Điểm sáng kinh tế Việt Nam

Điểm sáng kinh tế Việt Nam 06/01/2023 11:24:00 8327

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Điểm sáng kinh tế Việt Nam

06/01/2023 11:24:00

Năm 2022, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện tích cực, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Tốc độ tăng GDP cao nhất trong 12 năm qua

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, GDP của Việt Nam lần đầu tiên vượt 400 tỷ USD, GDP bình quân đầu người ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Đặc biệt, GDP năm 2022 của Việt Nam ghi nhận mức tăng cao nhất trong 12 năm qua với mức tăng 8,02% so với năm 2021. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%. Kết quả này đạt được cũng nhờ chính sách phục hồi kinh tế đã phát huy hiệu quả. Tính đến ngày 31/12/2022, đã thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân với tổng số tiền khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng (số tiền gia hạn khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn, giảm khoảng 87,5 nghìn tỷ đồng).

Về phía cầu, hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với 2021 và là mức tăng cao trong nhiều năm trở lại đây. Cũng trong năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3.661,2 nghìn lượt người, gấp 23,3 lần so với năm 2021. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với 2021; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%, cao nhất trong 5 năm qua. Hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng khá và có mức thặng dư tích cực. Tính chung năm 2022, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%; xuất siêu ước khoảng 11,2 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022

Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng cao. Năm 2022, cả nước có 148,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký là 981,3 nghìn người, tăng 27,1% về số doanh nghiệp và tăng 14,9% về số lao động so với năm 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 59,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,8%. Tính chung số doanh nghiệp gia nhập thị trường 2022 đạt 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021.

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với 2021, thấp hơn mức tăng 3,54% và 3,23% của năm 2018 và 2020; cao hơn mức tăng 2,79% và 1,84% của năm 2019 và năm 2021. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59%.

Năm 2023 khó khăn nhiều hơn thuận lợi

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra nhiều cảnh báo cho năm 2023. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng... sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các quốc gia, nền kinh tế, ngay cả các dự báo lạc quan gần đây nhất cũng phải thận trọng hơn. Những khó khăn nêu trên làm cho Ngân hàng Phát triển châu Á điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023, từ mức 6,7% xuống 6,3%.

Cùng với đó, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam đã vững vàng vượt qua khó khăn, tuy nhiên mức tăng trưởng bình quân 3 năm (2020 - 2022) của Việt Nam chỉ đạt 4,48%, vẫn thấp hơn nhiều so với bình quân 5 năm trước đó (là 7,09%). Để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 - 7% của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, thì mức tăng trưởng bình quân 3 năm còn lại cần đạt 7,35%. 

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là cơ hội của nền kinh tế Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, mà còn đẩy mạnh nguồn thu từ phát triển dịch vụ. Tuy nhiên, theo Điều tra về kế hoạch mua hàng hóa để sản xuất năm 2023, dự báo ngành dịch vụ năm 2023 rất khó tăng trưởng như năm 2022 vì tăng năng suất luôn thấp hơn sản xuất hàng hóa. Thời gian tới, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, đơn hàng có thể giảm đến hết quý I/2023, thậm chí quý II/2023, dẫn đến lao động thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân.

Trong khi đó, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Sản xuất công nghiệp trong quý IV/2022 có xu hướng giảm dần do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên, vật liệu. Xuất - nhập khẩu cũng có xu hướng chững lại. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường năm 2022 tăng 19,5% so với năm 2021.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất ngân hàng tăng cao trong nửa cuối năm 2022 cũng tạo những áp lực trong lĩnh vực sản xuất. Trong khi đó, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 67,27% kế hoạch; nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 75,11%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (77,30%), chưa tạo được cú hích thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trước thực tế đó, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam có thể gỡ bỏ áp lực tỷ giá hối đoái thông qua tăng mức độ linh hoạt của tỷ giá trong khi kiềm chế lạm phát; tăng cường các khung chính sách giám sát và xử lý nợ để giảm thiểu rủi ro và khôi phục lòng tin vào hệ thống tài chính; thúc đẩy sử dụng hiệu quả các tài sản chính của Việt Nam như vốn sản xuất, vốn con người và vốn tự nhiên.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các ngân hàng tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn. Các tổ chức phát hành trái phiếu cần thực hiện theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, chủ động đàm phán với nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp phát hành, theo đúng quy định pháp luật.

Các bộ, ngành cần chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất, kiểm soát giá cả thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Ngoài ra, việc giải ngân vốn đầu tư công cần được triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai  các quy hoạch, tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ, không gian mới và động lực mới cho sự phát triển của các vùng kinh tế - xã hội cũng như các địa phương trong vùng.

Các địa phương cần tích cực triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu. Điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao. Triển khai mạnh các chương trình, giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động đẩy mạnh sản xuất, kịp thời ứng phó với các tình huống biến động các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất để chủ động nguồn cung.

Minh Châu

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%