Để hướng tới nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030

Để hướng tới nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 02/03/2023 14:40:00 756

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Để hướng tới nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030

02/03/2023 14:40:00

(Chinhphu.vn) - Với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay, Việt Nam có khả năng gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 nếu không vướng bẫy thu nhập trung bình thấp.

GS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân - Ảnh: VGP/HT

Phát triển kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế

Ngày 01/3 tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Tọa đàm đối thoại chính sách: "Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng  tới  nước  thu  nhập  trung  bình  cao  trước  năm  2030".

Phát biểu tại Tọa đàm, GS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Việt Nam đã liên tục xây dựng và điều chỉnh hệ thống pháp luật của mình để phù hợp với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Một loạt các bộ luật đã được điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh.

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã kiên trì cải cách thể chế kinh tế thị trường theo hướng ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường hội nhập quốc tế, điều này đã mang đến cho Việt Nam một thể trạng kinh tế khoẻ mạnh hơn bao giờ hết, như dự trữ ngoại hối ở mức cao, tỉ lệ nợ công trên GDP ở mức thấp, đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất, nhập khẩu liên tục năm sau cao hơn năm trước…

GS.TS. Phạm Hồng Chương khẳng định, những nỗ lực xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong hơn 30 năm Đổi mới đã góp phần quan trọng vào việc đưa Việt Nam từ một nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 200 USD vào đầu những năm 1990 lên 3.590 USD vào năm 2021.

Với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay, Việt Nam có khả năng gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 nếu không vướng bẫy thu nhập trung bình thấp. 

Tuy nhiên, kinh nghiệm thế giới cho thấy, đa số các quốc gia khi chạm đến ngưỡng này thì tốc độ tăng trưởng chậm dần, nhiều bất ổn kinh tế xuất hiện mang tính cơ cấu rất khó giải quyết dứt điểm, trong khi lại phải đối mặt với nhiều vấn đề về già hoá dân số, an sinh xã hội, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên… hệ quả là chỉ rất ít các quốc gia vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

"Trong số 101 quốc gia có mức thu nhập trung bình trong thập niên 1960, chỉ có 13 quốc gia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2008. Thực tiễn này cho thấy để biến khát vọng thành hiện thực, Việt Nam phải tiếp tục con đường đã chứng tỏ mang lại thành công trong hơn 30 năm qua, đó là phát triển kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế", GS. Phạm Hồng Chương cho hay.

Tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết

Tuy nhiên, GS. Phạm Hồng Chương nhận định, sự vận hành của nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay đang bộc lộ một số hạn chế.

Những "điểm nghẽn" được chỉ ra, như: Nhà nước vẫn phải can thiệp nhiều vào cơ chế giá thị trường, có các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bị thua lỗ… việc bảo vệ quyền sở hữu vẫn chưa được tốt. Cụ thể, đất đai nhiều nơi vẫn bị thu hồi phục vụ mục đích kinh tế của các tập đoàn bất động sản tư nhân.

Nhiều loại thị trường hiện đại chưa được hình thành hoặc còn hạn chế sự tham gia của người dân, như các thị trường ngoại hối, thị trường vàng phái sinh, thị trường hàng hoá phái sinh…

Hệ thống các văn bản pháp luật vẫn còn chồng chéo, khiến cho việc kinh doanh luôn có nguy cơ vi phạm pháp luật; bản thân các cán bộ nhà nước cũng gặp nguy cơ vi phạm pháp luật nếu hiểu sai các quy định, dẫn đến hiện tượng chậm trễ trong việc xử lý các thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình cao và với mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, việc cần phải tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam xem xét, đánh giá thể chế kinh tế thị trường của mình nhằm chuẩn bị tốt cho giai đoạn thuộc nhóm thu nhập trung bình cao; đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều bất ổn... các chuyên gia cho rằng, không hẳn các chương trình kích cầu, đầu tư công mang lại thành tựu phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo.

"Cải cách thể chế kinh tế mới là "chìa khóa" để mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư cả trong-ngoài nước. Đây cũng là thời điểm cần chuẩn bị tốt cho quá trình gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao", GS. Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.

Dưới góc độ quốc tế, TS. Fred McMahon, Viện Nghiên cứu Fraser Canada nhấn mạnh: Cải cách thể chế rất quan trọng và tự do kinh tế đã thúc đẩy sự thịnh vượng trên tất cả các châu lục và thực tế nhiều quốc gia đã chứng minh điều này.

Vị chuyên gia quốc tế dẫn chứng các trường hợp thành công từ tự do kinh tế. Theo đó, Chile từ một nước khá nghèo vào năm 1970 và họ đã vượt lên, đến những năm 1980 đã trở thành quốc gia bật mạnh lên đạt tăng trưởng kinh tế rất cao.

Ở khu vực châu Á, Hàn Quốc, Singapore… những thực tiễn tốt với những kinh nghiệm mà Việt Nam cần lưu ý.

TS. Fred McMahon cho rằng, sau hơn 30 năm đổi mới, cho đến nay, Việt Nam cơ bản đã là một nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, nhưng còn nhiều việc cần làm và phải làm.

Theo ông Fred McMahon, "đòn bẩy" cho hạ tầng kinh tế sẽ giúp nâng cao thu nhập đầu người đồng thời tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế. Lợi thế khác, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ với mức trung bình 6% trong vòng 10 năm qua, trong khi các quốc gia giàu hơn sẽ tăng trưởng chậm lại. Mặt khác, các quốc gia khác (như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan) bắt kịp tốc độ tăng trưởng của Việt Nam nhưng "mờ nhạt" dần khi họ không thể cải thiện tự do kinh tế.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của ổn định, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế-xã hội cho rằng, cần có sự đột phá ở 2 yếu tố đó là duy trì đồng tiền tốt bằng cách tiếp tục kiên trì ở định vĩ mô, đảm bảo lạm phát ổn định ở mức 3-4% trong những năm vừa qua. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xem xét lại chế độ tỷ giá hối đoái, cho phép nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ngoại hối tại các sàn giao dịch.

Bên cạnh đó, ông Đinh Tuấn Minh coi trọng tự do của các dòng chảy thương mại quốc tế. Vì vậy, vị chuyên gia này lưu ý cần rà soát lại các hàng rào phi thuế quan theo hướng rõ ràng, minh bạch và ổn định. Cần kiên trì cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan để giảm chi phí thời gian liên quan đến các thủ tục bắt buộc.

 Ông Minh cũng khuyến nghị rà soát lại các quy định về kiểm soát vốn, để thị trường vốn của Việt Nam hấp dẫn hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài; mở rộng phạm vi công dân của các quốc gia được miễn visa du lịch vào Việt Nam…

Chính phủ cần rà soát lại các duy định về hợp tác công tư để giảm đầu tư trực tiếp từ Nhà nước, thu hút đầu tư từ khu vự tư để cung cấp các dịch vụ tiện ích; đẩy mạnh cổ phần hoá khu vực doanh nghiệp Nhà nước…

Anh Minh

 

 

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%