- Đơn vị chủ trì: Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Nguyễn Thị Hải Thu
- Năm giao nhiệm vụ: 2021/Mã số: 2021-01-Đ1
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Đầu tư công là nguồn lực của tăng trưởng kinh tế. Đầu tư công vừa có tác động định hướng, dẫn dắt các nguồn vốn khác vào đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và phát triển kinh tế đất nước. Nguồn vốn đầu tư công xét về bản chất là nguồn vốn thuộc sở hữu toàn dân và do vậy tính lợi nhuận không phải là mục tiêu duy nhất. Khác với đầu tư tư nhân, mục tiêu của đầu tư công không phải chỉ vì mục đích lợi nhuận mà vai trò lớn lao của đầu tư công còn ở việc tạo ra những nền tảng thiết yếu, hạ tầng kết cầu kinh tế - xã hội cho các thành phần kinh tế cùng tăng trưởng và phát triển.
Trong giai đoạn vừa qua, đầu tư công là một trong những yếu tố quan trọng và quyết định đối với quá trình phát triển kinh tế ở Việt nam. Thực tiễn cho thấy, kết cấu hạ tầng là vốn tồn tại bên ngoài doanh nghiệp và hỗ trợ hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp cũng như các hoạt động của các cá nhân. Do vậy, nhiều doanh nghiệp và cá nhân trong cùng khu vực có hưởng lợi từ kết cấu hạ tầng đó mà không mất thêm chi phí hoặc ít nhất với chi phí thấp.
Là một nước đang phát triển, nhu cầu vốn cho đầu tư là rất lớn, đặc biệt là nhu cầu vốn để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo. Do vậy, trong những năm vừa qua, tỷ trọng đầu tư công ở Việt Nam luôn ở mức cao hơn so với các dòng vốn khác đã cho thấy vai trò của dòng vốn này đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Trong giai đoạn 2000 - 2005, đầu tư công chiếm gần 40% tổng đầu tư, 15% GDP, cao gấp đôi tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư tư nhân. Giai đoạn sau đó, tốc độ tăng của dòng vốn đầu tư công đã có xu hướng giảm, tuy nhiên tỷ trọng của dòng vốn này trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội vẫn ở mức lớn. Sau khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2008, mô hình tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư của Việt Nam đã bộc lộ nhiều giới hạn làm cho việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng đã được Chính phủ quyết tâm thúc đẩy thực hiện. Cơ cấu lại đầu tư công cũng là một trong những trụ cột của quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế. Mặc dù đầu tư công đóng vai trò quan trọng nhưng tác động của đầu tư công vẫn là vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo do: (i) Đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư nhưng Việt nam vẫn tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực về cơ sở hạ tầng; (ii) Đầu tư công vẫn chưa phát huy được tích cực vai trò dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư tư nhân. Hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP) vẫn còn hạn chế; (iii) Hiệu quả đầu tư công thấp, tình trạng thất thoát lãng phí còn phổ biến làm hạn chế tác động của đầu tư công đến tăng trưởng. Sự kém hiệu quả trong hoạt động đầu tư công không chỉ tác động tiêu cực đến hiệu quả đầu tư xã hội nói chung, mà còn làm tăng các bất ổn kinh tế như sức ép lạm phát, nợ công; (iv) Dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, tạm dựng hoạt động sản xuất. Dòng vốn FDI cũng có xu hướng giảm đã tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, dòng vốn đầu tư công với vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước đã được chú trọng hơn để khắc phục những hậu quả của Covid-19 đối với nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng.
Vì vậy, việc nghiên cứu “Mối quan hệ giữa đầu tư công với tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 - 2020 và kiến nghị cho giai đoạn 2021 - 2030” là cần thiết.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Nhận diện thực trạng đầu tư công ở Việt Nam để đánh giá tác động của đầu tư công đối với tăng trưởng ở Việt Nam. Từ đó, đưa ra đề xuất kiến nghị đối với đầu tư công được hiệu quả hơn, hướng tới đáp ứng được yêu cầu mô hình tăng trưởng mới ở Việt Nam trong những năm tới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Mối quan hệ giữa đầu tư công và tăng trưởng kinh tế.
