phạm pháp luật về phí lệ phí. Cần có cơ chế phối hợp thường xuyên và linh động hơn giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác phụ trách chuyên ngành từng lĩnh vực kinh tế xã hội để cập nhật mức thu phí lệ phí phù hợp với thị trường. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và các bộ, ngành rà soát lại danh mục phí, lệ phí hàng năm để loại bỏ các loại phí, lệ phí đã lỗi thời và cập nhật các phí, lệ phí mới. Nghiên cứu chuyển đổi các loại phí, lệ phí sang cơ chế giá phù hợp và giao cho các đơn vị sự nghiệp công phụ trách tổ chức cung ứng dịch vụ và thu nộp về ngân sách nhà nước theo quy định về cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công; (ii) Chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về phí, lệ phí cần cao hơn để giảm thiểu kỳ vọng lợi ích thu được khi vi phạm chính sách phí, lệ phí. Nghiên cứu, áp dụng thu phí lệ phí đối với một số lĩnh vực mới trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ block chain hay tiền số, thương mại điện tử xuyên biên giới hiện nay; (iii) Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, có thể cải cách chính sách phí, lệ phí như: Khuyến khích khu vực tư nhân cạnh tranh công bằng với chính phủ hạn chế các rào cản trong cung ứng hàng hóa, dịch vụ công của khu vực tư nhân; Cách tính phí của Việt Nam hiện nay cần tính tới tác động tiêu cực và tích cực đối với từng đối tượng để xác định áp dụng mức cao hay thấp như việc áp dụng chính sách thuế; Cân nhắc xem nguồn thu từ một số loại phí, lệ phí cho nhóm đối tượng mà việc khả năng có hoạt động tác động tiêu cực tới môi trường xã hội nhằm bù đắp hụt thu ngân sách nhà nước từ thuế; Công tác kiểm soát chất lượng các dịch vụ công do nhà nước tính phí, lệ phí cũng cần chú trọng vì một số cơ sở nhà nước vì mục tiêu lợi nhuận chưa đảm bảo được chất lượng từ việc cung ứng dịch vụ hàng hoá công nhất là những lĩnh vực kiểm định chất lượng các sản phẩm y tế, giáo dục, văn hoá hay việc cấp bằng sáng chế và thương hiệu…

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 102/QĐ-CLTC ngày 21/11/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).

- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%