- Đơn vị chủ trì: Ban Tài chính quốc tế và Chính sách hội nhập
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Lê Quang Thuận
- Năm giao nhiệm vụ: 2020/Mã số: 2020-03-Đ3
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Năm 2020, kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều yếu tố bất định cả về chính trị, kinh tế - xã hội và thảm họa thiên tai bất thường. Tình hình căng thẳng chính trị tiếp tục diễn ra ở một số quốc gia và khu vực, trong đó tình hình khu vực Trung Đông vẫn là “chảo lửa”, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đáng chú ý là quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu là Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng không chỉ về thương mại mà còn có xu hướng mở rộng sang nhiều vấn đề khác như công nghệ, tài chính, thậm chí cả những vấn đề mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn cho là công việc nội bộ của Trung Quốc như Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đối với nhiều quốc gia về mọi mặt, nhất là về kinh tế - xã hội. Dịch Covid-19 đã phủ bóng đen lên kinh tế toàn cầu với tác động còn lớn hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới cách đây một thập kỷ, thậm chí đây được xem là cuộc khủng hoảng lớn nhất sau 90 năm qua kể từ cuộc đại suy thoái kinh tế 1929 -1933. Bên cạnh đó, thảm họa thiên tai bất thường xảy ra ở nhiều nơi với nhiều trận mưa bão kỷ lục, lũ quét, động đất, núi lửa phun trào và cháy rừng trong năm 2020 đã làm cho hàng nghìn người thiệt mạng, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng và sinh kế của người dân.
Trong năm 2020, các chỉ số thể hiện sức khỏe kinh tế tại nhiều nước đều giảm mạnh. Nhiều quốc gia có mức tăng trưởng âm kỷ lục, thậm chí xuống thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, cầu tiêu dùng, sản xuất và đầu tư giảm mạnh. Nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 lan rộng dẫn đến suy thoái kinh tế và phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nợ công, khủng hoảng tài chính, gia tăng tỷ lệ người mất việc làm, nguy cơ bất ổn xã hội. Dịch Covid-19 bùng phát và tác động nghiêm trọng đến kinh tế thế giới, làm cho cân đối ngân sách gặp khó khăn do nguồn thu ngân sách giảm trong khi phải tăng chi ngân sách để ứng phó dịch bệnh và kích thích kinh tế. Do đó, nợ công ở nhiều nước đã tăng mạnh. Nhiều tổ chức định chế tài chính quốc tế đã có những đánh giá kịp thời về mức độ tổn thất do đại dịch Covid-19 gây ra thông qua tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, tháng 4/2021) đã đánh giá tăng trưởng thế giới đạt mức -3,3%, giảm sâu so với mức 2,8% (năm 2019) và 3,5% (năm 2018). Cao hơn đánh giá của IMF, Ngân hàng Thế giới (WB, tháng 01/2021) ước tính tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ đạt mức -4,3% (năm 2020), thấp hơn rất nhiều so với mức 2,3% (năm 2019) và 3% (năm 2018).
Là nền kinh tế đã hội nhập sâu với thế giới và có độ mở lớn (khoảng 200% GDP), Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất định cả về chính trị, kinh tế - xã hội của bối cảnh quốc tế. Đồng thời, những hạn chế, yếu kém nội tại của nền kinh tế tồn tại trong nhiều năm qua cộng hưởng với những vấn đề mới nảy sinh đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đặc biệt, năm 2019, đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan ở nhiều nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân và doanh nghiệp trên nhiều phương diện. GDP năm 2020 tăng 2,91%, mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011 - 2020. Ngoài ra, Việt Nam cũng phải trải qua nhiều thảm họa thiên tai bất thường do biến đổi khí hậu gây thiệt hại lớn về người và phá hủy nhiều hệ thống kết cấu hạ tầng trong năm 2020. Trong bối cảnh đó, đối với ngành Tài chính, việc triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2020 gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trước yêu cầu đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy, việc nghiên cứu đề tài: “Kinh tế tài chính Việt Nam 2020 và triển vọng” là cần thiết.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Trên cơ sở nghiên cứu bối cảnh kinh tế thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đề tài đánh giá tình hình kinh tế - tài chính Việt Nam năm 2020 và dự báo, triển vọng thời gian tới, tập trung vào chính sách tài chính ứng phó với đại dịch và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Kinh tế - tài chính của Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung phân tích tình hình kinh tế - tài chính của thế giới và Việt Nam; các chính sách tài chính ứng phó ứng phó đại dịch và hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam và khảo cứu kinh nghiệm thế giới. Thời gian nghiên cứu năm 2020 và dự báo năm 2021.
4. Kết quả nghiên cứu
[1] Đề tài đã phân tích được bức tranh kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2020 và phản ứng chính sách của nhiều quốc gia. Năm 2020, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội không thuận lợi và thiên tai bất thường trên toàn cầu đã làm cho cho kinh tế thế giới gặp phải nhiều thách thức. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019, sau đó đã nhanh chóng lan rộng ra nhiều nước trên thế giới làm hàng trăm triệu người bị nhiễm, hàng triệu ca tử vong. Đại dịch Covid-19 đã phủ bóng đen lên kinh tế toàn cầu. Hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái nghiêm trọng, kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã nhanh chóng đưa ra các gói kích thích, hỗ trợ phục hồi kinh tế gồm chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm kịp thời phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các biện pháp hỗ trợ chi phí, hỗ trợ vốn vay và giãn thời hạn trả vốn vay, giảm thuế và giãn thời hạn nộp thuế...; hỗ trợ người lao động thông qua các khoản trợ cấp; cung cấp các khoản trợ cấp xã hội cho người dân gặp khó khăn...
[2] Đề tài đã làm rõ được tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế Việt Nam cũng như các biện pháp điều hành nền kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã sớm xây dựng kế hoạch hành động, phân công cụ thể nhiệm vụ, thời gian cho từng bộ phận, đơn vị thực hiện và chỉ đạo triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm, nhằm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ ngân sách nhà nước (NSNN) được giao. Trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Trên cơ sở tham mưu của Bộ Tài chính, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời điều chỉnh, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, trọng tâm là phối hợp hai nhóm chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
[3] Đề tài đã đề xuất một sô kiến nghị cho Việt Nam nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, trong ngắn hạn, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các biện pháp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách đối với thị trường tài chính, cũng như các chính sách khác kiểm soát dịch Covid-19 và tháo gỡ khăn cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, chính sách thu tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi như miễn, giảm, hoãn một số loại thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Cùng với đó, rà sát, đánh giá, sắp xếp lại các nhiệm vụ, nhu cầu chi NSNN, đảm bảo chủ động, linh hoạt điều chỉnh nguồn lực trong hiện các nhiệm vụ chi NSNN đặc biệt là các nhiệm vụ chi cấp bách trong phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội.
Trong dài hạn, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, tăng tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế hợp lý, loại bỏ các ưu đãi thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển. Ngoài ra, các giải pháp tài chính - tiền tệ cần được thực hiện đồng bộ để thúc đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên ứng dụng những thành tựu mới của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế xanh, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Đẩy mạnh việc tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng lao động và chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 35/QĐ-CLTC ngày 04/5/2021 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2020).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.