Phạm vi nghiên cứu: Đối với phần thực trạng, đề tài giới hạn phạm vi nghiên cứu về mối quan hệ giữa đầu tư công và tăng trưởng ở Việt Nam trong giai đoạn năm 2011 - 2021; đối với phần giải pháp là giai đoạn 2021 - 2030. Về không gian, phần kinh nghiệm quốc tế được giới hạn ở các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Phillipine; phần thực trạng là nghiên cứu về đầu tư công và tăng trưởng trong phạm vi toàn nền kinh tế Việt Nam.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã phân tích được một số vấn đề chung về đầu tư công và tăng trưởng kinh tế, đưa ra các khái niệm về đầu tư công và tăng trưởng kinh tế, các nhân tố của tăng trưởng kinh tế, đặc điểm và phân loại đầu tư công. Trên cơ sở đó, đề tài đã làm rõ khung lý thuyết về mối quan hệ giữa đầu tư công với tăng trưởng kinh tế, các nhân tố ảnh hưởng đến mối quan hệ này. Đối với Việt Nam, đầu tư công là một nhân tố quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Ở Việt Nam, đầu tư công có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Quy mô đầu tư công đã không ngừng gia tăng kể từ năm 1990, đầu tư công luôn chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng như góp một phần lớn vào xây dưng cơ sở hạ tầng. Giai đoạn 2011 - 2020, mặc dù tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội, tỷ trọng đầu tư công so với GDP có xu hướng giảm nhưng vai trò của đầu tư công ngày càng được khẳng định, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm cho vai trò dẫn dắt, tạo tính lan tỏa của đầu tư công càng được nhìn nhận rõ nét. Việc đánh giá tác động đầu tư công ở Việt Nam do vậy có ý nghĩa cấp thiết cả về thực tiễn lẫn lý luận.
(2) Qua phân tích đánh giá thực trạng về thực trạng đầu tư công và tăng trưởng của Việt Nam, đề tài kiểm định tác động của đầu tư công đến tăng trưởng bằng phương pháp ECM. Với phương pháp này, đề tài đã rút ra được một số các đánh giá về tác động của đầu tư công đối với tăng trưởng Việt Nam đó là: Đầu tư công có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong cả ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, tác động đó là không nhiều, điều này phản ánh hiệu quả đầu tư, chất lượng của đầu tư công trong giai đoạn vừa qua là không cao, chưa đạt được kỳ vọng ngay cả khi thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và cơ cấu lại đầu tư công. Ngoài ra, bên cạnh kết quả đạt được thì hoạt động đầu tư công trong giai đoạn vừa qua vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cụ thể: (i) Việc giải ngân vốn đầu tư và hoàn thành các dự án đầu tư công nhanh là yếu tố quan trọng, có tác động lan tỏa trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, công tác giải ngân vốn đầu tư công mặc dù có cải thiện nhưng vẫn còn chậm và gặp nhiều vướng mắc. Chậm giải ngân do nhiều nguyên nhân như: Chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, chưa bảo đảm đầy đủ các quy định hiện hành, có nơi còn mang tính hình thức, chủ quan, chưa gắn với thực tiễn và quy định pháp luật; công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán còn sai sót như: áp dụng định mức, đơn giá không đúng quy định....; công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu còn sai sót trong việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu…; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, mất thời gian làm chậm tiến độ của hầu hết các dự án; (ii) Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia và dự án trọng điểm chưa đạt yêu cầu đề ra. Một số dự án quan trọng quốc gia như đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội bố trí vốn nhưng tiến độ triển khai chậm; (iii) Chưa khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Cơ chế thu hút đầu tư PPP còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, một số công trình phải điều chỉnh phương thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công, điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn, ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực, hiệu quả đầu tư.
(3) Từ những bất cập, hạn chế về thực trạng đầu tư công, Đề tài cũng đưa ra một số kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả trong việc đánh giá tác động đầu tư công cũng như các giải pháp nhằm nâng cao các tác động tích cực của đầu tư công, cụ thể là: Hoàn thiện quy định pháp lý về đầu tư công; hoàn thiện hệ thống thống kê về đầu tư công; tiếp tục thực hiện quá trình tái cơ cấu đầu tư công; huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế theo cơ chế thị trường… Bên cạnh đó, đề tài cũng đưa các các điều kiện để thực hiện các giải pháp về đầu tư công như cải thiện môi trường đầu tư, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 109/QĐ-CLTC ngày 21/11/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.