Tập trung điều hành chính sách tài khóa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Tập trung điều hành chính sách tài khóa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô 03/02/2023 09:50:00 441

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tập trung điều hành chính sách tài khóa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

03/02/2023 09:50:00

(Thoibaotaichinhvietnam.vn) Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tập trung tham mưu chính sách tài khóa cho Chính phủ để tham mưu cho Đảng, Quốc hội bảo đảm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các chính sách tài khóa đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong giai đoạn khó khăn.

Tháo gỡ mọi rào cản để phát triển

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Bộ Tài chính đã kịp thời xây dựng, ban hành Kế hoạch chi tiết thực hiện các nhiệm vụ được giao, tại Quyết định số 33/QĐ-BTC ngày 12/01/2023.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tại kế hoạch này, Bộ Tài chính phân công, phân nhiệm cho các đơn vị phấn đấu thực hiện từng nhiệm vụ. Cụ thể năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tập trung tham mưu cho Chính phủ để tham mưu cho Đảng, Quốc hội đảm bảo tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

“Bộ Tài chính đã đề ra kế hoạch triển khai 108 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có 53 nhiệm vụ trực tiếp chủ trì, 55 nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện; chủ trì xây dựng 33 đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành 57 thông tư. Trọng tâm của chúng tôi là tiếp tục thực hiện tốt chính sách tài khoá; phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ một cách hợp lý nhất và hiệu quả nhất. Đồng thời, Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ổn định thị trường chứng khoán, bảo hiểm, thị trường vốn và đảm bảo quản lý tài chính ngân sách, tài sản công hiệu quả nhất” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế

Được biết, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ, ngành Tài chính đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, ngành Tài chính đã thực hiện thành công chính sách tài khoá. Thu ngân sách đã vượt so với dự toán ở mức cao, bội chi NSNN dưới 4%. Năm 2022 thực hiện gói phục hồi kinh tế 347.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công, chuyển đổi số mạnh mẽ.

Đáng lưu ý, thời gian qua Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp. Trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Bộ sẽ tập trung nỗ lực, quyết liệt thực hiện thành công dự toán ngân sách, tiết kiệm chi, tăng giải ngân vốn đầu tư công, quản lý tài sản công cũng như tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế,… đảm bảo cho chính sách tài khoá được thực hiện minh bạch, hiệu quả.

“Đặc biệt, năm 2023, chúng tôi tiếp tục đề xuất với Chính phủ thực hiện chính sách gia hạn, kéo dài việc giãn, hoãn thời gian nộp thuế như chính sách đã thực hiện trong năm 2022. Đồng thời, tiếp tục tập trung để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng, nâng cao năng lực của doanh nghiệp cũng chính là nâng cao năng lực cho nền kinh tế, từ đó sẽ góp phần tăng thu ngân sách” - Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Có thể thấy, những chính sách nêu trên đã có "tác dụng kép", giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội… Các chính sách tài khóa nhân văn ở trong những thời điểm khó khăn được dư luận đánh giá cao. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh nhiều thử thách, Bộ Tài chính đã không ngại nhận khó về mình, đưa ra gói hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất rất lớn, nhưng vẫn triển khai nhiều giải pháp tăng thu ngân sách. Các chính sách nhằm tăng thu ngân sách nhưng không ảnh hưởng tới doanh nghiệp đã góp phần quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Minh Anh

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%